;
Trong phần lời tựa dành cho ấn bản tiếng Đức của quyển "Cốt lõi của cội Bồ-đề" Jack Kornfield một Phật tử và học giả lỗi lạc người Mỹ, đã viết như sau: "Nếu Buddhadasa sống ở Nhật thì nhất định ông sẽ phải là một danh nhân trong lịch sử hiện đại của xứ sở này. Dầu sao đi nữa thì người ta cũng đã biết đến ông vào cuối đời như là một trong số những vị Thầy uyên bác và đáng kính nhất mà Phật Giáo Thái Lan từ nhiều thế kỷ nay".
Thật thế, chiếc am nhỏ trong khuôn viên của ngôi chùa Suan Mokkh, còn gọi là "Khu vườn Giác Ngộ", tại tỉnh Surat Thani thuộc miền nam Thái lan đã bao che kín đáo một phần cuộc đời của một nhà sư thật bình dị và khiêm tốn và cả một trí tuệ bao la tàng ẩn bên trong sự bình dị và khiêm tốn ấy.
Ngày nay, mỗi ngày đều có những chuyến xe đò dừng lại ở trạm Suan Mokkh để đổ xuống hàng toán người hành hương. Họ là những người trọng tuổi, là thanh niên, thiếu nữ và cả trẻ em. Họ đến từ mọi thành phần trong xã hội kể cả những nông dân từ vùng quê hay những người buôn thúng bán mẹt từ các chốn thị thành xa xôi.
Giữa "khu vườn" là một ao sen thật lớn, bên cạnh là một dãy nhà xây theo mô hình một con thuyền nhằm để biểu trưng cho sự Giác Ngộ. Dãy nhà được trang trí bằng các hình tượng điêu khắc, tranh ảnh và các biểu đồ đơn giản nhằm gợi lên ý nghĩa của giáo lý. Những người dù không có kiến thức cao hoặc không được học hành nhiều mỗi khi nhìn vào đấy cũng có thể lĩnh hội được những gì chính yếu trong Đạo Pháp. Buddhadasa thường đặt các tảng đá cạnh một gốc cây hay xếp các viên đá nhỏ chung quanh để nhắc nhở khách thập phương đến viếng phải biết yêu quý thiên nhiên và cây cỏ. Thật vậy Đức Phật đã ngồi xuống cạnh một gốc cây để đạt được Giác Ngộ, và Ngài cũng đã nằm xuống giữa hai gốc cây để hòa nhập với Đại-bát Niết-bàn. Một lần Jack Kornfield tâm sự với Buddhadasa rằng trong các xã hội Tây phương có nhiều người mang những vết thương thật sâu kín trong lòng họ, và hỏi rằng phải làm thế nào để có thể giúp họ chữa khỏi. Buddhadasa kê ra cho Jack Kornfield một phương thuốc như sau: trước hết là phải mở rộng lòng từ bi, sau đó là phải hòa nhập sự sống của mình với cây cỏ, núi rừng và thiên nhiên.
"Khu Vườn Giải Thoát" không có chính điện đồ sộ với các trang trí cầu kỳ. Thật thế ông không thích những nghi thức lễ lạc và màu mè giả tạo. Nếu có ai định chắp tay vái lạy ông thì ông chộp lấy tay người ấy mà kéo xuống ngồi bên cạnh để ông trò chuyện và thăm hỏi như một người bạn lâu đời.
Pháp
danh của ông là
Buddhadasa có nghĩa là người tỳ kheo hầu hạ Đức Phật, thế nhưng
người dân Thái thì lại gọi ông là Ajhan Buddhadasa. Chữ Ajhan phát xuất từ tiếng
Phạn acarya có nghĩa là một người hướng
dẫn hay chỉ đạo, và khi đã chuyển thành tiếng Thái thì lại có nghĩa là một vị "Thầy"
với một sự tôn kính đặc biệt. Thế nhưng chính ông thì chỉ muốn xem mình là một
người tỳ kheo hầu hạ Đức Phật: Buddhadasa Bikkhu.
