;
1. Sự pháp giới: các pháp sắc và tâm của chúng sanh mỗi mỗi sai biệt, có giới hạn phân cách, nên gọi là “sự pháp giới”.
2. Lý pháp giới: các pháp sắc và tâm của chúng sanh dù có sai biệt, mà đồng một thể tánh, nên gọi là “lý pháp giới”.
3. Lý sự vô ngại pháp giới: Lý do sự mà hiển bày, sự do lý mà thành tựu, lý sự dung hợp lẫn nhau nên gọi là “lý sự vô ngại pháp giới”.
4. Sự sự vô ngại pháp giới: Tất cả giới hạn, phân cách của sự vật xứng với tánh dung thông, một tức nhiều, nhiều tức một, lớn vào nhỏ, nhỏ vào lớn, trùng trùng vô tận, nên gọi là “sự sự vô ngại pháp giới”.
(trích trong Yếu chỉ Kinh Hoa Nghiêm của Thầy Duy Lực lược giải)
Lời giải thích trên quá vắn tắt nên người bình thường chúng ta khó nắm bắt, khó hiểu rõ. Nay tôi xin mạo muội tìm hiểu cho rõ thêm.
Sự : là sự vật có hai hình thái : một là vật chất như sơn hà đại địa, cái nhà, chiếc xe, con vật, con người; hai là phi vật chất như tinh thần, tình cảm. Lòng tự ái, tình yêu nam nữ, tình cảm gia đình giữa cha mẹ và con cái, anh chị em, tình yêu quê hương tổ quốc đều là sự. Thế giới vật chất như vũ trụ vạn vật, năng lượng, và thế giới tinh thần tình cảm của con người gọi chung là sự pháp giới. Chưa hết, tất cả sáu đường (trời, người, a-tu-la, ngạ quỹ, súc sinh, địa ngục), bốn loài (thai sanh, noãn sanh, thấp sanh _vi khuẩn_, hóa sanh), ba cõi (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) đều thuộc về sự pháp giới. Các sự vật trong sự pháp giới có giới hạn, có sự phân cách giữa chúng với nhau, có vẻ như riêng biệt, độc lập. Các sự vật được phân biệt dựa trên 6 hình tướng gọi là lục tướng :
1/Tổng tướng. Ví dụ con người là một tổng tướng. Con người có đầu, mình, hai tay, hai chân, có bộ não, có 6 giác quan hay còn gọi là 6 căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ. Bất cứ con người nào cũng có đầy đủ các bộ phận như thế, gọi là tổng tướng.
2/Biệt tướng. Tuy con người có tổng tướng giống nhau, nhưng mỗi cá thể lại có biệt tướng như người Anh, người Pháp, người Nga, người Trung Quốc, người Việt Nam, mỗi mỗi khác nhau về vẻ bề ngoài, về ngôn ngữ, về văn hóa, phong tục, tập quán đều khác nhau.
3/Đồng tướng. Là sự tương đồng trong các chức năng hoạt động cơ bản. Ví dụ bất cứ con người nào cũng đều ăn, ngủ, thấy, nghe, nói năng, tiêu hóa, bài tiết, đi lại, lao động sản xuất, tương tự như nhau.
4/ Dị tướng. Tuy chức năng hoạt động giống nhau nhưng sinh hoạt cụ thể của các cá thể rất khác nhau. Ví dụ có người ăn lúa mì, có người ăn lúa gạo, có người ăn chay, có người ăn mặn. Mỗi dân tộc sử dụng ngôn ngữ, văn tự khác nhau. Trình độ sinh hoạt và văn minh của các cộng đồng xã hội cũng khác nhau xa lắm. Thí dụ bộ lạc Kogi sống ở Nam Mỹ trong hoàn cảnh khép kín giống như thời nguyên thủy, họ không có máy móc thiết bị, rất ít tiện nghi, đời sống chủ yếu dựa trên khả năng tự cường của cơ thể mỗi người; trong khi đó các xã hội văn minh hiện đại, lệ thuộc rất nhiều vào tiện nghi của cộng đồng như điện, nước, khí đốt, hệ thống thông tin liên lạc, đường sá, xe cộ, máy bay, tàu thủy v.v…
5/Thành tướng. Là quá trình hình thành và kiện toàn của sự vật. Ví dụ một con người bắt đầu từ sự thụ tinh giữa trứng và tinh trùng, hình thành bào thai, phát triển thành hài nhi trong bụng mẹ, được sinh ra và lớn lên, trưởng thành cả về cơ thể và sự hiểu biết.
