;
Hình ảnh được cho là "Xá lợi tóc Đức Phật" gây xôn xao dư luận. Ảnh: chùa Ba Vàng
MUỐN CÓ PHƯỚC ĐỨC, HÃY TỰ GIEO TRỒNG. ĐỪNG BAO GIỜ TRÔNG CẬY VÀO CHUYỆN XIN CẦU.
Cách đây ít ngày, khi phần lớn dân chúng nóng ran bàn luận với rất nhiều bức xúc, thậm chí giận dữ ngút trời vì nghi ngờ về nguồn gốc của vật được gọi là “xá lợi tóc Đức Phật” trưng bày tại chùa Ba Vàng khiến hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước kéo về chùa chiêm bái, nhất là sau khi trang Fanpage và Website của chùa đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh xá lợi tóc nói trên có thể chuyển động, kèm thông tin: “Xá lợi được trưng bày là một trong 8 sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho 2 thương buôn người Myanmar từ 2.600 năm trước.
Trải qua 2.600 năm, sợi tóc vẫn còn nguyên vẹn. Hàng vạn nhân dân, Phật tử đã tận mắt chứng kiến sợi tóc quay liên tục với nhiều hình dáng khác nhau, dù xung quanh không có gì để căng kéo hay điều khiển, khác hoàn toàn so với tóc của người bình thường”.
“Tóc là vô cùng linh thiêng, cao quý cho nên những ai dù chỉ một lần cung kính đảnh lễ, chiêm bái, cúng dường cũng được vô lượng phúc báu cho hiện đời và nhiều đời về sau. Bởi năng lực của Đức Phật vẫn còn đang hiện diện trên thế gian này thông qua xá lợi tóc chuyển động, cho nên khi chúng ta bạch Phật thì Ngài vẫn gia hộ.
Sự việc nóng đến độ Ban tôn giáo chính phủ đã gửi văn bản đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam thẩm định nguồn gốc "Xá lợi tóc Đức Phật" nói trên, đồng thời yêu cầu Giáo hội chỉ đạo Ban Phật giáo quốc tế và Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh các hoạt động không đúng với truyền thống của Phật giáo, xử lý nghiêm theo giới luật Phật giáo, Hiến chương và Quy chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nếu các tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo liên quan đến vụ việc có sai phạm.
Rất nhiều người đã đề nghị tôi lên tiếng về vụ việc gây rúng động dư luận này. Là một nhà văn, nhà báo, và cũng là một Phật tử đã dành hơn 10 năm nghiên cứu Phật pháp và tu tập, tôi thấy, mình cần phải bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Và tôi đã viết bài “Đôi lời về xá lợi tóc trưng bày ở chùa Ba Vàng”.
Những ai đọc kỹ bài viết trên, sẽ thấy, vấn đề tôi quan tâm không phải là nguồn gốc của sợi tóc, đó thực sự có phải là xá lợi tóc của Đức Phật hay không? Điều khiến tôi bận tâm chính là ở những dòng chữ đầy mê hoặc mà chùa Ba Vàng đã đăng trên trang Fanpage và Website (Hiện chùa đã gỡ xuống): “Tóc là vô cùng linh thiêng, cao quý cho nên những ai DÙ CHỈ MỘT LẦN CUNG KÍNH ĐẢNH LỄ, CHIÊM BÁI, CÚNG DƯỜNG CŨNG ĐƯỢC VÔ LƯỢNG PHÚC BÁU CHO HIỆN ĐỜI VÀ NHIỀU ĐỜI VỀ SAU.
Bởi năng lực của Đức Phật vẫn còn đang hiện diện trên thế gian này thông qua xá lợi tóc chuyển động, cho nên khi chúng ta bạch Phật thì Ngài vẫn gia hộ”.
Vì thế, vấn đề tôi quan tâm bàn luận là: Có nên và nếu đến chùa Ba Vàng chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường xá lợi tóc, có thực sự được vô lượng phước báu cho hiện đời và nhiều đời về sau hay không? Và để chứng minh là KHÔNG, tôi đã nêu lên thuyết NHÂN QUẢ.
