;
>Phương tiện truyền thông Việt Nam cần nói cho rõ: Giáng sinh! Ai giáng sinh
Suy nghĩ từ đất nước hai ngàn năm Phật giáo với lệnh cấm của vương quốc Brunei
Sau dịp lễ hội tôn giáo cuối tháng 12 năm 2014, Thượng tọa Thích Giác Tâm, chùa Bửu Minh, Gia Lai, đã đăng tải trên trang web chùa Bửu Minh bài thơ do thầy sáng tác với nhan đề “Nhớ cành mai xưa”.
Với tâm tình chia sẻ, đồng cảm với thầy Thích Giác Tâm, chúng tôi có bài phân tích dưới đây sau khi giới thiệu toàn văn bài thơ “Nhớ cành mai xưa” và lời dẫn:
“Trong nước, ngày Noel đã trở thành ngày lễ hội lớn, mọi người đón mừng lễ Noel, ăn Noel, chúc nhau ngày Noel. Các nơi công cộng cũng có cây thông Noel, ông già Noel, với giòng chữ Merry Christmas. Phật tử mình một số, cũng đón Noel, chúc nhau Noel. PG chúng ta thua là thua ở chỗ đó, và nếu PGVN không quyết tâm chấn hưng, thì trong một ngày không xa , PGVN sẽ giống như PG Hàn Quốc.
Bài thơ chỉ là nỗi niềm của một cá nhân.
Ta đã thua rồi trong cuộc chơi.
Nghêu ngao ca hát, cứ quên lời.
Ngoài kia đông đến cây thông thắm.
Hổ thẹn với lòng một cành mai.
Trong cuộc chơi, ta đã thua. Nghêu ngao ca hát đó là trạng thái vui gượng gạo, hát mà quên lời, không biết mình hát gì. Rất nhiều nơi công cộng và có cả một thiểu số Phật tử nữa, mua cây thông về trang trí đón mừng Noel, cho nên cây thông thắm. Hổ thẹn với lòng một cành mai (cành mai đây là cành mai của Mãn Giác thiền sư)
Nhớ cành mai xưa
Ta đã thua rồi trong cuộc chơi.
Nghêu ngao ca hát, cứ quên lời.
Ngoài kia đông đến cây thông thắm.
Hổ thẹn với lòng một cành mai.
Vesak tưng bừng,
Xá Lợi linh thiêng.
Cờ ngũ sắc tung bay phất phới,
Vẫn không cảm tâm con dân Việt ???
Vì đâu ? Nông nỗi ?
Thế Tôn ơi !
Sư tử trùng, sư tử nhục.
Bỏ thâm tình huynh đệ, chơi với kẻ lạ người dưng.
Những cây thông xa lạ, tuyết giá.
Mang về nhà trìu mến nâng niu.
Chúc nhau những câu, lòng con Phật ngậm ngùi:
“Merry Christmas, Merry Christmas”.
Sĩ Đạt Ta, Gô Ta Ma có phải là người xa lạ ?
Ông Bụt hiền lành, ai nỡ ngoảnh mặt quay lưng.
Phật giáo và Việt Nam.
Phên dậu ngàn năm, cùng hoà chung nhịp đập con tim.
Cùng nhói đau trước bao lần bão tố, ngoại xâm.
Sinh mệnh mất còn dân tộc.
Tôi, anh, chị, em......
Há lẽ nào quên trách nhiệm của mình, trước dòng đời lịch sử !?
Đêm đông nhớ Thế Tôn lòng buốt giá.
Song bất chợt câu thơ Thiền Sư Mãn Giác trở về:
Đừng nói xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.
Cao nguyên Pleiku đêm 30/12/2014.
Thích Giác Tâm”.
Nếu lý giải tác phẩm văn học bằng “hình tượng văn học” theo cách thức thông thường từ trước đến nay, thì bài thơ “Nhớ cành mai xưa” đã đề cập đến vấn đề của Phật giáo Việt Nam hiện đại bằng cách đặt song song hai hình tượng nghệ thuật có tính biểu trưng rất cao là cây thông và cành mai. Nhưng cành mai ở đây không phải chỉ là cành mai nói chung, mà là một cành mai cụ thể, cành mai trong bài thơ “Có bệnh bảo mọi người” của tác giả đời Lý, nhà sư Mãn Giác.
