;
Người niệm Phật phải dứt tâm ái để vãng sanh
Từ khi trên quả đất này có sự sống, con người và muôn loài vật được tồn tại bằng luyến ái, tức là sự thương yêu, trìu mến nhau mà người đời thường hay gọi là tình cảm. Nếu nói về muôn loài trên thế gian, con người là sinh vật cao cấp sống bằng “tình cảm” vì có hiểu biết, suy nghĩ, nói năng, nhận thức và làm được nhiều việc đóng góp lợi ích thiết thực trong bầu vũ trụ bao la này.
Tình cảm cũng giống như một thứ linh dược quan trọng, nó có thể cảm hóa và thay đổi được mọi thứ, là sợi dây gắn kết giữa con người với con người, làm cho con người thêm gần gũi với nhau nhờ tình yêu thương chân thật và có thể thù ghét nhau bởi quá tham lam, ích kỷ. Cuộc đời này sẽ không còn giá trị thiết thực khi con người sống không có tình cảm với nhau. Ta chỉ thương yêu, quý mến, lo lắng cho nhau thật sự khi nó là của riêng ta. Tình cảm con người được biểu hiện qua tâm lý cảm xúc buồn vui, thương ghét, giận hờn, lo lắng, sợ hãi, ganh tị, tật đố và tham muốn; hay nói ngắn gọn là bị phiền não tham-sân-si chi phối, sai sử con người không làm chủ được bản thân nên hành động trong mê muội, làm những điều xấu ác có hại cho người và vật.
Trước hết, con người hòa theo dòng chảy của thời gian với bộn bề công việc, nhiều lúc chúng ta cảm thấy cuộc sống sao quá nhiều vô vị, chán nản, mệt mỏi, cô đơn và vô cùng tuyệt vọng. Thực tế, cuộc sống văn minh tiến bộ ngày hôm nay cho thấy con người phải lệ thuộc vào vật chất quá nhiều, làm cho một số người trẻ mất đi định hướng cuộc đời. Con số những người trẻ sống không có tương lai vì bị ma túy, tình dục, rượu bia làm vẩn đục, sống không định hướng nên vướng vào tệ nạn xã hội làm khổ gia đình, người thân. Khi chúng ta ngồi lại để phân tích tìm cảm luyến ái, yêu ghét của con người, ta sẽ thấy rõ nó đều xuất phát từ sự tham lam, ích kỷ do ngu si, chấp ngã mà ra. Cái gì làm cho ta thoả mãn được lòng ham muốn thì sự yêu thích sẽ phát sinh để ta bám víu, dính mắc vào đó; ngược lại, cái gì ngăn cản lòng tham muốn của ta thì sẽ phát sinh ra sự bực tức, nóng giận và dẫn đến thù hằn, ghét bỏ.
Chúng ta sống trong cõi đời là để được chia sẻ, yêu thương, để mở rộng tấm lòng nhân ái với mọi người. Chỉ có tình yêu thương chân chánh mới giúp chúng ta sống gần gũi và biết chia sẻ trong sự cảm thông trên tinh thần thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết. Thế gian này không một ai sống mà không cần đến tình yêu thương, bởi nó là sợi dây vô hình mầu nhiệm kết nối trái tim làm cho con người được an vui, hạnh phúc. Tình yêu thương là phương thuốc tinh thần mầu nhiệm xoa dịu các nỗi đau bất hạnh, để chúng ta vững vàng vượt qua những phiền muộn, khổ đau của cuộc đời; để khám phá ra ý nghĩa cho cuộc đời của mình và để sống cho những điều mà chúng ta cho là ý nghĩa nhất, phù hợp với lòng người. Để được sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết, chúng ta phải biết chia sẻ, cảm thông, luôn thương yêu, san sẻ, nâng đỡ cho nhau mà không phân biệt thân sơ, đó mới là tình cảm của con người có tấm lòng bao la rộng lớn. Từ tình cảm đó chúng ta sẽ được nhiều người quý kính, tôn trọng và mến thương bằng tình người trong cuộc sống.
Có một loại tình cảm mà nhân loại lúc nào cũng ca ngợi từ ngàn xưa cho đến nay là tình yêu nam nữ, nhờ đó mà thế gian luôn phát triển và tồn tại. Tình yêu lứa đôi luôn đóng vai trò thiết yếu quan trọng trong cuộc sống. Thế giới loài người sở dĩ tồn tại và phát triển nhờ loại tình yêu mãnh liệt này. Vì muốn bảo vệ tình yêu cho riêng mình trong sự ích kỷ nên mới phát sinh ra các thứ tình cảm như yêu ghét, buồn vui, thương giận và lo lắng. Tình ở đây nói chung gọi là tình người trong cuộc sống như tình cha mẹ, tình chồng vợ, tình anh em, tình bè bạn, tình làng nghĩa xóm, tình yêu, tình nhân loại v.v… Vì cái tình đó nên con người sinh ra luyến ái, mến thương, yêu thích và luôn gắn bó với nhau nhiều hơn.
