;
Suốt những năm tôi giảng dạy ở trường Trung cấp Phật học Nha Trang (2012-2021), đề tài mà sinh viên thích hỏi vẫn là “ma quỷ”. Tôi tham vấn đề tài này với nhiều vị Trưởng lão kỳ túc, có vị tin tuyệt đối và có vị không tin đến cực đoan.
Tôi cũng hỏi Ôn Chí Tín, trụ trì đời thứ ba ở chùa Long Sơn (Nha Trang), Ôn nói, tôi vào chùa này ở từ năm 1945 đến giờ, không biết mặt mũi con ma ra sao. Nhưng một số hộ dân sống quanh chùa Long Sơn, trước 75, họ nói có thấy ma khi về khuya. Theo tôi, chuyện ma gần 90% là xuất phát tư tâm lý chúng ta, 10% là có thật. Trong nhà Phật ít luận bàn chuyện “ma”, chỉ luận đến quỷ thần, có chăng từ “ma” (mara) chỉ cho phiền não của chúng sinh.
1. Chuyện “Bóng đè”:
Bắt đầu từ ngôi trường Cơ bản Phật học nằm trong khuôn viên chùa Long Sơn. Ngôi trường này được xây dựng năm 1994, tất cả Tăng sinh khóa chúng tôi ở đầu tiên. Suốt 4 năm sinh hoạt, thỉnh thoảng Tăng sinh thường mộng mị thấy ma quái trong giấc ngủ, hoặc gặp yêu nữ đè lên người…
Thầy Giám thị thấy vậy tổ chức cúng chẩn liên tục. Đặc biệt, đêm nọ có một thầy bỗng nhiên trở bệnh nặng gần chết, thầy này nói lúc ngủ thấy sáu người đàn ông từ ngoài cổng tam quan đi vào trường dẫn thầy đi…. Thế là toàn trường tập trung tụng kinh cầu nguyện cho thầy.
Duy thức giải thích, ý thức vắng mặt trong 6 trường hợp: Khi chết, bất tỉnh, ngủ say, nhập định Vô tưởng, ở trời Vô tưởng và điên loạn. Ngủ mà mơ là “mộng trung ý thức”, tức ý thức hoạt động trong mộng. Giấc mơ cũng là một dạng giải phóng năng lượng ức chế của ý thức lúc ban ngày chưa thỏa mãn, được dồn nén vào “tàng thức”, tối ý thức lục lọi tái thiết. Ví dụ một thanh niên, hay một thiếu nữ, kể cả Tăng ni sinh một khi chưa đoạn tận ái dục, ức chế tâm sinh lý càng nhiều về đêm ý thức tìm cách thỏa mãn bấy nhiêu. Người nam thì thấy yêu nữ đè mình, người nữ thì thấy ông thần ông thánh... gì đó đằng tay đằng chân.
Dân gian truyền miệng là do “mộc đè”, “bóng đè”, loại cảm giác này luôn là ám ảnh con người trong mọi nền văn minh. Song ngày nay khoa học đã vén màn bí mật, gọi nó là hiện tượng REM (rapid eye movement), tức khoảng 90 phút sau khi ngủ; các hóa chất trong não bắt đầu phát huy tác dụng, chất truyền dẫn thần kinh gọi là glycine bị ngăn trở, khiến cho các cơ chủ động của cơ thể như tay, chân... bị tê liệt. Trạng thái này dù con người nằm yên (hoặc nói ú ớ) nhưng não vẫn ra sức vẽ vời những kịch bản quái dị, các giấc mơ đạt mức cao trào. Ý thức ráp nối đối tượng ngoại vi không tồn tại, từ hình ảnh trong phim ảnh, hay ngẫu tượng tôn thờ qua tín ngưỡng tôn giáo và dân gian…
2. “Điễn dựa”:
“Điễn dựa”, chữ Điễn là do người dân đọc trại âm của chữ “Điện 電” (năng lực do âm dương hợp thành) trong Hán ngữ. “Điễn dựa” là được một vong linh hay thần thánh từ thế giới khác nhập vào.
Hơn 10 năm về trước, vào một buổi chiều, tôi đang tưới cây trên sân thượng ở dãy nhà Đông của chùa Long Sơn; lúc ấy có một cô gái khoảng 25, 26 tuổi lên lầu hỏi tôi có phải thầy Tâm Nhãn không và nhờ tôi giúp một chuyện. Tôi hỏi, con muốn thầy giúp gì? Cô ấy kể. Cô là người Đắk-lắk, có khả năng “điễn dựa”, được thế giới khác nhập vào. Một số bà “đồng” ở trên quê lợi dụng khả năng của cô, nhờ cô nhập “điễn” để coi vận mệnh, đoán số… cho thiên hạ.