Nếu tìm hiểu bài thơ theo lý luận của trường phái hình thức Nga, phủ nhận hình tượng văn học mà đề cao khái niệm “lạ hóa”, thì cách so sánh cành mai/cây thông cũng là một cách diễn đạt rất lạ, có tính biểu trưng cao, độc đáo chuyên chở được nội dung của bài thơ, trình bày dưới một sáng tạo hàm xúc, nhiều ý nghĩa, gợi những suy tư đi vào chiều sâu.
Bài thơ “Nhớ cành mai xưa” là một cách đặt vấn đề thiểu số hóa, vấn đề suy thoái của Phật giáo Việt Nam bằng nghệ thuật ngôn từ, vừa cụ thể bằng hình ảnh cành mai, cây thông, vừa chan chứa tình cảm qua những lời tâm sự chân thành, bộc trực, cảm thán.
Một trong những biểu hiện của Phật giáo Việt Nam suy thoái, Phật giáo Việt Nam thiểu số hóa, là tình trạng mất cân đối trong các lễ hội tôn giáo. Đây là vấn đề nổi lên rất rõ, nhưng có nhiều tu sĩ, tín đồ Phật giáo hời hợt, vô tâm, chẳng hề để ý đến. Hơn thế, trên facebook, điện thoại di động, một số tu sĩ và Phật tử còn gởi nhau lời chúc lễ Noel, rất nhiệt thành và hoan hỷ. Không ít tín đồ Phật giáo trang trí nhà cửa bằng cây thông, hình ảnh Noel, bảng chữ “Merry Christmas”. Người lao động, sinh viên, học sinh gia đình Phật tử vui mừng nghỉ lễ Noel (dù việc cho phép nghỉ Noel được thể hiện dưới một lý do khác)…
Trong lễ hội tôn giáo, Phật giáo đã trở thành tôn giáo thiểu số, hàng hai, với ngày Phật đản được cho là ngày lễ tôn giáo đứng hàng thứ… 5 tại Việt Nam (sau Noel, Phục Sinh, rằm tháng bảy, rằm tháng giêng).
Với những người con Phật nặng tình với đạo pháp và có cái nhìn sâu sắc, thì đây không phải ngày vui chúc tụng hay là dịp ăn uống, trang trí thể hiện sự “hân hoan” đua đòi, lạc điệu, mà đây là dịp suy tư về tiền đồ đạo Phật tại Việt Nam.
Với thầy Thích Giác Tâm, sự suy tư đã trở thành nỗi đau, qua bài thơ “Nhớ cành mai xưa”.
Bài thơ mở đầu bằng lời lẽ bi quan, chán ngán, rã rời, xuôi tay, có phần thất chí, tìm đến cơn say:
“Ta đã thua rồi trong cuộc chơi.
Nghêu ngao ca hát, cứ quên lời.
Ngoài kia đông đến cây thông thắm.
Hổ thẹn với lòng một cành mai”
Bài thơ như xác định kết quả của một cuộc đua tranh, từ đó là ngọn nguồn cho cảm xúc kết thành những vần thơ sau đó. Câu thơ mở đầu cũng là nội dung đặt vấn đề hiện tình Phật giáo bằng hình tượng nghệ thuật, hay trình bày “lạ hóa” giàu chất văn học. Theo dòng đọc, người đọc sẽ càng lúc càng hiểu rõ vấn đề, cũng qua một cách diễn đạt hình tượng:
“Ngoài kia đông đến cây thông thắm.
Hổ thẹn với lòng một cành mai”
Việt Nam không có mùa đông, không có tuyết rơi, cây thông chỉ có ở một số ít nơi khí hậu lạnh. Nhưng con người, với hoạt động tôn giáo, đã đưa mùa đông vào Việt Nam. Thế rồi Việt Nam đâu đâu cũng có mùa đông, có tuyết rơi, có cây thông dù là giả. Cây thông giả mọc lên ngày càng nhiều trong những gia đình Việt Nam.
Với “cây thông thắm”, ngay sau đó là tình cảm của tác giả “hỗ thẹn với lòng”, rất đặc biệt, cành mai xuất hiện.
