;
Chữ ái (愛) ở đây phải được hiểu là ái dục. Bởi ái dục là khao khát, thèm muốn, là thứ làm mình đau khổ. Đối tượng của ái dục là sắc.
Sắc (色) có thể dịch là nhan sắc, tức là vẻ đẹp bên ngoài. Sắc gây quyến rũ, mê hoặc tâm người vô tri. Người vô tri luôn có cái nhìn sai lệch về sắc. Luôn tìm cách giữ lấy, ôm ấp làm riêng mình. Người có trí tuệ thấy sắc là thứ làm mình đau khổ cần phải xa lìa và buông bỏ.
Phật dạy: “Ai đối với sắc mà yêu thích, thì đối với khổ cũng yêu thích. Đối với khổ mà yêu thích, thì đối với khổ sẽ không được giải thoát, không rõ, không ly dục.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà yêu thích, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích khổ, thì đối với khổ không được giải thoát.
(於色愛喜者,則於苦愛喜;於苦愛喜者,則於苦不得解脫、不明、不離欲。如是受、想、行、識愛喜者,則愛喜苦,愛喜苦者,則於苦不得解脫.
Ư sắc ái hỉ giả, tắc ư khổ ái hỉ. Ư khổ ái hỉ giả, tắc ư khổ bất đắc giải thoát, bất minh, bất ly dục. Như thị thọ, tưởng, hành, thức ái hỉ giả, tắc ái hỉ khổ, ái hỉ khổ giả, tắc ư khổ đắc bất đắc giải thoát)[1].
Người vô tri không thấy được tác hại của ái dục, tâm ý luôn hướng về ái dục. Trong Kinh Pháp Cú, Phẩm Ái Dục, Phật dạy, kẻ đi tìm ái dục cũng giống như một con vượn chuyền cành tìm trái, từ cành này sang cành khác.
Tâm phóng tại dâm hành
心 放 在 婬 行
Dục ái tăng chi điều
欲 愛 增 枝 條
Phân bố sanh sí thạnh
分 布 生 熾 盛
Siêu dược tham quả hầu[2]
超 躍 貪 果 猴
Người có chánh kiến, chánh tư duy, muốn giải thoát khổ đau phải tránh xa ái dục, bởi Phật dạy: vị hành giả đối với sắc không yêu thích, thì đối với khổ cũng không thích. Ai đối với khổ không thích, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.( 於色不愛喜者,則不喜於苦;不喜於苦者,則於苦得解脫 – Ư sắc bất ái hỉ giả, tắc bất hỉ ư khổ, bất hỉ ư khổ giả, tất ư khổ đắc giải thoát).
Trong giáo lý nhà Phật, Tứ Diệu Đế, Bốn sự thật màu nhiệm Khổ, Tập, Diệt, Đạo, Khổ là sự thật thứ nhất mà người Phật tử muốn có cuộc sống an lạc phải nhận ra, phải tìm hiểu. Tập tức là những nguyên do đưa tới khổ, đó là sự thật thứ hai cần phải nhận diện, cần phải chuyển hóa. Sự thật thứ ba là Diệt. Diệt ở đây là sự vắng mặt, sự trừ diệt của các nguyên do đã đưa tới khổ. Và sự thật thứ tư là Đạo. Đạo tức là con đường, là các phương pháp thực tập dẫn tới cái sự vắng mặt của những nguyên nhân gây khổ.
Người muốn tâm ý được an vui thì phải quyết tâm vứt bỏ ái ân. Không ân ái thì không đi vòng quanh trong cõi luân hồi. Xa lìa được ái dục thì không còn lo lắng nữa (離 愛 則 無 憂, ly ái tất vô ưu).
Xin quý vị đọc Kinh văn dưới đây Phật dạy về lợi ích của người đoạn dục ly ái:
“Đối với sắc, nếu vị hành giả biết, rõ, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì sẽ có thể đoạn trừ được khổ não”.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu biết, rõ, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì có thể đoạn trừ khổ não.”
(於色若知、若明、若離欲貪、心得解脫者,則能斷苦;如是受、想、行、識,若知、若明、若離欲貪、心得解脫者,則能斷苦.
Ư sắc nhược tri, nhược minh, nhược ly dục tham, tâm đắc giải thoát giả, tắc năng đoạn khổ. Như thị thọ, tưởng, hành, thức nhược tri, nhược minh, nhược ly dục tham, tâm đắc giải thoát giả, tắc năng đoạn khổ)[3].
Thực hành chánh kiến, chánh tư duy để thắp sáng ngọn đuốc tuệ giác thấy được khổ đau do ái dục gây ra mà đoạn trừ cái gốc của ái dục, gốc của khổ đau.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Bến Tre, ngày 05 tháng 09 năm 2021
Hoàng Phước Đại – Đồng An
Dưới đây là bài Kinh Vô tri trong Tạp A Hàm Kinh
KINH 5. VÔ TRI (3)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Ai đối với sắc mà yêu thích, thì đối với khổ cũng yêu thích. Đối với khổ mà yêu thích, thì đối với khổ sẽ không được giải thoát, không rõ, không ly dục.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà yêu thích, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích khổ, thì đối với khổ không được giải thoát.
“Này các Tỳ-kheo, ai đối với sắc không yêu thích, thì đối với khổ cũng không thích. Ai đối với khổ không thích, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.
“Cũng vậy, ai đối với thọ, tưởng, hành, thức không yêu thích, thì đối với khổ cũng không thích. Ai đối với khổ không thích, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.
“Này các Tỳ-kheo, đối với sắc không biết, không rõ, không lìa tham dục, tâm không giải thoát. Ai không giải thoát tâm tham, thì sẽ không thể đoạn trừ được khổ não.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức ai không biết, không rõ, không ly dục, tâm không giải thoát. Tham tâm không giải thoát, thì sẽ không đoạn trừ được khổ não.
“Đối với sắc, nếu người nào biết, rõ, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì sẽ có thể đoạn trừ được khổ não.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu biết, rõ, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì có thể đoạn trừ khổ não.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
[1] https://legacy.suttacentral.net/lzh/sa5
[2] Phẩm thú 32, Phẩm Ái Dục, Kinh Pháp Cú
[3] https://legacy.suttacentral.net/lzh/sa5