;
Từ kẻ sang đến người hèn, từ giàu đến nghèo, già đến trẻ, đẹp đến xấu, ai đến giai đoạn chung cuộc, cũng chỉ với một xác chết sình thối. Quán sát bất tịnh, chúng ta thấy rõ bản chất của thân này là bất tịnh nhơ nhớp mà không tham đắm dính mắc thân này là ta và của ta, do đó thành tựu được thân vô ngã. - Ảnh internet.
1. Bất tịnh trong giáo lý Phật giáo
Bất tịnh là dơ bẩn, không sạch sẽ.
Giáo lý Phật giáo nhìn con người và đời sống đều là bất tịnh. Cuộc sống tràn ngập sự dơ bẩn: rác rưởi, bụi đất, chất bài tiết, bệnh truyền nhiễm... Những thứ trông có vẻ thanh sạch như hoa trái rồi cũng hôi thối, rữa nát.
Còn cơ thể con người, cơ thể sinh vật thì hôi hám, bên dưới lớp da là máu me, gân xương cửu khiêu (chín lỗ thông với bên ngoài: hai mắt, hai mũi, hai tai, miệng, đường tiết niệu, hậu môn) chảy ra những chất bẩn thỉu, tanh tưởi.
Vì vậy, con người phải lấy làm gớm ghiếc đối với cuộc đời và thân người lập chí tu hành, giải thoát, đạt đến sự thanh tịnh của Niết Bàn.
Giáo lý bất tịnh là nội dung hết sức độc đáo của Phật giáo. Khác với Ky tô giáo chẳng hạn, vốn coi thân người là một tác phẩm hoàn hảo của Thiên Chúa, được tạo ra từ hình ảnh của Thiên Chúa.
Quan điểm bất tịnh cũng không thấy trong các tôn giáo, các nền triết học khác, dù rằng quan điểm “khổ” không phải chỉ được tìm thấy ở Phật giáo mà thôi.
Cuộc đời, con người không phải chỉ khổ, vô thường, vô ngã không, mà nếu nói đầy đủ theo quan điểm Phật giáo, còn là bất tịnh. Không ý thức được điều đó, con người sẽ say đắm với những dục lạc bề mặt của thế gian.
2. Bất tịnh hiện nay ít được những vị giảng sư Phật giáo Bắc tông nhắc đến
Quan điểm bất tịnh đều có trong giáo lý Phật giáo Nguyên thủy cũng như Bắc tông. Tác phẩm triết học rất nổi tiếng của Phật giáo Bắc tông Việt Nam “Khóa hư lục”, tác giả Trần Thái Tông, nói nhiều đến bất tịnh, coi thân thể con người là “thùng tiêu”.
Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam, dường như chỉ còn Phật giáo Nguyên thủy Theravada là nói nhiều đến sự bất tịnh của thân người và cuộc đời.
Các vị giảng sư, sách vở Phật giáo Bắc tông hiện nay có vẻ ít nói về quan điểm bất tịnh. Có lẽ là vì nói nhiều đến bất tịnh của thân người, của cuộc đời là điều không tế nhị, rất khó chịu và rất khó tiếp thu. Nhìn cuộc đời là bể khổ thì dễ, nhưng nhìn dưới sắc vóc xinh đẹp của con người là xương, là máu, là phân, nước tiểu là việc khó khăn, thật không thoải mái cho cuộc sống.
Có lẽ vì vậy Phật giáo Bắc Tông hiện nay ngày càng thiếu vắng quan điểm bất tịnh.
Thậm chí, trong quan điểm của một số Phật tử nào đó, nói về bất tịnh là điều không tế nhị, không lịch sự.
3. Bất tịnh nhìn từ dịch Covid-19
Dịch Covid-19 đem đến cho chúng ta một ví dụ sinh động về bất tịnh.
Trước đây, chúng ta bước vào khoang máy bay mát lạnh, điều hòa không khí, được làm vệ sinh cẩn thận, chu đáo thì như là bước vào một không gian sạch sẽ tuyệt đối.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã cho chúng ta một cái nhìn khác. Con người phải hít thở giọt bắn nước bọt của nhau, phải thường xuyên chịu sự đe dọa của việc lây lan vi khuẩn, cho dù không tiếp xúc, trước mặt nhau con người phải bịt mũi, bịt miệng bằng khẩu trang. Khoang máy bay sạch sẽ trở thành một không gian hết sức dơ bẩn.
Sự bất tịnh của con người, của đời sống lộ rõ qua dịch bệnh.
Con người, đúng như Đức Phật nói là một cái đãy đựng máu me, mồ hôi, phân, nước tiểu... Điều đó ít ai để ý, mà coi là việc tự nhiên. Nhưng bây giờ, Covid-19, với khả năng tàn sát của nó, đã khiến chúng ta thấy sự bất tịnh hiển hiện ở cấp độ điển hình nhất.
Đối thoại trực tiếp với nhau, cùng nhau trong căn phòng đông người, bây giờ, cho dù trong một không quan sạch sẽ đến mấy, chúng ta đều cảm thấy sự dơ bẩn lan tỏa. Những hạt nước bọt li ti mà người ta phải hít lẫn nhau, bây giờ đã được nhìn thấy rất rõ, dù nó gần như vô hình.
Nước bọt là một trong những thứ dịch bất tịnh mà kinh điển Phật giáo Nguyên thủy vẫn hay nhắc đến, bên cạnh máu, mồ hôi, phân, nước tiểu, dịch nhờn... của thân người.
Vậy nên, dịch Covid-19 là dịp để chúng ta nhận thức sự đúng đắn, sâu sắc, tinh tế của giáo lý Phật giáo. Con người phải chăng không là một tuyệt tác của Thiên Chúa? Thiên Chúa có mũi, tai, miệng, dương vật, hậu môn, nách, háng... thì cũng “bất tịnh” như con người?
Có lẽ, không nên so sánh quan điểm của những tôn giáo về con người với nhau? Nhưng từ dịch Covid-19 giáo lý bất tịnh của Phật giáo là một sự thật hiển nhiên, một cái nhìn hết sức chính xác về con người.
Minh Thạnh
FACEBOOK MINH THẠNH THÔNG BÁO:
Facebook Minh Thạnh không chịu trách nhiệm đối với nội dung các bình luận phản hồi, nội dung thể hiện ngoài bài viết dưới mọi hình thức: văn bản, âm thanh, hình ảnh, video gồm cả do bạn đọc gởi đến, hay do Facebook hiển thị từ trích dẫn nguồn trong bài. Không chịu trách nhiệm đối với mọi hình thức đăng tải lại, khai thác, sử dụng, trích dẫn bài viết, dù trong những trường hợp không hạn chế những việc trên.
Không chịu trách nhiệm đối với những suy đoán, rút ra kết luận, liên hệ chủ quan, riêng tư, tùy tiện, không căn cứ chính xác vào nội dung ngôn từ bài viết. Không chịu trách nhiệm liên hệ đến những danh từ riêng không được nói đến trong bài. Không chịu trách nhiệm về các câu trả lời đối với những câu hỏi được nêu ra trong bài viết. Không chịu trách nhiệm về những thông tin, số liệu, tư liệu, trích dẫn nêu trong bài có tựa đề đặt dấu hỏi, hoặc nêu trong câu hỏi, hoặc dưới dạng câu hỏi hoặc kèm những hình thức thể hiện nghi vấn khác.
Hoan nghênh ý kiến phê bình, đóng góp từ bạn đọc và tích cực điều chỉnh nếu xét thấy phù hợp.