;
Lớn lên, ai cũng có lần than mình khổ. Tất cả mọi thứ đều có nguyên nhân, luật nhân quả chẳng bao giờ sai. Ta phải trả giá cho những gì đã làm. Chúng ta ích kỷ lắm:
“Của mình thì giữ bo bo
Của người thì vất cho bò nó ăn”.
Càng lớn thì nỗi lo càng nhiều. Sáng thức dậy, chỉ cần bước chân xuống giường một cái là ta đã sát sinh biết bao nhiêu vi khuẩn dưới chân. Phật nói đời là bể khổ. Ai từng đọc kinh sám hối sẽ thấy tội ác của con người kinh khủng lắm. Theo Phật, kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình - Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu. Nhưng ngặt nỗi, chưa kịp báo hiếu thì cha mẹ không còn.
Cuộc sống là vậy. Đừng bao giờ nghĩ ta chưa có lỗi với ai, điều đó hoàn toàn sai lầm. Càng va vấp nhiều, càng có nhiều tội lỗi. Chúng ta luôn cạnh tranh nhau để sinh tồn. Ai cũng có bệnh hết, ít hay nhiều thôi. Khi không đủ sức chống chọi lại ngoại cảnh, ta phải giã từ cuộc sống này.
Cái gì dùng lâu cũng cũ. Con người cũng thế, làm việc suốt đời thì cũng đến lúc bộ não sẽ hao mòn. Vì vậy, làm không tính đi lính suốt đời. Nhưng khi bộ não kém đi, người tính không bằng trời tính là thế.
Chúng ta suy nghĩ liên tục cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Cái gì đạt được một cách quá dễ dàng thì người ta không biết quý trọng nó. Con người không thể kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống nên mới cảm thấy bất an. Lời nói trước khi chết bao giờ cũng là lời nói thật. Lúc đó người ta chẳng còn gì để mất, tâm nghĩ sao thì nói ra như vậy.
Sống ở đời, điều đáng sợ nhất không phải là bị ai lấy đi cái gì mà đáng sợ nhất là khi ta nợ người khác mà không trả nợ được cho họ.
Ta có những khoảng trời riêng cho mình – khoảng trời mà chỉ có đấng tối cao mới hiểu được.
Lười và ngại thay đổi là căn bệnh mãn tính của con người. Bệnh lười khó chữa lắm (không nói nhưng ai cũng biết, cũng thấy và cũng có). Còn nhỏ, được người lớn đút cơm thì lười ăn. Lớn lên, làm việc không chăm chỉ cũng đòi lương cao. Tự nhiên sinh ra vốn dĩ đã thế.
Tầm nhìn của con người ngắn lắm, có nhiều thứ thời gian trả lời – sau này ta sẽ hiểu.
Khi sinh ra ai cũng có hai tai và một miệng là để nghe nhiều hơn nói. Những bình phẩm, chê bai của thiên hạ, những lỗi lầm để sửa chữa. Ai cũng có những điều tốt đẹp miễn là chúng ta không còn nó nữa.
Con người thường không biết quý những gì mình đang có. Nhìn cảnh trẻ con giành giật đồ chơi, quyết liệt và khóc lóc kinh khủng quá. Huống chi người lớn, tranh chấp quyền lợi của nhau, dữ dội ghê gớm hơn nhiều.
Sống ở đời phải đánh đổi rất nhiều. Từ bé thơ đã phải đánh đổi rồi – người đánh đổi thay ta chính là cha mẹ. Thường thì mẹ hy sinh nhiều hơn. Mẹ tạm lui việc xã hội, khép lại sự thăng tiến trong sự nghiệp để chăm lo đàn con ngây thơ. Khi một mình đứng trước cuộc đời thì ta phải đánh đổi hơn nữa. Nhiều người thành công trong công việc thì chuyện tình cảm không thành. Ngược lại, để có được hạnh phúc thì tạm ngưng chuyện xã hội. Nghề nào nghiệp ấy.
Đạo đức là nền tảng tạo nên xã hội. Ngày nay kinh tế đi lên mà kinh tế có chiều hướng đi xuống, điều này không ổn chút nào. Có lẽ tổng thống Mỹ là người khổ tâm nhất thế giới, ngài gánh vác trên vai vận mệnh cả một cường quốc.
Sống ở đời thì ai cũng có lần phải sốc, điều quan trọng là đón nhận nó thế nào. Đừng để tinh thần đi xuống. “Tôi chỉ sợ không thắng nổi phút yếu đuối của lòng tôi và đối với tôi chiến thắng vẻ vang nhất là chiến thắng bản thân” (Lenin).
Có những người phải hứng chịu đau khổ quá nhiều. Nhưng khi vượt qua tột cùng của nỗi đau, người ta sẽ dễ dàng vượt qua những nỗi đau khác. Vì khi đã chạm đến đáy của cái khổ thì không gì làm họ đau khổ và bi lụy hơn nữa. Không biết cuộc đời của đại văn hào người Anh William Shakespeare bi đát đến mức nào mà ông ấy viết nên bi kịch “Romeo và Juliet” đi sâu vào trái tim của nhân loại. Những người làm công đức cho chùa, nhà thờ - dù không được gì về vật chất nhưng tâm thanh thản.
Cuộc sống khổ vậy, huống chi là ta, gieo gì gặt nấy thôi. Xưa nay vẫn thấy, gieo gió thì ắt phải gặp bão. Những người nếm trải mùi đời nhiều, họ rất sâu sắc. Có ý kiến rất hay rằng “Sống để biết hạnh phúc là gì sau khi vượt qua những gian khổ ”.
