;
Hòa thượng Thích Thái Hòa
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Thưa quí vị!
Hôm nay, ngày 22-3-2014 tại gia đình của cụ Ông Nguyễn Công Cần và cụ Bà Nguyễn Thị Dung là cha mẹ của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc công ty sách Thái Hà, thủ đô Hà Nội.
Theo lời thỉnh cầu của gia đình cũng như tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, chúng tôi về đây thăm cụ Ông, cụ Bà cũng như toàn thể đại gia đình và có duyên được thăm bà con ở trong thôn xóm này.
Giờ đây, được gặp quí vị trong không khí thân ái và quí báu này, chúng tôi xin chia sẻ đến quí vị bài pháp thoại: AI LÀ NGƯỜI CẦN PHẢI TU TẬP?
Khi nói đến tu, không ít người trong xã hội cho rằng: tu là để cho người lớn tuổi; có người cho rằng, tu là để cho đàn ông; có người cho rằng, tu là để cho đàn bà; có người cho rằng, tu là để cho người nghèo khổ; có người cũng cho rằng, tu là để cho người giàu có; có người còn cho rằng; tu là để cho người trí thức; có người cũng cho rằng, tu là để cho người ít học; có người cho rằng, tu là để cho người chán đời… những quan điểm như vậy có đúng không?
Người trẻ tuổi nói rằng, tu là để cho người già, người trẻ tuổi còn phải vui vẻ hưởng thụ, cần phải tạo công danh sự nghiệp, đến lúc già rồi mới tu. Những người trẻ tuổi quên đi rằng, người xưa có câu:
“Chớ để tuổi già mới học đạo
Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh”.
(mạc đãi lão lai phương học đạo
Cô phần đa thị thiếu niên nhân).
Không phải chỉ có người già mới chết, còn trẻ tuổi cũng chết. Người trẻ tuổi nói rằng, tu là để cho người già, phải nên xét lại. Đợi đến già mới tu tập, như học hỏi giáo lý, , ngồi thiền, lạy Phật, tụng kinh và làm những việc ích lợi cho đời, người già không làm nổi.
Cho nên, trẻ tuổi đợi đến lúc già mới tu e rằng không kịp và đó là một thiệt hại lớn. Người già thì nói tu là để cho người trẻ tuổi, vì họ cho rằng, chẳng còn sống được bao lâu, ăn thịt, cá, uongs bia rượu… cho thỏa thích rồi chết. Do đó, người già cũng không chịu tu. Người già không tu, thiệt hại cho người già.
Cũng có quan điểm rằng, đàn ông mới tu, bởi vì đàn ông trong sạch hơn. Đàn bà có nhiều vướng mắc hơn. Lại có quan điểm, trên 50 tuổi mới tới chùa. Quan điểm như vậy không đúng với ý nghĩa của tu. Đàn ông nghĩ rằng, đàn bà cần phải tu, vì đàn bà yếu đuối, hay cầu xin, đàn ông mạnh mẽ không cần cầu ai, không cần xin ai.
Người bình dân lại cho rằng, tu dành cho người trí thức. Bởi vì giáo lý của đức Phật cao siêu vi diệu, người kém trí thức, kém trình độ không hiểu nổi.
Người trí thức cho rằng, tu là tụng kinh, niệm Phật là chỉ dành cho người ít học. Vì người ít học, không đủ trình độ sáng tạo hay phát minh ra được gì. Quan điểm của người trí thức như vậy có đúng không?
Một số người cũng cho rằng, tu là để cho người giàu, có tiền mới được đi chùa, cúng dường, làm từ thiện, người nghèo thì lo làm ăn, không tu được.
Người giàu thì cho rằng, tu là để cho người nghèo, người giàu có tiền bạc nhiều, nhiều phúc đức lắm rồi, không cần tu, chỉ cần hưởng thụ thôi, chỉ có người nghèo mới cần cầu xin phước đức, tiền bạc nên cần phải tu.
Vậy, tu có ý nghĩa gì mà nhiều người cứ đổ qua đổ lại cho nhau? Do vì, người ta không hiểu rõ ý nghĩa của chữ tu một cách đúng đắn, một cách chuẩn mực. Cho nên, mới có tình trạng mọi người đổ qua đổ lại cho nhau về việc tu hành.
Quí vị hãy lắng nghe, tôi nói rõ về ý nghĩa của sự tu tập!