Cô gái này nói, giờ xuống Nha Trang kiếm việc làm, đồng thời tránh những bà “đồng”, nghĩa là muốn giải nghệ, và nhờ tôi tháo gỡ “thế giới” kia ra khỏi người cô ấy. Tôi hỏi, mỗi khi “điễn” dựa vào người con thì như thế nào? Cô ấy nói, khi điễn nhập vào là xoay người nhiều vòng, cảm giác mơ mơ rồi “phán”…
Tôi bảo, thầy có cách giúp con nhưng con có thể kể cho thầy nghe về tuổi thơ hay quá khứ con đã từng trải qua khổ đau? Cô ấy kể, trước đó nhiều năm cô bị một gã lưu manh hiếp cô lúc cô đi công việc trong đêm khuya. Sau đó cô có thai, vì khổ đau và tủi nhục cô sinh đứa bé ra không nuôi dưỡng mà gởi vào trường Dòng của Cơ-đốc giáo, giờ đứa nhỏ ấy ra sao cô không quan tâm, không biết đến.
Duy thức học phân chia ý thức tâm lý hoạt động của con người ra nhiều tầng bậc. Phần tâm lý là chỉ cho “tâm sở” (caitta), trong tâm sở gồm nhiều loại như: biến hành, biệt cảnh, thiện, căn bản phiền não v.v… Biến hành có 5 loại: xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư. Những loại này đều thuộc tính hoạt động chung của thức. Thọ và tưởng là quan trọng cho nên nó được tách riêng, gọi là “thọ uẩn”, “tưởng uẩn” trong 5 uẩn.
Hằng ngày quan năng nhận thức của chúng ta thông qua mắt, tai, mũi, lưỡi… phát sinh ra 3 loại cảm thọ: khổ, lạc và xả. Về thọ khổ có cả thân thọ và tâm thọ. Trường hợp của cô gái Đắk-lắk thuộc tâm thọ khổ với mức độ cùng cực, nó trở thành phiền não khổ đau. Phiền não hoạt động dưới trạng thái trầm cảm, buồn chán, giảm trí nhớ, ảo giác v.v... Nếu không có bác sĩ tâm trị học lấy “nó” ra, hay tự thân không thể tu tập chánh niệm, thiền định chuyển hóa, thì dạng yếu tố tâm lý này được nuôi dưỡng, cất giữ, tích lũy. Từ sự chấn thương tâm lý này mới khiến thần kinh của cô không bình thường. Cảm thấy mình có “khả năng” đặc biệt. Kết thúc câu chuyện, tôi chỉ cho cô ấy cách ngồi thiền cơ bản để trị liệu.
3. Những chuyện “ma” khác:
Một phụ nữ đến chùa gặp tôi, kể rằng con gái lớn của cô đang học lớp 7, bị ma nhập. Tôi hỏi trạng thái bé ấy thế nào? Chị ấy kể rằng, mỗi khi đi học về không nói chuyện với ai, cứ đóng cửa ở trong phòng suốt ngày… Tôi lên nhà gặp bé nói chuyện, và động viên bé nên ra ngoài đi chơi, xem phim với bạn bè, bé ấy chịu đi… Thật ra cô bé này cũng bị tâm lý, hoàn cảnh bên ngoài tác động ảnh hưởng.
Chị này có hai đứa con gái, cuộc sống gia đình ban đầu rất hạnh phúc, mỗi khi đi chơi ở đâu đều đầy đủ 4 thành viên, hai vợ chồng và hai đứa con. Đến khi anh chồng đi làm xa, nghe đâu làm dầu khí ngoài biển khơi, nơi ấy toàn nhân viên nam… Không rõ “nguyên nhân”, anh ta chuyển giới thành đồng tính. Từ đó, anh chồng đi chơi chỉ dẫn hai đứa con gái, không có người mẹ; ngược lại người mẹ đi chơi với con luôn vắng bóng người chồng. Đứa con gái lớn ý thức về gia đình rạn nứt nên mới sinh u uất.
Chuyện “ma” thứ hai, nhiều năm trước, ngày nọ, một người anh dẫn đứa em gái tới phòng tôi, nói rằng em mình bị tà nhập. Tôi đối diện với một cô gái mặt mày xanh như tàu lá… Tôi xin kể vắn tắt, cô gái này bị chứng “trầm cảm sau khi sinh”. Cô bị xảy thai, trong thời gian bệnh, người chồng còn đi ngoại tình.
