;
Âm thanh tâm lý
Một câu nói không mang động thái ý lực là câu nói vô nghĩa, không tạo cho người tiếp nhận hiểu và cảm thông điều mà người đã nói ra. Người tiếp nhận và hiểu, không chỉ do kinh nghiệm về ngôn ngữ đó, thuộc chủng tộc đó mà còn do sự giao cảm ý lực giữa hai bên.
Âm thanh là sự giao động cơ học trong một tần số nhất định thì tâm lý truyền âm cũng có một tần số truyền dẫn nhất định của tâm thức đến một tâm thức. Các pháp sư xa xưa dùng loại âm thanh tương ưng với trạng thái tâm lý để chữa trị; Bởi mỗi âm thanh có tần số tùy thuộc với khí cụ phát ra, âm thanh mang tính ngũ hành tương thích với tứ đại.
Âm của trống hàm tàng năng lực của đất, mang tính vô tư; âm thanh của gỗ mang tính của nước hàm ý trầm tĩnh lặng lẽ; khí cụ bằng đồng liên quan tính lữa, biểu tượng mạnh mẽ; và phong linh, biểu trưng cho không khí có tính phiêu trầm.
Tùy âm điệu trầm bổng của mỗi khí cụ mà có tác dụng khác nhau đối với sinh động vật. Dĩ nhiên âm thanh phát ra từ khí cụ phải cộng hưởng với ý lực của người sử dụng. Âm thanh từ khí cụ hay từ động vật có tác dụng nhất định từ ý lực của người chủ động.
Một sinh vật bị hành hạ, bị sát hại, phát ra âm thanh kêu cứu, đau đớn, oán hận trong một tần số cộng hưởng với tầng số tâm lý của kẻ tạo ra sự đau khổ, sự sát hại đó, kết thành sóng âm nhân quả gắn kết giữa kẻ hại và người bị hại, tồn tại trong không gian và trong chủng thức của cả tác nhân và kẻ bị hại.
Cùng một âm điệu phát ra, do tâm lý khoái lạc hay đau khổ mà sóng âm mang một ký hiệu khác nhau. Âm điệu của Rock kích động hệ thần kinh người nghe, con người sử dụng nhạc rock cực mạnh để xua đuổi thú rừng. thì nhạc êm dịu ru ngủ khi thần kinh căng thẳng.
Tất cả những âm thanh mà con người nghe được đều là tần số của hạ âm; và âm thanh con người phát ra đi liền với trạng thái tâm lý đưa đến một tác dụng nhất định. Ví dụ, một câu nói: “cha mầy” được phát ra với âm điệu truyền cảm thương yêu sẽ làm người được nghe cảm thấy thân thương. Cũng với câu ấy, không nhất thiết phát ra bằng sự thịnh nộ, vẫn âm điệu từ tốn nhưng cộng hưởng bởi tần số tâm lý ghét bỏ, hận thù, sân hận, làm cho người được nghe cảm nhận sự chua xót, phiền muộn. Ví dụ, một cặp vợ chồng, một đôi tình nhân trí thức, khi chia tay vì không hạp tính nhau, chỉ cần một câu nói nhỏ nhẹ, từ tốn, vừa đủ hai người nghe, cũng đem lại đau lòng cho nhau, vì trong âm điệu đó lồng vào một tâm lý thiếu thuận hòa.
Cũng vậy, đôi khi âm thanh được phát xuất từ tâm lý thịnh nộ, với cường độ lớn, nhưng không hẳn người nghe bị tác hưởng bởi tâm lý phẩn nộ và cường độ mãnh liệt đó; ví dụ một người bị bệnh tâm thần, có thể la hét mà người nghe có thể cảm thông, không bị phiền muộn.
