;
Đặc biệt, khóa tu Phật thất - một mô hình tu học tạo nên sự chuyển hóa sâu sắc trong sinh hoạt của nhiều thế hệ Phật tử luôn được duy trì và đổi mới nhiều năm qua. Nhân vía Đức Phật A Di Đà, nói về sự khởi đầu của khóa tu này với phóng viên báo Giác
Ngộ, TT.Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp chia sẻ:
- Vào cuối năm 1998, nhân cơ hội đến Đài Loan dự lễ khánh thành tháp Phật Đà Xá Lợi Cơ Kim do TT.Thích Quảng Tâm (Đài Loan) mời thỉnh, tôi được dịp đến tham quan Phật Quang Sơn, Linh Nham Sơn Tự và rất ấn tượng về sự nề nếp trong sinh hoạt, tu tập của hàng Phật tử tại gia ở những nơi này. Đặc biệt, buổi chiều có mặt tại Linh Nham Sơn Tự, không khí tu học tại đây như có điều gì đó rất thu hút, tạo sự hoan hỷ lớn khi lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến rất đông Phật tử đi kinh hành theo tiếng niệm Phật có vần có điệu, có âm nhạc lồng ghép rất hay.
Nhưng xen lẫn niềm vui, trong tôi lại thoáng lên suy nghĩ về Phật tử ở quê nhà, vì lúc đó nước chúng ta vẫn chưa có một mô hình sinh hoạt nào khác dành cho cư sĩ tại gia ngoài thời khóa tu học Bát quan trai, chưa có một sơ sở tự viện nào tổ chức các khóa tu tương tự dù lượng Tăng Ni, chùa chiền ngày một nhiều và đông đảo hơn. Với tinh thần cầu thị và nỗi niềm như thế, trong thâm tâm tôi nghĩ khi về Việt Nam sẽ quyết tâm thực hiện mô hình tu học đặc biệt dành cho Phật tử. Từ đó, khóa tu Phật thất được kiến tạo và phát triển cho đến ngày hôm nay.
* Thượng tọa có gặp khó khăn gì không khi lần đầu áp dụng một mô hình tu học khá mới như thế?
- Thực ra, những ngày ban đầu hình thành nên ý tưởng tổ chức và tiến tới thực hiện các khóa tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, trong quá khứ cho đến thời điểm đó, tại Việt Nam mô hình tu tập dành cho Phật tử phổ biến nhất vẫn là Bát quan trai với thời gian chỉ một ngày. Hình thức này đã đi vào nề nếp và chương trình đã định sẵn.
Ngược lại, việc tập trung số lượng đông Phật tử trong một thời gian dài theo kiểu Phật thất (7 ngày niệm Phật) chưa có trong tiền lệ và nếu không thực hiện một cách khoa học, chu đáo sẽ dẫn đến nhàm chán, thiếu sinh động và khó thu hút Phật tử. Ngoài ra, vấn đề an toàn, trật tự, ẩm thực, nhân sự điều phối, không gian sinh hoạt… cũng là những điều cần phải lưu tâm và chuẩn bị cho thật chỉn chu.
Đứng trước những khó khăn đó, chúng tôi chọn cách thức dựa vào mục tiêu mà thực hiện. Theo đó, nội dung cần chú trọng nhất khi tổ chức khóa tu này là phải mang đến sự thay đổi trong sinh hoạt, tu học của hàng Phật tử tại gia theo hướng tích cực hơn.
Sự thay đổi đó được thể hiện trên các phương diện: Oai nghi của người Phật tử khi sống trong tự viện cần được đề cao, tinh thần ham tu hiếu học được xiển dương, hình thức tổ chức khóa tu nhẹ nhàng thông qua việc lồng ghép điệu nhạc vào tiếng niệm Phật và thời khóa tu học phải thoải mái gồm hành trì, nghỉ ngơi, ăn uống.
Một cảnh khóa tu tại chùa Hoằng Pháp
* Và kết quả đạt được sau đó như thế nào, bạch Thượng tọa?