6/Hoại tướng. Là quá trình suy tàn đi tới diệt vong của sự vật. Ví dụ con người khoảng 30 tuổi là đạt tới sự kiện toàn về cơ thể và trí tuệ mà Nho giáo gọi là tam thập nhi lập, tức là 30 tuổi thì đứng vững, trưởng thành đầy đủ. Sau đó là bắt đầu suy giảm, già yếu và cuối cùng là tử vong.
Các sự vật khác cũng đều có đủ lục tướng. Chẳng hạn Phật pháp có tổng tướng là một tông giáo cũng có giáo chủ là Đức Phật Thích Ca tương tự như các tông giáo khác. Phật pháp có biệt tướng là một hệ thống giáo lý rất đồ sộ được tập họp trong Đại Tạng Kinh với hàng ngàn bộ kinh, rất khác với các tông giáo khác. Phật pháp có đồng tướng là sinh hoạt tông giáo với chùa chiền rất nhiều cũng tương tự như nhiều tông giáo khác. Nhưng Phật pháp có dị tướng là cách tu hành thiền định, nhất là Tổ Sư Thiền, không kiến lập chân lý, không chấp thật thì không giống bất cứ tông giáo nào khác. Thành tướng của Phật pháp là sự thành lập Tăng già là đoàn thể Phật giáo được tổ chức tu hành qui củ, có kinh, luật, luận để hàng xuất gia và hàng tại gia học tập và thực hành, ngày càng lớn mạnh, truyền ra khắp thế giới. Hoại tướng của Phật pháp là nó đã và đang trải qua các thời kỳ : chánh pháp hưng thịnh, số người tu chứng rất đông; tượng pháp chỉ còn duy trì phần nào sự tu hành chân chính, số người chứng đạo ít dần; mạt pháp chỉ còn hình thức bề ngoài, rất ít người tu hành chân chính, không còn người chứng ngộ.
Tuy các sự vật có vẻ riêng biệt độc lập nhưng thật ra chúng có quan hệ với nhau về nhân quả, trong bối cảnh không gian và thời gian chung. Mối quan hệ đó được thể hiện trong Lý pháp giới.
Lý : là mối quan hệ tương tác giữa các sự với nhau. Các sự vật trong pháp giới không phải rời rạc vô trật tự mà luôn có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Vật chất thì dính líu với nhau bằng các lực tương tác. Người ta tìm thấy có 4 lực cơ bản kết nối vật chất với nhau, đó là :
Lực hấp dẫn (force de gravité, gravitation) là lực hút giữa vật chất với nhau, có tác dụng ở mặt vĩ mô. Lực điện từ (force électromagnétique, electromagnetism) tạo ra từ trường trong đó điện tích cùng dấu thì đẩy nhau, khác dấu thì hút nhau. Lực tương tác mạnh (force interactive forte, the strong interaction) là lực liên kết các hạt quark tạo ra hạt proton và hạt neutron, tạo ra sự vững bền của hạt nhân nguyên tử và giữ cho electron chuyển động theo quỹ đạo nhất định. Lực tương tác yếu (force interactive faible, the weak interaction) tạo ra hiện tượng phóng xạ của các nguyên tố nặng (như uranium) tức là giải phóng một số proton và neutron khiến nguyên tử dần dần bị phân rã. Lực điện từ và lực tương tác yếu, từ năm 1983 khi khám phá hạt tương tác boson W và boson Z thì có thể gom thành một lực chung gọi là lực tương tác điện yếu (interaction of weak electromagnetic fields)
Các lực đó được coi là lý, vì nó đóng vai trò mối quan hệ, nhưng cũng có thể coi là sự vì có thể phân biệt được nó với sự khác, tuy nhiên khi tách riêng thì nó không còn là nó nữa mà biến thành một sự khác. Ví dụ lực tương tác mạnh trong nguyên tử, khi lấy riêng nó ra bằng cách phá vỡ nguyên tử thì nó biến thành năng lượng rất lớn mà người ta ứng dụng trong các nhà máy điện nguyên tử. Các công thức, phương trình toán học và vật lý học cũng đều là lý.
