;
Văn hóa PGVN, thống nhất trong đa dạng (1)
Văn hóa PGVN, thống nhất trong đa dạng (2)
Bốn lĩnh vực Hội thảo trong hai ngày với:
- Chủ đề DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM gồm 07 tham luận
- Chủ đề KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO VIỆT NAM có 13 bài
- Chủ đề PHÁP PHỤC PHẬT GIÁO có 11 bài
- Chủ đề NGÔN NGỮ PHẬT GIÁO VIỆT NAM có 08 bài
Cộng thêm 05 bài vừa là khai mạc, vừa là đề dẫn...
Thật ra chỉ có 11 bài tham luận được trình bày, ngoài những nhà chuyên môn nói về tính chất giá trị của mỗi chủ đề, hầu hết là trình bày về thực trạng, thực tướng và nguồn gốc hình thành chùa tháp và hệ phái. Đầu kỷ nguyên, khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, chùa tháp cũng đã sớm hình thành trên đất nước ta.
Lịch sử cho biết vào thế kỷ thứ II, tại Bắc Ninh, trung tâm Luy Lâu, một Trung tâm Phật giáo phồn thịnh nhất của ta đã có mặt trước Bành Thành và Lạc Dương của Tàu, đã có nhiều danh sư như Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương và Mâu Bác hoằng hóa. Lúc bấy giờ đã có trên 500 Tăng sĩ, xây dựng trên 20 chùa tháp và dịch được 15 bộ kinh. Lúc bấy giờ tín ngưỡng nhân gian đã được đồng hóa bởi Phật giáo. Do tính tùy duyên của nhà Phật, linh động thích nghi với bản địa, kết hợp niềm tin bản địa với đức tin Phật giáo cho ra đời những chuyện tích Thần thoại; vì vậy đã có những chùa mang tên Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện tức Mây-Mưa-Sấm-Chớp được Thần Phật hóa, an định niềm tin nhân dân. Từ niềm tin lúc bấy giờ cho đến kiến trúc, Phật giáo đương thời chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn -Hoa. Dần dà, theo thời gian, với tinh thần tiếp biến và độc lập, Phật giáo đã có một nét riêng của Việt tộc. Những di tích cổ có niên đại trên vài thế kỷ ở phía Bắc, các chùa như chùa Am, chùa Nhất Trụ, chùa An Tiêm... lần lượt chùa Dâu, chùa Bắc Ninh, chùa Sùng Phúc, chùa Phật Tích... rãi đều trên toàn lãnh thổ Miền Bắc. Thời tiền Lê, Đinh và Lý là thời kỳ phát triển chùa tháp với những phong cách thuần Việt. Qua những cuộc chinh chiến, một số chùa đã bị san bằng hoặc hư hoại không được phục hoạt.
Việc bảo tồn di tích ngày nay vẫn là điều gian nan khi quần chúng quan niệm: - đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt. Một ngôi chùa xuống cấp nặng nề, muốn tu tạo cần thông qua Ban Bảo tồn di tích - Giáo Hội Phật giáo địa phương và Ban quản lý chùa của đồng bào tại chỗ. Ít khi được sự đồng thuận giữa ba bên bốn bề, chưa nói đến trình độ dân chúng hiểu biết giá trị di tích, tu tạo theo mô hình cũ, vì họ chỉ biết rằng, muốn sửa chữa thì phải làm mới bằng vật liệu hiện đại theo mô hình tân thời. Còn địa phương muốn chống dột, muốn chắp vá vôi rửa long lở hoặc tường vách sụp đổ xin phép cũng là việc không dễ dàng. Chính quyền địa phương chỉ lên Tỉnh, Tỉnh đưa qua Ban Tôn giáo xét duyệt chuyển Giáo hội, qua Ban Bảo tồn, xin kinh phí, đợi duyệt xét thẩm tra... Qua bấy nhiêu thủ tục đủ thời gian để sụp đổ cái gọi là Di tích được Bảo tồn, người dân gọi là Bảo tồn sự hư hoại.
Chùa Một Cột phía Bắc, theo báo chí trước đây, cũng trong tình trạng chờ duyệt xét tu bổ, mưa đến tượng Phật phải mặc áo đội nón, nước tràn ngập đe dọa sự tồn vong.
Ngay cả một ngôi chùa hiện nay, không phải thuộc di tích, ở Trung Chánh, cách Sài gòn 20km do mưa tạt, hư hao hạ tầng, xin che chắn bằng tole cũng không được duyệt, đến khi thầy trụ trì tự làm thì bị phạt vạ hàng chục triệu đồng. Cơ chế bất nhất tùy mỗi địa phương đã tạo khó không ít cho các cơ sở Tôn giáo thì nói gì đến bảo tồn di tích.