Tu có nghĩa là sửa, chỉnh đốn, tái tạo, xây dựng làm cho hoàn thiện, làm cho hoàn hảo, sửa cái xấu thành cái tốt…
Đại chúng hãy nghe tôi hỏi: “Người trẻ tuổi có cần sửa cái xấu thành cái tốt không?” Có ạ! “Có cần sửa cái chưa hoàn thiện trở thành hoàn thiện không?” Có ạ. “Như vậy, tuổi trẻ có cần tu không?”. Có ạ. Người trẻ tuổi phải biết tu để hoàn thiện bản thân, phải biết tu để hết đau khổ.
Người nhỏ tuôi, có sai lầm không? Có ạ. Có sai lầm thì phải tu để sửa sai lầm.
Người lớn tuổi cũng có sai lầm, có khổ đau. Vậy người lớn tuổi cũng cần phải tu để hết sai lầm, hết đau khổ.
Người giàu có hay người nghèo khó, cũng có sai lầm, có đau khổ. Nên người giàu hay người nghèo cũng cần phải tu để hết sai lầm, hết đau khổ.
Người trí thức, người bình dân cũng có sai lầm, có đau khổ, nên họ cũng phải tu để hết sai lầm, hết đau khổ.
Người giàu ở nhà lầu, đi xe ô tô, ăn cao lương mỹ vị, sao gọi là khổ. Tuy vây, nhưng người giàu có cái khổ của người giàu. Cái khổ của người giàu là sợ mất của, sợ người khác xin xỏ, sợ người khác dòm ngó tài sản của mình, sợ nạn cướp của giết người. Thế thì người giàu vui hay khổ? Khổ, sợ mất của rồi cũng mất, nếu không biết tu.
Cho nên, người giàu có nỗi khổ của người giàu. Người nghèo có nỗi khổ của người nghèo. Người giàu có sai lầm của người giàu. Người nghèo có sai lầm của người nghèo. Người giàu có hạnh phúc của người giàu. Người nghèo có sự bình an của người nghèo.
Cho nên, người giàu và người nghèo đều phải tu để có sự bình an và hạnh phúc đích thực.
Qua bài pháp thoại này, quí vị thấy rằng, ai cần phải tu? Tu là không dành riêng cho một thành phần nào mà là cho tất cả mọi người. Tu là quyền lợi cho tất cả mọi người. Nếu có ai không cho mình tu, thì mình phải biết đòi hỏi quyền lợi tu của mình. Bởi vì tu tập là sự thiêng liêng đối với mình. Bởi, tu chính là sửa, là nỗ lực hoàn thiện bản thân và giúp người khác hoàn thiện bản thân.
Sửa cái nghèo thành cái giàu. Sửa cái giàu tạm thời trở thành cái giàu lâu dài nhiều đời về sau nữa. Nâng cái giàu của con người trở thành cái giàu của các vị chư Thiên. Từ cái giàu của các vị chư Thiên trở thành cái giàu của các bậc Thánh. Từ cái giàu của các bậc Thánh trở thành cái giàu của các vị Bồ Tát.
Từ cái giàu của các vị Bồ tát trở thành cái giàu của chư Phật. Nếu mình không có sự hiểu biết, thì tu tập để trở thành người có hiểu biết. Hiểu biết như người trí thức. Nếu mình đã có sự hiểu biết của một người trí thức, thì nỗ lực tu tập để trở thành hiểu biết của một bậc chân tu. Nếu mình đã có sự hiểu biết của các bậc Thánh, thì cần phải nỗ lực tu tập để có sự hiểu biết của các vị Bồ Tát. Nếu mình đã có sự hiểu biết của một vị Bồ tát, thì cần phải nỗ lực tu tập để có sự hiểu biết như chư Phật.
Như vậy, tất cả chúng ta ai cũng đều phải tu, trí thức cũng phải tu, chư Thiên cũng cần phải tu, Bồ tát, Thánh hiền cũng cần phải tu cho đến khi thành bậc giác ngộ như đức Phật.
Tu là gì? Tu là sửa, sửa cái xấu thành cái đẹp. Có nhiều người bảo rằng, mình đẹp rồi không cần phải tu. Khi mình có cái đẹp của con người rồi, mình phải tu để có cái đẹp của chư Thiên. Khi mình có cái đẹp của vị chư Thiên rồi, thì cần phải tu nữa để có cái đẹp của các bậc Thánh. Khi mình có cái đẹp của các bậc Thánh rồi, thì phải tu tập nữa để có cái đẹp của các vị Bồ tát như Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Phổ Hiền v.v…
Khi mình có cái đẹp của các vị Bồ tát rồi, mình cũng cần phải tu tập nữa để có cái đẹp như chư Phật đầy đủ cả phước và trí, có thân tưởng đầy đủ cả 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.
