;
Tuy nhiên, trên thực tế, ít người hiểu đúng ý nghĩa của nghi thức khai quang điểm nhãn, hô thần nhập tượng trong đạo Phật. Một số người quan niệm mê tín rằng "nếu không làm lễ khai quang, tức là đưa Thần Lực của Phật an ngự vào tôn tượng, thì có những loài ma quỷ sẽ nhập vào đó để hưởng hương khói và sự cúng dường." Hoặc hiểu ý nghĩa của khai quang điểm nhãn hô thần nhập tượng là "làm tăng linh khí của pho tượng trước khi thờ cúng". Hoặc cho rằng "việc khai mở một vật từ vô tri trở nên linh thiêng thì phải có những vị thầy biết được bộ môn Khai quang điểm nhãn. Tức là phải biết mật mã để khai mở." (*)
Vậy ý nghĩa đích thực của khai quang điểm nhãn là gì?
Trước hết, cần phải hiểu rõ việc thờ Phật và Bồ-tát tại chùa cũng như tại gia là nhằm nhắc nhở mọi người y theo lời dạy của chư Phật, chư Bồ-tát tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Thờ Phật, Bồ-tát không phải là để cầu xin quý ngài ban phước ban lộc cho chúng ta, bởi vì đạo Phật quan niệm mọi việc trên đời này đều có nhân có quả, không có chuyện cầu xin, cúng bái mà được.
Mở đầu khoa nghi khai quang điểm nhãn của Phật giáo miền Bắc, chư Tổ Sư định nghĩa thế nào là pháp khai quang điểm nhãn bằng bài kệ thất ngôn tứ cú: "Đại khai trí kính (cảnh) minh như nhật/ Thước phá vi trần thế giới trung/ Nhất niệm liễu nhiên siêu bách ức/ Thiên sai vạn biệt tổng giai không. Nam mô khai bảo kính (cảnh) Bồ-tát ma-ha-tát".
Tạm dịch: Khai quang là tu tập để đạt được cái gương trí tuệ sáng rỡ như ánh mặt trời, soi rõ mọi thứ nhỏ nhoi nhất trong thế gian này. Chỉ cần một niệm ngộ được cái gương trí tuệ này thì tự nhiên vượt lên tất cả mà nhận ra rằng mọi thứ đúng sai trong đời đều là Không. Con xin cúi đầu đảnh lễ vị đại Bồ-tát đã đạt được chiếc gương trí tuệ quý giá."
Cái gương trí tuệ ấy trong Duy thức học gọi là Đại viên kính/ cảnh trí (大 園 鏡 智). Theo Từ điển Phật học (Phân viên nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản năm 1992), "Đại viên kính/ cảnh trí là một trong bốn trí của Hiển giáo. Theo Đại thừa giáo thuyết về bốn trí của đức Như Lai thì chuyển từ thức thứ 8 của phàm phu tới Như Lai, gọi là Đại viên kính trí. Đại viên kính (gương tròn sáng) đó là dụ. Trí thể ấy thanh tịnh, lìa pháp tạp nhiễm lậu, từ nghiệp báo thiện ác của chúng sinh hiển hiện cảnh giới của muôn đức, như tấm gương tròn lớn, nên gọi là Đại viên kính/ cảnh trí."
Trong cuốn Vấn đề nhận thức trong Duy thức học (Lá Bối xuất bản năm 1969), trang 111, Hòa thượng Nhất Hạnh viết: "Tịnh và bất tịnh cùng một thể. Nếu tất cả các chủng tử (hạt giống - NV) đã được chuyển từ bất tịnh sang tịnh rồi thì A Lại Gia (thức thứ 8 - NV) sẽ được chuyển thành Đại viên cảnh trí, đồng với chân như (tathatà).
Trong lúc hành trì khoa nghi khai quang, sau khi sái tịnh tôn tượng và xung quanh đàn tràng, vị sám chủ cầm cái gương giơ lên đưa qua đưa lại trước tôn tượng Phật, Bồ-tát là một hành động nhắc mọi người hiểu rằng một khi đã tẩy rửa/ chuyển hóa cái tâm bất tịnh thành tịnh thì Đại viên cảnh/ kính trí liền hiển lộ.