Chính vì nhìn thấy được bản chất thật của tình cảm con người rất phức tạp và phiền toái, các bậc Thánh nhân thường hay khuyên nhủ mọi người hãy nên tu tập tâm từ bi để mở rộng tấm lòng rộng lớn bằng tình yêu thương chân thật không vị kỷ. Tình cảm con người thật sự bao la không ngần mé phải được xuất phát từ tình yêu thương chân thật bằng trái tim hiểu biết, nên dễ cảm thông và tha thứ cho nhau. Trong tình yêu, ngoài sự quan hệ tình dục ra, chúng ta còn có trách nhiệm, bổn phận đối với việc nuôi dạy con cái. Cho nên, tình yêu cần có sự hy sinh, bao dung và độ lượng, nâng đỡ và sẻ chia, rồi còn phải tha thứ và cảm thông cho nhau. Trong cuộc sống thực tế, chúng ta chỉ thương yêu người đem lợi ích về cho mình và sẽ vắng bóng tình thương khi quyền lợi không còn nữa. Tình yêu nam nữ luôn mang tính chất ích kỷ của sự chấp ngã vì sự đam mê, say đắm thân này. Ai thương yêu và giúp đỡ ta thì ta quý mến họ. Ai làm hại ta thì ta thù ghét. Đó là quy luật tất yếu của thế gian mà ít người vượt qua nổi. Một khi giữa hai người không đáp ứng được nhu cầu cho nhau thì từ đó vợ chồng sức mẻ, rạn nức, dẫn đến gây gỗ, cãi vả, và việc bạo hành sẽ xảy ra, cuối cùng dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc vì trong họ không có tình yêu thương chân thật.
Từ ngàn xưa cho đến nay, tình ái vẫn là thứ dễ làm con người mù quáng và si mê nhất, nên dễ dàng gây ra nhiều tội lỗi; do đó, rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra làm đau lòng nhân thế. Cảnh nhồi da xáo thịt làm mất đi nhân cách một con người, con giết cha, mẹ giết con, vợ giết chồng, rồi kẻ tình địch giết hại lẫn nhau vì ghen tuông vô cớ. Con người ngày càng làm mất đi giá trị nhân cách do không hiểu biết và nhận thức thiếu sáng suốt, nên dễ dàng gây tạo nhiều tội lỗi và làm khổ đau cho nhau. Ai cũng có thể biết tình yêu đưa đến hôn nhân nhằm phát triển giống nòi nhân loại và bảo vệ truyền thống gia tộc, nhưng lại là đầu mối của nhiều hệ lụy khổ đau bởi sự yêu thương trong vị kỷ, nên nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”.
Khi mới yêu ai cũng cố gắng che dấu khiếm khuyết của mình để được người tình yêu mến, khi đã lấy nhau rồi thói quen xấu mới lòi ra, nhà Phật gọi đó là tập khí. Tập khí tức những thói quen từ những suy nghĩ dẫn đến hành động, được huân tập lặp đi lặp lại nhiều lần. Bởi huân tập lâu ngày nên nó có sức mạnh chi phối, sai sử chúng ta dù biết đó là tác hại, như người đam mê sắc dục ham của lạ có thể làm tan vỡ hạnh phúc gia đình mình hoặc người khác, nhất là những người giàu sang và có địa vị trong xã hội. Thật ra tình dục không phải là chuyện xấu, nó luôn gắn liền với con người từ vô thủy kiếp đến nay. Đã là chúng sinh thì phải ăn, phải ngủ, phải làm việc và thụ hưởng cảm giác khoái lạc, đã đưa vào thì phải thải ra, và chúng ta có trách nhiệm duy trì giống nòi nhân loại nhằm gìn giữ và phát triển truyền thống làm người.
Con người là một sinh vật cao cấp hơn hẳn các loài khác về mọi phương diện, nếu biết suy nghĩ, nói năng và hành động hướng thiện bằng trái tim yêu thương và hiểu biết thì sẽ giúp ích cho nhân loại sống an vui, hạnh phúc; ngược lại, vì tình cảm riêng tư muốn chiếm hữu trong sự ganh ghét, ích kỷ, tham lam sẽ gây khổ đau cho nhau. Chính vì thế mà loài người luôn đứng ở vị trí cao quý vì biết cách làm chủ bản thân, nếu vì lòng tham cho riêng mình thì cùng hung cực ác, nếu vì lợi ích chung cho nhân loại thì lợi ích cho con người không loài nào bằng.
Thế gian là một trường đời hỗn hợp, ai biết tu nhân tích đức thì sống an vui, hạnh phúc. Ai không biết thì cam chịu khổ đau vì si mê, sa đoạ. Hạnh phúc hay khổ đau đều do mình tạo lấy, không ai có quyền ban phước giáng họa mà chính mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc được gây ra từ thân-miệng-ý của mỗi người. Mình làm phước sẽ hưởng được điều thiện lành, tốt đẹp; mình làm ác phải chịu khổ đau. Đó là sự thật. Từ vô thủy kiếp chúng ta đã sống trong lầm lạc, vô minh, nên huân tập rất nhiều thói quen xấu như tham lam, nóng giận và si mê. Nhiều người biết được sự tác hại của nó nhưng không đủ khả năng để vượt qua, đành cam chịu chết chìm trong tội lỗi. Thật ra, tình yêu thương giữa hai người phát sinh từ lòng tham ái mà ra vì sự khoái lạc của chính mình. Chúng ta chỉ yêu thương người nào đem lại hạnh phúc cho mình và sẽ oán giận, thù hằn những ai đem đau khổ đến cho ta.