Như vậy, quí vị thấy tu có cần không? Rất cần. Tu dành cho ai? Tu dành cho mọi thành phần xã hội. Ai muốn đẹp thì cần phải tu. Sống giữa cuộc đời này, có ai muốn xâu không? Không ai muốn cả. Ai cũng muốn đẹp, vậy thì mọi người, ai cũng phải tu. Người nghèo tu để hết nghèo.
Nghèo mà không tu thì nghèo vĩnh viễn. Người giàu mà không tu thì tương lai sẽ trở thành nghèo. Trí thức mà không tu, thì tương lai sẽ trở thành người ngu. Người có địa vị mà không tu, thì tương lai sẽ trở thành người dân bình thường.
Tu là sửa, sửa từ người ngu thành người trí. Sửa từ xấu thành đẹp. Sửa từ mê thành tỉnh. Sửa từ trói buộc thành giác ngộ, giải thoát. Sửa từ sự khổ đau thành an lạc, hạnh phúc. Sửa từ sự chia rẻ thành đoàn kết, hòa bình.
Sửa từ cái hẹp thành cái rộng. Tu là vậy, nên chúng ta cần phải nắm lấy cơ hội để mà tu. Tu trong mọi hoàn cảnh và tu ngay ở nơi điều kiện của mình đang có, chứ không đợi đến khi vào chùa, cạo đầu, mặc áo cà sa như thầy Thái Hòa mới tu. Vào chùa, cạo đàu mặc áo tu chỉ là một cách tu trong muôn vạn cách tu mà thôi. Nếu quí vị đợi đến khi có điều kiện để tu mới tu, thì không biết đến lúc nào mới tu được. Vì thiếu ý thức này và thiếu sự hiểu biết về ý nghĩa và giá trị của sự tu tập, nên đã có nhiều rất người bỏ mất cơ hội tu tập.
Quí vị thấy, nếu mình không tu thì ai thiệt hại? Chính mình thiệt hại, chứ ai! Như tôi đã nói: “Tu là quyền lợi cho tất cả chúng ta, chứ không phải cho một cá nhân hay một đẳng cấp nào”. Nếu ai cản trở sự tu tập của chúng ta thì chúng ta phải dứt khoát đòi hỏi quyền đó để thực hiện sự tu tập của mình ngay trong đời sống này.
Quí vị cũng nên biết rằng, tất cả mọi người, mọi vật cũng phải tu. Con người phải tu cho muôn vật và muôn vật cũng phải tu cho con người. Chính những con đường cũng cần phải tu, nếu không tu sửa, con đường bị ổ gà, không đi được. Cho nên, ở trong cuộc đời này, hạng người có ích là hạng người biết tu tập. Họ có ích cho chính bản thân họ; họ có ích cho gia đình họ; họ có ích cho xóm làng, cho quê hương xứ sở của họ.
Người nào không biết tu tập, thì trong gia đình, con cái trở thành gánh nặng cho cha mẹ; cha mẹ trở thành gánh nặng cho con cái; anh chị em trở thành gánh nặng cho nhau.
Ngoài xã hội, người nào không tu, làm quan trở thành gánh nặng cho dân, dân trở thành gánh nặng cho quan.
Nói một cách khác, hễ chúng ta xuất hiện ở đâu, mà không có sự tu tập là ở đó có sự nặng nề u ám. Ở đâu mà có sự tu tập thì con người trở nên đẹp đẽ, có hoàn cảnh trang nghiêm.
Nhưng, quí vị phải tu như thế nào? Quí vị biết rằng, tu là sửa. Khi chưa tu, tham nhiều, bây giờ tu rồi bỏ bớt tham. Ví dụ quí vị khi chưa tu, uống một ngày năm chai bia, bây giờ tu, bỏ bớt uống còn bốn chai, từ từ bỏ bớt còn 3 chai, rồi còn hai chai, rồi còn lại một chai để bảo đảm cho sức khỏe, như vậy là người biết tu. Tu để sửa chữa thói tham ăn, tham uống của mình. Quí vị thấy tu có lợi không? Rất có lợi.