Một điệu nhạc ru hồn rỉ rả phát ra từ một căn nhà trọ trong xóm lao động nghèo, cho dù đó là điệu nhạc thích hợp với chủ nhân, nhưng suốt ngày như thế cũng làm nẩy sanh tâm lý khó chịu cho mọi người chung quanh
Chính vì thế, âm thanh cộng hưởng với trạng thái tâm lý có thể giúp người thành đạt, giúp người giải trừ phiền muộn hay loại trừ bệnh tật thì âm thanh từ người phát có thể hủy diệt tinh thần con người, làm mất ý chí hoặc gây phẩn nộ cho kẻ khác. Hai vợ chồng cho nhau lời cay độc, nguyền rủa nhau thì đứa bé bú sữa mẹ sẽ bị nhiễm độc tố.
Âm thanh người phát ra không nhất thiết người nghe cần phải hiểu bằng ngôn ngữ, nhưng người nghe có thể cảm nhận bằng sóng âm ý lực của đối tượng. Ví dụ trẻ sơ sinh chưa hiểu được ngôn ngũ của người lớn, nhưng câu hát của mẹ, lời âu yếm của người lớn, trẻ có thể ngoan ngoản, nín khóc hoặc mỉm cười. Tác động tâm lý phát ra từ tần số sóng âm, đôi khi không cần đến âm ngữ, con người có thể hiểu nhau. Huyền thoại về những Thiền sư, chỉ cần động tác, cái nhìn, cái im lặng , có thể làm cho đối cơ khai ngộ; đó là những loại im lặng mà nhà Phật gọi là “im lặng như sấm sét”. Thật ra, vì không nghe âm thanh phát ra tiếng, nên gọi là im lặng, đó cũng là một loại âm, loại âm vô thanh phát xuất từ ý lực; sẽ được nói đến trong những phần sau.
Như vậy, âm thanh là tần số giao động cơ học, tác động đến nhỉ căn người nghe, thì âm thanh tâm lý là tần số giao động tâm thức, không hẳn là siêu âm, tác động đến tâm lực của đối tượng; vì thế mà một số môn phái tâm linh sử dụng “tâm truyền tâm” giáo ngoại biệt truyền để tâm ấn tâm. Trong trường hợp nầy, chủ yếu là ý lực chứ không tùy thuộc vào ngôn ngữ.
Những người bình thường, biều lộ ý tưởng, tình cảm, phẩn nộ, phiền muộn, đau đớn…hoặc muốn diễn đạt một vấn đề, ngoài âm thanh còn cần đến tâm lý tác động, hay nói cách khác, những âm thanh nghe được một cách bình thường là những âm thanh tâm lý, làm cho người phát và kẻ nhận đều hiểu được nhau. Ngoài ra vô thanh cộng hưởng tâm lý tác động cũng được xem là âm thanh tâm lý làm cho người tiếp nhận hiểu được người phát tác muốn nói gì.
Âm lực tâm lý
Khi tư tưởng ý nghĩ phát xuất một vấn đề, liền tạo ra gợn sóng của từ trường năng lượng sinh thức. Một ý tưởng thoáng qua mang tính vô ký thì gợn sóng sẽ tan loãng; một ý tưởng sâu sắc thì những tín hiệu sóng từ liên kết với chủng thức tồn tại trong alaiya.
Một ý tưởng phiền muộn kéo dài sẽ vây phủ màn u ám làm cho tinh thần suy nhược, đưa đến tự kỷ, trầm cảm.
Một tinh thần trong sáng vui vẻ sẽ giúp cho thân thể khỏe mạnh, yêu đời. trí sáng.
Một ý tưởng hận thù, phóng xuất năng lượng độc hại đến đối phương, sẽ bị phản hồi lại nơi phát xuất, gọi là sóng phản xạ của âm lực tâm lý, nhà Phật gọi là luật nhân quả. Trên nguyên tắc, bị vật cản, sóng sẽ phản xạ, dù là sóng cơ học hay hay sinh học, sóng vật lý hay sóng tâm lý.
Nếu ý tưởng độc hại hướng đến một người hay một sinh động vật, tạo một hạt nhân xấu trong ý thức tâm lý, gọi là đơn nhân; Một người hay một sinh động vật bị thọ nạn từ ý lực đen đó, phát sanh hận thù, đau khổ, tạo một sóng dẫn phản hồi kết hợp với âm lực tâm lý của người muốn hại tạo một hấp lực phản xạ chờ điều kiện trổ quả, cứ thế mà tạo ra trùng trùng nhân quả tồn tại trong các sóng âm chủng thức.