Tôi xin hiến dâng thân xác và sự sống này
cho vị Thầy của tôi là Đức Phật
Tôi chỉ là một người hầu hạ Ngài
Vì thế mà người ta gọi tôi là Buddhadasa
(chữ Pa-li dasa có nghĩa là một người hầu, một người tôi tớ để sai bảo -
a bondsman)
"Trong hình này tôi chỉ là một
nhà sư bé tí, ngồi dưới chân vị Thầy của tôi (bên trái) và
vị giám hộ của tôi (bên phải) ở giữa
là một vị đại sư thi sĩ, bạn của Thầy tôi và vị giám hộ của tôi. Cả ba đã gặp
nhau vào mùa Kiết Hạ (Vassa) năm 1934 nơi " Khu Vườn Giải Thoát" và họ
đã kết thân với nhau. Người dân Thái thường gọi ba vị này là "Ba Con Hổ"
của miền Nam
nước Thái. Ngày Thầy tôi được tám mươi tuổi thì tôi chỉ là một tỳ kheo non trẻ vừa
mới thụ phong được một năm. Ảnh chụp ngày 27 tháng 5, năm 1986 đúng vào ngày
sinh nhật tám mươi tuổi của Thầy tôi". Bảy
năm sau đó thì Buddhadasa cũng đã từ bỏ thân xác của kiếp nhân sinh này của ông.
Santikaro tiếp tục lưu lại "Khu Vườn Giải Thoát" đến năm 1999 và
trong khoảng thời gian này ông cũng đã dịch sang tiếng Anh phần lớn các bài giảng
Pháp của Buddhadasa. Chính nhờ vậy mà thế giới đã biết đến một nhà sư thật uyên
bác, khác thường và vô cùng khiêm tốn của Á Châu. Jack Korfield cũng từng là một
thành viên của tổ chức Thiện Nguyện Peace Corps và sau đó cũng đã trở thành đệ
tử thân cận của nhà sư Ajhan Chah.
Nhằm để tìm hiểu thêm về vị đại sư này, có lẽ chúng ta hãy cùng đọc hai bài thơ sau đây mà ông đã viết cách nhau gần nửa thế kỷ. Hai bài thơ có thể xem như biểu trưng cho hai quãng đời tu tập của ông:
Bài thơ thứ nhất:
Tôi làm việc vượt hơn cả sức người
Tôi làm việc vượt hơn cả sức người
thế nhưng con tim vẫn đủ sức để hân hoan nhảy múa.
Ấy chẳng qua trong thâm tâm, tôi đã quyết
vì Đạo Pháp hiến dâng kiếp sống này.
Dù hoàn cảnh và cơ duyên đưa đẩy
khiến tôi phải chết - vì nghiệp lực do chính mình tạo ra.
Thì đấy cũng ví như được nghỉ tay sau những lúc nhọc nhằn,
được yên giấc trong đêm, hay dừng tay trong một thoáng.
Khi bình minh ló dạng, tôi lại bắt tay
hoàn tất công việc còn bỏ lại.
Mỗi ngày lại một lần sinh, cả hai cũng chỉ là một:
sinh ra lúc vừng dương ló dạng, chết đi khi màn đêm buông xuống.
Quay đều vòng luân hồi chuyển động,
tạo ra muôn ngàn gợn sóng để vỗ về và an ủi tim ta.
Hỡi những ai mong cầu hân hoan và hạnh phúc, phải nhớ rằng:
tất cả đều do mình hiểu thế nào là hân hoan.
Đối với tôi hân hoan chẳng mang ý nghĩa nào khác
là được sinh ra để hăng say làm
việc
Tạo ra cơ duyên giúp mình và tất cả mọi người
hiểu được bản chất của thế giới,
hầu chinh phục và chiến thắng nó.
Thiên Nhiên sinh ra ta, lành mạnh cả thể xác lẫn tâm thần.
Lớn lên - cũng lại nhờ Thiên Nhiên!
Thế nhưng sự sáng tạo ấy cũng chỉ là được sinh ra, tan rã và để chết.
Tuy thế cũng đã tạo cho tôi dịp may (được làm người),
Để phấn đấu nhằm vượt lên hàng đầu,
hầu đạt được mục đích trước tất cả mọi người.
