;
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ
Quyển sách "365 Lời khuyên Tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma - Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay" (365 Méditations quotidiennes du Dalai-Lama pour éclairer votre vie) của Đức Đạt-lai Lạt-ma cùng nhà sư Matthieu Ricard, đã được nhà xuất bản Presses de la Renaissance tại Paris ấn hành lần đầu tiên năm 2001, và sau đó đã được tái bản nhiều lần và cũng đã được dịch sang nhiều thứ tiếng.
Quyển sách này cũng có nhiều ấn bản khác nhau, mang nhiều tựa khác nhau, trong số này có nhiều ấn bản đã được tóm lược. Một trong số các ấn bản rút ngắn này - gồm 53 câu thay vì 365 câu - cũng đã được dịch sang tiếng Việt và đã được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo ấn hành tại Việt Nam năm 2009, và sau đó cũng đã được Nhà Xuất Bản Phương Đông tái bản năm 2011 ("Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma", Hoang Phong chuyển ngữ, nguyên bản tiếng Pháp là "Dalai Lama - Conseils du coeur", Pocket, 2003).
Lần tái bản bằng tiếng Pháp gần đây nhất và cũng đầy đủ nhất gồm toàn bộ 365 câu, là vào năm 2017. Bản chuyển ngữ tiếng Việt dưới đây được dựa vào ấn bản mới này. Người đọc cũng có thể tham khảo bản tiếng Anh của quyển sách này: "365 Dalai-Lama: Daily Advice From The Heart" (Hampton Roads Publishing Company, 2012).
Các câu "suy tư" trong quyển sách này chính thật là những "lời khuyên", giúp chúng ta biến cải chính mình hầu đối phó hay thích nghi với mọi cảnh huống trong cuộc sống, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ trên thân xác đến bên trong nội tâm mình. Những lời khuyên rất thiết thực nhưng cũng thật thâm sâu này của Đức Đạt-lai Lạt-ma đã được nhà sư Matthieu Ricard trực tiếp ghi chép bằng tiếng Tây Tạng, và sau đó đã được học giả Christian Bruyat dịch sang tiếng Pháp.
Nếu nhìn Phật giáo như là một tín ngưỡng thì tín ngưỡng đó không hề bị ám ảnh bởi cái chết và những lời hứa hẹn phía sau cái chết, bởi vì đối với Phật giáo thì cái chết cũng chỉ là một thành phần của sự sống mà thôi. Những lời khuyên trong quyển sách này nhất thiết chỉ nói lên sự sống đó với tất cả các khía cạnh khó khăn cũng như thuận lợi của nó.
Thật ra thì đấy cũng là những gì hiện lên bên trong tâm thức và trên thân xác mình trong từng ngày. Do đó chúng ta có thể xem quyển sách này như là một quyển sách "gối đầu giường", hoặc một người bạn đồng hành trong cuộc sống của mình. Mỗi khi cần phải đối phó với một nghịch cảnh hay gặp phải một vấn đề nan giải thì biết đâu chúng ta cũng có thể tìm được một vài lời khuyên trong sách để suy ngẫm hầu tìm một giải pháp thích nghi.
Quyển sách gồm tất cả năm phần:s
I. Suy tư về sự sống (câu 1 đến 48)
- Sự sống nói chung (1 - 16)
- Tuổi trẻ (17 - 35)
- Tuổi trưởng thành (36 - 42)
- Tuổi già (43 - 48)
II. Suy tư về các cảnh huống trong cuộc sống (câu 49 đến 129)
- Đàn ông và đàn bà (49 - 53)
- Cuộc sống trong gia đình (54 - 70)
- Cuộc sống độc thân (71 - 74)
- Cuộc sống tập thể (75 - 79)
- Cuộc sống sung túc (80 - 92)
- Cuộc sống trong cảnh nghèo khó (93 - 97)
- Bệnh tật (98 - 101)
- Những kẻ tật nguyền và những người chăm sóc họ (102 - 105)
- Người sắp lìa đời và những người thân chung quanh (106 - 118)
- Công ăn việc làm và tình trạng thiếu giải trí (119 đến 120)
- Nhà giam và các tù nhân (121 - 129)
- Đồng tính luyến ái (130 - 132)
III. Suy tư về cuộc sống tập thể trong xã hội (câu 133 đến 181)
- Chính trị (133 - 139)
- Công lý (140 - 144)
- Tương lai thế giới (145 - 147)
- Giáo dục (148 - 150)
- Khoa học và kỹ thuật (151 - 153)
- Thương mại và kinh doanh (154 - 156)
- Nghệ thuật viết lách và nghề làm báo (157 - 161)
- Canh nông và môi trường (162 - 167)
- Chiến tranh (168 - 175)
- Dấn thân vì kẻ khác (176 - 181)
IV. Suy tư về các khó khăn trong cuộc sống (câu 182 đến 304)
- Hạnh phúc (182 - 188)
- Bất hạnh (189 - 198)
- Yếm thế (199 - 210)
- Sợ hãi (211 - 215)
- Tự tử (216 - 219)
- Cô đơn và sự cô lập (220 - 229)
- Giận dữ (230 - 241)
- Kiềm tỏa dục vọng (242 - 247)
- Ganh tị và chứng ghen tuông (248 - 253)
- Kiêu hãnh (254 - 257)
- Khổ đau (258 - 267)
- Rụt rè (268 - 271)
- Do dự (272)
- Thù ghét chính mình (273 - 276)
- Nghiện rượu và ma túy (277 - 280)
- Đam mê tình ái (281 - 285)
- Thiếu suy nghĩ (286 - 289)
- Tính hay nói xấu (290 - 294)
- Tính độc ác (295 - 303)
- Thờ ơ (304 308)
V. Suy tư về cuộc sống tâm linh (309 -365)
- Người có đức tin (309 - 315)
- Người vô thần (316 - 327)
- Người tu sĩ và cuộc sống nơi tu viện. (328 - 339)
- Người hành thiền (340)
- Đức tin (341 - 344)
- Các giáo phái (345 - 347)
- Người muốn bước theo con đường Phật giáo (348 - 356)
- Việc Tu tập Phật giáo (357 - 365).