Vì vậy, không nên tạo ra một ý tưởng tiêu cực để bắn ra những tia độc hại bao phủ bản thân mà còn tác hại người khác; Nếu những ý tưởng xấu, đưa đến hành động xấu thì chắc chắn tác nhân bị trói chặt luật phản xạ của ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp. Một người chế tác nhân xấu đã như thế, một tập thể, một cộng đồng đều hình thành một trường lực tiêu cực đen tối thì chắc chắn tập thể đó ở khu vực đó sẽ không hanh thông trong cuộc sống, vì thế hận thù luôn đeo đuổi, biến xã hội đó có nhiều tội phạm, vô đạo đức. Chính vì thế mà đức Phật cũng như các giáo chủ chân chính đều kêu gọi lòng vị tha, xả kỷ và tình thương vô điều kiện. Ta hãy nghe bài kinh trong Nikaya do Hòa Thượng Minh Châu dịch sau đây:
Như vầy tôi nghe. Một thời Tôn giả Ananda trú ở Vesali (Tỳ-xá-ly), tại Beluvagàmaka(ấp Trúc Lâm).
Lúc bấy giờ gia chủ Dasama, người ở thành Atthaka đến tại Pataliputta
(thành Ba-la-lị-phất) có công việc. Rồi gia chủ Dasama, người ở thành
Atthaka (Bát thành) đi đến Kukkutarama (Kê Viên), đến một Tỷ-kheo, đảnh
lễ vị này, rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, gia chủ
Dasama, người ở thành Atthaka thưa với Tỷ-kheo
ấy:
-- Bạch Tôn giả, Tôn giả Ananda nay an trú ở đâu? Chúng con muốn gặp Tôn giả Ananda.
-- Này Gia chủ, Tôn giả Ananda nay ở Vesali, tại ấp Beluvagamaka.
Rồi gia chủ Dasama, người ở thành Atthaka, sau khi làm xong công việc ở
Pataliputta, liền đi đến Vesali, ấp Beluvagamaka, đến Tôn giả Ananda,
sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi
xuống một bên, gia chủ Dasama người ở thành Atthaka thưa với Tôn giả
Ananda:
-- Bạch Tôn giả Ananda, có pháp độc nhất gì do Thế Tôn, bậc Tri Giả,
Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố, nếu có Tỷ-kheo nào
không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần sống hành trì pháp ấy, thời tâm
chưa giải thoát của vị ấy được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được
đoạn trừ đi đến đoạn trừ, hay pháp an ổn khỏi các ách phược chưa được
chứng đạt được chứng đạt?
-- Này Gia chủ, có pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả,
bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố, nếu có Tỷ-kheo nào không phóng
dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm chưa giải
thoát của vị ấy được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi
đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng
đạt được chứng đạt.
-- Bạch Tôn giả Ananda, pháp độc nhất ấy là gì, do Thế Tôn, bậc Tri
Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố, nếu có Tỷ-kheo
nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời
tâm chưa giải thoát của vị ấy được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được
đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược
chưa được chứng đạt được chứng đạt?
-- Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú
Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị
ấy suy tư và được biết: "Sơ Thiền này là pháp hữu vi, do suy tư tác
thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật
ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được
các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến
pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử,
được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời
này. Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Tri Giả,
Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố, nên Tỷ-kheo nào không
phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy
chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi
đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng
đạt được chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm, vị ấy suy tư và được biết: "Thiền thứ hai này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh
giác, thân cảm sự lạc thọ mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và
an trú Thiền thứ ba. Vị ấy suy tư và được biết: "Thiền thứ ba này là
pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy
tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy
vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa
được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn
trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới
ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất do
Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố.