Khổ đau càng khổ đau. Y khoa giải thích, yếu tố chính là do “khi phụ nữ mang thai nồng độ nội tiết tố nữ estrogen và progesterone tăng cao. Sau khi sinh con, nồng độ hormone nhanh chóng sụt giảm xuống mức bình thường.” Yếu tố phụ, xung đột hôn nhân, thức đêm nhiều, thiếu ngủ…
Rồi dẫn đến cảm xúc rối loạn, suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán, trầm cảm, có khi bị điên… Tôi giải thích đây là loại tâm bệnh và thân bệnh, không ma quái chi cả. Và khuyên người anh dẫn cô em đi vào bệnh viện Sài Gòn gấp, nhờ Tây y can thiệp sớm. Tâm bệnh của con người xảy ra xung quanh tôi còn nhiều... Chuyện khổ đau của nhân sinh nói không thể cùng tận.
4. Thiên linh cái – một phần “sự thật” của câu chuyện ma:
“Thiên linh cái”, theo tiếng Thái “Kuman Thong”, nó bắt nguồn từ tiếng Pāli “Kumara” - nghĩa là bé trai thanh tịnh; “Kumari” - bé gái thanh tịnh. Đây là loại bùa chú theo tín ngưỡng dân gian Thái Lan. Người luyện nó, lấy nhau thai của bé gái, hay bé trai, hoặc thi thể bé gái, bé trai còn trinh, sấy cho khô quắt lại rồi đem vào nghĩa trang niệm chú gọi hồn vào.
Khoảng thập niên 90, có một ngôi nhà thuộc tầng lớp thượng lưu ở đường Phan Đình Giót, thành phố Nha Trang (Việt Nam), ai cũng bàn tán đó là ngôi nhà ma. Thỉnh thoảng tối về, tôi đi ngang qua đây thấy chòm xóm tập trung trước “căn nhà ma”, xem một người phụ nữ chửi bới, đôi khi kèm ngôn ngữ kỳ quái với giọng điệu của ai đó, không phải giọng của cô ta. Sau khi tôi đi xuất gia một thời gian, người trong dòng tộc của “căn nhà ma” tường thuật cho tôi nghe. Gia đình họ thuộc tộc người Hoa và rất tin chú thuật.
Ban đầu, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, đến khi ông nội (của người kể) đem bùa “Thiên linh cái” về chôn giữa nhà. Từ đó gia tộc phất lên như “diều gặp gió”, xong tựa hồ có sự trao đổi, nhà cửa không còn đầm ấm như trước, người nhà thường cải vã nhau, người chị gái bị điên loạn, lúc lên cơn nói giọng của một cô gái trẻ. Buổi trưa không ai dám ngủ trên lầu, cảm giác có bóng người lai vãng. Sau nhiều năm, gia đình quyết định mời thầy trừ tà đến cúng lấy bùa lên. Lúc thầy cúng tụng niệm, cô chị nổi cơn điên, với giọng mắng của một cô gái trẻ: “Mày đừng hòng đuổi tao ra khỏi căn nhà này!?”….
Theo thuyết nhà Phật một người sau khi mất, tùy nghiệp thiện, bất thiện sẽ đi tái sinh trong năm đường: Chư thiên, cõi người, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Để lý giải cô gái điên kia do ai quấy nhiễu, duy nhất chỉ có loài ngạ quỷ. Ngạ quỷ là từ Hán, dịch là quỷ đói, tiếng Phạn “preta”, nghĩa là “đã đi”, tức sau khi chết, sát-na tiếp theo tái sinh qua một đời sống của ngạ quỷ, quỷ thì có thiện có ác. Trong thế giới ngạ quỷ tính luôn thần và “trung hữu”. Ma mà thế gian hay luận bàn chính là cõi “trung hữu”. Trung hữu nghĩa là còn ở giữa, giữa tử hữu (cõi sau khi chết) và trước khi hướng đến sinh hữu (cõi tái sinh).
