;
>Trả lời câu hỏi của cư sĩ Hư Lực thay lời kết - Tự tính Di Đà
LỜI ĐẦU
Trong cuộc sống, ngoài ánh sáng cơ học và ánh sáng tâm linh để truyền đạt thông tin nội thể, thông tin trí lực, mọi sinh vật bình thường còn cần đến một loại sóng âm truyền tải thông tin qua nhĩ căn ( phù trần căn), đưa đến đối tượng tiếp nhận. Thế giới hiện tượng cần đến 99% sóng âm vật lý để truyền đạt thông tin, ngoại trừ 1% còn lại, những người khuyết tật nhĩ căn không tiếp nhận được sóng âm vật lý bình thường, nhưng họ vẫn cảm nhận được sóng âm tâm lý ở một mức độ khác nhau; vấn đề nầy ta sẽ đi sâu trong phần nội dung của Tự Tánh Quán Âm.
Âm thanh đóng vai trò quan trọng song song với ánh sáng. Âm thanh vật lý có giá trị tương thích với ánh sáng vật lý, góp phần truyền đạt và giao hưởng giữa cac sinh vật mang thái chất vật lý.
Âm thanh phát xuất từ một vật gọi là nguồn âm. Âm thanh xuất phát từ tiếng nói do tác lực của ý tưởng; âm thanh phát xuất từ giao động, va chạm…là những âm thanh vật lý, tai có thể tiếp nhận thường có tần số từ 16Hz đến 20KHz. Tần số âm thanh cao hơn 20Khz gọi là siêu âm, và thấp hơn 16Hz gọi là hạ âm. Còn một loại sóng âm phát xuất từ nội tại qua cơ chế sinh học, sóng âm phát xuất từ chấn động lực tế bào thần kinh, trung khu thần kinh, cũng có sóng âm giao động từ tâm thức, …
Tất cả các loại âm thanh vật lý đòi hỏi tồn tại trong môi trường vật lý có tần sóng giao thoa để hỗ trợ chuyển tải âm thanh đi các hướng. Dĩ nhiên chúng cũng bị hạn chế bởi cái hạn chế của vật lý như vật cản, không gian, thời gian, khí hậu, môi trường dẫn điện…và âm thanh vật lý không được truyền tải trong chân không.
Từ những phát kiến về hiệu quả sóng âm, các nhà khoa học kỷ thuật sáng chế ra các dụng cụ điện tử để khuyếch âm, truyền âm như FM, AM, ampli. Từ đó mà âm thanh trở thành đa dạng, cuốn hút.
Âm thanh có một chấn động lực nhất định tương tác trên mọi vật, mọi sinh vật. Âm thanh có năng lực hủy diệt, tạo sự điên loạn hoặc giúp cho tăng trưởng, phát triển. Về tâm linh, âm thanh cũng góp phần đáng kể để triển khai trí tuệ.
Khoa học ngày nay, phát triển tột cùng về âm thanh cũng chỉ dừng lại ở mức độ kỷ thuật cấp cao dành cho quân sự, quốc phòng, y học, nghệ thuật… chưa vượt qua khỏi âm học vật lý để tiến vào lãnh vực tâm linh.
Các Thiền sư phương Đông đã biết vận dụng âm lực để khai ngộ cho đệ tử, biết dùng âm thanh để nâng cấp tâm linh. Âm lực nằm trong tay của các Thiền sư trở thành một xảo thuật linh động uyển chuyển như thanh kiếm trong tay của các kiếm sư tài nghệ. Vì thế, âm thanh trong nhà Thiền hay ở lãnh vực tâm linh, trở thành một khí cụ sắc bén hỗ trợ cho việc thăng tiến tâm thức. Âm lực trong nhà Phật vượt khỏi hạn giới của môi trường vật lý, không tùy thuộc vào siêu âm hay hạ âm, không thanh cũng chẳng trược; lắm khi âm lực đối với các Thiền sư không còn là phương tiện truyền tải thông tin hay truyền đạt ý tưởng, nó tuồng là tiếng sét vô nghĩa, cũng không thiếu trường hợp các minh sư dùng loại âm lực vô thanh để xé toạc màn vô minh nơi tâm thức đệ tử.