Mối quan hệ giữa các sự vật trong tự nhiên được người ta đúc kết thành quy luật, định luật và gọi chung là lý, như vật lý, sinh lý hoặc gọi là học như hình học, toán học. Tinh thần tình cảm của con người cũng vận động theo một số nguyên tắc, cũng được đúc kết thành các quy tắc ứng xử cũng gọi là lý như tâm lý học (Psychology). Trong xã hội, quan hệ giữa con người với nhau thì gọi là luân lý hay đạo đức học. Các hoạt động của con người cũng có những quy tắc nhất định được đúc kết trong kinh tế học, nông học, y học, hội họa, kiến trúc, âm nhạc…Tất cả các ngành học của con người đều là lý. Lý đó có giá trị trong một hoàn cảnh không gian và thời gian nhất định, tức hữu hạn thôi chứ không phải vĩnh cửu.
Tất cả lý thuộc đủ mọi ngành, mọi nơi, gọi chung là Lý pháp giới
Lý Sự Vô Ngại : ý nói giữa lý và sự không có mâu thuẫn, không gây trở ngại cho nhau. Lý làm rõ sự. Ví dụ công thức nổi tiếng của Einstein E=MC2 đó là lý, nó nêu rõ rằng một khối lượng vật chất khi được giải phóng hoàn toàn, tức là phá vỡ lực liên kết trong hạt nhân nguyên tử, thì sẽ sản sinh một năng lượng khổng lồ, bằng khối lượng vật chất đó nhân với bình phương vận tốc ánh sáng. Sự do lý mà thành tựu. Ví dụ từ công thức đó, người ta ứng dụng để sản xuất điện năng, biến một khối lượng uranium nhỏ thành một năng lượng khổng lồ, năng lượng đó làm chạy các tua-bin máy phát điện, đủ để cung cấp điện cho cả một thành phố lớn.
Khi giữa lý và sự có mâu thuẫn không hợp với nhau, thì lý đó sai. Một lý đúng cũng có thể sai ở một không gian thời gian khác, hoặc ở một tầng cao khác. Ví dụ lực trọng trường, tức sức hút của trái đất, luôn luôn hút một vật về tâm điểm của địa cầu. Nhưng khi phi thuyền bay lên quỹ đạo không gian cách mặt đất chừng 400 km trở lên, thì lực trọng trường không còn nữa, tức lý đó mất tác dụng. Những vệ tịnh địa tĩnh cách xa mặt đất 36.000 km thì không bao giờ còn rơi xuống mặt đất nữa.
Nhưng điều quan trọng khiến cho lý sự vô ngại là do bản chất ảo của chúng. Theo cái thấy của Phật, Bồ Tát, hay Tổ Sư như Huệ Năng thì không một vật gì có thật (Bổn lai vô nhất vật). Tất cả sự đều là ảo, tất cả lý cũng đều là ảo, nên không thể gây trở ngại cho nhau được. Ảo không phải là không có, nhưng không phải là thật. Đây là điểm mấu chốt khiến cho Phật giáo không giống bất cứ tôn giáo nào khác. Đây cũng chính là trọng điểm mà chúng ta cần lý giải.