Con người sau khi chết, nghiệp dẫn đi tái sinh, “sắc của thân trung hữu” đi tái sinh mắt thường không thể thấy, cũng không có thứ gì ngăn cản được, gọi là sắc “vô kiến vô đối”. Và trong thời gian đi tái sinh nếu chưa đủ điều kiện thì có nhiều thuyết nói rằng nó tồn tại 7 ngày, 49 ngày hay lâu hơn. Nhưng Thế Thân lý luận, nó không thể chờ lâu, ví dụ một người làm ác, lúc chết thân “trung hữu” hướng tái sinh vào loài bò nhưng nhằm lúc không phải mùa hạ để bò động dục thì “trung hữu” không thể chờ đợi, nó tìm loài tương tự như bò rừng tái sinh. Tốc độ của nghiệp dẫn đi nhanh đến mức độ chư Phật cũng không thể kiềm hãm được. Nếu theo thuyết này thì vong linh của trinh nữ “Thiên linh cái” sẽ tái sinh, không thể vất vưởng mà nhập vào người phụ nữ kia.
Chúng ta qua thuyết thứ hai, tôn giả Thế Hữu cho rằng trung hữu tồn tại tối đa là 7 ngày (các luận sư khác nói 49 ngày). Nếu điều kiện tái sinh chưa đủ thì nó liên tục chết đi rồi tái sinh trở lại. Theo thuyết này thì “vong linh ma” nó tồn tại đủ lâu để nhập người này người kia.
Song chúng ta tự đặt vấn đề, nếu chỉ tồn tại 7 ngày hay 49 ngày phải đi tái sinh thì “vong linh Thiên linh cái” kia phải xuất khỏi thân người phụ nữ. Hoặc “nếu điều kiện tái sinh chưa đủ thì nó liên tục chết đi rồi tái sinh trở lại”, như thế “vong linh Thiên linh cái” ngự trị suốt trong cơ thể người phụ nữ sẽ chết và tái sinh lại như thế nào? Thứ nữa, thức hoạt động phải có căn và cảnh. Trung hữu là nghiệp thức cũng phải cần “giá đỡ vật lý” như thân người, thân súc sinh, cho nên không thể lơ lửng một mình, và còn bị điều động bởi nghiệp dẫn đi tái sinh thì “trung hữu” không thể chủ động tự tìm cơ thể người này người kia gá vào.
Nếu giả định đó là loài ngạ quỷ phá con người chứ không phải thân “trung hữu”, lại càng khó tin vì quỷ trả nghiệp theo quỷ. Trong kinh Phật giải thích có bốn loại ngạ quỷ, loại thứ nhất là nhờ người thân cúng dường phẩm vật cho Tăng rồi hồi hướng cho họ, họ mới hưởng được (Paradattūpajīvīka-peta). Những vong linh này có đời sống dễ chịu, sống trong rừng, trên cây, có khi du hành trên không trung…
Loại thứ hai vừa đói vừa khát, có cúng thí và hồi hướng, họ cũng không hưởng được, chỉ khi nào nghiệp dị thục tiêu hết, họ mới thoát khỏi sự đói khát (Khuppipāsika-peta). Loại thứ ba chính do bởi tham ái mà tạo thành ngọn lửa thiêu đốt miệng họ liên tục. Tham ái chưa cùng tận thì ngọn lửa thiêu đốt cũng không cùng tận (Nijjhāmataṇhika-peta). Loại cuối cùng là quỷ tai đen, loài quỷ này cũng chịu đói như loài quỷ khác (Kāḷakañcika-peta). Ba loại sau sống trong các hầm hố đầy phân, nước tiểu, hình dáng cổ dài, miệng nhỏ, bụng lớn như núi, không ăn được bất cứ thứ gì, hoặc ăn được phân, nước dãi, nước mủ… Một số miệng phun ra lửa cố gắng dụ những con bướm đêm bay đến để ăn.
Tổng quan lại, chúng tôi không phủ nhận “thế giới vô hình” hoàn toàn không nhưng dưới gốc nhìn của Duy thức thì gốc bệnh “ma ám” vẫn từ tâm bệnh, nếu tâm bệnh có hy vọng trị liệu. Còn như cho rằng do bị “ma” nhập khiến người ta điên loạn suốt đời đó là do nghiệp cá nhân, chứ không hẳn con ma “lộng hành” trên số phận của mình. Vì vốn dĩ ma quỷ nghiệp dày phước mỏng hơn con người, không thể không chế chúng ta mãi mãi.
Ngày 14 tháng 6 năm Quý mão.
Tâm Nhãn
Tài liệu tham chiếu: A-tì-đạt-ma Câu-xá II, Tuệ Sỹ dịch và chú, Nxb Hồng Đức, 2013; Akira Sadakata – Buddhist Cosmology – Philosophy and Origins, first published in Japan in 1997.