Âm lực rất đa dạng ở lãnh vực vật lý cũng như lãnh vực siêu nhiên. Một khi âm thanh ở môi trường vật lý nó có giá trị tương đối vì âm thnh và ánh sáng là hai đường song hành thì âm thanh ở môi trường siêu nhiên, phi vật thể lại là một giá trị tuyệt đối, lúc bấy giờ âm thanh và ánh sáng chỉ là một;
Trong dạng phàm phu, lục căn có một vị trí và trách nhiệm cá biệt, ví dụ cái thấy chỉ dành cho nhãn căn, nghe tiếng chỉ là trách nhiệm của nhĩ căn, chúng không thể lẫn lộn nhiệm vụ của nhau, nhưng một khi, thức biến thành trí thì lục căn trở thành diệu quan sát trí, vì không còn chấp ngã, không có phân biệt ngã thử, vì thế “bình đẳng tánh trí” không còn phân biệt từng phần của phù trần căn. Bậc Thánh có thể nghe bằng mắt, thấy bằng tai, hay nói cách khác, lục căn đều dung thông tam giới, không còn chướng ngại bởi lục thức phàm trần.
Trong phần Tự Tánh Quán Âm sẽ đề cập đến cả hai lãnh vực âm thanh vật lý ( gồm cả âm thanh sinh học) và âm thanh siêu thức ( gồm cả âm thanh sinh thức ).
Cũng như Tự Tánh Di Đà, mục đích đi đến tận cùng của ngoại thức sẽ nhập vào bản chất nội thức, cốt lõi của mọi vấn đề, làm tan loãng mọi chướng ngại ngoại hình để thẩm thấu vào cốt tủy quang năng; Âm thanh cũng thế, chúng có một tự tánh nhất định, chúng sanh điên đảo bởi âm thanh, nhưng âm thanh cũng giúp chúng sanh tìm về thực tại. Chính vì thế có những bậc Bồ Tát nương âm thanh để giải thoát, quán âm thanh để biết đến sự khổ đau của chung sanh, tức nhờ quán xét âm tục để hóa giải mọi phiền não kiếp người.
Có một Bồ Tát Quán Thế Âm ngoại tướng thì cũng có một hành giả quán âm nội thể để hóa giải mọi lệch lạc. Công hạnh đó đều là công hạnh vượt thoát mọi khổ ách, viễn ly mọi điên đảo mộng tưởng. Âm thanh trở thành một phương tiện chứ không là cứu cánh giải thoát.
Âm tục hay thế gian âm là những sóng âm trần tục nhuốm màu phiền lụy cám dỗ, hủy diệt. Chân âm, Phật âm, siêu âm phi vật lý là loại năng lượng sóng từ có công năng nâng cấp tâm thức, khai mở tuệ tri.
Một số tôn giáo tâm linh cổ đại đều chú trọng đến loại âm lực nầy. “Om” là một âm lực có năng lực đánh động tâm thức như thế. “Om” hay “A” đều là đơn âm khởi nguyên của mọi âm tiết. Qua nhiều kỷ nguyên tâm linh, một số chân sư thiềt lập một loại phần mềm âm lực khác nhau cho vào tần số tâm thức khác nhau, hành giả chỉ cần tiết tấu đúng âm lực của nó thì kết quả tâm linh sẽ được hỗ trợ, từ đó phát sanh ra mật ngôn thần chú, bùa phép…
Đa số Thiền pháp đều dùng một vài mật ngôn để hỗ trợ cho quá trình hành thiền. Một số người lầm tưởng Thần chú là loại thần quyền, nếu họ hiểu rằng chúng ta bấm đúng số phone thì sẽ được người trả lời, cũng thế, tần số giao hưởng được thiết lập do một kỷ sư thì một Thiền sư cũng có thể thiết lập cho môn phái mình một ẩn ngữ để đi vào thế giới tâm linh như Bồ tát thiết lập một cảnh giới riêng theo công hạnh của mình. Bồ Tát Quán Thế Âm là một lập trình viên hướng dẫn hành giả lắng nghe âm vọng tiền trần cũng như âm lưu nội tại để giải thoát mọi phiền não khổ đau.
Tự Tánh Quán Âm là bản thể thường tại trong mỗi sinh loại, biết được khả năng quán xét nội tại là biết trở về với bản lai diện mục, khai mở âm lưu nội tại để thấy tiếng vọng chân tâm luôn phủ sóng khắp càn khôn.
Đề cập quang năng tự tánh mà không nói đến âm lưu nội tại là một thiêu sót, chưa đủ cân bằng trên lộ trình tâm linh giải thoát. Đó là mục đích tiếp theo của Tự Tánh Quán Âm sau loạt bài Tự Tánh Di Đà.