Về kiến trúc, Ban Văn Hóa dĩ nhiên kết hợp với bộ phận kiến trúc của Giáo Hội để có một mô hình đậm nét Thiền môn hơn là một khối bê tông vô hồn. Nhiều nơi đã hình thành ngôi chùa tốn hàng chục tỷ đồng mà vẫn không mang được sinh khí Thiền môn.
Tại quận hai, TP HCM, một ngôi chùa bề thế lộng lẫy quanh năm suốt tháng "bế quan tỏa cảng", chỉ cho quần chúng đến lễ bái vào ngày rằm nguơn. Người Phật tử bảo là chùa đại gia, không mang phong cách chùa mà cũng chả phải phong cách biệt thự, chẳng thuộc bất cứ phong cách Phật giáo của quốc gia nào, cho dù vị tọa chủ trang phục theo phong cách Nhật, đi lại theo phong cách Tăng quan cung triều.
Theo cách nói của thầy Giải Hiền, Giảng viên học viện Phật giáo Sóc Sơn, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm Thanh Hóa góp ý trong buổi hội thảo: "Cần đưa quan điểm hiệu suất sử dụng hiện đại xây dựng vào công trình kiến trúc Phật giáo để nâng cao hiệu suất đồng tiền của xã hội". Nói nôm na dễ hiểu là dùng đồng tiền của quần chúng vào việc xây dựng cơ sở phải thể hiện việc công ích cho Tôn giáo hay cho xã hội chứ không phải thể hiện sự giàu sang giữa quần chúng nghèo đói cả vật chất lẫn tâm linh.
Các chùa sư sãi Nam tông K'hmer tuy nhỏ nhưng luôn là tụ điểm cho đồng bào sinh hoạt Tôn giáo lẫn sinh hoạt xã hội, cũng là trường lớp cho trẻ con đến học; là nơi sinh hoạt lễ hội văn hóa cộng đồng.
Ngày nay, phong trào sinh hoạt thanh thiếu niên tại các chùa khá phổ biến, ngoài khóa tu một ngày, khóa tu mùa hè, tu Bát quan trai, kể cả khóa tu cho người khuyết tật đang phát triển, giúp cho thế hệ trẻ định hướng đạo đức trong xã hội tạp loạn hiện nay.
Một số chùa được truyền thừa lâu đời còn có lễ hội văn hóa như chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng do TT Huệ Vinh đảm trách, hàng năm, lễ hội Quan Âm được xem là một trong những lễ hội Quốc gia quan trọng.
Thiền phái Trúc Lâm của HT T.Thanh Từ đang có mặt khắp ba miền, thể hiện được nét thanh thoát, đơn giản, thiền vị của chốn già lam; có giá trị văn hóa tâm linh lẫn văn hóa vật thể.
Cũng có một vài nơi xây chùa đã xâm phạm môi trường xanh, mà đáng ra, với tinh thần bảo vệ thiên nhiên của nhà Phật, phải được thực hiện. Đức Phật và Tăng đoàn luôn gắn liền với thiên nhiên từ khi có mặt đến lúc nhập Niết Bàn. Ngài sinh ra dưới cội hoa Vô Ưu, thành đạo dưới gốc Bồ Đề, sinh hoạt trong vườn xoài, vườn trúc, viên tịch dưới tán Sa La song thọ. Thiền môn già lam xa xưa đều tôn tạo cảnh quan bằng cây cảnh rừng hoa. Các bậc ẩn sĩ cũng chọn núi rừng làm nơi nương náo. Ngày nay, thế giới báo động về môi trường bị hủy hoại, nhân loại đang đối đầu với thiên tai do hậu quả hủy hoại sinh môi, hà cớ một tôn giáo văn hóa tâm linh lại không biết bảo vệ?
Cũng theo thầy Giải Hiền: "Không nên san bằng các ngọn đồi, ngọn núi để xây dựng công trình Phật giáo, phải tuân thủ tiêu chuẩn kiến trúc xanh, không khuyến khich xây chùa bằng gỗ... khôi phục chùa Dâu, chùa Pháp Vân làm biểu tượng của văn hóa Phật giáo Việt Nam, làm trụ sở của Hội Đồng chứng minh và nơi ở của Đức Pháp Chủ..."