Bạn bè thi nhau sống trong buông thả,
Bao công việc bỏ lại, đưa vai tôi gánh vác.
Trong cuộc sống, bổn phận bủa vây tôi,
tựa trên đầu chất cao trăm món nợ,
Như cơn lốc ngăn chận bước chân tôi.
Biết khi nào vượt được, an bình và giải thoát còn xa một cõi nào?
Muốn đến được Niết-bàn bao chông gai phải vượt,
đấy là cửa ải do chính mình dựng lên.
Quy Luật (nhân quả) ấy nghiệt ngã hơn bất cứ một lệ luật nào,
Mạng lưới của nó, dù khôn ngoan đến đâu cũng không sao tránh thoát.
Bất cứ một hành động nào,
nếu mang lại lợi ích cho người khác và cho mình,
Thì phải thực hiện nhanh lên, phải đấu tranh và ra sức,
hoàn tất thật tốt đẹp nhằm hồi đáp món nợ của Thiên Nhiên.
Khi nào từ thâm tâm mọi sự bám víu
yếu dần, tan đi và biến mất,
Thì khi đó trí tuệ cũng sẽ loại bỏ được tham lam, giận dữ
và ảo giác - luân hồi cũng sẽ ngừng quay
Hãy nhanh lên, hỡi các bạn, xin đừng chậm trễ!
Bắt tay ngay, dù khó khăn nào đang đợi.
Nếu vượt quá sức người và phải chết sớm,
ấy ví như được nghỉ ngơi lần cuối, nào có gì khác đâu!
Bài thơ thứ hai:
Buddhadasa
không bao giờ chết
Buddhadasa sống mãi, chẳng có gì chết cả.
Dù thân xác phải chết, tai không còn nghe được nữa.
Hoặc còn đó hay ra đi nơi khác, nào có hệ trọng gì?
Theo dòng thời gian - một cái gì đó đã trôi đi.
Buddhadasa vẫn bước, chẳng có gì chết cả.
Dù đẹp trời hay những ngày giông bão,
Luôn dốc lòng tuân theo lời giảng dạy.
Đem tâm sức giữ tròn trọng trách với Như Lai.
Buddhadasa sống mãi, chẳng có
gì chết cả.
Hết lòng phục vụ cho nhân sinh mãi mãi,
luôn nêu cao Đạo Pháp từ ngàn xưa lưu lại.
Bạn thấy chăng! Chẳng có gì chết cả!
Dù phải chết, chấm dứt thân xác này,
Tiếng tôi nói vẫn âm vang trong tai bạn,
Rõ ràng và trong sáng, hùng hồn như những thuở xa xưa.
Nếu Thân-Đạo-Pháp vẫn sống - thì chẳng bao giờ tôi chết cả.
Hãy xem tôi không bao giờ chết cả,
Luôn bên bạn như ngày xưa muôn thuở.
Hãy tỏ bày những gì trong tâm thức,
ân cần tôi giải đáp, bạn thấy chăng tôi đang ngồi cạnh bạn.
Hãy xem tôi không bao giờ chết cả,
Muôn dòng suối phúc hạnh sẽ dâng tràn.
Đạo Pháp, xin đừng quên những ngày
ngồi bên nhau bàn bạc:
Thực hiện được Sự Tuyệt Đối (của tánh không) - cái chết sẽ
không bao giờ xảy đến.
(Bài thơ trên đây được Buddhadasa viết vào ngày 27 tháng 5, năm 1986, nhân sinh nhật 80 tuổi của ông. Bài thơ này được Santikaro Bikkhu dịch sang tiếng Anh vào ngày 28 tháng 4, năm 1994)
Hình chụp Buddhadasa ngồi trước chiếc am nhỏ của ông
trong "Khu vườn Giải Thoát" vào ngày sinh nhật tám mươi tuổi
Hai bài thơ được sáng tác cách nhau 48 năm đã cho thấy một sự khác biệt thật lớn. Thật vậy, gần nửa thế kỷ tu tập đã biến đổi hẳn một con người. Khi còn là một tỳ kheo trẻ thì Buddhadasa vẫn còn bị ám ảnh bởi cái chết:
Quay đều vòng luân hồi chuyển động,
tạo ra muôn ngàn gợn sóng để vỗ về và an ủi tim ta.
