;
>Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về sự nóng giận
>Làm thế nào để đạt được sự Giải Thoát ?
Lời giới thiệu của người dịch:
Trong một quyển sách nhỏ với tựa đề là « Phật Giáo Nhập Môn » (ABC du Bouddhisme, nhà xuất bản Grancher, 2008) tác giả Fabrice Midal đã tóm lược một cách ngắn gọn các vấn đề chủ yếu nhất trong Phật Giáo giúp mang lại cho người đọc một cái nhìn thật bao quát về một trong những tín ngưỡng lâu đời nhất của nhân loại. Riêng đối với chúng ta thì những bài viết này còn đáng để quan tâm hơn nữa vì đấy là một cái nhìn « từ xa » của một học giả Phật Giáo Tây Phương hướng vào một tín ngưỡng « thật gần» với chúng ta.
Ngày nay Phật Giáo đang bành trướng nhanh chóng tại Tây Phương, thế nhưng việc thờ phụng và lễ bái thì lại là những gì thật hết sức xa lạ đối với họ. Vậy người Tây Phương nghĩ gì và quan niệm như thế nào về các nghi thức lễ bái trong Phật Giáo ? Chương 7 của quyển sách trên đây được dành riêng cho đề tài này, và dưới đây là phần chuyển ngữ.
Thiết nghĩ cũng xin ghi chú thêm là tác giả Fabrice Midal đến với Phật Giáo khi còn là một sinh viên và sau khi cạo đầu quy y thì ngay sau đó ông đã lập một bàn thờ Phật thật trang nghiêm theo đúng truyền thống Tây Tạng tại nhà ông.
Ý nghĩa và vai trò của lễ bái trong Phật Giáo
***
Tại sao lại có các nghi thức lễ bái trong Phật Giáo? Người Phật Tử, hay ít ra là đối với một Phật Tử Tây Phương thì có nên tránh các việc lễ bái hay không ?
Sự suy tư và chiêm nghiệm trong Phật Giáo là nhằm vào chủ đích giúp khơi động lòng từ bi, sự kính trọng và lòng biết ơn, đấy cũng là những gì thật thiết yếu trong phép thiền định mà nhiều người (Tây Phương) đều biết và thường xuyên mang ra luyện tập. Thế nhưng phần đông lại chẳng có một chút kiến thức nào về vai trò của lễ bái trong Phật Giáo (tác giả muốn nói là hầu hết các người Tây Phương theo Phật Giáo đều chú tâm vào việc luyện tập thiền định và không chú ý tìm hiểu vai trò của lễ bái).
Càng coi thường việc lễ bái bao nhiêu thì chúng ta lại càng mù tịt bấy nhiêu về giá trị của nó. Những ai từng đã tham dự các buổi lễ lạc thì dường như thường hay có cảm giác rằng đấy là những thứ giả tạo. Thế rồi chúng ta cứ ước mong sao cho Phật giáo bỏ bớt đi những hình thức trừu tượng ấy.
Do đó chúng ta cũng nên tìm hiểu sâu xa hơn về cái cảm tính e ngại trên đây hầu có thể hiểu được nó một cách tường tận hơn.
Tại các quốc gia Tây Phương ngày nay thì mối tương quan thiêng liêng đó (giữa lễ bái và tôn giáo)dần dần đã mất đi cái ý nghĩa của nó (tại Pháp hiện chỉ còn 4.50% dân chúng đến nhà thờ). Tuy thế cũng không có nghĩa là trong thế giới Tây Phương mối dây thiêng liêng ấy đã hoàn toàn bị cắt đứt. Các tác phẩm nghệ thuật cũng như các cảnh vật thiên nhiên vẫn còn gây được nhiều tác động trong lòng một số người và điều ấy đã chứng tỏ một cách hùng hồn là mối dây thiêng liêng trên đây không hề mất hẳn. Thật vậy chúng ta đều cảm thấy là đôi khi mình cũng phải cần đến một vài phút giây thư giãn, tự do và cởi mở nào đó trước thực tại – chẳng hạn như những lúc ngắm nhìn một tác phẩm hội họa hay tản bộ trên bãi biển. Trong những giây phút ấy một cảm giác thanh thản dâng tràn trong lòng mình.