Vấn đề kiến trúc của từng hệ phái cũng được thể hiện rõ nét, như Hòa Thượng Viên Minh, Ủy viên HĐTS GHPGVN trình bày: "Một chùa Tịnh độ có tính tôn nghiêm - cao khiết để biểu hiện lòng tín thành quy ngưỡng. Chùa Mật tông mang vẻ huyền bí - thâm u cho hợp với oai âm mật lực. Chùa Thiền Tông phảng phất nét hồn nhiên - dung dị để thể hiện chân tính bản nguyên. Dĩ nhiên cũng có nhiều kiến trúc pha tạp không thể hiện được bản sắc của tông phái mình. Hoặc, trong thực tế, nhiều tông phái đã kết hợp, hòa nhập với nhau nên không còn mang tính đặc thù mà hiển nhiên trở thành một hợp thể. Trong kiến trúc hợp thể nầy, nếu được xử lý tài tình thì thể hiện được một cách hài hòa nhất tính, bằng không thì trở thành vá víu đa tạp.
Một thực tế khác nữa là Phật giáo Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng thuyết "Tam giáo đồng nguyên" của Trung Hoa nên không khỏi vay mượn một số biểu tượng Nho giáo và Lão giáo trong thể hiện kiến trúc".
Và Hòa Thượng cũng nhận định giá trị văn hóa phi vật thể của Nam tông: "Y cứ vào trí tuệ hơn là đức tin. Tin vào tự tánh hơn là tha lực. Giác ngộ chân lý ngay nơi thực tại hiện tiền hơn là hướng đến những cõi Phật lý tưởng bên ngoài. Chỉ thẳng sự thật như thị hơn là thông qua biểu tượng ẩn ngữ hay pháp môn phương tiện. Tu hành có nghĩa là sống thuận pháp hay tùy pháp hành hơn là cầu nguyện hay áp dụng một chủ trương, quan niệm hoặc hệ thống tư tưởng nào. Không nghiêng về nhập thế hay xuất thế theo kiểu nhị nguyên "để từ đặc tính đó", chúng ta cần phải chuyển hóa những đặc tính trên của Phật giáo Nguyên Thủy thành đường nét kiến trúc, bằng cách phổ quát hóa chúng thành những ý tưởng cô đọng như: giản dị - thực tế - trong sáng - trầm ổn và thanh thoát; hay cụ thể hơn là sáng sủa, thông thoát, cao nhã, thanh nhu và mạnh mẽ."
Mỗi tông môn hệ phái đều có một quan điểm và góc nhìn giáo lý cá biệt, từ đó, đời sống tâm linh sản sanh ra pháp hành và kiến trúc khác nhau. Ví dụ rõ nét nhất là Thiền phái Trúc Lâm hiện nay và các tự viện Tịnh độ, hoặc chùa Phật giáo Nguyên Thủy. Thế thì đặt vấn đề thống nhất thế nào trong đa dạng như vậy. Mỗi hệ phái có nét riêng thì thống nhất các hệ phái qua kiến trúc ở góc độ nào đó, khó mà định hình.
Phật giáo Việt Nam Bắc truyền ảnh hưởng văn hóa Ấn-Hoa thì kiến trúc ít nhiều mang dấu ấn của Hoa Ấn. Phật giáo Nguyên Thủy mang đậm nét Nam truyền. Tuy thời Lý- Trần, Phật giáo Việt Nam ý thức thoát Trung qua kiến trúc và pháp hành, nhưng góc độ tinh tế vẫn phưởng phất một phần của Nho gia. Khi nhà Nguyễn dời đô về Huế, ít nhiều kiến trúc Thiền môn cũng ảnh hưởng văn hóa Chămpa để nhạt nhòa bớt ảnh hưởng Hán tộc.
Tóm lại, bất cứ nền văn hóa nào dưới mọi hình thức, không thể cho riêng mình một sáng tạo cá biệt mà không chịu ảnh hưởng ít nhiều của văn hóa cận biên. Tiếp nhận và chọn lọc để tiêu hóa, nuôi dưỡng và sản sanh cho cái riêng mình là điều tất yếu, nhưng khó mà định nghĩa thế nào là mẫu kiến trúc đặc thù của Phật giáo Việt Nam không chịu ảnh hưởng bên ngoài. Vì thế, không thể có một mô hình mẫu mực cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam mà chỉ cần tinh thần kiến trúc vừa đậm nét Phật giáo vừa tương thích phong hóa dân tộc và xã hội đương đại.
Qua bốn chủ đề, Kiến Trúc và Ngôn Ngữ tuy dễ thấy nhưng rất khó thực hiện việc thống nhất. Di Sản và Pháp Phục tuy khó khắc phục nhưng vẫn ít gian nan hơn.