Nếu Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì
pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc
chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các
ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ
trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh
tịnh. Vị ấy suy tư và được biết: "Thiền thứ tư này là pháp hữu vi, do
suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành
thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây,
đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do
tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ
phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải
trở lui đời này. Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất do Thế Tôn, bậc
Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo
nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời
tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được
đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược
chưa chứng đạt được chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu
hữu với từ; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy
phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy
phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu
với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy suy tư và được
biết: "Từ tâm giải thoát này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm
sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô
thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy do vững trú ở đây, đoạn trừ được các
lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp
này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được
hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này
Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả,
bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào không phóng dật,
nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải
thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn
trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được
chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu
hữu với bi... Với tâm câu hữu với hỷ... với tâm câu hữu với xả; cũng vậy
phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy
cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp
vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại,
vô biên, không hận, không sân. Vị ấy suy tư và được biết: "Xả tâm giải
thoát này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự việc gì là pháp
hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn
diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu
hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị
ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại
cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này Gia chủ, như vậy là pháp
độc nhất do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng
Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần,
sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát,
và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an
ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ
mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng:
"Hư không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ. Vị này suy tư và
được biết: "Không vô biên xứ định này là pháp hữu vi, do suy tư tác
thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật
ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được
các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến
pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử,
được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời
này. Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến
Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào không
phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy
chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi
đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt
được chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng:
"Thức là vô biên", chứng và trú Thức vô biên xứ. Vị này suy tư và được
biết: "Thức vô biên xứ định này là pháp hữu vi do suy tư tác thành. Phàm
sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô
thường chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu
hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do
hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa
sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này Gia
chủ, như vậy là pháp độc nhất do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc
A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào không phóng dật,
nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải
thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn
trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được
chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng:
"Không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ. Vị này suy tư và được
biết: "Vô sở hữu xứ định này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm
sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành thời sự vật ấy là vô
thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu
hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do
hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa
sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này Gia
chủ, như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc
A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố. Nếu Tỷ-kheo nào, không phóng dật,
nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải
thoát, được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn
trừ, pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được
chứng đạt.
Khi được nghe nói vậy, Gia chủ Dasama, người ở thành Atthaka bạch Tôn giả Ananda:
-- Bạch Tôn giả Ananda, như người tìm một kho tàng cất dấu, trong một
lúc tìm được mười một kho tàng cất dấu. Cũng vậy, bạch Tôn giả, con đi
tìm một pháp môn bất tử mà được nghe một lần mười một pháp môn bất tử.
Bạch Tôn giả, như ngôi nhà người ta có đến mười một cửa, khi ngôi nhà bị
cháy, thì chỉ do một cửa người ta cũng có thể thoát ra một cách an
toàn. Cũng vậy, bạch Tôn giả, chỉ với một cửa bất tử trong mười một cửa
bất tử này, con có thể đạt được sự an toàn cho con. Bạch Tôn giả, đệ tử
các ngoại đạo này sẽ tìm cầu tiền của cúng dường cho vị thầy của mình,
sao con lại không cúng dường cho Tôn
giả Ananda?
Rồi gia chủ Dasama, người ở thành Atthaka cho mời họp Tỷ-kheo Tăng ở
Pataliputta và Vesali, tự tay mời ăn và làm cho thỏa mãn với các món ăn
thượng vị loại cứng và loại mềm, tặng cho mỗi Tỷ-kheo, mỗi vị một cặp y,
tặng cho Tôn giả Ananda ba y và xây dựng một Tăng xá trị giá năm trăm
đồng tiền vàng (hay có năm trăm Tăng phòng) cho Tôn giả Ananda.
Đoạn kinh trên cho thấy Tâm dẫn đầu các pháp, Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt. Ý tưởng là một âm lực vô thanh tác thành nhân quả; là một năng lực tâm lý vô ngôn mạnh hơn cả âm thanh hiển lộ; Nói cho cùng, dù vô thanh hay hữu thanh đều là âm lực tâm lý tạo nên chủng tử nhân quả tồn tại trên tần số của dạng sóng siêu âm.