Tôi viết: “Những ai học đạo Phật, hiểu chánh pháp đều biết rằng: Phật KHÔNG PHẢI LÀ VỊ THẦN LINH có phép thuật muôn màu để ban phúc, trừ họa. Thời tại thế, Ngài luôn chỉ dạy rằng: tất cả HỌA và PHÚC đều là do NHÂN QUẢ mà thành. Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Thành công hay thất bại không do ai ban phát mà do chính chúng ta tạo nên. Tất cả đều bắt nguồn từ thân, khẩu và ý. Nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ ra quả xấu. Nhân duyên lành sẽ trổ quả tốt.
Theo tôi, một trong những lý do căn bản nhất đẩy nhiều người Việt Nam vào cõi u mê, cuồng tín là một số nhà sư đã biến Phật thành vị thần linh và biến chùa thành nơi buôn thần, bán thánh.
Để rồi, ngày ngày, biết bao nhiêu con người hễ đến chùa là dâng lên Phật chút lễ bạc, dúi vào tay Phật chút tiền mọn rồi quỳ rạp dưới mấy cây hương mà cầu nguyện đức Phật ban cho đủ thứ: nào danh, lợi, tiền, tình…những thứ mà đức Phật đã buông bỏ từ lâu, những thứ mà theo Đức Phật, đó là nguồn gốc của khổ đau, bất hạnh”.
Song, trong khuôn khổ một bài viết , không thể nói hết ý nên trong bài viết này, tôi muốn nói thêm 2 vấn đề quan trọng khác của Đạo Phật, liên quan đến vấn đề trên. Đó là tinh thần TỰ LỰC của đạo Phật và cách tạo phước đức mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy cặn kẽ trong Kinh Phước Đức để khẳng định thêm một lần nữa: Sẽ KHÔNG THỂ CÓ “vô lượng phước báu cho hiện đời và nhiều đời về sau” nếu chỉ trông cậy vào việc “dù chỉ một lần cung kính đến đảnh lễ, chiêm bái, cúng dường” xá lợi tóc. (Và tôi không hiểu vì sao chùa Ba Vàng rất thường xuyên nhắc đến 2 chữ CÚNG DƯỜNG?. Bây giờ xin trình bày từng vấn đề.
Kinh Phúc Đức, Kinh này được dịch từ Mahamangala sutta (Sutta Nipata II) thuộc Tiểu Bộ Kinh I trong tạng Pali.
VỀ VẤN ĐỀ THỨ NHẤT: TINH THẦN TỰ LỰC.
Đạo Phật (đặc biệt là đạo Phật nguyên thủy) luôn đề cao tinh thần “tự lực” hơn “tha lực”. Tự lực, hiểu một cách đơn giản, là nương tựa vào chính mình. Tha lực là nương tựa vào những yếu tố bên ngoài. Muốn chuyển hóa được khổ đau, chế tác hạnh phúc, phát triển trí tuệ, lòng từ bi, tiến tới giác ngộ và giải thoát, chúng ta phải nương tựa vào chính mình, không thể trông đợi vào bất kỳ ai khác, càng không thể cầu nguyện mà có.
Nói về tinh thần tự lực, nhà Phật có một câu nói rất nổi tiếng: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Lời dạy này của đức Phật nhằm nhắc nhở các hàng đệ tử phải nỗ lực tu tập, tự chuyển hóa chính mình, nương theo chánh pháp để đạt giải thoát: “Vậy này Ananda! Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác”.
Những ai tu tập đạo Phật, theo chánh pháp, đều biết, đó là một hành trình vô cùng gian nan, đòi hỏi người tu phải nỗ lực, tinh tấn không ngừng mới mong đơm hoa, kết trái. Cá nhân tôi thấy, học đạo Phật cũng giống như học bơi. Nếu chỉ học lý thuyết mà không chịu thực hành thì khi gặp nước vẫn bị chết đuối như thường.
Vì sao? Bởi đạo Phật là đạo hành trì. Nếu chỉ học giáo lý, nghiên cứu kinh điển mà không chịu tu tập, thực hành để thực chứng những điều Phật dạy thì chúng ta chỉ trở thành những học giả nghiên cứu về đạo Phật và cuộc sống của chúng ta vẫn đầy dẫy khổ đau.