Tại sao sự vật không có thật ? Bởi vì vật chất không có thực thể, các hạt cơ bản hình thành nên nguyên tử vật chất như quark, electron hay các hạt khác như photon, neutrino… đều là hạt ảo. Chúng không thể độc lập tồn tại, chúng chỉ tồn tại trong quan hệ liên kết với nhau. Cái ta thấy và gọi là nguyên tử không phải là vật, mà chỉ là một ảo tưởng trong tâm thức. Ta chỉ thấy mối liên hệ gắn kết giữa các hạt quark thành ra hạt proton và hạt neutron. Ta chỉ thấy mối liên hệ gắn kết giữa các hạt proton và neutron thành hạt nhân nguyên tử. Ta chỉ thấy mối liên hệ gắn kết giữa hạt nhân nguyên tử và electron thành nguyên tử vật chất. Nguyên tử vốn không phải là vật và không có thật, nó chỉ có trong nhất niệm vô minh của con người. Một số nhà khoa học cũng nhận ra điều này và họ đã nói tới sự kết thúc của vật lý học. Năm 2002, Stephen Hawking công bố bài giảng “Gödel & The End of Physics” (Gödel & sự kết thúc của vật lý học), thể hiện một sự thay đổi mang tính cách mạng trong nhận thức của ông về “Lý thuyết Cuối cùng” (Final Theory) của vật lý học, khác xa với những gì ông đã trình bầy trong cuốn “Lược sử thời gian” 11 năm trước.
Sự kết thúc của vật lý học theo Stephen Hawking là vì Kurt Gödel đã chứng minh định lý bất toàn. Vật lý học sẽ không bao giờ đi tới lý thuyết cuối cùng có thể giải thích tất cả mọi sự lý trong vũ trụ, bởi vì luôn luôn có mâu thuẫn phát sinh trong bất cứ hệ thống duy lý nào, dù cho chặt chẽ như toán học hay khoa học máy tính. Mâu thuẫn khiến không bao giờ có được lý thuyết cuối cùng hay lý thuyết giải thích được mọi thứ (Theory Of Everything – TOE). Nhà toán học David Hilbert và nhà khoa học thiên tài Albert Einstein là những người cay đắng nhất trong công cuộc tìm kiếm TOE, cuối cùng đành chịu thất bại bởi vì không thể có một lý thuyết như vậy.
“ Vậy thực tại (hay sự vật) là gì? Hiện nay đó là sự khủng hoảng của ngành vật lý, đó là cái không thể biết. Vật lý học lượng tử thật là nhất quán và xuất sắc khi trả lời những biến cố có tính chất thống kê. Do đó các hệ thống điện từ (thí dụ nhà máy phát điện) vận hành đúng như con người tính toán và tiên đoán. Nhưng khi tìm hiểu sự vận hành của các đơn vị vật chất riêng lẻ, thì tính ngẫu nhiên trong vật lý lượng tử không thỏa mãn được nhiều nhà vật lý…
Thực tại là cái gì đó nhiều chiều hơn không gian ba chiều của chúng ta. Phải chăng thế giới này là một projection (hình chiếu) của thực tại mà thôi. Chúng ta tạm gọi thực tại là một cái x nào đó thì vũ trụ này của chúng ta là một mảnh chiếu của thực tại trong không gian ba chiều này? …
Trong hướng đó, David Bohm, một nhà vật lý học lượng tử xuất sắc, ông mất năm 1992, ông đã đề ra một mô hình, tôi xin nói ngắn: các hạt chúng ta đang thấy, khi ẩn khi hiện đó, nó vận động như vậy nhưng chúng nhận thông tin từ một quantum potential, từ một trường lượng tử. Trường lượng tử điều khiển các hạt bằng thông tin, tương tự như một đứa bé điều khiển đồ chơi điện tử bằng bản điều khiển từ xa. Theo David Bohm, trường lượng tử đó có tính chất nonlocal (bất định xứ), không biết tới không gian, nó tác động tức thì, chúng ta hiểu đó là trường lượng tử chứa tâm, chứa thức” (Nguyễn Tường Bách – Khi Vật lý gõ cửa Bản thể học)
Bất cứ ai hễ còn chấp thật, còn cho rằng có một thế giới khách quan ở ngoài ý thức, thì đều còn vướng mắc, không thể giải thoát và không thể thực hiện được lý sự vô ngại. Lý sự vô ngại chỉ thông suốt khi đã ngộ rằng cả sự và lý đều là ảo và vận dụng được sự thật này.