Nhiều người tài giỏi nhưng cuộc sống căng thẳng, tâm trí bất lực, họ quên luôn những điều họ có thể làm nên nảy sinh tiêu cực. “Cứ đưa cho tôi một người anh hùng, tôi sẽ viết cho anh một bi kịch” (Flaubert). Đúng thôi, bên cạnh người giỏi luôn là những sự ganh tỵ mà. Sự thật mất lòng, xưa nay vẫn thế. Cái đúng chỉ có một mà cái sai có đến mười. Khẳng định “Dù sao trái đất vẫn quay” của Garilei đã gây cho ông rất nhiều phiền phức, khi mà rất nhiều người thời đó không tin điều này. Mãi sau này thì sự thật đã minh chứng ông đúng. Đó là một vĩ nhân tuyệt vời.
“Nhìn lên chẳng thấy bằng ai
Nhìn xuống thì thấy chẳng ai bằng mình”.
Nhìn lên để phấn đấu, nhìn xuống để an ủi mình mỗi khi có chuyện buồn. Cứ ra ngoài sống nhiều, mới biết ai đối xử tốt với mình. Đừng cười chế giễu ai, bởi cái quy luật trường tồn “Cười người hôm trước hôm sau người cười”.
Phải biết cân bằng công việc và tình cảm. Cách nhìn nhận bản thân sẽ tạo nên số phận. Biết thế nào là sướng, thế nào là khổ. Sướng khổ là khái niệm rất trừu tượng. Việc học là học cả đời. Có những thứ mà người già phải học một đứa trẻ mới lên ba. Nếu đã làm việc tốt cho ai đó, sau đó họ muốn giúp lại ta để không có cảm giác mắc nợ thì cứ để họ làm, không sao cả. Đó là tạo phước lại cho người khác.
Khôn ngoan chẳng lại thật thà. Ai có đẳng cấp thì tài năng của họ sẽ được trọng dụng, vì lẽ “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Điều này nghe ra thì khó làm nhưng trước hết hãy làm việc với tinh thần cống hiến, rồi thời gian sẽ đền đáp.
Cơ hội sẽ đến với những người biết chờ đợi. Cứ làm tôi tớ, hầu hạ cho cuộc đời. Kiên trì, rồi từ từ sẽ tìm ra con đường thành công.
Hãy chọn cuộc sống “khổ trước, sướng sau”, chứ “sướng trước, khổ sau” thì phải trả giá rất nhiều.
Kiếm được đồng tiền không hề đơn giản, đổ mồ hôi sôi nước mắt. Ma lực của đồng tiền thời nay lớn lắm. Khi có nhiều tiền, người ta tìm cách đi du lịch nhiều nơi để tâm trí thanh thản.
Nhưng không phải vậy, bình an hay không là có sẵn trong tâm của mình.
Đừng chê bai những việc nhỏ nhặt, vì những việc nhỏ nhặt đó tích góp lại mới được việc lớn. Người vĩ đại là vĩ đại từ những việc nhỏ nhặt nhất.
Có người phải nếm mật nằm gai, nhẫn nhịn chịu đựng suốt thời gian dài để đạt được mục đích lý tưởng.
TÓM LẠI, CON NGƯỜI GIAN KHỔ VÌ ĐÓ LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỦ ĐỂ BIẾT ĐƯỢC CHÂN TRỜI HẠNH PHÚC
Xin cảm ơn những người nghèo khổ
(Người Nghèo Khổ đây là những Người được viết hoa, tôi trân trọng và đánh giá cao Họ)
Cảm ơn Bác Ăn Xin đã lượm giấy vụn bỏ vào sọt rác, những tờ giấy mà tôi – thằng thanh niên hai hai tuổi, vô tình quăng bừa bãi khi vội vàng đi đường…
Cảm ơn Cô Quét Rác miệt mài đêm khuya làm sạch đường phố khi mọi người chìm trong giấc ngủ…
Cảm ơn Anh Công Nhân ngoài công trường chăm chỉ làm công việc tưởng như bình thường nhưng vô cùng ý nghĩa…
Cảm ơn những Em Bé Bán Vé Số, các Em dạy tôi rằng phải luôn có nghị lực…
Cảm ơn Bác Thợ Hút Hầm Cầu, Bác làm một công việc thiết thực cho cộng đồng…
Cảm ơn Người Bán Rong vỉa hè, nhờ Họ mà những công chức thu nhập bình dân có bữa ăn no sau giờ tan ca mệt mỏi…
Cảm ơn Anh Tài Xế, Chị Lơ Xe Buýt, nhờ dịch vụ xe buýt rẻ tiền (Nhà Nước phải bù lỗ) mà đã đưa nhiều người đến trường, đến nơi làm việc…
Cảm ơn Chú Xích Lô nuôi Người Con thành đạt cho xã hội phải ngả mũ kính trọng, mục đích sống của Chú thật Vĩ Đại...
Chiều nay ra đường, tôi muốn chạy đến cảm ơn những Người Nghèo Khổ ấy. Nhưng sợ họ chạnh lòng vì tủi thân, mắt tôi rơm rớm…
Không riêng gì tôi mà trong sâu thẳm nhiều người, luôn thường trực những nỗi buồn riêng và theo đó là một mớ hỗn độn những nghĩ suy về cuộc sống !!!
(Sinh viên Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh)