;
Những phương pháp nuôi dưỡng hạnh phúc
Giáo dục trong gia đình theo tinh thần Phật giáo
Thường xuyên quán chiếu sẽ biết cách buông xả tham sân si
Mười điều cần học để hoàn thiện chính mình
Vô ngã – Vị tha - Selflessness and Altruism
Trong một cuộc nói chuyện với Phật tử, tôi nhận thấy nhiều người đã hiểu sai tinh thần của Đạo Phật qua giáo lý Vô ngã - Vị tha và Bi - Trí - Dũng. Bài viết này nhằm giúp các Phật tử ít có cơ hội tìm hiểu kinh điển nguyên nghĩa (công truyền và tinh yếu) liên quan đến những giáo lý căn bản và pháp hành phổ thông trong Đạo Phật.
Như một câu cửa miệng, nhiều người nói Đạo Phật là đạo của vô ngã - vị tha, nôm na hiểu là quên mình giúp người. Ngược lại, Thiên chúa giáo lại chỉ trích ĐẠO PHẬT là thiếu tính xã hội và thiếu tinh thần phục vụ, chỉ lo tích đức, tăng phước hay giải thoát cho cá nhân mà thôi. Về một mặt nào đó, quả là đã có những người hay nhóm người hiểu không chính xác, thực hành sai và giảng dạy thiên lệch về tinh thần Giác ngộ và Siêu thế trong ĐẠO PHẬT khiến cho những lời phê bình trên là không hoàn toàn vô căn cứ.
Đức Phật có dạy quên mình giúp người không? Câu trả lời là khẳng định! Trong các câu chuyện Tiền thân (Jataka stories) khi đề cập đến Bố Thí Ba La Mật (dāna paramī), Bồ Tát đã hy sinh không chỉ tài sản (tài thí- cấp độ thứ nhất của hạnh bố thí hay xả bỏ) mà ngài còn cho đi từng phần của thân thể hay cả tính mạng của chính mình nữa để cứu giúp tha nhân khi cần thiết. Chỉ riêng hạnh Ba La Mật này cũng đã thể hiện đầy đủ tinh thần Bi – Trí - Dũng nếu nó được thực hành một cách đúng đắn. Thấy tha nhân đau khổ, thiếu thốn, hành giả chia sẻ những gì mình có để giảm thiểu nỗi khổ của người khác - đây chính là Bi. Bi khi đi với Trí thì không luỵ, ngược lại, Bi mà thiếu Trí thì rất dễ bị luỵ, nghĩa là giúp người không hữu hiệu mà còn mang phiền toái hệ luỵ đến mình. Như người không biết bơi hay bơi chưa giỏi mà lao xuống sông cứu người chết đuối thì kết quả là cả hai cùng chết chìm. Nhưng từ sự hiểu rõ tình huống và muốn giúp, và nỗ lực đúng cách để giúp khi cần thiết thì đó chính là Bi - Trí - Dũng. Tại sao sư lại dùng từ ‘cần thiết’? Vì trong một số tình huống, sự giúp đỡ chỉ làm xấu thêm tình hình: như tiếp tay cho kẻ trộm, tham ô, móc ngoặc chẳng hạn; hay o bế người ta quá khiến kẻ đó trở nên lệ thuộc, ỷ lại, mất đi tính độc lập và tự tin vào khả năng vươn lên của mình thì cũng không nên.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikāya) có liệt kê về bốn hạng người thiết nghĩ cũng nên biết đến ở đây. Gì là bốn hạng người đã được đề cập?
Hạng người thứ nhất thì “sống như đã chết” nghĩa là không đem đến lợi ích cho ai cả, buông trôi ngay cả chính cuộc đời mình. Đây là loại người không có một định hướng nào trong cuộc sống , (maladjudgement and inadequate).
Hạng người thứ hai thì chỉ lo cho lợi ích của người khác mà không mấy quan tâm đến lợi ích của chính mình. Những người kiểu này thường bị chế giễu là “ăn cơm nhà vác ngà voi” trong dân gian vì họ quá năng nổ trong các công việc xã hội mà lại quên đi bổn phận với chính mình và gia đình mình.