II SUY TƯ VỀ CÁC CẢNH HUỐNG TRONG CUỘC SỐNG
Suy tư về bệnh tật
98
Ngày nay ngành y khoa đã đạt được nhiều tiến bộ khả quan. Tuy nhiên trong lãnh vực phòng ngừa kể cả việc chữa trị thì sức mạnh tâm thần vẫn luôn giữ một vai trò chủ yếu. Điều này thật hết sức hiển nhiên.
Thân xác và tâm thức liên hệ và tương tác với nhau thật chặt chẽ. Chính vì thế nên bệnh tình của mình dù trầm trọng đến đâu đi nữa thì cũng không nên tuyệt vọng. Hãy tự nhủ rằng luôn luôn có một phương thuốc chữa trị (phương thuốc đó nằm thật sâu bên trong tâm thức mình, không những nó có thể góp phần làm giảm bớt sự đau đớn trên thân xác mà cả những thứ bấn loạn khuấy động bên trong tâm thức mình. Nếu thân xác và tâm thức liên hệ và tương tác với nhau thì phải điều trị cả hai cùng một lúc).
99
Dù bệnh trạng biến chuyển như thế nào thì cũng phải hiểu rằng có hốt hoảng cũng chẳng giải quyết được gì cả mà cũng chỉ là cách ghép thêm khổ đau vào đau khổ mà thôi (hốt hoảng cũng là một thể dạng khổ đau). Tôi vẫn thường nhắc đến lời khuyên rất thiết thực của nhà hiền triết Ấn-độ Shantideva/Tịch Thiên, đại khái như sau: "Nếu đã có một giải pháp thì lo lắng để mà làm gì, cứ mang giải pháp ấy ra mà áp dụng. Nếu không còn một giải pháp nào nữa thì lo lắng cũng chỉ là vô ích, chỉ làm cho sự đau đớn gay gắt thêm mà thôi".
100
Phòng ngừa là phương thuốc chữa trị hiệu nghiệm nhất. Phương thuốc đó liên hệ đến ẩm thực và phong cách hành xử trong cuộc sống thường nhật của minh. Nhiều người lạm dụng rượu chè và thuốc lá. Họ tự hủy hại sức khỏe của mình chỉ vì một chút thích thú nhỏ nhoi và tạm bợ, tạo ra bởi mùi vị và sự kích thích của các thứ ấy. Nhiều người khác thì ăn quá nhiều mà mang bệnh. Tôi được biết nhiều người tu hành trong khi ẩn cư nơi rừng núi trong các chiếc am hẻo lánh thì có sức khỏe tốt. Thế nhưng mỗi khi về thăm gia đình hay bè bạn vào các dịp Tết hay lễ lạc, thì họ không sao kềm hãm được sự tham ăn và đã ngã bệnh (Ngài bật cười).
101
Đức Phật nói với các tỳ kheo (các đệ tử) rằng nếu ăn uống không đầy đủ thì cơ thể sẽ bạc nhược, đó là một sự sai lầm, thế nhưng Ngài cũng cho biết thêm là nếp sống phủ phê cũng là một cách làm tiêu hao công đức (1) của mình mà thôi. Đấy là cách mà Ngài khuyên chúng ta hãy giảm bớt các sự thèm khát và biết an phận với những gì mình có, hầu giúp mình thăng tiến nhanh chóng hơn trên đường tu tập và mang lại cho mình một sức khỏe tốt. Ăn uống quá nhiều hay quá ít đều khiến mình mang bệnh. Trong cuộc sống thường nhật tốt hơn nên tránh mọi hình thức thái quá.
