;
Đạo Phật được tôn xưng là tôn giáo số một trên thế giới
Sức khỏe qua cách nhìn của các tôn giáo
Trong cuộc sống nhộn nhịp của xã hội hiện nay cũng như cảnh nông nhàn xa xưa của dân tộc Việt Nam, cảnh du canh du cư của những sắc tộc vùng cao, ngành ngư nghiệp trên vùng sông nước...Đất nước nào, dân tộc nào cũng phải đối diện với nhiều vấn nạn mà trí óc hạn hẹp, chơn chất khó giải trình, nhất là những vấn nạn mang tính trừu tượng, vô hình do tưởng thức đặt ra. Từ căn bản đó, tự mình vẻ bóng hư ảo để rồi sùng bái, ngưỡng vọng, lo sợ, hiến tế...theo bẩm chất nông cạn của chính mình, biến thành sự hối lộ, mua chuộc Thần thánh trừu tượng.kèm theo nghiệp sát đối với bao sinh động vật, thậm chí có cả sinh mạng con người.Trong đó, có cả tín ngưỡng trừu tượng gây bao khổ đau cho nhân loại hiện nay.
Tôn giáo là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt của Minh Tân- Thanh Nghị- Xuân Lam thì:
a/ Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội gồm những quan niệm dựa trên cơ sở tin và sùng bái những lực lượng siêu tự nhiên, cho rằng có những lực lượng siêu tự nhiên quyết định số phận con người, con người phải phục tùng và tôn thờ. Tôn giáo nảy sinh rất sớm từ trong xã hội nguyên thủy.
b/ là hệ thống những quan niệm tín ngưỡng, một hay những vị thần linh nào đó và những hình thức lễ nghi thể hiện sự sùng bái ấy.
Theo Wikipedia định nghĩa Tôn giáo:
Một cách định nghĩa, đôi khi được gọi là "lối theo chức năng", định nghĩa tôn giáo là bất cứ hệ thống tín ngưỡng và phong tục nào có chức năng đề cập đến những câu hỏi căn bản về đặc tính loài người, đạo đức, sự chết và sự tồn tại của thần thánh (nếu có). Định nghĩa rộng ngày bao gồm mọi hệ thống tín ngưỡng, kể cả những hệ thống không tin tưởng vào thần thánh nào, những hệ thống đơn thần, những hệ thống đa thần và những hệ thống không đề cập đến vấn đề này vì không có chứng cớ.
Cách định nghĩa thứ hai, đôi khi được gọi là "lối theo hình thể", định nghĩa tôn giáo là bất cứ hệ thống tín ngưỡng nào xác nhận những điều không thể quan sát một cách khoa học được, và chỉ dựa vào chức trách hay kinh nghiệm với thần thánh. Nghĩa này hẹp hơn phân biệt "tôn giáo" với chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa nhân bản thế tục, thuyết vô thần, triết khách quan và thuyết bất khả tri, vì những hệ thống này không dựa vào chức trách hay kinh nghiệm nhưng dựa vào cách hiểu theo khoa học.
Cách định nghĩa thứ ba, đôi khi được gọi là "lối theo chứng cớ vật chất", định nghĩa tôn giáo là những tín ngưỡng về nhân quả mà Occam's Razor loại trừ vì chúng chấp nhận những nguyên nhân quá phức tạp để giải thích những chứng cớ vật chất. Theo nghĩa này, những hệ thống không phải là tôn giáo là những hệ thống không tin tưởng vào những nguyên nhân phức tạp hơn cần thiết để giải thích những chứng cớ vật chất. Những người theo quan điểm này tự xưng là "bất tôn giáo", nhưng cũng có người tôn giáo nhìn nhận rằng "tín ngưỡng" và "khoa học" là hai cách hoàn toàn khác nhau để đi đến chân lý. Quan điểm này bị bác bỏ bởi những người xem rằng những giải thích siêu hình là cần thiết để giải thích các hiện tượng tự nhiên một cách căn bản.
Cách định nghĩa thứ tư, đôi khi được gọi là "lối tổ chức", định nghĩa tôn giáo là các hội đoàn, tín ngưỡng, tổ chức, phong tục, và luật đạo đức chính thức của tất cả các tôn giáo chính có tổ chức. Nghĩa này đặt "tôn giáo" vào một vị trí trái ngược với "tinh thần", cho nên không bao gồm những luận điệu của "tinh thần" về việc tiếp xúc, phục vụ, hay tôn thờ thần thánh. Tuy nhiên, trong nghĩa này tôn giáo và tinh thần không cần phải "được cái này mất cái kia": một người sùng đạo có thể có tinh thần hay không tinh thần, và một người có tinh thần có thể có hay không sùng đạo. Theo tương tự, ta có thể xem "tôn giáo" như là than, củi, hay xăng, và "tinh thần" là ngọn lửa.