Phật dạy người cư sĩ tại gia có quyền lấy vợ, lấy chồng, nhưng phải thủy chung một chồng một vợ, không được dan díu và quan hệ bất chính với vợ, chồng người khác. Ngoại tình là nguyên nhân dẫn đến ghen tuông vô cớ và phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Trong tình yêu, ghen tuông luôn gắn liền với ích kỷ và nó là trạng thái tâm lý không thể tách rời nhau, có yêu thương là có ghen ghét. Bao nhiêu vụ án xảy ra làm đau lòng nhân thế với những cái chết thật đáng tiếc và vô lý làm sao, chỉ vì ghen tuông trong mù quáng. Vì chúng ta yêu thương trong sự lợi dụng lẫn nhau mà không có tình yêu thương chân thật, nên dẫn đến hẹp hòi, ích kỷ, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Trong tình ái, do bảo vệ cái ta ích kỷ hoặc ghen tuông vô cớ nên dễ làm con người mù quáng, gây nhiều đau khổ cho nhau. Tình yêu bản chất vốn không xấu xa, tội lỗi, ai cũng muốn mình được an vui, hạnh phúc trong đời sống lứa đôi; nhưng vì chúng ta không có sự hy sinh và chia sẻ cho nhau, ta không biết bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ vì sự tham lam, ích kỷ của mình. Một xã hội nếu không có nền tảng giáo dục về tâm linh dễ khiến con người cuồng si trong tham muốn, nên con giết cha, vợ hại chồng, mẹ giết con, anh giết em, và vô số sự giết hại khác từ chỗ không làm chủ được bản thân. Muốn biết được sự thật của tình yêu như thế nào, chúng ta hãy cùng nghe một đôi tình nhân có một không hai trong thiên hạ luận bàn như sau:
Một ông vua trong lúc cao hứng mới hỏi hoàng hậu của mình “chẳng hay ái khanh yêu ai nhất trên đời này?” – “Tiện thiếp yêu bệ hạ nhất trên đời chứ còn ai”. Vua hỏi tiếp “tại sao ái khanh yêu trẫm?” – “vì bệ hạ đã ban cho thần thiếp hạnh phúc” – “vậy bệ hạ có yêu thần thiếp hay không?” – “trẫm yêu ái khanh nhất trên đời” – “bệ hạ nói thiệt không?” – “trẫm nói thiệt mà, thần thiếp không tin sao?” – “bệ hạ nói cho vui lòng tiện thiếp đó thôi, làm sao bảo đảm được. Bây giờ bệ hạ cho tiện thiếp nói khác đi được không?” – “được, ái khanh cứ nói đi” – “muôn tâu thánh thượng, thiếp chỉ thương yêu thần thiếp mà thôi”. Nhà vua bảo “ái khanh nói nghe sao lạ quá”.
Một sự thật không thể ngờ và quá phũ phàng mà ít ai nghĩ tới, chỉ vì bảo vệ tình yêu cho riêng mình mà thế gian xảy ra rất nhiều vụ án giết người vì tham lam, ích kỷ, vì ghen tuông vô cớ mà tình địch giết hại nhau. Ngày xưa, một ông vua có cả hàng khối cung phi mỹ nữ để hưởng thụ cảm giác khoái lạc cho riêng mình. Làm vua mà không có nhân từ đạo đức thì mau chết sớm và làm đau khổ rất nhiều người. Vì muốn bảo vệ các cung phi mỹ nữ cho riêng mình, nên ông vua phải tàn nhẫn thiến hết các quan thái giám vì sợ họ phỏng tay trên. Trên đời này không gì yêu thương và thù ghét bằng tình ái, chính cái tình này làm điên đảo cả thế giới loài người. Nếu ai dan díu với thê thiếp của vua thì bị mất mạng dễ dàng và bị chém đầu trong tích tắc, vì chạm đến bản ngã và sĩ diện của vua. Vua là trên hết, vua có quyền ăn trên ngồi trước thiên hạ, vua là thiên tử tức con trời, thay trời trị vì thiên hạ nên vua muốn làm gì thì làm, không ai có quyền ngăn cấm vì đó là của vua, ai đụng đến thì bị mất đầu như chơi, nếu không cũng bị lưu đày biệt xứ.