....................................
Nếu vượt quá sức người và phải chết sớm,
ấy cũng ví như được nghỉ ngơi lần cuối, nào có gì khác đâu!
Và người tỳ kheo trẻ trong những lúc quá nhọc nhằn vẫn còn trách móc người khác:
Bạn bè thi nhau sống trong buông thả,
Công việc họ bỏ lại, đưa vai tôi gánh vác.
Cũng xin được nhắc thêm là Buddhadasa là một người tự học và cũng đã tự tay tận lực trùng tu một ngôi chùa hoang phế để tạo ra " Khu Vườn Giải Thoát" như ngày nay.
Thế nhưng đối với bài thơ được viết gần nửa thế kỷ sau đó thì:
Buddhadasa vẫn sống, chẳng có gì chết cả.
................................
Hãy xem tôi không bao giờ chết cả,
Luôn bên bạn như ngày xưa muôn thuở.
..................................
Buddhadasa vẫn bước, chẳng có gì chết cả,
....................................
Theo dòng thời gian - chỉ có một cái gì đó đã trôi đi.
Nếu người tỳ kheo trẻ trước đây luôn lo âu và khắc khoải:
Trước sự sống, bổn phận bủa vây tôi,
tựa trên đầu chất cao trăm món nợ,
....................................
Như cơn lốc ngăn chận bước chân tôi.
Biết khi nào vượt được, an bình và giải thoát một cõi nào còn xa?
Thì vị sư già lúc nào cũng ung dung, tự tin và thanh thản:
Dù đẹp trời hay những ngày giông bão,
Luôn dốc lòng tuân theo lời giảng dạy.
.................................................
Dù phải chết, chấm dứt thân xác này,
Tiếng tôi nói vẫn âm vang trong tai bạn,
Rõ ràng và trong sáng, hùng hồn như những thuở xa xưa.
Ngoài sự thăng tiến rõ rệt giữa hai giai đoạn trên con đường tu tập của một nhà sư, từ sự ám ảnh của cái chết khi còn trẻ cho đến thể dạng không bao giờ chết nữa khi bước vào tuổi già, thì hai bài thơ còn nêu lên nhiều nét nổi bật khác nữa. Chỉ xin đơn cử một vài điểm như sau:
Quan điểm tu tập của Buddhadasa cho thấy nhiều nét rất gần với Đại Thừa Phật Giáo, chẳng hạn như ông đã nâng vai trò của lòng từ bi lên một cấp bậc thật cao và đồng thời ông cũng chấp nhận các quan điểm và cách hiểu của Đai thừa về tánh không, niết-bàn, Phật tính, sự quán thấy bằng trực giác của Thiền Học,v.v... Các câu thơ sau đây trong bài thơ ông viết ngay khi còn trẻ không hẳn biểu trưng cho cách hành xử của một vị A-la-hán mà đúng hơn là lòng quyết tâm và sự cố gắng phi thường của một người Bồ-tát:
Trước sự sống, bổn phận bủa vây tôi,
tựa trên đầu chất cao trăm món nợ.
...........................
Bất cứ một hành động nào,
mang lại lợi ích cho người khác và cho mình,
Thì phải thực hiện nhanh lên, phải đấu tranh và ra sức.
............................
Nếu vượt quá sức người và phải chết sớm,
ấy ví như được nghỉ ngơi lần cuối, nào có gì khác đâu!.
Thiết nghĩ có lẽ cũng cần phải giải thích thêm một vài điểm khác trong cả hai bài thơ này. Trong bài thơ thứ hai Buddhadasa cho biết rằng "Thiên Nhiên" đã sinh ra ông. "Thiên Nhiên" ở đây không biểu trưng cho một Đấng Tối Cao nào cả mà chỉ có nghĩa là các quy luật tự nhiên chi phối sự vận hành của mọi hiện tượng trong vũ trụ: đấy là quy luật tương liên, tương kết và tương tạo (interdependence), trong đó gồm có quy luật về nguyên nhân và hậu quả:
Quy Luật ấy nghiệt ngã hơn bất cứ một lệ luật nào.