Tóm lại, đặt tiêu chí hoàn thiện THỐNG NHẤT TRONG ĐA DẠNG của Ban Văn Hóa và Ban Nghi Lễ Trung ương là một ý nghĩ táo bạo và can đảm. Qua các tham luận, một vài văn bản chỉ nêu thực trạng chung và giải pháp cục bộ. Thiết nghĩ: Ban Văn Hóa và Ban Nghi Lễ cần có phiên họp nội bộ cho các ngành liên đới để nghe ý kiến chung. Mỗi ngành cần tham khảo ý kiến của Tăng tín đồ trong tông môn hệ phái, vừa mang tính dân chủ, vừa thống nhất sáng kiến chung để đề bạt cho Ban ngành Phật giáo Trung ương. Từ đó, cuộc họp liên ngành tại Trung ương Phật giáo tìm một điểm chung đi đến quyết định.
Mỗi tông môn hệ phái duyệt qua bốn chủ đề đã là khó khăn để thể hiện nét đặc thù cho mỗi hệ phái. Cản trở nhất là tính bảo thủ. Thành công nhất là tinh thần cầu tiến, dám vứt bỏ những chướng ngại lỗi thời để thống nhất trong cái chung. Đòi hỏi mỗi hệ phái ý thức nét đặc thù của mình nằm trong một dạng thức chung của dân tộc, góp phần phát huy tính sáng tạo cho một Phật giáo Việt Nam. Nếu các hệ phái tông phong chịu ảnh hưởng ít nhiều văn hóa ngoại biên, với tinh thần tiếp biến qua việc tu tập, những văn hóa ảnh hưởng đó dần sẽ được chuyển hóa thành những dinh dưỡng nuôi lớn văn hóa Phật giáo dân tộc.
Để đi đến thành công khi đã đề ra mục tiêu, Ban Văn Hóa thường xuyên có cuộc họp định kỳ để tiếp nhận ý kiến từng địa phương. Hoạch định thời gian nhất định cho chương trình ngắn và dài hạn. Ban Văn Hóa Trung ương phải đề ra kế hoạch làm việc cho từng địa phương để thu nhận kết quả. Không ngồi chờ đợi giao phó cho các địa phương mà một số họ sẽ không biết bắt đầu từ đâu và làm việc như thế nào. Tuy khó khăn nhưng không thể để ý tưởng ấp ủ quá lâu rồi chìm lắng trong quên lãng. Một Hội thảo khoa học khá tốn kém nhất định không chỉ lắng nghe để rồi bụi thời gian phủ đầy văn bản như bao cuộc Hội thảo khác.
Yêu cầu mỗi địa phương có kế hoạch và đề nghị giải pháp để Trung ương thẩm định. Việc làm đối lưu hai chiều sẽ tạo sự năng động và tinh thần tích cực, có trách nhiệm thì kết quả mong muốn sẽ không phai nhạt. Mỗi chuyên đề cần có thời gian quy định cụ thể để làm việc dứt điểm. Rất may, Ban Văn Hóa Phật giáo Trung ương, ngoài HT Trưởng Ban đã có TT phó ban khá năng động, từng làm cho Phật giáo Nghệ An nổi cộm đứng sau Phật giáo Đà Nẵng. GHPGVN hiện nay, nếu có thêm những nhân sự như TT Tổng thư ký, TT phó Ban Văn Hóa thì không bao lâu, PGVN sẽ tạo nên những điểm son cho Phật giáo nước nhà, thể hiện tính độc lập mặc dù vẫn đang nằm trong Ban Tôn giáo và trong Mặt trận hiện nay. Thời gian qua đã chứng minh tính độc lập đó khi mà lãnh đạo trẻ trong Giáo Hội thoát khỏi tính thụ động "chờ lệnh, xin lệnh và tuân lệnh".
Ngoài những phát biểu lệch lạc của vài tu sĩ chức sắc và chức quyền, cũng có những phát biểu và nhận định khách quan mang tính độc lập của Phật giáo trước những biến cố môi trường vừa qua, thẳng thắn quy trách nhiệm cho những cơ quan chủ quản về sinh môi mà không hề e ngại đứng bên lề phải. Ngày một tiến bộ hơn với số lượng Tăng Ni được trang bị kiến thức đầy đủ, tỏ rõ tính tự cường tự lập cho một Phật giáo Việt Nam mà suốt nhiều thập niên lệ thuộc vào thế quyền. Cùng với tính sáng tạo và độc lập như thế, Ban Văn Hóa Phật giáo Trung ương sẽ được chung tay bởi nhiều Tăng Ni trẻ và các chuyên ngành thế gian để thành đạt bốn tiêu chuẩn đề ra. Hy vọng nằm trong tay mọi hệ phái tông môn trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam hiện nay.
- HẾT -
06/7/2016