;
Để trở thành bậc "Tòng lâm thạch trụ" của Phật giáo, có hai yếu tố quan trọng: "Thứ nhất là khi xuất gia gặp được minh sư, thứ hai trên đường tu gặp được thiện hữu tri thức". Hòa thượng Thích Chơn Thiện đã hội đủ hai yếu tố quý hiếm nêu trên.
Hòa thượng Thích Chơn Thiện xuất gia từ lúc còn trẻ thơ, với Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (Tăng Thống GHPGVNTN), tại Tổ đình Tường Vân, Tp. Huế. Được Tổ ban cho pháp danh Tâm Ngộ, tự Chơn Thiện, hiệu Viên Giác.
Khi xuất gia Hòa thượng được Tổ cho làm thị giả, sớm hôm gần gũi, và Tổ đã thầm nhận ra Hòa thượng là bậc pháp khí đại thừa nên đã hết lòng chăm lo giáo dục cho Hòa thượng. Thầy trò tâm đắc, vô ngôn nhưng hiểu hết nỗi lòng của nhau, có lần Tổ nhận xét về Hòa thượng: "Chơn Thiện có trí tuệ, có đạo hạnh, lại có tính thầm lặng. Sau này có thể gặp khó khăn, lại đa đoan công việc". Học gia giáo ở Tổ đình Tường Vân và các trường Phật học, thế học trong tỉnh Thừa Thiên - Huế xong, Tổ gởi Hòa thượng vào Sài Gòn học tại Đại học Vạn Hạnh, tốt nghiệp cử nhân. Tiếp đến Tổ sai biểu Hòa thượng Thích Minh Châu (là sư huynh của Hòa thượng) lúc bấy giờ là Viện trưởng Viện Đại Học Học Vạn Hạnh, lo mọi thủ tục để đưa Hòa thượng Thích Chơn Thiện du học ở Hoa Kỳ từ đầu năm 1972, tại Đại học Ohio Athens, thuộc tiểu bang Ohio.
Cơ duyên gặp Hòa thượng.
Sau năm 1975 tôi thường vô ra Sài Gòn, khi thì đi trị bệnh, khi thì vô Sài Gòn ghé chợ sách cũ ở đường Calmette, ở Quận 1, tìm lục mua những cuốn sách cũ mà mình yêu thích, có mua được cuốn sách TÌM HIỂU ĐẠO PHẬT (Buddhism Explained) tác giả: Khantpalo Bikkhu, dịch giả Tỳ Kheo: Chơn Thiện, in bằng kỹ thuật in Roneo, trên giấy hẩm xấu. Quyển thứ hai là quyển TƯ TƯỞNG KINH PHÁP HOA, do Hòa thượng biên soạn, bản đánh máy, bằng máy đánh chữ thời kỳ Pháp còn lại (lúc bấy giờ chưa có Computer ). Từ nhân duyên mua được hai cuốn sách đó mà thỉnh thoảng tôi có ghé Phân khoa khoa học ứng dụng ở đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận để nghe Hòa thượng Chơn Thiện giảng vào những ngày chủ nhật. Với tôi ấn tượng nhất khi nghe Hòa thượng giảng, không phải là kiến thức đa văn của Hòa thượng, mà là nụ cười thoải mái phô hết hàm răng với chiếc miệng rộng, và những giọt nước mắt rất dễ chảy khi giảng về những ách nạn của Phật giáo trong giòng lịch sử quá khứ và cận đại. Không thương Phật, không thương Đạo nhiều không dễ có cảm xúc, nước mắt ràn rụa tan chảy trên gương mặt hiền hòa phúc hậu như thế.