Qua những định nghĩa như thế, người ta khó nắm bắt thực chất của tôn giao là gì. Định nghĩa Tôn giáo theo tự điển tiếng Việt đã dẫn, sẽ tạo sự lập lờ giữa tín ngưỡng nhân gian và tín ngưỡng tôn giáo; ví dụ mục a đã dẫn - không hẳn tôn giáo nào cũng " dựa trên cơ sở tin và sùng bái những lực lượng siêu tự nhiên, cho rằng có những lực lượng siêu tự nhiên quyết định số phận con người, con người phải phục tùng và tôn thờ". Thật ra, nếu bảo đạo Phật là một tôn giáo thì quan điểm trên đây hoàn toàn sai khác.
b/ cũng giải thích thiếu chuẩn xác đối với Phật giáo và một số trường phái tâm linh bị xem là Tôn giáo: "là hệ thống những quan niệm tín ngưỡng, một hay những vị thần linh nào đó và những hình thức lễ nghi thể hiện sự sùng bái ấy".
Đây là cái nhìn của người đứng ngoài Tôn giáo, hoàn toàn không nắm bắt hết tất cả các Tôn giáo đang tồn tại trên tinh cầu nầy. Trong phạm vi thực tế, một tôn giáo có đủ các yếu tố như:- giáo chủ -kinh điển - giáo lý - giáo đoàn Tăng lữ - nghi lễ - chức sắc hoặc người giúp việc - nội quy - giáo luật - giáo sản - giáo phẩm...nó hoàn toàn khác với tín ngưỡng nhân gian về một đấng siêu hình không được hệ thống hóa, triết lý hóa và tổ chức hóa. Tín ngưỡng nhân gian không có nghi lễ thâm thúy, bài bản, chỉ tế lễ đơn thuần dâng hiến phẩm vật, cầu khấn tùy nghi. Đối tượng Thần thánh hóa không xuất cứ từ một mẫu hình cụ thể; ví dụ Chúa Jesus là biểu tượng của đức Chúa Cha, biểu tượng cho một Thượng đế vĩnh Hằng; Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni biểu tượng cho một Phật tánh hằng hữu, đại biểu cho Phật tánh của 10 phương chư Phật của ba đời (theo truyền thống Bắc tông). Do tín ngưỡng tự phát, không bị ràng buộc vào bất cứ tiêu chuẩn đạo đức cá nhân, không có tiêu chí hướng thượng và mục đích tối hậu, không có một tổ chức chặt chẻ, người có tín ngưỡng như thế dễ sống buông thả, phóng đản theo bản chất bất thiện. Những người có đức tin phổ thông như thế còn tùy tính cá biệt thì những ai không có bất cứ đức tin nào, dễ xem thường nhân quả, hành động tắc trách, thì vấn đề luật pháp thế tục cũng chỉ là rào cản tạm thời và chỉ xử lý khi sự việc đã rồi. Luật thế gian chưa đủ ngăn chận phạm luật trong tư tưởng. Chính đức tin mù quáng, tạp nhạp, không giúp giải quyết những cơ bản cho hiện thực và tương lai kiếp sống, một số đi quá đà trong mê tín dẫn đến cuồng tín và sai lạc chân-thiện-mỹ, các Thánh nhân ra đời để điều chỉnh hành động, tư tưởng con người theo hướng thánh thiện, từ đó, bước vào phạm trù tâm linh, vượt thoát sự tướng, giảm thiểu nhiêu khê phức hợp.
Từ chỗ đa Thần, đưa đến nhất Thần giáo rồi vô Thần giáo, đó là tính trạng của nhà Phật và một số trường phái tâm linh lấy con người làm tiêu chuẩn chứ không lấy một tha thể làm đối tượng. Dĩ nhiên đa Thần hay nhất Thần đều là vong thể, biến con người đánh mất chủ thể và tiêu cực, cầu lạy van xin, vì còn quan niệm có đấng sáng tạo và con vật thụ tạo. Nhị nguyên luôn tồn tại như thế thì luật tương đối vẫn hiện diện, luật bất bình đẳng sẽ đánh mất tính tự do tuyệt đối của một nhân cách. Đó là cách giải quyết triệt để đưa con người thoát vòng kềm tỏa của nghiệp thức, nghĩa là vượt thoát khổ đau.
Từng tầng bậc của tôn giáo giúp con người thoát khỏi áp lực mù quán về sự sợ hải và quỳ lụy trước thiên nhiên. Nhất Thần giáo giản lược bớt sự phiền lụy của đa Thần giáo, nhưng chiếc tròng hệ lụy tha lực vẫn tồn tại trong tâm thức của cộng đồng Nhất Thần giáo, để rồi phi Thần tiến đến vô thần giáo (không phải duy vật) sẽ giải thoát con người thật sự những áp lực ngoại biên, tự mình trở về chính thể, tự thăng hoa theo cách giải trừ nghiệp thức. Phi Thần giáo và vô Thần giáo khác với loại vô Thần luận biến con người là một đơn vị nhất định cho một tổng thể xã hội; đây cũng là một dạng tha hóa, một biến tướng vong thể, trở thành một nô lệ ở một dạng khác với loại nô lệ đa Thần hay Nhất Thần giáo - con người bị đánh mất chính mình, tự chủ đã không còn.
Ưu thế của Tôn giáo
Dù rằng Đa Thần hay Nhất Thần giáo, vẫn có một quy luật về đạo đức nhân thân tương quan với đạo đức cộng đồng. Lòng tham đã đưa đến tích lũy và lấn lướt cộng đồng, đó là một bất công của kẻ mạnh hiếp yếu, Chúa Giêsu phán dạy các môn đệ rằng:
"Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng, của cải dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.
Đức Phật từng bảo - Tham - Sân - Si là cội gốc vô minh, sanh tử. Bố thí- trì giới-nhẫn nhục-tinh tấn-thiền định và trí tuệ là nền tảng lục độ tiến đến giải thoát. Ngay trong giao tiếp ứng xử, tứ nhiếp pháp :Bố thí-ái ngữ- lợi hành-đồng sự đã là điều kiện căn bản xây dựng tính giao hảo cộng đồng.
Một tổ chức cho dù là tôn giáo hữu Thần, chặt chẻ đến đâu, cũng không thoát khỏi nhị nguyên biên kiến, va vấp luật đối đãi, thì tiêu chuẩn đạo đức từ đó cũng chỉ là tương đối và hạn chế. Ví dụ: quan niệm đạo đức về phá thai, luật Giáo hội La Mã không cho sử dụng bất cứ phương tiện nào để ngừa thai, hoặc phá thai, vì một sinh linh nhập thai đều do ý muốn của Chúa, do chúa mượn tinh cha huyết mẹ để thụ tạo cho một cuộc sống. Chúa là đấng sáng tạo, nhân sinh là vật thụ tạo thì con người không có quyền ngăn cản, hủy hoại, không đoạt quyền sáng tạo của Thượng đế. Trong khi đó, các tín ngưỡng vô Thần quan niệm do dục vọng, ái nhiễm mà tái sanh. Trong 12 nhân duyên của Phật giáo, có Ái, mới có Thủ, có thủ mới có hữu, có hữu mói có sanh lão tử. Để đoạn trừ vòng luẩn quẩn sanh tử khổ đau, phải diệt ái, muốn diệt ái phải đoạn thọ, muốn diệt thọ phải đoạn xúc, muốn diệt xúc phải đoạn lục nhập, muốn diệt lục nhập phải đoạn danh sắc, muốn diệt danh sắc phải đoạn thức, muốn diệt thức, phải đoạn hành, muốn diệt hành phải đoạn vô mình.
Việc hình thành và phát triển theo luật nhân quả, không tùy thuộc vào lực lượng siêu nhiên, không tác động bởi lực lượng siêu hình.
Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, Phật dạy:
«Lúc bấy giờ là canh ba, Bồ-tát Thích-ca Mâu-ni quán sát tất cả căn tánh chúng sanh, do nhân duyên gì mà có lão, tử? Bồ-tát biết lão tử do sinh mà có. Nếu dứt bỏ sự sanh thì không có lão tử. Hơn nữa sự sanh này không phải do trời sinh, không phải tự mình sinh, cũng không phải không duyên cớ gì mà sinh. Tất cả mọi sự mọi vật đều do nhân duyên sinh. Vì có nghiệp của ba cõi, nên các nghiệp trong ba cõi từ đâu sinh ra? Biết rằng nghiệp của ba cõi từ thủ sinh ra, ái từ thọ sinh ra, thọ từ xúc sinh ra, xúc từ lục nhập sinh ra, lục nhập từ danh sắc sinh ra, danh sắc từ thức sinh ra, thức từ hành sinh ra, hành từ vô minh sinh ra.
«Nếu vô minh diệt thì hành diệt, v.v… cho đến lão tử diệt.
«Quán sát thuận nghịch mười hai chi nhân duyên như thế, canh ba vừa dứt Ngài đã phá được màn vô minh khi sao mai vừa mới mọc. Như Lai chứng đặng trí tuệ sáng suốt, đoạn tất cả mọi chướng ngại thành Nhất thiết chủng trí.»