Thật ra, trong tình yêu nam nữ, vì muốn cho thân mình được hạnh phúc nên chúng ta phải biết cho đi để được nhận lại bằng sự yêu thương, trìu mến. Đó là sự trao đổi có nghệ thuật giữa hai người. Vì ta thương ta, nên ta phải cho người khác, để người khác cho ta lại. Nếu một trong hai người vì không còn đáp ứng được nhu cầu cho nhau thì tình nghĩa đôi mình có thế thôi, đường em em đi, đường anh anh bước. Đó là một sự thật. Do đó, tình yêu lứa đôi trong hạnh phúc gia đình luôn mang tính chất ích kỷ, hẹp hòi, vì muốn hưởng thụ khoái lạc cho riêng mình. Chính sự đam mê hưởng thụ đó thôi thúc con người tìm đến nhau, nhưng ít ai được hạnh phúc trọn vẹn. Thực tế thường cho chúng ta thấy, nhiều cặp vợ chồng gây gỗ, đánh đập nhau hoài vì ghen tuông, vì ngoại tình, cuối cùng ly dị để chịu cảnh tan nhà nát cửa, con cái bơ vơ. Trong tình yêu, nếu thiếu lòng bao dung và độ lượng, không có sự hy sinh và chia sẻ, không có sự cảm thông và tha thứ, thì con người dễ dàng bỏ nhau.
Thói quen của người nam nặng về ham muốn nên thích chiếm đoạt, sở hữu nhiều người, và theo thói quen mình là gia trưởng hoặc quan niệm “chồng chúa vợ tôi”. Cho nên, xã hội thời xưa buộc người phụ nữ “gái chính chuyên phải một chồng” và chồng chết phải thờ con, không được quyền tái giá; đàn ông thì lại có quyền “năm thê bẩy thiếp”. Đó là quan niệm của thời phong kiến xa xưa bắt người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi, đắng cay, nên bà Hồ Xuân Hương có câu “chém cha cái kiếp chồng chung, tháng có đôi lần, có tháng cũng không”. Người phụ nữ trong thời đại này không được ra khỏi cửa, không được tham gia công việc bên ngoài, chỉ sinh con và lo việc trong nhà; nhưng phải sinh con trai để nối dõi tông đường, nếu sinh con gái cũng bằng thừa vì gái lớn lên phải theo chồng, nên trong cung vua từ hoàng hậu cho đến phi tử hễ ai có con trai thì được ưu ái. Do đó mà có tình trạng cạnh tranh, ganh ghét giữa các cung phi mỹ nữ, rồi tìm cách hãm hại nhau để giành quyền lợi cho riêng mình.
Người phụ nữ thì thiên về tình cảm, có thiên chức làm mẹ và phải chờ đợi sự tìm kiếm của đàn ông, nên đa số họ yêu bằng tai. Ai nhỏ nhẹ, tâng bốc, khen ngợi ngọt ngào thì dễ thu phục trái tim đàn bà. Vì thế dân gian thường nói “đẹp trai không bằng chai mặt” là vậy. Người nam dù xấu trai đến cỡ nào nhưng cứ theo đuổi rù rì riết cũng dễ làm xiêu lòng người nữ. Chính vì vậy mà tục ngữ có câu “củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài” cũng là vì vậy.
Trở lại câu chuyện vua và hoàng hậu luận bàn về tình yêu nam nữ. Hoàng hậu đã nói “thật ra, thiếp chỉ yêu thương thần thiếp, vì thương yêu mình nên muốn bệ hạ ban cho hạnh phúc đó thôi. Bệ hạ biết không, muốn cho thân này có được hạnh phúc nên thiếp phải yêu thương bệ hạ. Có vậy bệ hạ mới thương yêu lại thần thiếp và tạo ra tình yêu thương luyến ái nhau để thần thiếp được hạnh phúc”. Nhà vua nghe qua mới biết được sự thật của tình yêu là gì? Tình yêu vốn không xấu xa, tội lỗi, nếu chúng ta biết chia sẻ hài hòa, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhau. Nó sẽ là nền tảng đạo đức đóng góp lợi ích thiết thực trong công cuộc phát triển duy trì giống nòi nhân lọai. Ngược lại, vì muốn bảo vệ tình yêu trong sự ích kỷ cá nhân không có tình thương yêu chân thật, con người sẽ không rộng lượng, bao dung, tha thứ và thông cảm cho nhau, dẫn đến nhiều gia đình bị tan nhà nát cửa vì sự ghen tuông vô cớ mà thành ra oán hận, thù hằn.
Có một nỗi đau ghê gớm hành hạ con người tan nát cõi lòng, trái tim từ từ rỉ máu như những mũi kim từ từ chích vào da thịt, đó là tình yêu đơn phương, tức yêu một mình, ta yêu người mà người chẳng yêu ta. Tình yêu đơn phương làm cho con người chết dần chết mòn trong đau khổ và sẽ khô khan, héo sầu thê thảm vì không được đáp lại theo tiếng gọi của con tim. Con người như điên cuồng, si dại giống như người mất hồn. Ngày xưa, Hàn Mạc Tử đã thốt lên khi không được đáp lại tình yêu thương đôi lứa.
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.
Trong tình yêu nam nữ không có gì đau khổ bằng khi thầm thương, trộm nhớ, yêu thích một người mà không được người kia đáp lại, đến nỗi phải bị bệnh tương tư ăn không ngon, ngủ không yên. Và khổ đau nhất là đời sống của các cung phi mỹ nữ thời vua chúa. Một ông vua có cả hàng trăm người như thế đang khao khát, mong muốn, chờ đợi vua ban cho một chút tình yêu. Nếu ai diễm phúc lọt vào mắt xanh của vua thì lòng càng kiêu hãnh, từ đó sanh ra tham lam, ích kỷ, muốn hưởng riêng cho mình. Đó chính là nguyên nhân gây thù chuốc oán và làm khổ đau cho nhau.
