;
Hôm qua là một ngày mới, ngày mà ông Diệp Bảo Hà, 53 tuổi, giải tỏa được tất cả những hồi hộp, lo lắng đè nặng suốt gần một ngày qua khi chờ đợi kết quả của vợ và con trai trong ca ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Hạnh phúc đã lan tỏa đến nhiều người khi biết vợ và con trai ông đã vượt qua chặng đường khó khăn và nguy hiểm nhất của ca phẫu thuật. Ông Hà vừa nói vừa nở một nụ cười hiếm thấy sau chuỗi ngày đằng đẵng những âu lo. Gặp con sau phẫu thuật, ông kể rằng vẻ mặt của con trai thật rạng rỡ. Gương mặt con toát lên vẻ tự hào của một người con trai đã góp phần giúp mẹ kéo dài thêm sự sống..
“Thương mẹ là sẽ vượt qua hết”
18g30 ngày 13-10, theo Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân Diệp Hữu Lộc đã rút được ống dạ dày, còn người mẹ vẫn đang thở máy, đã tỉnh táo, chức năng gan bắt đầu hoạt động. Về việc bà Kim Đính có đến ba lá lách, trong đó có hai lá lách phụ, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy giải thích đây là một trường hợp hiếm gặp với tỉ lệ 1/100.000 dân. |
Sáng 13-10, ngồi cùng con gái và những người thân tại một quán nước gần Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Hà kể sáng nay ông nhận được rất nhiều lời hỏi thăm về sức khỏe của vợ và con trai ông. Trong đó nhiều bạn bè còn khen, ngưỡng mộ vì vợ chồng ông đã sinh được một người con trai hiếu thảo và dũng cảm. Kể về con trai mình, ông nhận xét: Lộc ít nói, sống nội tâm và ít chịu ảnh hưởng từ ba. Lộc độc lập trong cách suy nghĩ và quyết định. Dù ba làm nghề giáo nhưng cũng ít khi can thiệp được vào quá trình học của Lộc. Ông và con trai độc lập như hai người đàn ông với nhau.
Trước lúc Lộc phải vào phòng cách ly để chuẩn bị cho ca phẫu thuật ghép gan cùng mẹ vào ngày 12-10, Diệp Thị Phương Ngọc, 25 tuổi, chị gái Lộc, chỉ biết động viên em. Chị Ngọc ghé gần Lộc hỏi nhỏ: “Em có sợ đau không?”. Lộc gật đầu nhưng nói: “Chị đừng lo, thương mẹ là sẽ vượt qua hết chị à”.
Phương Ngọc nhận xét dù còn trẻ nhưng Lộc đúng là người đàn ông thứ hai trong gia đình, sau ba, luôn lo lắng cho mẹ và chị gái.
Để có được ca ghép gan thành công như ngày hôm nay, theo chị Ngọc, mẹ chị, bà Cung Thị Kim Đính, 52 tuổi, đã dằn vặt rất nhiều trước khi đi đến quyết định cuối cùng là nhận gan từ con trai. Mẹ chị nói: “Mẹ đã cho các con được gì đâu! Cũng chưa biết sẽ sống thêm được bao lâu nữa nên không nỡ lấy đi một phần cơ thể của con như vậy”. Dù đã qua nhiều lần tư vấn, được sự thống nhất cao của gia đình nhưng có một lần mẹ chị đã tự đến nói với bác sĩ là sẽ không đăng ký phẫu thuật nữa. Nghe vậy, bác sĩ đã gọi điện cho cả nhà để tìm hiểu xem ai là người ngăn cản. Cuối cùng, mọi người mới biết người muốn như vậy lại là mẹ.
Gia đình ông Diệp Bảo Hà (Hữu Lộc ở bìa phải, cùng với mẹ) - Ảnh gia đình cung cấp
Mắc bệnh suốt 13 năm nay là cả 13 năm bà Đính được theo dõi điều trị đều đặn ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ khi Lộc trở thành sinh viên năm nhất của Trường đại học Ngoại ngữ - tin học TP.HCM cũng là lúc mẹ bị bệnh nặng hơn, phải đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám nhiều hơn. Lo cho sức khỏe của mẹ không đủ sức để đợi khám, mỗi lần nhận được tin mẹ đến TP khám bệnh là Lộc lại dậy sớm, chạy xe đến Bệnh viện Chợ Rẫy từ lúc 4g sáng lấy số thứ tự trước để khi mẹ tới bệnh viện là vào khám luôn.
Chia sẻ yêu thương
Ngày 13-10, chúng tôi đã liên lạc với khoa công nghệ thông tin, đoàn trường, các thành viên lớp chuyên ngành mạng ngành công nghệ thông tin MV0801 Trường đại học Ngoại ngữ - tin học để tìm hiểu thông tin về Diệp Hữu Lộc.
Đức Nhạc - thành viên lớp - chia sẻ: trước khi vào bệnh viện phẫu thuật hiến gan cho mẹ, Lộc có nói với một số bạn về việc này. Vẻ mặt Lộc bình thản, không chút đắn đo. “Có lẽ Lộc đã suy nghĩ rất nhiều nên giờ chẳng còn gì để do dự nữa. Đối mặt giữa sự sống và cái chết, ai cũng muốn thử đến phương án cuối cùng. Nếu không sau này sẽ cảm thấy ray rứt, có muốn quay lại làm việc đó cũng không được” - Nhạc nói thêm.
Hai giờ sau ca phẫu thuật hiến gan cứu mẹ, Diệp Hữu Lộc đã tỉnh táo. Ba và dì của Lộc động viên người con hiếu thảo - Ảnh: T.C
Lớp trưởng Nguyễn Thành Luân nói rất mừng vì Lộc và mẹ đã an toàn. Tuy nhiên, điều làm Luân cảm thấy vui hơn đó là sự hiếu thảo và biết sẻ chia của Lộc đối với những người trong gia đình. “Nghe bác nằm bệnh viện, tôi có gọi điện hỏi thăm nhưng lúc đó vẫn chưa biết bác và Lộc sẽ phải ghép gan. Rất may ca ghép gan đã thành công. Đó là việc làm bình thường mà bất kỳ người con nào khi rơi vào hoàn cảnh đó cũng sẽ làm cho cha mẹ mình. Tuy nhiên, xã hội không thiếu nhiều người con khỏe mạnh nhưng lại đối xử không tốt với cha mẹ mình, thậm chí là hắt hủi. Thế nên, việc hiến gan của Lộc thật đáng quý. Việc làm ấy xuất phát từ tình yêu thương, biết sẻ chia sự đau đớn cũng như giành lại cuộc sống cho mẹ mình” - Luân nói thêm.
Tính cách không có gì nổi trội nhưng theo các bạn cùng lớp, Lộc là người khá hòa đồng và dễ gần. Đào Nguyễn Đăng Thức - bạn thân của Lộc - cho biết năm nhất đại học Lộc có đi làm thêm nhưng từ năm thứ hai, khối lượng các môn học nhiều nên không đi làm thêm nữa. Lộc hay kể về gia đình, về bệnh gan của mẹ. Thời gian gần đây Lộc ít gặp bạn bè hơn vì lớp không còn học nữa và có lẽ cũng bận ra vào viện nhiều hơn.
Lo hạnh phúc cho con
Nhận được thông báo của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ ghép gan sớm hơn vào đầu tháng 10, bà Đính đã bàn với con gái tổ chức đám cưới trước khi phẫu thuật, dù trước đó hai bên gia đình đã có kế hoạch tổ chức vào tháng 11. Bà Đính nói với con: “Trước lúc phẫu thuật, mẹ muốn tận mắt chứng kiến hạnh phúc của con mới yên tâm”. Ngày đám cưới Ngọc, sức khỏe của bà đã yếu nhiều và phải ngậm sâm để dự đám cưới con gái nhưng ánh mắt vẫn sáng ngời hạnh phúc.
Ca ghép gan người lớn đầu tiên được thực hiện tại , TP.HCM ngày 12-10 - Ảnh: M.Đức
Ngọc và Lộc luôn thương yêu, tự hào, thậm chí thần tượng người mẹ của mình. Không chỉ giỏi giang ngoài xã hội, chu toàn trong gia đình mà mẹ rất có nghị lực để chiến đấu với bệnh tật. Phương Ngọc vẫn nhớ lần mẹ được Bệnh viện Chợ Rẫy xác định đã bị suy gan, mẹ rất buồn. Mẹ chị đã tự đánh máy vi tính những dòng chữ: “Em muốn có thật nhiều sức khỏe để sống cùng anh và các con”. Mẹ chị làm vậy để tự động viên mình có nhiều nghị lực để giành lại sự sống.
Với ông Hà, vợ và con trai đã vượt qua những thời khắc nguy hiểm. Giờ là lúc ông cùng gia đình lên kế hoạch chăm sóc cho vợ và con. Ông Hà đùa: “Trước mắt, tôi sẽ đăng ký hộ khẩu tạm trú tại Bệnh viện Chợ Rẫy để chăm sóc vợ, còn các dì và con gái sẽ thay phiên chăm sóc Lộc”.
Theo Thùy Dương - M.Giảng - TTO
* Thầy NGUYỄN NGỌC BẢO (tổ vật lý Trường THPT Trần Hưng Đạo, Đắk Mil, Đắk Nông) - giáo viên chủ nhiệm ba năm cấp III của Lộc:
“Lộc là người sống tình cảm”
Làm giáo viên chủ nhiệm từ lớp 10 đến lớp 12 của Lộc nhưng rất ít khi tôi nghe em kể về chuyện gia đình. Trong những học sinh cùng trang lứa, Lộc là người trầm tính và ít nói. Lộc học lực ở mức trung bình khá, nhưng qua tiếp xúc và tới thăm nhà Lộc, quan sát cách em chăm sóc mẹ đau yếu thì nhiều bạn bè và thầy cô biết Lộc là người sống rất có hiếu và tình cảm.
* Ông TRƯƠNG CÔNG THI (hàng xóm của gia đình Lộc):
“Tấm gương bố mẹ định hình tính cách con cái”
Suốt mấy chục năm nay, tấm gương chăm vợ của thầy Diệp Bảo Hà được rất nhiều người dân và giới nhà giáo tại đây biết đến. Thầy Hà là phó Phòng giáo dục huyện Đắk Mil (Đắk Nông), vợ là hiệu trưởng của một trường mầm non nên sống rất mẫu mực. Ngoài đời thầy là phó phòng giáo dục, là thầy giáo nhưng ở nhà thầy là người chồng, người cha sống hết lòng vì gia đình. Bố mẹ yêu thương nhau và đều là người có học nên hai con của ông Hà đứa nào cũng ngoan. Tôi nghĩ việc cháu Lộc tự nguyện hiến gan cho mẹ là điều bình thường, chính cách sống của cha mẹ đã định hình tính cách cho con cái.
* Bà NGUYỄN THỊ NHUNG (thợ may tại thị trấn Đắk Mil):
“Khiêm tốn, giản dị”
Tôi biết hoàn cảnh gia đình của Lộc từ lúc mẹ Lộc mới đau yếu. Lúc đó bố của Lộc đã chạy vạy khắp nơi để chữa bệnh cho vợ. Dù ốm đau nhưng cả gia đình Lộc sống rất hạnh phúc và không bao giờ to tiếng. Riêng Lộc thì tôi thấy cháu khác so với tất cả bạn bè đồng trang lứa là giản dị và rất ít nói. Cứ đi học về là vào quét dọn nhà cửa, làm công việc nhà và dắt mẹ đi chơi. Tuy bố mẹ đều là giáo viên có vị trí trong ngành giáo dục huyện nhưng Lộc sống khiêm tốn và giản dị.
THÁI BÁ DŨNG - Theo: TTO