Những năm tháng sau năm 1975, tôi có thắc mắc rất buồn cười về Hòa thượng:" Hòa thượng du học bên Hoa Kỳ chưa có văn bằng Tiến Sĩ, như thế thì khi Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu viên tịch, ai là người thừa đương gánh vác Phật sự của ngành giáo dục Phật giáo ?". Câu hỏi không có ai trả lời hộ thì bỗng một hôm có một Phật tử rất thân cận Hòa thượng ở Sài Gòn, kể cho tôi nghe vì sao Hòa thượng chỉ học Thạc Sĩ tại Hoa Kỳ rồi bỏ về Việt Nam. Câu chuyện như thế này: Có một Phật tử là Việt kiều, từ Mỹ về Việt Nam ghé thăm Hòa thượng Thích Minh Châu và kể câu chuyện, rằng Hòa thượng Thích Chơn Thiện học tại Đại học Ohio Athens, có một cô sinh viên thầm thương trộm nhớ Hòa thượng, sau đó thì chủ động tấn công tình cảm, cô Phật tử nói: "Nếu Ôn mà để Thầy Chơn Thiện tiếp tục học thì con e rằng Ôn sẽ mất một sư đệ, giáo hội sẽ mất đi một tăng tài". Nghe như thế Hòa thượng Thích Minh Châu hoảng quá, không kịp tìm hiểu thông tin hư thực, vội vàng điện thoại gọi Hòa thượng Chơn Thiện về nước, chính từ lý do đó mà Hòa thượng Chơn Thiện chưa có bằng Tiến Sĩ ở Đại học Ohio Athens, thuộc tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ.
Do vậy mà đến năm 1995 - 1996 Hòa thượng mới tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật Học tại Đại Học Delhi với học bỗng ICCR (Hội Đồng Quan Hệ Văn Hóa của Ấn Độ). Với đề tài : “Lý Thuyết Nhân Tính qua Kinh Tạng Pali”.
Viết để tưởng niệm một vị cao tăng Phật giáo vừa mới viên tịch, mà hồi ức câu chuyện hơi phàm, chúng con thấy có gì đó không ổn. Nhưng thôi, cứ mạnh dạn kể ra, bởi vì nếu không có Phàm thì làm gì có Thánh. Duyên phước xuất gia tu hành của Hòa thượng thứ nhất là đã gặp minh sư (Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết). Thứ hai là đã gặp được thiện hữu tri thức (Hòa thượng Thích Minh Châu...). Nếu không gặp được Thầy lành bạn tốt như thế, làm sao Phật giáo Việt Nam có được một "Tòng lâm Thạch trụ" như Hòa thượng Thích Chơn Thiện.
Để kết cho bài tưởng niệm chúng con xin được trích dẫn một đoạn của Hòa thượng nói về giáo dục: " Đặc biệt là việc tổ chức nội trú. Sinh hoạt nội trú là biện pháp tốt nhất để theo dõi việc học hành, nhất là phẩm hạnh của Tăng Ni sinh. Có nội trú, nhà trường mới giữ được truyền thống tu học nhà chùa. Chúng ta phải dứt khoát tổ chức cho được việc nội trú, phải dứt khoát xem nội trú là điều kiện tiên quyết để thành lập một trường học, không tổ chức được nội trú thì không nên mở trường".
Cung kính dâng lên Giác linh Hòa thượng bài thơ:
*
Tường Vân phủ bóng ngự bình.
Trọn lòng giáo dục nặng tình nước non.
Đạo đời luôn giữ vuông tròn.
Ngọn đèn vô tận vẫn còn tháng năm.
Gia Lai. Ngày13.11.2016
phuonghuycao@gmail.com
Với đôi lần diện kiến được Ôn tiếp chuyện thấy hình ảnh Ôn lúc nào cũng vẻ bình dị mà gần gũi rất thật rất đời và rất đạo. Nhìn qua thì không có gì đăc sắc cả mà ẩn thâm sâu trong đó là một trí tuệ đạo cao vời. Nói Pháp hào hứng say mê như nước chảy không có điểm dừng, không có điểm cuối, điểm nào cũng có thể phăng ra được dòng chảy của Pháp như suối nguồn bất tận. Tiếp xúc cũng nhiều và thật lòng là chưa thấy ai nói pháp say mê như suối chảy vậy và có được vậy thì chỉ có pháp tử mới tuôn bất cứ gì cũng ra pháp thôi chứ thường thường thì sao làm được! Cảm tạ Ôn muôn đời những mong chỉ được là một hạt bụi bé tí của Ôn thôi cũng đã là thành công trong đời rồi nhưng sao có vẻ khó lắm. Ngưỡng mong Ôn sớm tái hiện ta bà cứu độ chúng con.
Thích Trả lời 11/13/2016 7:01:42 PM