Một hoàng hậu vì đã ghen ghét, đố kỵ một ái phi được nhà vua yêu thích nên cố tình tìm cách hãm hại. Bà ta thường khen ngợi sắc đẹp nghiêng thành đổ nước của ái phi với thân hình gợi cảm đầy quyến rũ. Một hôm, hoàng hậu đến thăm nàng ái phi và nói “chị nói em nghe nè, cái mũi em quá đẹp nên lúc nào cũng quyến rũ nhiều người, làm các quan trong triều mỗi khi nhìn thấy lại xao xuyến trong lòng, vì thế mỗi khi hầu vua em nên lấy khăn che mũi lại”. Ái phi nghe nói có lý nên làm theo lời hoàng hậu, không ngờ bị trúng kế độc mà không biết. Vua lấy làm lạ nên mới hỏi hoàng hậu “ái phi của trẫm sao lúc nào cũng lấy khăn che mũi lại vậy?” Sau nhiều lần gạn hỏi, hoàng hậu mới trả lời “bệ hạ không biết đó sao, ái phi chê bệ hạ hôi nên mới lấy khăn che mũi lại đó!” Câu trả lời đụng đến chỗ ngứa của nhà vua, cái mũi của ái phi được đem đi triển lãm liền lập tức và sau đó bị lưu đày biệt xứ vì cái tội dám khi dễ nhà vua. Tâm ganh ghét và tật đố của con người thật đáng sợ, họ vì quyền lợi riêng của mình mà đành lòng sát hại kẻ tình địch khi có điều kiện trong tay. Quan niệm chồng chúa vợ tôi từ cái thấy sai lầm của các ông vua thời phong kiến dựa vào học thuyết có một đấng thần linh thượng đế ban phước, giáng hoạ. Vua đại diện cho tầng lớp đó nên thời phong kiến quân chủ vua là trên hết, vua là thiên tử thay trời trị vì thiên hạ, nên vua muốn phong quan tiến chức cho ai thì phong, muốn giết ai thì giết. Ai được lòng vua thì hưởng vinh hoa phú quý cả gia tộc, bằng ngược lại sẽ chịu họa đau khổ, thê thảm không thể lường.
Vậy phong kiến là gì ? Phong kiến là phong chức, cấp đất; và phong kiến còn mang ý nghĩa sâu xa là một tổ chức được sắp đặt theo loài ong, loài kiến. Trong tổ của loài ong có tôn ti trật tự đàng hoàng theo hệ thống cấp nào việc đó. Ong thợ chỉ một việc có nhiệm vụ xây tổ; ong nước chuyên đi lấy nước; ong mật chuyên đi hút mật hoa; ong thầy thuốc chuyên lo pha chế mật hợp với từng loài; ong bảo vệ có trách nhiệm giám sát tuần tiểu, bảo vệ cẩn thận; ong đực lo truyền giống; ong cái lo đẻ trứng. Chỉ một con ong cái hay còn gọi là ong chúa nhưng có cả hàng trăm con ong đực, nên ong cái được tôn vinh là ong chúa. Ong chúa được ăn một loại thức ăn đặc biệt nhất gọi là mật ong chúa. Khi ong chúa đến chỗ mật để ăn thì tất cả loài ong đều phải quỳ mọp hết để tỏ vẻ cung kính, thán phục và sợ hãi. Điểm đặc biệt là một con ong chúa có khả năng sinh ra nhiều trăm ngàn con ong con. Trong tổ thiếu ong gì để phục dịch và bảo vệ giang sơn của chúng thì ong thầy thuốc phải chế thức ăn để ong chúa ăn và đẻ ra thứ ong đó, như tổ thiếu ong hút mật thì ong chúa đẻ nhiều ong hút mật. Lâu lắm ông chúa mới đẻ ong chúa con một lần, mỗi lần chỉ được ba trứng. Nhưng thật ác độc và dã man thay, ong chúa mẹ biết được giờ ong chúa con nở nên đã đến nằm chờ sẵn. Trứng thứ nhất vừa nở ra, ong chúa mẹ liền cắn chết ong chúa con; kế đến ong chúa con thứ hai nở ra trong bình yên vô sự vì được ong chúa mẹ bảo vệ và chăm sóc chu đáo. Đây là điều kỳ lạ của loài ong. Rồi đến lượt chị ong chúa thứ hai khôn lớn nằm chờ sẵn, đợi cô em ong chúa thứ ba vừa chào đời thì liền cắn chết tại chỗ. Ác độc và dã man thay, dòng họ nhà ong là như thế!