Cái gương biểu tượng cho Đại viên cảnh/ kính trí. Đã là biểu tượng thì không quan trọng việc phải dùng gương mới hay cũ, chưa dùng hay đã dùng như một số người quan niệm. Và sái tịnh biểu tượng cho việc lau chùi, tẩy rửa tâm bất tịnh có trong mỗi người.
Tiếp đến, vị sám chủ viết chữ Án trên diện tượng Phật, Bồ-tát, đồng thời niệm: "Phụng/ cung thỉnh Như Lai điểm khai nhục nhãn ..., thiên nhãn ..., tuệ/ huệ nhãn ..., pháp nhãn ..., Phật nhãn ...". Nghĩa là chúng sinh nương vào các pháp môn tu hành của Phật dạy mà có thể khai mở được nhục nhãn, thiên nhãn... Đây gọi là điểm nhãn tượng Phật, Bồ-tát hay khai ngũ nhãn.
Trong Mật tông, chữ Án có công dụng thay thế cho chư Phật, chư Bồ-tát, có sức linh diệu hơn hết. Tiếng Án là tiếng tạo tác, nó sáng lập ra muôn vật, muôn cõi. Cũng có nghĩa là “bổn mẫu” hay “bổn”, nghĩa là căn bổn, mẫu tức là gốc, cho nên có câu thần chú gọi là Phật mẫu Chuẩn đề thần chú, nghĩa là chư Phật là cha mẹ của hết thảy chúng sanh. Nhờ hành trì chữ Án mà phát sanh ra trí huệ bát nhã để tự độ và độ tha.
Từ điển Phật học định nghĩa ngũ nhãn là năm loại mắt, gồm: 1/ Nhục nhãn: mắt của thân xác. 2/ Thiên nhãn: mắt của chư thiên trên cõi trời Sắc giới, cũng là mắt mà thiền giả đắc được khi đang tu tập; với mắt này thì chẳng luận gần, xa,trong, ngoài, sáng tối , đều thấy được tất cả. 3/ Huệ nhãn: mắt của các vị tu tập đắc đạo, nhờ dùng trí tuệ quán được Chân không vô tướng. 4/ Pháp nhãn: mắt trí tuệ của chư vị Bồ Tát, vì hóa độ chúng sanh nên nhìn thấy tất cả các pháp môn. 5/ Phật nhãn: Mắt của Chư Phật.
Theo Vô Lượng Thọ Kinh, chư Bồ tát ở cõi Tịnh độ có Ngũ nhãn và được hiểu là: 1/ Nhục nhãn: trong suốt, không chi là không phân biệt tỏ rõ; 2/ Thiên nhãn: thông đạt, vô lượng, vô hạn; 3/ Pháp nhãn: quan sát cùng tột thật tướng của các pháp; 4/ Huệ nhãn: thấy được chân tướng, có thể độ chúng sanh sang bờ an vui; và 5/ Phật nhãn: con mắt thấy đầy đủ, thông suốt vạn pháp.
Đại sư Thần Tú (Trung Quốc) khuyên: "Thân thị bồ-đề thọ/ Tâm như minh cảnh đài/ Thời thời cần phất thức/ Vật sử nhạ trần ai (身 是 菩 提 樹/ 心 如 明 鏡 臺/ 時 時 勤 拂 拭/ 勿 使 惹 塵 埃)". Tạm dịch: Thân như cây bồ-đề/ Tâm như đài gương sáng/ Luôn luôn phải lau chùi,/ Chớ để dính bụi nhơ.
Như vậy, mục đích của việc hành trì nghi lễ khai quang điểm nhãn trong đạo Phật trước khi tượng Phật, Bồ-tát nào đó được tôn thờ trong chùa cũng như tại nhà là để nhắc nhở mọi người hằng ngày phải luôn luôn thực hành Phật pháp, chùi rửa tâm bất tịnh để đạt được Đại viên kính/ cảnh trí, và ngũ nhãn, tức là đạt đến quả vị Phật.
Về ý nghĩa của hô thần nhập tượng, xin được nói trong bài sau.