- Phải nói rằng kết quả mang lại thực sự khả quan và đáng trân trọng. Khóa tu Phật thất đầu tiên được tổ chức vào tháng 5-1999 chỉ với 68 hành giả tham dự thì sáu năm sau con số này lên đến 3.000 vị. Đồng thời, nếu như năm 1999 chỉ tổ chức một khóa tu thì vào năm 2000 phải tổ chức đến 4 khóa. Sau đó, cứ đều đặn mỗi năm phải tổ chức 6 khóa tu do nhu cầu tu học của Phật tử tại gia ngày càng đông đảo.
Trong suốt thời gian này, chúng tôi cũng bắt đầu theo dõi chất lượng của các khóa tu cũng như các điều kiện liên quan và dần có sự điều chỉnh để làm sao đạt kết quả cao nhất. Với ý hướng đó, 5 năm trở lại đây, mỗi năm chùa Hoằng Pháp chỉ tổ chức 3 khóa tu vào tháng 3, 7, 11 ÂL. Trung bình mỗi khóa chỉ nhận khoảng 2.000 hành giả. Riêng đêm hoa đăng vía Đức Phật A Di Đà vào ngày 17-11 ÂL nhân khóa tu của tháng này thu hút hơn 15.000 Phật tử gần xa tham dự và tạo thành một lễ hội hàng năm thật sự ấn tượng của chùa Hoằng Pháp.
* Đã có vài lần Thượng tọa cho rằng khóa tu Phật thất được xem như hình mẫu của việc thiết lập Tịnh độ nhân gian. Xin Thượng tọa giải thích thêm về ý này?
- Chủ trương của khóa tu Phật thất là hướng đến sự tu tập và điều chỉnh oai nghi của người Phật tử tại gia như cách chắp tay, xá chào, lễ lạy, đi đứng và sinh hoạt. Điều này rất được chú trọng và hướng dẫn triệt để trong mỗi khóa tu vì oai nghi phải được thể hiện qua hình tướng và từ tướng thánh thiện mà sinh tâm thuần thục.
Kết quả cuối cùng của việc tu tập này vẫn là cầu vãng sanh về cõi Tịnh độ nhưng không cực đoan và đợi đến lúc lâm chung, mà đó chính là Tịnh độ nhân gian. Tức là muốn về Cực lạc Tây phương thì nhất thiết phải tạo dựng sự an lành và hạnh phúc nơi cuộc sống Ta-bà, hay nói cách khác, Cực lạc chỉ có mặt khi mỗi hành giả thật sự làm người tốt nơi cõi trần.
Để đạt được những điều này, chúng tôi chủ yếu dựa vào nội dung kinh Quán Vô Lượng Thọ nói về “tam phước tịnh nghiệp” mà tu tập như: 1. Hiếu dưỡng cha mẹ/ phụng sự sư trưởng/ từ tâm bất sát/ tu thập thiện nghiệp. 2. Thọ trì tam quy/đầy đủ các giới/ không phạm oai nghi. 3. Phát tâm Bồ-đề/ tin sâu nhân quả/ tụng đọc Đại thừa/ khuyến tấn người tu hành.
Nội dung này cũng rất phù hợp với tinh thần chung của kinh A Di Đà, đó là phước huệ song tu, chứ không thể chỉ niệm Phật và ngồi chờ vãng sanh như một số vị tham gia mô hình “hộ niệm vãng sanh” gây nhiều xáo trộn trong thời gian qua ở nhiều nơi trên đất nước chúng ta.
Các hành giả tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp đi kinh hành
* Thượng tọa vừa nhắc đến hiện trạng của các nhóm “hộ niệm vãng sanh”. Là vị giáo phẩm có kinh nghiệm, quan điểm của Thượng tọa về mô hình sinh hoạt này như thế nào?
- Chúng tôi đã từng nêu rất rõ về quan điểm của mình đối với sinh hoạt của các nhóm “Hộ niệm vãng sanh” trong đĩa VCD có tựa đề “Lời thật mất lòng” do chùa Hoằng Pháp phát hành.