Tuy nhiên, con người thì thông minh và khôn ngoan hơn nên dựa theo thể chế của loài ong mà sắp đặt luật có một ông trời ban phước, giáng hoạ theo cách thức cố định như loài ong, từ đó hình thành tập cấp. Giai cấp ăn trên ngồi trước và giai cấp bị bóc lột được hình thành ở Ấn Độ cho đến ngày hôm nay vẫn còn. Ai cũng bảo vệ bản ngã của mình vì thương mình nên phải nhờ người khác trao tặng để mình được hạnh phúc. Trên đời này không có gì sâu đậm, mặn nồng, tha thiết, yêu thương hơn tình ái vì cái tình “chung chăn xẻ gối”. Và một sự thật quá phũ phàng, chua chát, tình yêu là gì? Là một sự lợi dụng lẫn nhau về thể xác lẫn tinh thần nhằm thỏa mãn khoái lạc của chính mình mà thôi. Khi được thoái mái thì sanh ra yêu thích, quyến luyến, muốn giữ mãi không rời; ngược lại thì sinh ra thù hằn, ghét bỏ, tìm cách hãm hại nhau.
Để được sinh tồn và hạnh phúc trên thế gian này, tùy theo nhận thức của mọi người mà có tình cảm yêu thương, gắn bó với nhau, hay kết nên ân oán, hận thù. Chính vì thế mà chúng ta cứ sống loanh quanh, lẩn quẩn trong cái vòng ấy. Nếu đi theo chiều hướng tốt đẹp sẽ dẫn con người đi trên con đường hướng thiện và ngược lại sẽ đưa con người vào chỗ tối tăm.
Một đôi bạn trẻ xứng đôi vừa lứa cùng “thề non hẹn biển” khi công ăn việc làm ổn định sẽ thành vợ, thành chồng sống mãi bên nhau. Cùng học chung lớp chín đến lớp mười hai, Hùng và Hồng quen nhau từ đó. Do không kiềm chế được bản thân, Hồng đã trao thân gởi phận cho Hùng nên dẫn đến có thai. Đôi trẻ vì muốn tiến thân để tiếp tục việc học hành nên đành hủy hoại bào thai trong ngậm ngùi, đau xót. Hùng vào miền Nam để tiếp tục học đại học kinh tế, còn Hồng ra Đà Nẵng để học cao đẳng, ai cũng ráng cố gắng để tiếp tục duy trì việc học của mình. Nhưng Hùng đã bị sai lầm quá lớn vì kêu người tình phá thai, đây là một điều tối kỵ nhất đối với cuộc đời của phụ nữ khi phải chối bỏ trách nhiệm làm mẹ của mình. Tại sao Hùng không biết gìn giữ để Hồng vì một phút mềm lòng mà trao cái quý nhất đời mình trong khi còn đang ăn học. Người con gái ấy bất đắc dĩ đành hủy hoại cái mầm sống do hai người tạo ra trong thương tiếc, nghẹn ngào.
Phụ nữ lúc nào cũng yêu bằng tai nên bao nhiêu lời ngon, tiếng ngọt kèm theo những lời hứa hẹn trong tương lai tốt đẹp, nên Hồng đã trót trao thân quá sớm. Sau khi học ở Đà Nẵng Hồng đã phải lòng một chàng trai khác. Nàng đã thay lòng đổi dạ, đổi áo thay tình và bắt đầu ngoảnh mặt làm ngơ với người yêu cũ. Trong một lần về thăm nhà, tình cờ Hùng thấy Hồng là người yêu cũ của mình dẫn một chàng trai về giới thiệu với gia đình cô ta. Hùng uất ức, nghẹn ngào lắm mà nói không nên lời, nhiều lần điện thoại cho Hồng để được giải bày tâm sự chuyện hai đứa đã hứa hẹn với nhau, nhưng Hồng một mực từ chối không cho liên lạc. Một lần khác tại TPHCM, Hùng vô tình gặp Hồng cùng chàng trai ấy đón xe về Đà Nẵng, Hùng gặn hỏi mãi Hồng mới thú thật, “tôi và anh bây giờ hãy coi nhau như bạn bè vì giữa chúng ta không còn tình nghĩa gì nữa. Và Hồng mạnh dạn giới thiệu với Hùng “đây là chồng sắp cưới của tui đã tốt nghiệp Đại học kinh tế và đang làm việc tại TPHCM”.
Bị người yêu phụ bạc và công khai chuẩn bị lấy chồng, Hùng tiếc nuối về dĩ dãng quá khứ “phải chi mình để lại cái bào thai trong bụng Hồng thì bây giờ Hồng đã thuộc về mình”. Càng nghĩ nó càng bực tức và cau có, cuối cùng nó không còn tinh thần để học nữa và bắt đầu lao vào rượu chè be bét để giải sầu. Thế rồi Hùng bỏ học về nhà suốt ngày làm ông thần lưu linh, sáng xỉn, chiều say, tối lai rai. Mới đầu gia đình còn khuyên can, sau họ bỏ mặc Hùng muốn làm gì thì làm. Trong cơn tuyệt vọng bị người yêu hất hủi, phụ bạc, Hùng nghĩ đó là mối tình đầu đẹp nhất trong đời nhưng người khác đã cướp mất và Hùng không bao giờ quên được. Đau khổ, quằn quại, nhớ thương, tiếc nuối trong men say tình ái, nhớ lại trước kia hai đứa cùng nhau thề non hẹn biển sẽ sống đời với nhau, không gì có thể thay đổi được, mà giờ đây sự thật quá phũ phàng, Hồng đã có người yêu khác và chuẩn bị lấy chồng. Điên cuồng, hoảng loạn, chơi vơi chới với theo men say tình ái, Hùng khởi lên ý niệm giết Hồng để bảo vệ tình yêu trong trắng, rồi sau đó Hùng sẽ tự sát để cùng chết theo người yêu. Nông nổi, dại khờ, điên cuồng rồi dẫn đến mù quáng, Hùng nghĩ sao thì liền làm vậy. Sáng hôm đó, Hùng đón xe đến phòng trọ của Hồng đang ở. Sau khi giết Hồng, Hùng bèn tự sát; nhưng sự việc không thành, Hùng bị phát giác và được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Hùng phải sống để trả một giá rất đắt về việc làm tội lỗi của mình với bản án tử hình trong nay mai.