Hạng người thứ ba thì lại chỉ chăm chăm vào lợi ích của chính mình mà không quan tâm đến lợi ích của người khác. Những người như vậy thì hay bị chỉ trích là ích kỷ và thủ phận. Những chỉ trích này có xác đáng hay không chúng ta sẽ thấy trong phần sau.
Hạng người thứ tư thì làm việc vì lợi ích của chính mình và đem lợi ích đến cho những người khác nữa. Các vĩ nhân nhân trên thế giới là những người có nhân cách, trí tuệ và tinh thần phục vụ tuyệt vời này.
Trong bốn hạng người kể trên, Đức Phật nói rằng hạng người thứ tư là tuyệt vời nhất, đáng ca ngợi và khâm khục nhất. Điều này thật dễ thấy, trong bất cứ cộng đồng hay xã hội nào, hạng người năng động, sáng tạo và đầy thiện chí như vậy cũng được tán dương. Nhưng hạng người tốt kế tiếp trong thước đo của Bậc Giác ngộ lại không như chúng ta thường nghĩ một cách hời hợt. Người biết làm việc vì lợi ích của chính mình, dù không mấy bận tâm đến thiên hạ ra sao, lại được xếp vào hạng người tốt thứ hai, hơn cả người chỉ lo cho người khác mà không tự làm lợi ích cho mình. Hạng người tồi nhất là không lợi ích cho ai cả, điều này thì quá hiển nhiên không cần thiết phải giải thích. Trong bài pháp đó, Đức Phật cũng giải thích thế nào là làm lợi ích cho mình và làm lợi ích cho người. Người sống có nguyên tắc, tự chủ và điềm tĩnh, luôn tinh tấn trong các thiện pháp dẫn đến hạnh phúc tối thượng (Niết bàn, nơi vắng bóng tham, sân, si, trạng thái đã đoạn tận mọi khổ luỵ) thì được gọi là người sống vì lợi ích của chính mình. Người tự mình thực hành những pháp thiện xảo như vậy, lại dạy bảo, nâng đỡ người khác để họ cùng sống đời sống chuẩn mực và hữu ích thì được gọi là người đem lợi ích đến cho mình và cho tha nhân. Người chỉ dạy người khác sống tốt mà tự mình không thực hành những điều đã dạy người thì gọi là người không biết sống cho lợi ích của chính mình.
Như vậy, rõ ràng chữ ‘vị tha’ ở đây là rất thực tế, nó không chỉ là thiện ý, mà còn là thực lực và phương pháp nữa. Bạn chỉ có thể cho những gì bạn có, bạn không thể cho những gì mình không có. Chỉ khi bạn vừa có thực lực, vừa có thiện ý thì mới có thể làm từ thiện. Nếu bạn không có gì cả ngoại trừ một đống khổ đau, bối rối và mất phương hướng trong cuộc đời thì bạn cũng không thể giúp được ai, dù bạn yêu thương người ta đến đâu đi nữa thì cũng chỉ là những ý tưởng hão huyền không thực tế. Khi bạn đang buồn bực, phiền muộn, làm sao bạn có thể cho người khác hạnh phúc an vui? Bầu không khí quanh người phiền muộn lo âu hay giận dữ cũng bị ảnh hưởng cái nóng nảy bức xúc của một vài cá nhân đang có tâm trạng không vui. Và nó có thể trở thành một phản ứng dây chuyền dẫn tới một cuộc bạo động hay nổi loạn. Ngược lại, khi bạn đang vui vẻ hạnh phúc, dù bạn không có tác ý ‘cho người’ cái tâm trạng hạnh phúc đó thì những người thấy bạn cũng cảm nhận được cái tinh thần phấn chấn của bạn. Và như vậy là bạn đã ‘cho’ cái nguồn sinh lực tích cực đó rồi. Do vậy hãy làm sao cho chính bạn được hạnh phúc an vui, rồi bạn mới có thể cho người niềm hạnh phúc an vui. Nếu bạn vừa có thiện ý, vừa có khả năng và phương tiện thiện xảo nữa thì thật tuyệt vời.