Đây là thế giới quan của nhà Phật, thế giới quan được xây dựng trên Thập nhị nhân duyên và Tứ đế. không có một nhân nào cố định thì cũng không có một đấng sáng tạo hữu hình nào tác động, không có một chủ thể thì cũng không có một tha thể. Nếu tưởng thức do vô minh sanh khởi gọi là chủ thể sáng tạo thì chủ thể đó vẫn chỉ là mộng tưởng điên đảo.
Chính những mắc mứu như cuộn chỉ rối mà chúng sanh lẩn quẩn mãi trong lục đạo, lẫn quẩn mãi hành động và ý nghĩ mâu thuẩn lẫn nhau, bị lúng túng trong phạm trù phải quấy, đúng sai của nhị nguyên, để rồi bên nầy đúng thì bên kia sai. Vượt lên trên sự lúng túng mà nhân loại đang đối mặt với nạn nhân mãn, y học chấp nhận phá và ngừa thai như một giải pháp hữu hiệu, nhưng đạo đức Thần học xem đó là vi phạm và tước quyền sáng tạo của Thượng đế. Riêng, với cái nhìn nhân duyên sanh của 12 chi phần, phá thai là một hành động ác, cướp mạng sống đã hình thành, để ngừa hình thành mầm sống ngoài ý muốn thì mọi phương tiện ngăn ngừa khi chưa hình thành đều khả dĩ chấp thuận, có nghĩa cắt đứt mọi duyên sanh thì nhân không thể tồn tại phát triển, đó là hành động thuận với đạo đức, luận lý và khoa học.
Tình thương tuyệt đối của một tôn giáo dĩ nhiên không có điều kiện và không hạn chế trong một đối tượng. Mọi việc bị ràng buộc trong một phạm vi đều đưa đến tương phản,. mâu thuẩn và lúng túng, chính vì vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma từng dạy: Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là sự tử tế (My religion is very simple. My religion is kindness).
Chúng ta có thể sống thiếu tôn giáo và thiền định, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu không có tình người (We can live without religion and meditation, but we cannot survive without human affection).
Đã đến lúc cần giáo dục quần chúng ngừng lại các tranh cãi dưới danh nghĩa tôn giáo, văn hóa, quốc gia và các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau. Đấu tranh như thế là vô dụng và tự tử (The time has come to educate people, to cease all quarrels in the name of religion, culture, countries, different political or economic systems. Fighting is useless. Suicide)
“Đây là tôn giáo đơn giản của tôi. Không cần gì tới chùa chiền; không cần gì tới triết lý phức tạp. Trí óc của chúng ta đây, quả tim của chúng ta đây, chính là ngôi chùa, ngôi đền của chúng ta; triết lý chính là lòng từ bi.”
Dưới cái nhìn và lòng từ bi quảng đại như thế, Đức Đạt Lai Lạt Ma không đặt nặng vấn đề tôn giáo mà luôn cổ súy tình thương đồng loại vô điều kiện. Nhận định và sự hiểu biệt bị giam hãm trong giáo điều của tôn giáo đã tạo sự cách biệt với xã hội, đưa đến nhận thức, hành động nghịch lý với cuộc sống mà mình cứ nghĩ tôn giáo của mình là chân lý.
Trước bao vấn nạn hiện nay của nhân loại đang đi vào bế tắc, người ta tìm đến tôn giáo để giải quyết, nhưng là một tôn giáo bị ràng buộc về một đức tin hữu hình trong một tổ chức được mệnh danh là giáo hội, hay một đối tượng Thần quyền đều không tránh khỏi bế tắc và nghịch lý. Trước vấn nạn như thế, hãy vượt qua mọi tôn giáo khi đã vượt qua những học thuyết luận lý, để đắm mình trong một tình thương vô điều kiện thì mọi sự sẽ sáng tỏ và con đường khai phóng sẽ được mở.
Ngày nay có quá nhiều tôn giáo, chính vì thế có sự cạnh tranh phát triển, chiêu dụ đưa đến bạo lực. Không những ngày nay mà trong quá khứ đã từng xầy ra chiến tranh tôn giáo cũng do chấp thủ mà ra. Đáng ra, với trình độ dân trí ngày nay, con người đối xử với nhau cần tế nhị, hiểu biết và tôn trọng nhau, nhưng tiếc thay, vì nhân danh tôn giáo, con người có tín ngưỡng đã sát hại nhau không thương tiếc.
Nếu tôn giáo luôn gây sự bất an như thế, thà không có tôn giáo thì hơn, hãy đặt lại vấn đề:
Cần chăng phải có một tôn giáo???
28/3/2016