Thật tội nghiệp và đáng tiếc cho chàng sinh viên đó. Cha mẹ cho ăn học đến ngần ấy mà không biết sáng suốt lựa chọn hướng đi tốt đẹp, cuối cùng vì tiếng sét ái tình mà trở thành kẻ giết người. Tình ái là con dao hai lưỡi, khi yêu nhau thì cái gì cũng đẹp, đến khi muốn mà không được thì con người ta đau khổ vô cùng, nhất là bị mất mát trong tình yêu. Tuổi trẻ ngày hôm nay do đời sống tiện nghi vật chất phát triển quá nhanh và bị ảnh hưởng văn hóa phẩm đồi truỵ nên không kiềm chế được bản thân, dẫn đến trong giới sinh viên, học sinh rộ lên phong trào sống thử khi còn đang đi học. Tình trạng phá thai xảy ra như cơm bữa, phẩm chất, nhân cách đạo đức đã bị mai một do mạng lưới thông tin toàn cầu quá thông dụng chuyện sống thử, chuyện đổi vợ. Các dịch dụ phim sex đã tác động không ít đến đời sống các em sinh viên, học sinh. Nhiều vụ án giết người dã man, nhiều chuyện hiếp dâm man rợ, rồi tình trạng cướp của giết người do nghiện ngập ma túy, bệnh sida lan tràn gây ảnh hưởng và lây lan cho nhiều người. Chàng sinh viên đó được đầy đủ phước báo và nhân duyên tốt đẹp nên mới được cha mẹ nuôi cho ăn học đàng hoàng, tốn kém không biết là bao; thay vì cố gắng chăm chỉ học hành đến nơi tới chốn, khi thành tài có công danh sự nghiệp rồi mặc tình đuổi bướm bắt hoa kết duyên thành chồng vợ thì hạnh phúc vô cùng; đằng này lại yêu cuồng sống vội, để rồi phải chuốc họa vào thân với cơn ghen cuồng dại.
Thường mối tình đầu hay để lại dấu ấn khó phai, Hùng mê muội, cuồng si lao vào rượu chè be bét dẫn đến khủng hoảng tinh thần mà không làm chủ được bản thân, để rồi trở thành kẻ giết người man rợ. Cha mẹ Hùng phải tảo tần siêng năng, thức khuya dậy sớm nhọc nhằn để có tiền cho con mình ăn học đàng hoàng, hầu có chút công danh sự nghiệp để nuôi thân sau này. Hồng thời gian đầu khi mới xa nhau để tiếp tục việc học hành vẫn một lòng chung thủy với Hùng, vẫn liên lạc qua lại bằng điện thoại để động viên nhau trên bước đường học tập, nhưng rồi thời gian cũng phôi phai, xa mặt cách lòng, Hồng được nhiều chàng trai khác ve vãn, tán tỉnh, gần gũi. Nếu so sánh với Hùng thì người tình sau hơn hẳn về mọi mặt, đẹp trai, học thức, uyên bác, gia đình giàu có, lại hào hoa phong nhã, nên Hồng phải lòng người sau hơn mà cho Hùng một đá thật đích đáng. Nếu Hùng là người có ý chí cao, có lòng độ lượng bao dung và có sự hiểu biết chân chính, thay vì hận người yêu thì anh phải cố gắng học giỏi hơn để sau này được thành đạt. Có tiền, có tài, có địa vị thì chuyện tình yêu lứa đôi để đi đến hôn nhân đâu có chuyện gì khó. Chim trời cá nước ai bắt được nấy hưởng, có gì đâu mà phải bận lòng, cha mẹ mất đi không thể tìm lại, còn mất người tình thì tìm người khác.
Chuyện tình ái, chuyện yêu thương chẳng qua chỉ là sự lợi dụng lẫn nhau qua xác thịt mà thôi, ít ai dám quả quyết mình có tình yêu thương chân thật, ngoại trừ duyên nợ quá khứ; nhưng Hùng vì suy nghĩ quá nông cạn nên phải trả bằng cái giá rất đắt cho cuộc đời với bản án tử hình. Cũng may cho Hùng, trong khi chờ đợi thi hành án, anh vẫn có đủ thời gian để ngồi suy gẫm những hành động ngu ngơ, mù mờ và sự ngông cuồng của mình vì yêu không được mà sinh ra thù ghét. Tình yêu như thế không phải là tình yêu thương chân thật, chẳng qua chỉ là sự tham lam, ích kỷ của riêng mình với quan niệm thà ăn không được thì phá cho hôi. Có duyên mà không có nợ thì đường ai nấy đi, luyến tiếc mà chi chút ấy để rồi phải chịu ngồi tù và chuẩn bị chờ chết với tiếng đời bêu rếu, thật là hổ thẹn làm sao cho chàng sinh viên thời hiện đại.