Tu để giảm bớt cơn giận, bớt giận là mình đang thương trái tim của mình, để có được hơi thở và nhịp đập điều hòa. Cho nên, mình tu là để cho những bộ phận trong cơ thể của chúng ta không bị áp lực bởi những cơn giận dữ của chính mình.
Quí vị cũng nên biết rằng, ở các trường Đại học, giáo sư dạy một tiết chỉ có 45 phút còn 15 phút để nghỉ giải lao. Đó là việc làm có tính cách khoa học. Tu cũng là khoa học. Như bản thân tôi, hay làm việc bằng máy vi tính.
Làm việc một giờ, tôi nghỉ 15 phút đứng dậy từ từ, đi từ từ, gọi là đi thiền hành để có thể phục hồi trở lại, Đức Phật dạy rằng, tu là tu từ cách đi, đứng, nằm ngồi, phong thái phải luôn luôn cân đối, điều hòa nhau. Không nên ngồi, đi, đứng hoặc nằm nhiều, mà phải biết điều hòa trong những tư thế ấy, khiến ta có điều kiện để tạo thành sự an lạc. Đi, đứng, nằm, ngồi thái quá, cơ thể mất bình thường sinh ra bệnh hoạn hay tai nạn.
Cho nên, không phải chỉ có đến chùa mới là tu. Ở nhà, tới cơ quan, nấu ăn, buôn bán hoặc làm nghề nông hay làm nơi các xí nghiệp đều có thể tu tập được cả. Phải biết cách ứng dụng tu tập một cách thông minh vào ở bất cư hoàn cảnh nào, bất cứ với lứa tuổi nào. Tu là sửa. Sửa cái sai thành cái đúng, sửa từ hẹp đến rộng, từ thấp đến cao, từ mê đến tỉnh, từ đau khổ đến an lạc, từ thiếu hiểu biết đến hiểu biết chính xác, từ kém phước đức đến có nhiều phước đức.
Quí vị hãy thực tập ngay từ bây giờ, đừng để gần chết rồi mới tụng kinh cầu siêu, chuyện đó không đúng. Chúng ta phải tu ngay khi chúng ta đang còn mạnh khỏe để có sự hiểu biết, chúng ta sẽ có hạnh phúc ngay trong đời sống này thì khi chết ta cũng có hạnh phúc. Bởi vì, khi chết là ta tiếp tục sống dưới hình thức khác, dưới không gian khác, dưới một hình hài khác.
Cho nên, người Việt Nam chúng ta dùng từ “khuất núi” để chỉ sự chết. Khuất núi là mình đứng bên này núi không thấy bên kia núi. Người bên kia núi vẫn tiếp tục sống. Vì vậy, tu là để sống cho có hạnh phúc và chết cũng có hạnh phúc. Sống đẹp thì chết vẫn đẹp. Chết là để thừa hưởng cái đẹp mà ta đã từng gieo trồng. Tu thì không còn sợ nghèo, không còn sợ ngu, không còn sợ chết. Sống không có sợ hãi thì có hạnh phúc, có an lạc.
Bây giờ tu rồi, mình không lấy của không cho, không chen vào chuyện của người. Nếu, họ có chuyện xấu, mình tìm cách khuyên răn, hướng dẫn cho họ để họ có lời nói dễ thương, khỏi gây xáo trộn cho mình, cho gia đình họ và cho xã hội. Từ đó, mình trở thành người hữu ích.
Người xưa có nói rằng, người biết tu tập giống như nước bẩn được lọc kỹ. Vì vậy, người có tu rất hữu ích cho mọi người . Cho nên, tổ tiên của chúng ta, làng nào cũng có chùa, nên có câu: “Chùa tan, làng nát”. Dân làng nào để chùa tan nát thì dân làng đó là vô phước, càng nghèo, càng mạt, vì không có chỗ để dân làng cùng nhau tu tập và trau dồi phước đức.
Ngôi chùa là nơi để gạn đục khơi trong; là nơi giữ gìn tinh hoa của đất nước, của quê hương xứ sở. Chùa là nơi giữ gìn tinh hoa của những người biết tu tập. Nên, người xưa nói: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Quí vị thờ Phật, mỗi ngày quí vị phải lau chùi, thắp hương, cắm hoa nơi bàn thờ Phật. Quí vị làm đẹp cho bàn thờ Phật là quí vị đang làm đẹp cho mình, cho ngôi nhà của mình. Mình gieo nhân đẹp thì sinh ra ở đâu cũng có quê hương đẹp, nhà cửa đẹp, thân thể sáng lạn và có danh thơm tiếng tốt. Khi chúng ta nghĩ tới Phật thì phiền não trong tâm lắng xuống.