Nhưng nếu để nói rằng, một người nào đó qua đời, phải giữ xác trong khoảng thời gian nhất định để được hộ niệm cho đến khi thân mềm, đầu nóng và lúc thiêu lưu xá-lợi tức là vị đó đã được vãng sanh thì hoàn toàn không thấy nội dung này xuất hiện trong bất cứ bộ kinh nào mà Đức Phật đã thuyết. Hoặc giả, nếu vị thầy hay ban hộ niệm nào khẳng định chỉ có họ đến hộ niệm, người mất mới được vãng sanh thì những người đó đã trở thành thần môi giới chứ không phải đang hành trì, tu tập theo pháp Phật.
Khi chúng tôi phát biểu những điều này, có một số nhóm cực đoan thể hiện sự phản ứng, nhưng thiết nghĩ điều gì là chân chánh và đúng đắn sẽ còn lưu truyền mãi, chúng ta là đệ tử Phật thì phải có cái hiểu đúng đắn và sống đúng lời Phật đã dạy, không sai khác được.
* Thượng tọa đánh giá thế nào những ảnh hưởng của các khóa tu Phật thất đối với tình hình tu học của hàng cư sĩ tại Việt Nam?
- Từ khi được hình thành cho đến ngày nay, các khóa tu Phật thất tại Việt Nam đã có thời gian gần 20 năm đón nhận sự tu học của nhiều thế hệ hành giả, Phật tử khác nhau. Qua đó, có thể nhận thấy phong trào tu học của giới tại gia trong nước có những chuyển biến, thay đổi rõ nét.
Chỉ riêng chùa Hoằng Pháp, nhân khóa tu, quý Phật tử có cơ hội được tiếp cận các bài giảng của nhiều vị tôn túc giáo phẩm uy tín và uyên thâm giúp họ kiến giải được nhiều vấn để xảy ra trong cuộc sống. Ngoài ra, trong những khóa tu Phật thất, chúng tôi còn thực hiện chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu nói về những con người lầm lỡ thể hiện sự chuyển hóa thông qua thực tập lời Phật dạy; chương trình Hoa Mặt Trời tuyên dương tấm gương tu học của giới trí thức hay những người có địa vị trong xã hội. Tất cả chương trình này thu hút khá đông người tham dự và mang giá trị khích lệ rất to lớn trong việc tu học của hàng Phật tử.
Từ mô hình này của chùa Hoằng Pháp, nhiều cơ sở tự viện trong cả nước bắt đầu có sự học hỏi, áp dụng tại địa phương mình làm cho phong trào tu học được truyền đi rộng khắp, tạo cơ duyên giúp nhiều đối tượng khác nhau tiếp cận được Phật pháp, oai nghi và chất lượng hành trì của giới Phật tử tại gia tăng lên rõ rệt. Nhờ thế mà chúng ta nhận thấy cụm từ khóa tu Phật thất dần trở nên phổ biến.
Hoa đăng kính mừng vía Đức Phật Bổn tôn A Di Đà
* Thượng tọa có lời khuyên nào đối với các tự viện trong cả nước có nhu cầu tổ chức các khóa tu Phật thất?
- Mặc dù việc tổ chức khóa tu Phật thất khá linh động, không cần truyền giới, xả giới như khóa tu Bát quan trai nhưng khi quyết định tổ chức thì chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện nên xem xét cẩn trọng.
Nếu có thời gian, nhân lực và các cơ sở vật chất đảm bảo thì nên tổ chức Khóa tu Phật thất (7 ngày) với các nội dung khác nhau gồm thuyết giảng, niệm Phật, vấn đáp, kinh hành và các chương trình bổ trợ khác. Ngược lại, nên tổ chức tu học một ngày là hợp lý để khóa tu được chất lượng.
* Chân thành cảm ơn Thượng tọa!
Bảo Thiên thực hiện
Nguồn: http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2016/12/15/52C4CA/