Nguyên nhân chính đưa con người vào vòng tội lỗi, làm khổ đau cho nhau là do không tin sâu nhân quả, vì biết mà cố phạm, và bị nghiệp thức che đậy. Ý thức được khổ đau do sự giết hại gây ra, mỗi người chúng ta giữ giới không giết người và hạn chế tối đa các loài vật từ nhỏ đến lớn. Làm bậc cha mẹ chúng ta phải giáo dục cho con em mình từ lúc ấu thơ, khi thấy chúng tự tay giết hại những con vật nhỏ như bướm, kiến, ong, do vô tình hay cố ý. Cha mẹ phải tìm cách ngăn cản, la rầy, nói rõ cho chúng biết sự tác hại của nó, nếu không lớn lên các em có thể mạnh tay hơn giết những con vật lớn, và cuối cùng có thể giết người khi không làm chủ được bản thân. Nếu chúng ta ai cũng y theo lời Phật dạy, giữ gìn giới không giết hại thì thế giới này không có chiến tranh, binh đao, sóng thần, động đất, không sợ khủng bố trả thù, không bị bệnh tật, chết yểu, và mọi người sẽ sống an vui, hạnh phúc.
Càng suy đi nghĩ lại ta càng thương Hùng hơn. Mối tình đầu với Hùng đẹp làm sao khi nhớ lại hình ảnh thân yêu nhất lúc chung chăn xẻ gối, bây giờ đã mất tất cả. “Thôi là hết em đi đường em, tình đôi mình chỉ bấy nhiêu thôi, vì sao trời đành bắt duyên em để cho tim mình lỡ làng…”, nghe câu hát này càng thêm não nuột trong lòng. Hùng giờ đây đã biết ăn năn hối lỗi nên đã phát nguyện ăn chay trường để cầu nguyện cho Hồng mau được siêu sinh, thoát hoá, không oán hận mà mở dây oan trái, sẵn lòng rộng lượng thứ tha cho sự lỡ dại của Hùng. Hùng đã thật sự ăn năn và hối cải, đó cũng là một nhân duyên tốt, biết sám hối lỗi lầm, nhận ra khiếm khuyết và sai xót của mình. Tự lương tâm thành khẩn sám hối, ăn năn, sau này nếu được đưa ra pháp trường để trảm, anh chắc chắn cũng được thanh thản ra đi mà không oán giận một ai bởi mình làm thì mình phải chịu.
Trong lúc cận kề với cái chết, nếu người đó biết hướng tâm mạnh mẽ về nẻo thiện và luôn an trú trong chánh niệm tỉnh giác thì cũng chuyển được nghiệp xấu một phần nào. Nhờ vậy, khi bị giết chết không khởi tâm oán giận, thù hằn dù có bị trả quả về sự giết hại của mình, đến một lúc nào đó quả xấu đã hết thì sẽ được tái sinh chỗ tốt đẹp để tiếp tục làm lại cuộc đời. Trong nhà Phật có nói về tích lũy nghiệp và cận tử nghiệp. Tích lũy nghiệp là nghiệp đã huân tập nhiều đời nhiều kiếp cho đến ngày hôm nay. Cận tử nghiệp là nghiệp mới tạo tác lúc gần chết. Hai nghiệp này sẽ chi phối, ảnh hưởng lẫn nhau mà quyết định đưa người chết đến cõi lành hay cõi dữ. Nghiệp của chàng sinh viên mê muội đó là giết hại người tình, trước mắt sẽ chịu án tử hình trong nay mai và nhiều kiếp về sau có thể bị quả báo chết yểu. Nhưng trong thời gian chờ xử án, chàng sinh viên đó biết ăn năn hối cải nhờ chí tâm hướng thượng mạnh mẽ nên có thể thay đổi nghiệp nhân xấu ác của mình nhờ biết hối cải. Vì thế, thời điểm lúc gần chết rất quan trọng và cần thiết, mặc dù chúng ta làm lành suốt cuộc đời nhưng khi sắp chết chúng ta tức tối, khởi tâm phiền não, sân hận thì sẽ bị tái sanh vào chỗ dữ.
Một chút tâm tình cùng chư huynh đệ pháp lữ gần xa khi mọi người đang sống trong dòng đời nghiệt ngã với bao điều họa phúc, nhất là trong tình yêu đôi lứa. Người được hạnh phúc thì ít, kẻ khổ đau thì nhiều, đa số chúng ta đều sống trong vòng lẩn quẩn của tình và tiền nên dễ dẫn đến tù tội. Này các bạn, hãy cùng chúng tôi suy ngẫm chín chắn trong vấn đề tình ái, để làm sao chúng ta biết cách vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà làm tròn bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.