Trong một bối cảnh khác Đức Phật lại khuyến khích chúng ta hãy phát tâm từ bi vô lượng đến tất cả chúng sinh: dù lớn hay bé, dù thấp hay cao, dù sang hay hèn, dù gần hay xa, dù thấy được hay không thấy được. Hãy đối xử với mọi người bằng tình của một người mẹ luôn yêu thương và hy sinh cho đứa con duy nhất của mình. Hãy duy trì tình thương cao cả và quên mình này trong mọi lúc, mọi nơi, từ lúc mở mắt chào một ngày mới cho đến khi rơi vào giấc ngủ an lành. Đừng bao giờ ôm ấp những tâm niệm sân si hờn oán và mong người gặp khổ đau hoạn nạn. Đừng dối lừa người dù chỉ là một lời hứa suông. Hãy thương và ôm trọn vào lòng ngay cả những khiếm khuyết và bất toàn của mình và tha nhân. Tình thương và sự cảm thông sẽ hoá giải và chuyển biến những năng lực hay phẩm chất tiêu cực, vô dụng, hay thậm chí độc hại thành hữu ích, tích cực và tốt lành.
Thương những gì dễ thương thì thật dễ, bất cứ một người bình thường nào cũng có thể làm được; nhưng thương những gì khó thương, những trái ý nghịch lòng, những cừu thù oán hận thì không phải là dễ. Tâm chúng ta quen phân biệt xấu-tốt, được-mất, hay-dở, thích–không thích, thân– không thân, bạn–thù vv. Những phân biệt chia chẻ nhị nguyên này thường là điểm xuất phát của nhiều thứ phiền não khác như ích kỷ, ganh tỵ, thiên vị, thiếu bao dung hay đố kỵ, hiềm hận… Biết chăng những giá trị mà chúng ta gán cho đối tượng thì rất chủ quan, phiến diện và thường bị ảnh hưởng bởi cảm tính nên chúng không phải là những thước đo đáng tin cậy. Ý thức được điều này, người thiện trí không để cho những cảm tính chủ quan dẫn đến những tình cảm thiên vị hay đố kỵ, không phản ứng hay cư xử một cách hấp tấp, bốc đồng (react impulsively). Người thực hành rốt ráo những gì Phật dạy thì không xem ai là kẻ thù, nhìn tất cả chúng sanh bằng cái tâm bao dung, cởi mở và bình đẳng không phân biệt. Đây mới đích thực là tinh thần vô ngã của Đạo Phật.
Vô ngã không phải là xả mình hay quên mình cho một mục đích nào đó (cho người thân yêu, cho chủ nghĩa- lý tưởng mà mình tôn thờ, cho đất nước hay tôn giáo… - chúng ta sẽ bàn thêm ở phần sau - chúng chỉ là những giá trị mở rộng của bản ngã), mà vô ngã là không chấp thủ, vô phân biệt, bình đẳng và trung dung trước mọi cao-thấp, tốt -xấu, hơn–thua, được-mất, và thị phi của cuộc đời. Vô ngã không phải là quên mình, mà là biết mình, biết người nhưng không chấp thủ vì thấy được sự vận hành không ngừng của vạn pháp trong đó có cả những gì cấu trúc nên mỗi cá nhân. Sự vận hành đó có tính tương quan nhân duyên, khi những yếu tố như vậy, hoàn cảnh như vậy cùng xuất hiện thì hiện tượng như vậy sinh khởi, khi những yếu tố, điều kiện thay đổi thì sự vật, con người và các hiện tượng cũng thay đổi. Thấy được những thay đổi, vận động, hình thành và tan rã không ngừng trong mọi hiện hữu, chúng ta sẽ thôi chấp thủ vào một giá trị bất biến hay một bản ngã thường hằng đang tồn tại trong ta (ātman) hay ngoài tầm nhận thức của chúng ta (Thượng Đế - God or Brahma).