Đó là lý do giải thích tại sao ở Việt Nam những năm gần đây, rộ lên phong trào học đạo Phật, rất nhiều người chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật. Họ đọc hết sách này đến sách nọ, thuộc làu các kinh kệ.
Họ như một cuốn từ điển sống. Họ nói, họ giảng về giáo lý rất hay, rất siêu nhưng nhìn vào lối sống, cách hành xử của họ vẫn thấy đầy sân si, đố kỵ, hận thù, ngạo mạn… giống như một kẻ chưa bao giờ biết đến đạo Phật. Học đạo Phật theo kiểu ấy thật uổng công, vô ích, thà chẳng học còn hơn.
Học đạo Phật theo kiểu ấy chẳng khác gì người muốn học bơi, mua thật nhiều sách dạy về kỹ thuật bơi về học thuộc. Nhưng người ấy không chịu xuống nước thực hành bơi nên khi bị rơi xuống nước, người ấy vẫn bị chết đuối như thường.
Có một câu chuyện rất hay về Đại đức Ananda – một trong 10 đệ tử lớn nhất của Đức Phật. Nếu như Đại đức Mục Kiền Liên được thánh chúng phong là “Thần thông đệ nhất”, Đại đức Xá Lợi Phất là “Trí tuệ đệ nhất” thì Đại đức Ananda được phong là “Đa văn đệ nhất”. Bởi Anada là người có trí nhớ siêu phàm. Ngài có thể nhớ trọn vẹn tất cả những lời Phật dạy.
Tôn giả Ananda có 20 năm làm thị giả cho Đức Phật. Là người kề cận bên Phật hằng ngày nên Tôn giả có cơ hội nghe Phật giảng pháp nhiều nhất. Thế nhưng so với các đệ tử khác, Tôn giả lại là người chứng đắc Thánh quả muộn nhất. Vì sao?
Vì Ananda đã chú trọng pháp học (đa văn) hơn pháp hành. Nhờ phước báu, Ngài có trí nhớ siêu phàm, có thể nhớ không sai sót một bài pháp nào. Thế nhưng, Ngài không chứng ngộ được những pháp ấy để vận dụng vào con đường tu học của mình. Cho nên dù ghi nhớ hàng vạn bài pháp Ngài cũng chưa thể đắc Thánh quả.
Cho đến 4 tháng sau khi Đức Phật nhập niết bài, Đại đệ tử Ca Diếp tập hợp 500 vị thánh tăng (là những người đã đắc Thánh quả A La Hán) để kết tập kinh luật lần thứ nhất. Riêng Đại đức Ananda không được triệu tập. Đã vậy, tôn giả còn bị sư huynh Ca Diếp khiển trách.
Bởi đại đức Ananda tuy kiến thức về đạo lý uyên bác, nhưng sự chứng đắc chưa được vững vàng. Song thay vì giận dỗi bỏ đi, Ananda đã đóng cửa nhập thất tĩnh tu miên mật trong suốt ba ngày ba đêm, không ăn không ngủ. Ngay trong đêm cuối cùng trước ngày khai mạc đại hội kết tập kinh luật, thiền tọa đến gần sáng, đại đức Ananda mệt quá, bèn ngả lưng xuống để nghỉ ngơi.
Đúng thời khắc ấy, Ngài hoát nhiên đại ngộ. Sáng hôm đó, khi gặp Ananda, nhìn vào mặt đại đức, sư huynh Ca Diếp biết ngay Đại đức đã chứng quả A La Hán nên mời ngay đại đức Ananda vào tham dự đại hội mà không cần nói thêm một lời nào khác.
Câu chuyện hoát nhiên đại ngộ của Tôn giả Ananda đã làm sáng lên bài học tuy đơn giản nhưng lại vô cùng sâu sắc: Học bao giờ cũng phải đi đôi với hành. Đó cũng chính là điều mà ông bà ta từ ngàn xưa đã đúc kết và truyền dạy lại cho chúng ta.
Kể lại câu chuyện trên, tôi muốn nhấn mạnh một điều: Ngay cả khi Đức Phật còn tại thế, tôn giả Ananda được sống kề cận Phật, nghe Phật thuyết pháp mỗi ngày, nhớ hết những lời Phật dạy nhưng vì chưa chú ý đến việc thực hành nên vẫn không thể chứng đắc. Vì vậy, đừng bao giờ trông cậy, mong cầu vào bất cứ cái gì ngoại thân, kể cả xá lợi tóc của Đức Phật, những mong gặt được hoa trái trên con đường tu tập.