(1) Công đức trong Phật giáo có nghĩa là các hành động tốt lành mà mình đã thực hiện được, nhưng cũng có nghĩa là các luồng khí lực tích cực tạo ra bởi các hành động đó, chúng ăn sâu vào "dòng luân lưu của tri thức" một cá thể. Các luồng khí lực đó sẽ tạo ra các xu hướng tâm thần thuận lợi mang lại hạnh phúc cho mình. Sớm muộn gì thì các tác động đó sẽ xảy ra với mình, tất cả tùy vào các luồng khí lực đó có được kết hợp hay không với các luồng khí lực khác mang tính cách tích cực, hoặc cũng có thể là tiêu cực. Hơn nữa dưới tác động của nguyên lý tương liên/lý duyên khởi các luồng khí lực đó còn có thể tạo ra cho mình các điều kiện thuận lợi về mặt vật chất, chẳng hạn như sức khỏe tốt, sự giàu có, v.v. (ghi chú trong sách của dịch giả Christian Bruyat - gcts).
Công đức (merit, virtue) còn gọi là đạo hạnh hay các điều xứng đáng, tiếng Pa-li là punna, tiếng Phạn là punya, hoặc vừa tiếng Phạn và tiếng Pa-li là kusala, là một khái niệm mang ý nghĩa rất rộng và rất quan trọng trong Phật giáo, phản ảnh các hành động đạo đức của người tu hành, đồng thời cũng nói lên một phép tu căn bản và tiên khởi nhất trên đường tu tập gọi là "tu giới". Các "năng lực" hay "xúc cảm" tạo ra bởi các hành động tốt lành - gọi chung là công đức - sẽ lưu lại các dấu vết in đậm trên dòng tri thức một cá thể . Các dấu vết này sẽ hiển hiện trở lại và trở thành các xu hướng tâm thần hay các xúc cảm, khi chúng tiếp xúc với các bối cảnh và các điều kiện của môi trường bên ngoài - xuyên qua các sự cảm nhận của ngũ giác - phù hợp và thích nghi với chúng.
Những xu hướng và xúc cảm đó sẽ tạo ra cho cá thể ấy các cảm nhận hạnh phúc, hoặc cũng có thể là các thúc đẩy tâm thần khiến cá thể ấy thực hiện thêm các hành động tích cực khác để tiếp tục tạo ra các công đức khác. Dưới tác động của quy luật nguyên-nhân-hậu-quả, các hành động đó sẽ mang lại các điều tốt lành cho cá thể ấy. Các điều tốt lành này sẽ xảy ra với cá thể ấy, chỉ sớm hay muộn mà thôi, tất cả đều tùy thuộc vào tác động gây ra bởi các hành động khác, có thể là tích cực hay tiêu cực. Dầu sao thì sự vận hành mang lại "công đức" hay các điều "tệ hại" rất phức tạp vì không những trực tiếp liên hệ với nghiệp quá khứ ghi khắc bên trong tâm thức cùng các các cơ duyên bên ngoài mà còn tùy thuộc vào ý chí và quyết tâm thúc đẩy bên trong tâm thức của cá thể ấy. Khi mình được đầy đủ, sống phủ phê thì đấy là nhờ vào công đức của mình từ trước, thế nhưng nếu mình cứ tiếp tục thừa hưởng một cách vô tâm thì đến một lúc nào đó các công đức ấy sẽ khô cạn, vì thế tốt hơn hết là khi mình đang được đầy đủ thì nên nghĩ đến những người nghèo khó và chia sẻ với họ, hầu làm gia tăng thêm công đức sẵn có của mình. Đấy là một trong các khía cạnh tu giới đơn giản và hiệu quả nhất - gccncntV.
Suy tư về những kẻ tật nguyền và những người chăm sóc họ
102
Nếu chẳng may thân xác bị tật nguyền thì các bạn cứ hãy tự nhủ rằng từ bên trong chính mình thì mình vẫn là một con người như tất cả mọi người khác. Mặc dù không còn sử dụng được một vài cơ quan cảm giác nào đó, thế nhưng tâm thức mình vẫn vận hành bình thường như tất cả mọi người. Không nên tuyệt vọng, hãy phát động sự tự tin nơi chính mình. Là con người, đương nhiên các bạn sẽ có đủ khả năng làm được một cái gì đó cho đời mình.
Một hôm tôi đến viếng một trường câm điếc. Thoạt nhìn thì các đứa trẻ ấy không sao đàm thoại được như chúng ta. Thế nhưng chúng biết sử dụng các phương tiện khác để học hỏi không khác gì như các người khác. Ngày nay người mù có thể đọc và viết nhờ vào một chiếc máy. Một số đã trở thành văn sĩ. Tôi có dịp trông thấy trên truyền hình Ấn-độ một người cụt cả hai tay nhưng có thể viết được bằng chân. Tuy không viết nhanh được nhưng chữ viết rất rõ.
Người chuyển ngữ các dòng này có dịp viếng một trường mù và trông thấy các em chơi bóng đá. Bên trong quả bóng có cát hạt sỏi (?) gây ra tiếng sột soạt khi quả bóng lăn trên mặt đất. Căn cứ vào tiếng động đó các em ước tính khoảng cách, tốc độ, hướng lăn của quả bóng để chạy theo và tranh nhau đá vào quả bóng. Các em vừa chơi vừa vui cười, hò hét để biết vị trí của nhau, tạo ra một bầu không khí thật hăng say và vui vẻ - gccncntV).
Đức Đạt-lai Lạt-ma
Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc
Hoang Phong chuyển ngữ