Tóm lại, vì bản chất của lý và sự đều là không có thật, đều là ảo, nên về hình tướng thì có khác nhau nhưng về bản chất thì không khác nhau. Sự khác nhau về hình tướng là do tâm chúng sinh phân biệt dựa trên nhất niệm vô minh. Sự là một cấu trúc ảo, do các hạt ảo như quark và electron hợp thành. Nếu tách riêng một hạt electron, bắt nó dừng lại để quan sát thì nó không tồn tại, vì nó chỉ là hạt ảo không có thực thể. Một dòng electron tự do, tức chúng đã thoát khỏi nguyên tử, chạy trong dây dẫn bằng kim loại như đồng chẳng hạn, thì tạo ra dòng điện. Nếu không sử dụng năng lượng của dòng điện do máy phát điện tạo ra, để tạo ra công năng như chạy mô-tơ , tạo ra nhiệt trong bếp điện…thì năng lượng điện cũng bị mất, do không thể để dành được các hạt electron. Về hạt quark thì hiện nay nhân loại chưa có khả năng phá vỡ hạt proton hoặc hạt neutron để tách riêng chúng ra, người ta gọi tình huống này là hiện tượng giam hãm (confinement) vì hạt quark bị giam hãm vĩnh viễn trong hạt proton/neutron. Đối với Phật giáo thì hiện tượng giam hãm này tương ứng với tâm cố chấp kiên cố của chúng sinh. Khoa học muốn phá được hiện tượng giam hãm phải cần tới một năng lượng vô hạn, là điều họ không thể làm được. Còn người chứng ngộ trong Phật giáo thì có thể làm được khi đã phá được tâm cố chấp. Tâm là một dạng năng lượng vô hạn nên khi đã phá chấp ở trong tầng sâu vô thức, thì dễ dàng tách được các hạt quark, đưa vật chất trở về không, hoặc cấu trúc lại thành nguyên tử khác, vật chất khác theo ý muốn. Đó là một dạng thần thông, gọi là thân như ý thông. Có người bẩm sinh có được thứ thần thông này như Trương Bảo Thắng. Anh ta có thể đưa thân thể của mình và bức tường bằng gạch đá hoặc sắt thép trở về không, do đó chúng vô ngại, và có thể dễ dàng đi qua bức tường. Đây chính là ý nghĩa của sự sự vô ngại.
Sự Sự Vô Ngại : Các cố thể vật chất không gây trở ngại cho nhau vì bản chất của chúng là ảo, là không, không có thực thể. Vật chất sở dĩ kiên cố là do tâm chấp trước. Nếu tâm không chấp trước thì chúng vô ngại. Trương Bảo Thắng đã biểu diễn tính vô ngại của vật chất như sau :
Xác thực, năm 1982 lúc anh còn ở Trung Y học viện Liêu Ninh, thầy giáo Vương Phẩm Sơn và đồng nghiệp từng phát hiện anh có công năng dùng ý niệm di chuyển vật, đặc biệt là cách tường di chuyển cả một bao đường trắng ra ngoài. Các giáo viên đã đến kho kiểm tra kỹ lưỡng, kết quả : cửa kho khóa, cửa sổ đã đóng chết. Trong kho đường trắng bị các bao lớn đường vàng đè lên trên. Nếu xét thể lực của Trương Bảo Thắng lúc đó, anh không có đủ sức để dời các bao đường vàng đi để lấy được bao đường trắng. Bất luận phân tích thế nào, người ta vẫn còn hoài nghi không biết anh thực sự có bản lĩnh của Lao Sơn đạo sĩ không. Do đó Vương Phẩm Sơn và các giáo viên tổ chức một hoạt động. Họ nói với Trương Bảo Thắng :
- Anh có thể nào đi vào Đại Lễ Đường mà không bị người ta phát hiện không ?