Cái Quy Luật đó đã khiến cho ông phải quay lại kiếp nhân sinh. Thế nhưng ông không hề oán trách cái Quy Luật ấy mà trái lại còn cám ơn nó đã tạo ra cho ông cơ duyên được làm người để tu tập. Tuy hiểu được những điều ấy thế nhưng khi thuyết giảng thì ông không bao giờ nêu lên bất cứ những gì mà ông cho là "vô ích", tức là không trực tiếp hướng vào mục đích nhằm loại bỏ khổ đau. Những chuyện như luân hồi, tái sinh... chỉ khiến cho người tu tập thêm hoang mang mà thôi. Một vài học giả Tây Phương phân tích các lời giảng của ông và không chịu tìm hiểu sâu xa hơn, vì thế đôi khi họ đã đánh giá ông một cách sai lầm khi cho rằng ông chủ trương đơn giản hóa và duy lý hóa Phật Giáo.
Điểm nổi bật và đáng chú ý hơn hết trong bài thơ khi ông viết vào lúc tuổi già chính là câu sau đây:
Buddhadasa sống mãi, chẳng có gì chết cả.
Vậy nếu Buddhadasa sống mãi và chẳng có gì chết cả thì có nghĩa là gì? Đấy có nghĩa là Buddhadasa đã hóa thành tánh không và trong cái tánh không đó chẳng còn lưu lại bất cứ gì để mà chết cả. Cái trống không ấy chính là sự Tắt Nghỉ Tuyệt Đối, là Niết-bàn.
Tâm thức của Buddhadasa đã đi hết con đường, đã trở thành tánh không, chỉ có thân xác tạm thời này của ông là còn lưu lại mà thôi:
Hoặc (nó vẫn) còn đó hay ra đi nơi khác, thì có hệ trọng gì?
Mọi sự nắm bắt và bám víu cũng như các vết hằn của nghiệp, tất cả đều đã được loại bỏ và tẩy sạch trên dòng lưu chuyển liên tục của tri thức ông. Tâm thức của ông đã hòa nhập vào tánh không của tất cả mọi hiện tượng, để trở thành một với tánh không của cả vũ trụ.
Tám mươi tuổi, tuy đang ngồi yên lặng trước cửa am trong "Khu Vườn Giải Thoát", thế nhưng tâm thức ông đã an trú trong Tánh Không Tuyệt Đối và Đích Thật của Dhamma, của Niết-bàn và Đức Phật. Cái Tánh Không ấy không bao giờ chết và chính trong không gian Trống Không của cái Tánh Không Tuyệt Đối ấy cũng chẳng còn gì sót lại để mà chết cả. Đấy là ý nghĩa của tựa bài thơ - Buddhadasa không bao giờ chết - và của câu thơ mở đầu cho toàn bộ bài thơ - Buddhadasa vẫn sống, chẳng có gì chết cả.
Nếu đủ sức phát lộ được cảm tính về một chút tánh không nào đó trong tâm thức mình thì biết đâu chúng ta cũng sẽ có thể cảm thấy có một người tu hành nào đó trước đây từng mang tên là Buddhadasa đang ngồi bên cạnh chúng ta hôm nay để han hỏi và bàn bạc với chúng ta:
Hãy xem tôi không bao giờ chết cả,
Luôn bên bạn như ngày xưa muôn thuở.
Hãy tỏ bày nhưng gì trong tâm thức,
Ân cần tôi giải đáp, bạn thấy chăng tôi đang ngồi cạnh bạn.
Vậy
chúng ta sẽ han hỏi những gì và thắc mắc những gì? Phải chăng chúng ta muốn biết
là phải làm thế nào để đạt được nước niết-bàn? Buddhadasa sẽ trả lời cho chúng
ta bằng câu thơ cuối cùng trong bài thơ ông đã viết:
Thực hiện được sự Tuyệt Đối (của tánh không) - cái chết sẽ không bao giờ xảy đến!
&nbs