;
Thành lập một cơ sở đào tạo tiến sĩ Phật học, nhưng do một Đại học Quốc gia điều hành, quả là một điều lợi lạc lớn cho Phật giáo Việt Nam, một sự kiện đại hoan hỷ. Học thuật Phật giáo tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy để tiến lên một bước mới. Hoạt động đào tạo kiến thức Phật học cho tu sĩ tín đồ Phật giáo sẽ được mở rộng. Giới trí thức sẽ hiểu biết hơn về Phật giáo. Cơ hội phổ biến kiến thức Phật học sẽ đến với nhiều người hơn trong xã hội. Đối với chấn hưng Phật giáo Việt Nam, đây là một đóng góp.
Viện Trần Nhân Tông là cơ sở trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập. Điều này cho thấy đây là một món quà lớn mà chính quyền trao tặng cho Phật giáo.
Mở một cơ sở đào tạo tiến sĩ Phật học do Đại học Quốc gia Hà Nội điều hành là một phương thức đột phá và hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ Phật giáo Việt Nam trong cục diện tôn giáo hiện nay. Giúp cho Phật giáo Việt Nam có nhiều tiến sĩ, những nhà khoa bảng, là một cố gắng giúp đưa Phật giáo Việt Nam thoát ra khỏi hướng diễn tiến thành một tôn giáo cúng bái, lạc hậu, quê mùa do mặt bằng học vấn kém. Hướng giải quyết này có hiệu quả hơn là giúp Phật giáo tổ chức đạo tràng, lễ hội, xây tượng, cúng bái…
Nhìn vấn đề từ phía chính quyền giúp đỡ Phật giáo Việt Nam, thì chúng ta lạc quan, nhưng nhìn vấn đề từ chính Phật giáo Việt Nam, thì chúng ta không tránh khỏi bi quan.
Cơ sở đầu tiên đào tạo tiến sĩ Phật học tại Việt Nam không phải là cơ sở do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, điều hành là một thất bại lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến nay không xúc tiến được cơ sở đào tạo Phật học đến nới đến chốn, để đến nay cơ sở đào tạo tiến sĩ Phật học lại là một đơn vị của Đại học Quốc gia Hà Nội, mà bên cạnh vị viện trưởng là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội kiêm nhiệm, Phó Viện trưởng là một Phó Giáo sư Tiến sĩ nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Chính trị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội.
Khi chính những tiến sĩ Phật học đã được đào tạo là nhà tu Phật giáo vô dụng, vô tích sự, không làm được trò trống gì, thì việc đào tạo tiến sĩ Phật học do một Phó Giáo sư Tiến sĩ chính trị được phân công chịu trách nhiệm cũng là điều phúc đức cho Phật giáo Việt Nam.
Cho nên dù có là một thất bại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì cũng phải thấy khía cạnh ích lợi của sự việc.
Chính phía chính quyền đã thấy được thất bại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hoạt động giáo dục, cho nên đã hỗ trợ bằng cách giao Đại học Quốc gia thành lập một trung tâm đào tạo tiến sĩ Phật học. Chính thất bại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tạo thành một hạn chế lớn đã thúc đẩy chính quyền tìm biện pháp để giải quyết hạn chế đó.
Thành ra, tại Việt Nam, có một điều tréo ngoe, nếu muốn học Phật học ở cấp cao cao nhất, thì hiện nay không thể tìm đến các học viện Phật giáo, mà phải tìm đến Đại học Quốc gia Hà Nội. Có một điều gì đó vừa kỳ cục, vừa mai mỉa ở đây!
Nhưng nếu tìm hiểu điều đã xảy ra, sự vô dụng, vô tích sự như đã nói, trong bối cảnh đánh giá thực trạng Phật giáo Việt Nam là đang rơi vào tình trạng suy thoái, thì cũng không lấy làm lạ. Khi ở một học viện Phật giáo như học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM chẳng hạn, thầy phó viện trưởng học viện, sau khi chưng chức vụ trong hoạt động giáo dục Phật giáo ra lại, có những phát biểu ngờ nghệch, làm lợi cho việc cải đạo tín đồ Phật giáo Việt Nam sang tôn giáo khác, thì lạ gì những thất bại nhãn tiền của giáo dục Phật giáo Việt Nam.
Thất bại lịch sử về mặt này của Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm người tín đồ theo đạo Phật phải cúi thấp mặt xuống nữa trong bối cảnh đạo Ca tô La Mã vừa khai giảng khóa học đầu tiên của Học viện Công giáo Việt Nam với mục tiêu được xác định là đào tạo tiến sĩ. Dĩ nhiên, Học viện Công giáo Việt Nam thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, việc đào tạo tiến sĩ của họ do chính Hội đồng Giám mục Việt Nam chủ quản, điều hành.
Chừng nào các học viện Phật giáo Việt Nam có thể đào tạo tiến sĩ? Điều đó không quan trọng nữa, vì người muốn theo học Phật học để có bằng cấp cao nay đã có một trường học để mà trông cậy. Có khi, như thế lại hay, vì nếu các học viện Phật giáo đào tạo tiến sĩ Phật học thì theo tư duy tự giới hạn trong việc chỉ giáo dục tăng ni của Phật giáo, thì việc đào tạo Phật học không nhằm vào xã hội (trong khi đó, hoạt động đào tạo của Học viện Công giáo Việt Nam là nhắm đến mọi đối tượng).
Chỉ khi Viện Trần Nhân Tông đào tạo tiến sĩ Phật học như ta đang thấy, con đường học Phật học để có được văn bằng cao nhất mới dành cho tất cả mọi người. Khi đó, hướng truyền bá Phật giáo đến với xã hội sẽ thuận lợi hơn.
Viện Trần Nhân Tông có tác dụng rút ngắn khoảng cách giáo dục Phật giáo Việt Nam so với giáo dục hướng ra xã hội của đạo Ca tô La Mã.
Chúng ta hân hoan chào đón Viện Trần Nhân Tông trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ sở đào tạo tiến sĩ Phật học đầu tiên tại Việt Nam và ném về Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thiển cận và vô tích sự trong hoạt động giáo dục Phật giáo, một cái nhìn thương hại, trách cứ và không tránh khỏi khinh miệt. Khinh miệt vì Giáo hội luôn nêu cao về thành tích của các học viện Phật giáo, nhưng rốt cuộc cơ sở đào tạo tiến sĩ Phật học do một đơn vị ngoài Phật giáo thành lập, điều hành!
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.
*Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh riêng của tác giả - một cư sĩ sinh sống tại TPHCM.