- Thử một cái xem ! Trương Bảo Thắng cười đáp ứng.
Hoạt động bắt đầu. Có người dẫn Bảo Thắng ra xa khỏi Đại Lễ Đường. Sau đó các giáo viên bố trí sinh viên đứng quan sát ở tất cả cửa ra vào và cửa sổ của Đại Lễ Đường, kể cả các cửa sổ, cửa nhỏ bên hông. Tất cả bố trí xong. Thầy trò đều mở to mắt nhìn, đề phòng Bảo Thắng dở trò ảo thuật. Vài phút trôi qua, rồi mười mấy phút trôi qua, lúc mọi người đều hướng về lễ đường tìm kiếm, Trương Bảo Thắng đã ở bên trong lễ đường kêu to : “Tôi ở đây này !” Tức thì mọi người chạy ùa vào lễ đường.
Sau sự kiện đó, mọi người truyền nhau : có người nói Trương Bảo Thắng có thuật ẩn thân, có người nói anh có khả năng xuyên tường tẩu bích. Bảo Thắng trả lời rất giản đơn : “Trái với thông thường, các ông không thể ngăn trở tôi được”.
Lại có một lần, người ta đem Trương Bảo Thắng khóa nhốt trong một căn phòng, bên ngoài có người canh giữ, bảo anh ta có cách nào rời khỏi căn phòng, đi qua một con phố nằm ngang, đi vào tòa lầu đối diện, vô một căn phòng đã bị khóa, dùng điện thoại báo cho những người giám trắc anh.
Hoạt động bắt đầu. có người đứng ở cửa phòng nơi Bảo Thắng bị khóa bên trong, có người đứng trên con phố quan sát, có người đứng giữ nơi phòng người ta yêu cầu anh đi vào, có người đứng canh bên máy điện thoại. Mọi người cũng không biết anh cần bao nhiêu thời gian để đi ra. Có người phỏng đoán : “Chắc là anh ta không thể đi ra ngoài được”.
Vài chục phút trôi qua, chuông điện thoại cuối cùng reo vang. Mọi người mở cửa hai căn phòng khác nhau , Trương Bảo Thắng đã từ căn phòng anh bị khóa, đi vào căn phòng anh cần vào, quay số điện thoại gọi đến người đang chờ điện thoại của anh mà không bị ai phát hiện.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thời đó như nguyên soái Diệp Kiếm Anh (Chủ tịch Quốc Hội), Bạc Nhất Ba (Bộ trưởng Tài chính, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Vụ Viện- tức Nội Các, Phủ Thủ tướng) đều rất coi trọng Trương Bảo Thắng.
Các nhà khoa học Trung Quốc gọi khả năng kỳ lạ của Trương Bảo Thắng là nhân thể đặc dị công năng tức là công năng đặc biệt lỳ lạ trong cơ thể con người. Kinh điển Phật giáo thì gọi đó là thần thông, công năng của Bảo Thắng có thể gọi là “thân như ý thông” Khả năng thật sự của anh chỉ là một phần nào đó của thân như ý thông, chứ chưa phải hoàn toàn vượt qua mọi giới hạn. Còn pháp giới Hoa Nghiêm Sự Sự vô ngại là hoàn toàn vô ngại không có một hạn chế nào. Các vị Phật, Bồ Tát thập địa mới có khả năng này. Ví dụ Đức Phật A Di Đà đã tạo ra cả một thế giới tây phương cực lạc để tiếp dẫn những người thực hành đầy đủ tín, nguyện, hành của pháp tu Tịnh Độ. Kinh điển mô tả thế giới đó như sau :
Cực lạc (zh. 極樂, sa. sukhāvatī) còn được gọi là An lạc quốc (zh. 安樂國), là tên của Tây phương Tịnh Độ, do Phật A Di Đà giáo hóa và tiếp dẫn chúng sinh. Tịnh Độ này được A Di Đà tạo dựng lên bằng thiện nguyện của mình và thường được nhắc đến trong các kinh điển Đại Thừa Tịnh Độ tông cho rằng nhờ lòng tin kiên cố nơi Phật A Di Đà và kiên trì niệm danh hiệu của ngài cùng giữ đúng tín, nguyện, hành, hành giả sẽ được tái sinh nơi cõi này và hưởng một đời sống an lạc cho tới khi nhập Niết Bàn. Tịnh Độ này được nhắc nhiều trong các bộ A-di-đà kinh (sa. amitābha-sūtra), Vô Lượng Thọ kinh (sa. sukhāvatī-vyūha), Quán vô lượng thọ kinh (sa. amitāyurdhyāna-sūtra). Theo kinh sách, Cực lạc tịnh độ nằm ở phương Tây cách địa cầu 10 vạn ức cõi Phật (Thuộc vũ trụ khác, không nằm cùng vũ trụ với cõi thế gian, nhưng cũng trong Tam thiên đại thiên thế giới, bao gồm Cõi trời, Sắc giới và Vô Sắc giới). Đây là một nơi vô lượng quang, vô lượng thọ. Thế giới này tràn ngập mùi hương thơm, đầy hoa trời (hoa mạn-đà-la) nhạc trời và châu báu. Ở đó không có các đường ác mà chỉ có các bậc Bồ Tát, cùng chúng Thanh Văn, Duyên Giác, xuất sinh nhờ nguyện lực được sinh về thế giới này từ trong hoa sen (liên hoa hóa sinh), mọi mong cầu sẽ được như ý, không còn già chết bệnh tật. Trong thế giới này, mọi chúng sinh đều cầu pháp và sẽ được nhập Niết-bàn.
Cõi giới đó trang nghiêm, thanh tịnh, chúng sinh ở cõi giới đó do hóa sanh, không phải thai sanh, đất đai bằng phẳng, không có hầm hố nguy cơ gây tai nạn. Đất đai cấu tạo bằng một chất liệu thuần túy thanh tịnh, vững chắc như vàng ròng, không phải bằng đất đá, bụi cát. Trong lòng đất cũng không có khối dung nham nóng chảy sôi sùng sục, không có những đường nứt gãy địa chất. Do đó không bao giờ có núi lửa, động đất, không có sóng thần, phong ba, bão tố.
Tóm lại, pháp là do tâm tạo. Tâm thanh tịnh thì tạo ra thế giới thanh tịnh. Ở cõi thế gian, tâm chúng sinh có thiện có ác, nên cõi giới có vui có khổ. Ở cõi địa ngục, tâm chúng sinh toàn ác nên chỉ có toàn cảnh khổ.
Bốn pháp giới là mô tả toàn bộ tâm giới. Sự pháp giới và Lý pháp giới là cõi giới tương đối của thế gian, có không gian, thời gian và số lượng nên có sự hạn chế. Lý Sự vô ngại pháp giới và Sự Sự vô ngại pháp giới là cõi giới tuyệt đối, giác ngộ, không còn cố chấp, tập khí thế gian đã hết, không còn không gian, thời gian và số lượng nên không có sự hạn chế, cảnh tùy tâm mà biến hiện. Biểu diễn của Trương Bảo Thắng chứng tỏ sự sự vô ngại là có thật chứ không phải nói suông không bằng chứng.
Truyền Bình