Thế nhưng mối dây thiêng liêng đó không còn phải là một thứ độc quyền của các tôn giáo nữa, và đối với phần đông chúng ta thì đúng ra đấy chỉ là một cách mà các tôn giáo lợi dụng để tạo ảnh hưởng và củng cố quyền lực, hơn là giúp cho con người tìm thấy cội nguồn của sự sống. Do đó đối với chúng ta (người Tây Phương) các nghi thức lễ lạc đã trở thành những thứ xiềng xích còn sót lại từ những thời đại xa xưa, mà ngày nay đã hoàn toàn lỗi thời. Đấy là những gì được xem như mê tín dị đoan hay là những thứ dụng cụ dùng để thống trị và cần phải được loại bỏ.
Thật ra thì xu hướng trên đây còn có một lý do khác nữa.nguoiphattu.com
Thời đại của chúng ta ngày nay không còn tin vào các thứ nghi thức lễ bái, huyền thoại, các loại biểu tượng hay các thứ biểu hiệu, mà chỉ nhìn vào tính cách minh bạch của sự thuần lý – dù không hề ý thức được các khía cạnh cứng nhắc của sự minh bạch đó. Trong thời buổi này chúng ta chỉ muốn gỡ bỏ các tấm màn u mê của huyền thoại và nhất mực cho rằng nghi lễ chẳng có ích lợi gì cả. Đối với thế hệ chúng ta thì cái thế giới chỉ biết tôn thờ sự hiệu quả này chỉ có thể trở nên toàn vẹn khi nào những ray rứt về ý nghĩa của sự hiện hữu đã hoàn toàn bị loại bỏ, và tất cả mọi sinh hoạt đều nhất loạt phải được đặt dưới sự chi phối của các tiêu chuẩn thiết lập bởi các nguyên tắc hiệu quả.
Thế nhưng mục đích của các nghi thức lễ bái lại là để mang con người trở về với cội nguồn của họ, nhằm cắt đứt mối dây trần thế và xóa bỏ các thói tục thường tình – tức có nghĩa là những gì vô-hiệu-quả. Nếu nhìn dưới khía cạnh đó thì bất cứ một hình thức lễ bái nào cũng đều giữ được một chút thi vị trong từng khoảnh khắc thời gian nhằm giúp chúng ta tìm thấy một chút ý nghĩa nào đó trong cuộc sống của mình và để mang lại cho sự sống ấy một khía cạnh sâu sắc hơn.
Chính vì mục đích đó mà nhiều người theo Phật Giáo đã tạo được cho mình một cuộc sống luôn hòa nhịp một cách thật hài hòa với các nghi thức lễ bái, đôi khi các nghi thức ấy cũng chỉ là những gì thật đơn giản (chẳng hạn như thắp một nén hương lên bàn thờ Phật, hay đánh một tiếng chuông vào buổi sáng).Trước hết đấy là cách giúp họ biết chú tâm hơn vào cái đẹp trong con người họ và của thế giới này và để nối kết họ với cội nguồn của họ.
Thế nhưng nếu muốn tìm thấy cái ý nghĩa sâu xa ấy của nghi lễ thì quả thật khá khó cho những người Tây Phương chúng ta. Bởi vì không phải chỉ biết thực thi các nghi thức lễ bái là đủ mà còn phải ý thức được ý nghĩa của chúng trong nếp sống thường nhật và hình dung ra được cái ý nghĩa ấy trong từng giây phút một.
Ý nghĩa của lễ bái trong Phật Giáo
Lễ bái là một tổng hợp gồm một số hành động biểu trưng cho một sự hài hòa giữa các hành vi, ngôn từ và sự chú tâm của chúng ta. Trong sự hài hòa ấy mỗi cử chỉ đều phát lộ được sự thiết tha, một thể dạng thật ý thức và trọn vẹn, và mỗi ngôn từ thì đều giữ được sự tinh khiết. Chúng ta không thể bảo đấy là một thứ gì độc đáo, duy nhất hay biểu trưng cho một sự thông minh nào cả – mà thật ra đấy chỉ đơn giản là những gì hiện hữu đúng như thế.
Nếu muốn cho nghi thức lễ bái đạt được ý nghĩa ấy thì nó phải đi đôi với một phép tu tập thật chính xác và trang nghiêm. Thiền học Zen khai triển các phép nghi lễ đẹp một cách phi thường, thí dụ như trà đạo chẳng hạn. Trà được đưa vào Nhật vào thế kỷ thứ XII và chỉ được xem như là một dược thảo. Mãi bốn thế kỷ sau thì việc uống trà mới được một vị thiền sư là Thiên Lợi Hưu (Rikyu) biến thành một nghệ thuật và một phép tu tập hẳn hoi, bằng cách đưa ra một số nghi thức chính xác, và nhất là làm phát lộ được thi tính trong các nghi thức ấy.
Đối với bất cứ một nghi thức lễ bái nào, thân xác phải hòa nhập với từng ngôn từ khi thốt lên – có nghĩa là mỗi cử chỉ phải phù hợp với từng lời nói. Tất cả đều hòa nhập với nhau để trở thành một nếp sinh hoạt đồng nhất.
Sự suy tư và lý luận mang tính cách phân tích sẽ tuyệt nhiên không còn cần đến nữa. Điều quan trọng hơn hết chính là sự chính xác và nghiêm túc trong từng cử chỉ. Không cần phải tìm cách để sáng tạo ra thêm một thứ gì nữa cả mà chỉ cần đơn giản thực thi những gì cần nên làm.
Do đó vai trò của nghi thức trước hết là giúp chúng ta hòa nhập với một thứ quy củ nào đó nhằm giúp chúng ta biết đặt chân trên mặt đất này và đồng thời kết nối với cái bao la của toàn thể vũ trụ, và giúp cho tất cả mọi người chung quanh cũng được hưởng lây cái bầu không khí đó.
Đối với thế giới Tây Phương thì nghi lễ không nhất thiết phải mang tính cách tôn giáo. Thí dụ như đi nghe một buổi hòa nhạc cũng có thể giúp chúng ta nhận thấy được ý nghĩa sâu xa và đích thật của nghi lễ là gì. Chúng ta bước vào nhà hát và ngồi xuống. Các nhạc công bước vào sau và bắt đầu chơi nhạc. Tiếng nhạc mang lại cho chúng ta một sự thích thú nào đó. Chúng ta có cảm giác như trút bỏ được những gì luôn đè nặng trong cuộc sống của mình. Chúng ta vỗ tay thật nồng nhiệt để khen thưởng và cám ơn họ.
Lễ bái cũng có một chủ đích tương tự như thế. Đấy là những gì thật đơn giản, không hề bắt chúng ta phải suy nghĩ rắc rối, thế nhưng lại có thể giúp chúng ta tìm thấy được sự tự do luôn bị che lấp và bị đè nặng bởi mọi thứ hiểm nguy và lo lắng, bởi sự mất mát và những nỗi kinh hoàng trong cuộc sống.
Theo quan điểm của Phật Giáo thì mục đích của lễ bái là nhằm giúp chúng ta đến gần hơn với Đức Phật, cái bầu không gian ấy rộng mở và ấm áp biết bao, đấy chính là sự thật trong từng khoảnh khắc mà chúng ta không mấy khi nhận thấy được. Phật Giáo là một tín ngưỡng vô thần vì thế nên việc lễ bái dù cho có tạo ra được một sự cảm ứng trực tiếp và thật sự nào với Đức Phật hay không thì cũng chẳng quan hệ gì cho lắm. Vì thế mỗi khi suy tư về Đức Phật, về Chúa Giê-Xu hay chỉ là một cọng cỏ – thì điều quan trọng hơn hết lại chính là tâm hồn mình, sự mở rộng của con tim và nhịp thở của chính mình.
Vào thời kỳ khởi nguyên của Phật Giáo tại Ấn Độ, các nghi thức lễ bái chủ yếu nhất chỉ liên quan đến các kiến trúc biểu trưng cho tâm linh của Đức Phật gọi là stupa (tức là các bảo tháp). Bảo tháp được xây dựng khắp mọi nơi tại Á Châu. Nghi thức lễ bái thì đơn giản chỉ là cách đi quanh các kiến trúc đó theo chiều kim đồng hồ. Bên trong các kiến trúc ấy thường thì cũng chẳng có phòng ốc gì cả. Cách đi quanh các bảo tháp thì gọi là diễn hành (circumambulation – diễn hành chung quanh một biểu tượng mang tính cách tôn giáo).Cách bước đi thật trang nghiêm và sự chú tâm vào từng động tác của cơ thể giúp mình hoà nhập với sự hiện diện của Đức Phật. Việc đi chung quanh một kiến trúc – chẳng hạn như một bảo tháp trong trường hợp trên đây và trục của bảo tháp là biểu tượng của sự nối kết giữa trời và đất – chỉ là một hình thức tượng trưng mang tính cách rất phổ quát, thí dụ như trường hợp các vị giáo sĩ (druide / druid) trong các bộ tộc bán khai(của Âu Châu vào thời cổ đại) đi quanh các gốc cây hay các con suối.
Theo dòng lịch sử các nghi thức lễ bái ngày càng trở nên phức tạp hơn, và các nghi thức đó thì được dựa vào các thói tục sẵn có của người Ấn khi hầu tiếp một vị thượng khách. Lời mời được chuyển đến vị thượng khách nhằm tỏ bày niềm hân hoan của mình nếu được người này viếng thăm, sau đó là cách hầu tiếp người này, việc tặng quà hoặc thông thường hơn thì mời một bữa cơm, sau hết là đưa tiễn người này với tất cả sự tôn kính tương xứng với cấp bậc của người ấy. Cũng thế thay vì tiếp rước một nhân vật nào đó thì chúng ta mở rộng tâm hồn mình để đón nhận Đức Phật – xem Đức Phật như một vị khách quý. Chúng ta lập bàn thờ, đặt lên một bát nước ướp hoa thơm và một ít lễ vật. Sau đó thì chúng ta cũng có thể xướng lên những lời tán tụng Đức Phật. Đấy là cách tạo ra một bầu không gian mở rộng và mang lại những phút giây biểu dương cho một sự sinh động nào đó.
Thật hết sức đáng tiếc là chúng ta thường quên rằng lễ lạc và các nghi thức lễ bái cũng có thể giúp giải thoát được tâm thức mình, mà nghĩ rằng chỉ có phép thiền định và sự học hỏi (Đạo Pháp) mới có thể thực hiện được việc ấy. Dù sao thì nếu chỉ biết thực thi nghi lễ như một thói quen mà không ý thức được ý nghĩa là gì thì cũng chỉ hoài công mà thôi. Khi nào hội nhập được với nghi lễ và hiểu được đấy là gì thì khi đó nghi lễ mới có thể trở thành một sự trợ lực lớn lao được.
Mỗi khi đứng ra thuyết giảng thì không mấy khi tôi quan tâm đến việc thực thi các nghi thức lễ bái đúng theo truyền thống(tức các nghi thức tụng niệm trước khi thuyết giảng, và cũng xin mạn phép ghi chú thêm là tác giả tu tập theo Phật Giáo Tây Tạng và rất tích cực trong việc hoằng Pháp, và ông cũng là chủ tịch và sáng lập viên của một hiệp hội Phật Giáo) mà chỉ nhất thiết chú trọng và đề cập đến việc thực hành thiền định. Đấy là cách đơn giản ngồi xuống và không cần đến một hình thức màu mè nào khác. Không để cho bất cứ một thứ gì trở nên dư thừa. Chỉ cần hội nhập trực tiếp với cái thể dạng trần trụi nhất nơi con người của chính mình – và cả với những gì đang kềm kẹp nó và giam hãm nó. Có nghĩa là chỉ cần đón nhận cái đẹp hiển hiện ra trong hiện tại.
Thế nhưng ngoài những lúc phải giảng dạy ra thì lúc nào tôi cũng để cho các nghi thức lễ bái chi phối nếp sống của tôi qua từng hành động của tôi. Thiết nghĩ đôi khi chúng ta cũng nên thực thi lễ bái, thế nhưng phải luôn chú tâm làm phát lộ được ý nghĩa của nó và để sống với nó một cách hoàn toàn ý thức.
Tại sao nên lập bàn thờ Phật ?
Một trong các lý do chính yếu khiến chúng ta không thích việc lễ bái và không lập bàn thờ Phật là ý nghĩ cho rằng vật chất không liên hệ gì với tâm linh.
Phật Giáo không hề chủ trương phân biệt giữa vật chất và tinh thần, giữa thân xác và tâm thức mà chỉ khuyên chúng ta phải loại bỏ mọi sự bám víu và các thứ gò bó khác, và luôn phải mở rộng con tim của mình. Nào có gì khác lại có thể tỏ ra thiết thực hơn thế được ! Tuy nhiên điều ấy chỉ có thể thực hiện qua những kinh nghiệm cảm nhận trong cuộc sống thường nhật mà thôi (có nghĩa là cần đến sự chi phối của các nghi thức lễ bái trong cuộc sống của mình).
Tất cả chúng ta đều cất giữ trong nhà một vài tấm ảnh của cha mẹ hay con cái mình, một vài cái lọ con con kỷ niệm các chuyến du lịch trước đây của mình. Thật thế tâm trí chúng ta nào có đủ sức để ghi nhớ hết được hình ảnh của những người thân yêu và các kỷ niệm của những chuyến du ngoạn trước đây. Phải chăng vì thế mà chúng ta thường hay trang trí nhà cửa với các vật gợi lại cho mình các kỷ niệm xưa ?
Các vật ấy giữ một vai trò rất lớn trong cuộc sống của mỗi người trong chúng ta. Lắm khi chúng ta đã phải dồn hết tâm trí mình vào việc chọn lựa các vật thân thiết nhất với mình.
Thế thì tại sao chúng ta lại không biết ghép thêm vào cuộc sống của mình một chút gì đó mang tính cách thiêng liêng hơn như thế ? Chẳng hạn như một vài vật có thể nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến Đức Phật ? (tác giả muốn ám chỉ nên lập một bàn thờ Phật hay bày một pho tượng Phật trong nhà).
Cúng dường cũng là một cách để bày tỏ sự quý mến của mình đối với Đấng Giác Ngộ, nói lên mối quan tâm của mình luôn phải nhớ đến Đức Phật.
Tuy nhiên vẫn có thể xảy ra một mối hiểm nguy nào đó mà Phật Giáo không phải là đương nhiên có thể tránh khỏi được : đấy là cách làm biến dạng cái khía cạnh thi vị trên đây khiến nó trở thành một mớ quy tắc cứng nhắc, và nếu lỡ mà vi phạm vào đấy thì phải gánh chịu những điều « bất hạnh ». Đấy chỉ là một thứ đạo đức dựa vào các tiêu chuẩn mang tính cách bổn phận và mê tín. Cúng dường Đức Phật không phải là cách giúp mình tránh khỏi những gì bất hạnh, hay là để chứng tỏ mình là một Phật Tử gương mẫu, mà đúng hơn đấy là hành động giúp mình mở rộng con tim và tâm thức của chính mình.
Chẳng hạn như khi ta tặng một món quà cho một người bạn thì đấy cũng có nghĩa là lòng thiện cảm của mình đối với bạn phải quan trọng hơn là giá trị của món quà. Chúng ta tìm thấy một sự vui thích nào đó qua cử chỉ hiến dâng. Cũng thế, hành động cúng dường mang nhiều ý nghĩa nội tâm hơn là giá trị của vật hiến dâng – cái ý nghĩa nội tâm ấy biểu trưng cho lòng biết ơn, sự tự tin và lòng kính mến của mình.