VỀ VẤN ĐỀ THỨ 2: LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẠO PHƯỚC ĐỨC?
Có phải như cách chùa Ba Vàng chỉ dạy: “Dù chỉ một lần cung kính đảnh lễ, chiêm bái, cúng dường (xá lợi tóc) cũng được vô lượng phúc báu cho hiện đời và nhiều đời về sau” không?
Xin thưa, KHÔNG! Bởi điều này đã được Đức Phật dạy rất cụ thể, chi tiết trong Kinh Phước Đức. “Đây là những điều tôi được nghe hồi đức Thế Tôn còn cư trú gần thành Xá Vệ, tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn Kỳ Đà.
Hôm đó, trời đã vào khuya, có một thiên giả hiện xuống thăm Người, hào quang và vẻ đẹp của thiên giả làm sáng cả vườn cây. Sau khi đảnh lễ đức Thế Tôn, vị thiên giả xin tham vấn Người bằng một bài kệ: “Thiên và nhân thao thức/ Muốn biết về phước đức/ Để sống đời an lành/ Xin Thế Tôn chỉ dạy”.
Và sau đây là mười điều Đức Thế Tôn đã dạy.
• Điều một: Lánh xa kẻ xấu ác/ Được thân cận người hiền/ Tôn kính bậc đáng kính/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều hai: Sống trong môi trường tốt/ Được tạo tác nhân lành/ Được đi trên đường chánh/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều ba: Có học có nghề hay/ Biết hành trì Giới luật/ Biết nói lời ái ngữ/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều bốn: Được cung phụng mẹ cha/ Yêu thương gia đình mình/ Được hành nghề thích hợp/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều năm: Sống ngay thẳng, bố thí/ Giúp thân bằng quyến thuộc/ Hành xử không tỳ vết/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều sáu: Tránh không làm điều ác/ Không say sưa nghiện ngập/ Tinh cần làm việc lành/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều bảy: Biết khiêm cung lễ độ/ Tri túc và biết ơn/ Không bỏ dịp học đạo/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều tám: Biết kiên trì phục thiện/ Thân cận giới xuất gia/ Dự pháp đàm học hỏi/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều chín: Sống tinh cần tỉnh thức/ Học chân lý nhiệm mầu/ Thực chứng được Niết-bàn/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều mười: Chung đụng trong nhân gian/ Tâm không hề lay chuyển/ Phiền não hết an nhiên/ Là phước đức lớn nhất.
Đọc kỹ bản kinh trên, chúng ta thấy đức Thế Tôn chỉ dạy về “tạo” phước mà không hề có chuyện “xin” phước. Phật không có ban phước cho ta an lành mà Ngài chỉ dạy phương cách diệt khổ. Và chúng ta phải thực tập hành trì để tạo ra phước đức mới được bình an và giải thoát.
Mong ước được an lành chính là một sự phát nguyện vun bồi phước đức của tự thân được thể hiện qua sự chuyển hóa ba nghiệp: thân, khẩu và ý theo hướng thiện lành. Nhờ thế, bình an và phước đức có thể tạo dựng ngay bây giờ và ở đây.
Chứ cứ như cách chùa Ba Vàng chỉ dạy thì những kẻ tham ô, tham những, lừa đảo, buôn gian, bán lận…, tạo biết bao nghiệp xấu, cứ đến chùa Ba Vàng “chỉ một lần cung kính đảnh lễ, chiêm bái, cúng dường” (xá lợi tóc) là rửa hết tội, hơn thế, “cũng được vô lượng phúc báu cho hiện đời và nhiều đời về sau” hay sao? Nếu đúng thế thì còn đâu là Luật nhân quả.
Xin cầu chúc cho tất cả quý vị ai cũng thực hiện trọn vẹn 10 điều Đức Thế Tôn dạy để chúng ta có thể tạo Phước Đức ngay hôm nay cho chính mình và đó cũng chính là tạo Phước Đức cho con cháu chúng ta ngày mai.
Và xin luôn nhớ: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác”.