Đức Phật không cho rằng có một soạn giả hay đạo diễn nào đằng sau những vở kịch cuộc đời này. Nó là một sự vận hành theo các qui luật vô ngã, hay nói theo ngôn ngữ thông thường, chúng là những qui luật tự nhiên có tính tương tác và chi phối lẫn nhau trong một sự vận động không ngừng. Nói như vậy không có nghĩa là mọi chuyện xẩy ra một cách ngẫu nhiên và tuỳ hứng, và chúng ta không phải chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình. Thật ra phản ứng của chúng ta, cái phản ứng xuất phát từ khuynh hướng từ chối và thủ giữ của bản ngã chấp thủ quyết định phẩm chất của những kinh nghiệm mà chúng ta đã đi qua, đang là và sẽ gặp trong cuộc đời. Cái bản ngã mà chúng ta tự tạo nên như một vỏ bọc để tồn tại, để chống lại những gì khiến chúng ta đau khổ, bất mãn vốn không thực. Do nhân duyên, hoàn cảnh, chúng đã được tạo nên và chúng có những giá trị đối trị nhất thời nhưng nếu chúng ta thủ giữ vào những hình mẫu giả tạo và lỗi thời này, chúng ta sẽ không bắt kịp nhịp độ vận hành tự nhiên của vạn pháp trong đó những gì cấu thành nên một nhân cách, một cá tính cũng đã thay đổi. Sự thủ giữ tất yếu sẽ dẫn đến xung đột ngay bên trong cá nhân đó cũng như xung đột trong các mối quan hệ của cá nhân đó với môi trường xung quanh.
Vì chúng ta chấp thủ cái thân này (sắc uẩn) là ta nên mới o bế, chiều chuộng và thoả mãn mọi đòi hỏi của nó. Nếu ai động đến nó, chúng ta cảm thấy bị tổn thương và căm hận tìm cách trả đũa. Vì xem thân là ta nên mới tránh lao tổn tấm thân đó vì người, người chấp thân là ta thì thường rất ích kỷ và không phục vụ ai cả, chỉ lo giữ lấy tấm thân lành lặn. Vì chấp thân là ta nên khi nó khỏe mạnh thì chúng ta hạnh phúc hồ hởi, khi nó bệnh hoạn đau ốm thì chúng ta sầu muộn lo âu, than thân trách phận. Khi thân đẹp đẽ trẻ trung thì kẻ đồng hoá với thân đó tự kiêu, ngã mạn; khi thân đó xấu xí, bệnh hoạn, và già nua thì người ta mặc cảm tự ti. Chấp thủ vào thân thể hay vật chất thì mọi thay đổi, biến động từ chúng đều làm chúng ta bất an và lo lắng. Chấp thủ vào thân thể, vật chất, tài sản,.. là cấp độ thô thiển nhất (và cũng phổ biến nhất) của ngã chấp. Trong thuật ngữ Phật học, chúng được gọi là thân kiến (sakkayaditthi). Kế đến là chấp thủ vào cảm thọ, nhận thức (thọ uẩn và tưởng uẩn), như chúng ta đã đề cập sơ qua ở phần trên, đó là cái tâm phân biệt, đánh giá và phản ứng hấp tấp vội vàng. Từ những cảm nhận, đánh giá và phản ứng đó khiến sanh ra những tâm trạng vui -buồn, yêu ghét, vv (hành uẩn). Và những chất liệu vừa kể trên được tích trữ và làm nền cho những phản ứng mới một cách có ý thức hay bị điều động bởi vô thức (bao gồm trong thức uẩn)[i].
Khi có sự chấp thủ, nghĩa là có sự nắm bắt, sở hữu và giới hạn, vô hình chung chúng ta tự khoá mình, tự điều kiện hoá và giới hạn những cảm giác, nhận thức và thái độ hay phản ứng của chúng ta trong một cái khung nhất định gọi là bản ngã. Cái bản ngã đó đã được hình thành do nhiều yếu tố như gia đình, xã hội, những điều kiện thiên nhiên, văn hoá, giáo dục, lịch sử, và vv. Như đã bàn ở trên, những yếu tố, điều kiện đó vốn không ngừng thay đổi, nhưng sự thủ giữ lại đóng khung chúng ta lại trong một định kiến hẹp hòi và một hình mẫu hay ý tưởng lỗi thời khiến cho những phản ứng của cái bản ngã đó chỉ đem đến đau khổ, bức xúc vì thiếu hoà hợp với hoàn cảnh mới và không bắt kịp sự vận hành không ngừng của thế giới khách quan. Thực ra cái thế giới chủ quan (bản ngã) cũng vận động và biến hoá không ngừng, nhưng khuynh hướng thủ giữ lại cố từ chối, cố chống lại, cố điều khiển và thao túng những thay đổi đó, và chính cái ý chí chủ quan này là nguyên nhân của hầu hết những xung đột, đau khổ và tang thương trong đời.