Cũng như ở đời, anh em cùng nghĩ về cha mẹ thì tình cốt nhục bền vững, không bị phân ly. Người dân làng nghĩ về quê hương thì tình quê hương gắn bó. Chúng ta biết tu tập thì cái chết đối với ta sẽ trở thành linh thiêng, quí báu và có giá trị.
Cho nên, người không ăn chay thì phải niệm Phật nhiều hơn người ăn chay, tới chùa lạy Phật nhiều hơn người ăn chay, vì sao? Vì người ăn mặn, mỗi ngày họ đều tạo ra nội thù, oán hận đối với tất cả chúng sanh trong lục đạo, nên cần phải niệm Phật, lạy Phật nhiều hơn để giải tỏa oán kết, thù hận.
Quí vị cũng nên biết rằng, mình cho rằng tuổi thọ con người 100 tuổi, nhưng chẳng mấy ai có được, hiếm lắm chỉ có một vài người. Đời người thật ra chỉ sống đúng 60 năm, trên 60 năm sẽ có sự tái sinh.
Ngày xưa, đức Phật hỏi các thầy Tỷ kheo rằng: “Này các Thầy, mạng sống con người được bao lâu?” Có người trả lời: “Bạch thế Tôn, mạng người sống được 3 ngày”. Đức Phật lắc đầu. Có một vị khác trả lời: “Bạch Thế Tôn, mạng người sống được nửa ngày”. Đức Phật lắc đầu. Lại có một vị khác trả lời: “Bạch Thế Tôn, mạng người chỉ trong một bữa ăn”.
Đức Phật lại lắc đầu, Ngài hỏi thêm một vị khác, vị đó trả lời: “Bạch Thế Tôn, mạng người chỉ sống trong từng hơi thở mà thôi!”. Một hơi thở ra mà không thở vào được là hết sống. Cuối cùng, đức Phật dạy: “Trong bốn sự nhận định thọ mạng như thế, vị mà có nhận định thọ mạng con người chỉ trong từng hơi thở là vị đó có chánh kiến, có hiểu biết chính xác về cuộc sồng.
Vị này có khả năng sống làm lơi ích cho nhiều người”. Vì thế, ta nên làm những gì cần làm, không cần phải hẹn, vì sự sống chỉ có trong từng hơi thở.
Người nào thấy rõ mạng sống con người tồn tại trong từng hơi thở, người đó biết nỗ lực làm những gì cần làm, nói những gì cần nói. Sống đúng những gì cần sống, không phí phạm sự sống.
Trái lại, có những người biết chỉ còn sống được ba ngày, hẹn tu một ngày rưỡi, còn một ngày rưỡi để ăn chơi đã. Mạng sống còn một bữa ăn, thì cho rằng, ăn rồi chết cũng được. Đức Phật nói rằng, những hạng người này nhận thức chưa có chánh kiến, chưa thể hành đạo được, chưa thấy giá trị của sự sống.
Quí vị phải biết, những người khi gần chết rất khao khát và tha thiết với sự sống. Vì thế, chúng ta phải ý thức được, chúng ta sống trong từng hơi thở, khi đó chúng ta mới tinh cần tu học, mới nỗ lực sửa đổi cái xấu thành cái tốt, cái dở thành hay, cái ác thành thiện, cái tà thành chánh, cái vọng thành chơn, cái hẹp thành rộng, cái nghèo thành giàu, cái ngu thành trí, cái trói buộc thành giải thoát. Đó là bài pháp thoại mà chúng tôi xin chia sẻ với đại chúng hôm nay: “Ai là người cần phải tu?”
Chúng tôi xin cám ơn đạo hữu Nguyên Công Cần, đạo hữu Nguyễn Thị Dung, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cùng tất cả bà con, xóm làng đã có mặt tại buổi pháp thoại này để lắng nghe những gì tôi chia sẻ với quí vị. Cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho tất cả quí vị phải biết tu và tu đúng để đời này và đời sau đều có hạnh phúc. Gia đình của quí vị đều được an ổn. Quê hương của chúng ta mãi ngày càng thêm xinh đẹp, an lạc nhờ nơi sự tu học của quí vị./.
(Hòa thượng Thích Thái Hòa giảng tại thôn Nghĩa Thắng, xã Đông Hòa, tỉnh Thái Bình)
Đệ tử Hà Liên kính phiên tả