Tại sao con người lại có khuynh hướng thủ giữ và tạo lập bản ngã? Đức Phật nói đó là vì vô minh. Vô minh là một thuật ngữ Phật học để chỉ cho sự thiếu hiểu biết (ignorance) hay sự hiểu biết không đầy đủ (incomplete knowledge) và sự nhận thức bị bóp méo vì cảm quan cá nhân (vipallasa in Pāḷi, and parikalpita in Sanskrit). Trên phương diện tâm lý, thủ giữ là một phản ứng có khuynh hướng tự duy trì nhân diện (identity) của bản thân. Không có một nhân diện, người ta sợ hãi và bất an (vì nhận thức) rằng mình không là ai cả, không là gì cả, là con số không. Bấp bênh và lo lắng, người ta sẵn sàng bám víu vào bất cứ một cái gì, dù chỉ là tạm thời, cho họ cảm giác mình đang tồn tại, đang hiện diện và phải được công nhận. Niềm khát khao được nhận ra, được chú ý và được quan tâm, được kính trọng khiến người ta phải tự tạo cho mình một nhân cách, một cá tính để khẳng định sự tồn tại độc lập và đặc biệt của mình. Thực ra thì hình thành hay duy trì một nhân cách hay một cá tính không có gì là sai trái cả, nhưng sự chấp chặt vào những ý kiến chủ quan và những phản ứng cảm tính mới làm thành vấn đề.
Đây là một xu hướng tâm lý khá tự nhiên và cực kỳ phổ biến đến nỗi không ai tự hỏi nó có cần thiết hay không. Chính vì nó được xem là ‘tự nhiên’ nên người ta không cưỡng lại sự thôi thúc có tính bản năng này, hay tệ hơn nữa là tìm mọi cách để ‘vật chất hoá’ những ý tưởng về mình. Khi những ý muốn này được chấp nhận trong điều kiện thực tế, người ta cảm thấy an tâm và tự tin hơn, chúng ta gọi họ là những kẻ thành đạt và hạnh phúc trong cuộc đời. Nhưng khi những ý muốn đó không gặp gỡ với thực tế cuộc sống (điều kiện bản thân- gia đình, điều kiện kinh tế, điều kiện văn hoá và xã hội ,vv) thì thường có hai khả năng xẩy ra: nó tự động biến đổi, ngụỵ trang để dễ chấp nhận hơn (defense mechanism), hoặc nó sẽ chán nản, thất chí và đơn phương tuyệt vọng chống lại toàn thế giới! (destructive behavious). Cả hai khả năng này đều là khổ đau, bất hạnh dù được dấu diếm che đậy hay lộ liễu một cách bất cần.
Trở lại với vấn đề vô ngã -vị tha, chỉ khi nhận thức rõ cả hai khía cạnh của bản ngã: tính chất giả tạo và tạm thời của nó, và những đau khổ - xung đột mà trong quá trình tạo lập và duy trì nó chúng ta phải trải qua, người ta mới bắt đầu xem xét lại và nghi ngờ về tính đích thực của những gì vừa trải nghiệm. Người ta thôi chụp bắt và thủ giữ, người ta buông bỏ những giá trị đã bị đóng khung và giới hạn vì thành kiến và định kiến. Người ta không còn bị đẩy tới vì những thúc dục như ‘phải chứng tỏ’, ‘phải hiện diện’, ‘phải cho thấy’, ‘phải chứng minh’, ‘phải đạt được’, vv. Chỉ những hành động không bị chi phối bởi tham, sân, si thì mới gọi là vô ngã, không vị kỷ, không chấp thủ. Một hành động vị tha thực sự phải xuất phát từ trí tuệ và lòng bi mẫn. Trong phần kế tiếp chúng ta sẽ bàn tiếp về vấn đề này.
Last revised on 1st Nov. 2006.
BCC. Dehiwala, Sri Lanka.
[i] Xem Madhupiìkasutta, MN.