Đây là một cành mai chung chung, chưa đi vào cụ thể, nhưng đã rất có ý nghĩa, trong sự so sánh với hình ảnh “cây thông thắm”. Vị trí xuất hiện của cành mai như thế đã làm cho người đọc bước đầu hiểu về ý nghĩa của cành mai, ý nghĩa của “cây thông thắm”, ý nghĩa của “cuộc chơi”, ý nghĩa của “ta đã thua rồi”.
Cụm từ “cuộc chơi”, với ý nghĩa hơn thua, giao đấu, đua tranh, thắng bại, làm cho bài thơ có một mở đầu trần gian, thế tục. Càng nặng nề hơn đó là nỗi bi quan của “người thua”.
Nhưng trong đó lại là một cái nhìn sâu sắc và sự diễn đạt tinh tế, giàu tính nghệ thuật. Nhiều người, rất nhiều người trong cuộc chơi đó, nhưng có thể do nhiều lý do, mà trên hết là sự nông cạn, nên không nhận thức về cuộc chơi đó, không biết mình đang trong cuộc, vì thế càng không thể biết mình đang thắng hay thua, không biết những gì đang xảy ra, vô tư trong sự ngây ngô, ngờ nghệch. Ở những người đó thì đừng nói chi có cảm xúc hay suy tư. Đáng thương cho những kẻ bị thua mà không biết mình thua, cứ hồn nhiên vui chơi trong lễ hội tôn giáo mùa đông.
Những người như vậy không thể hiểu, không thể cảm đến tầng bậc nghệ thuật của bài thơ này, càng không thể hiểu cành mai là gì, cây thông là gì, cùng những nỗi khắc khoải, trăn trở đến mức “hổ thẹn”, “nghêu ngao ca hát, cứ quên lời”.
“Nghêu ngao ca hát” trong một cuộc thua đã là điều rất nặng nề. Càng nặng hơn khi “nghêu ngao ca hát, cứ quên lời”. “
“Quên lời” cũng là biểu hiện nỗi đau. “Quên lời” nhưng vẫn “nghêu ngao ca hát” là nỗi đau đến cùng tột. Hát mà quên lời, nhưng vẫn hát. “Nghêu ngao” “quên lời” trở thành những tiếng kêu vô nghĩa trong nỗi đau.
Nỗi đau của tác giả quả thật là khó chia sẻ. Một nỗi đau được giăng kết bằng ngổn ngang cảm xúc, qua những hình ảnh đối lập chằng chéo.
Ở đây cũng là một nỗi đau rất Việt Nam, vì vậy, trong đó là tinh thần dân tộc. Cây cối là những biểu tượng quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Ngày trước Nguyễn Trãi cũng đưa cây tùng, cây trúc, cây chuối… vào thơ ca để gửi gắm lòng mình. Vì vậy, dùng hình ảnh cây thông và cành mai trong sáng tác, thầy Giác Tâm đã lại đi trên con đường hình ảnh quen thuộc, của thơ ca dân tộc, nói lên tình tự dân tộc. Khổ thơ đầu có thể còn hơi khó hiểu, vì chỉ là hình ảnh cây thông, cành mai, những ghi nhận hành động, những suy tư đột khởi chưa giải thích. Vì vậy, phải cần đoạn sau, nơi dòng thơ là lời giải thích có tính chất chính luận.
Nếu khổ thơ đầu mang tính hình tượng rất cao, thì đoạn thơ sau đi vào lời giải thích chi tiết, cụ thể. Đoạn thơ diễn giải cho người đọc “cây thông thắm” mùa đông và cành mai là gì, tại sao tác giả lại nói ta đã thua rồi, đó là “cuộc chơi gì”, tại sao đến nỗi “nghêu ngao ca hát cứ quên lời”…
Hiện trạng suy thoái của Phật giáo Việt Nam trong sự so sánh đã được ghi nhận một cách khá rõ ràng. Vấn đề chính yếu đã được xác định.
Trong khi lễ hội Vesak “Vẫn không cảm tâm con dân Việt ???”
Và xa hơn là câu hỏi về nguyên nhân: “Vì đâu? Nên nỗi?”.
Bài thơ từ những cảm xúc, hình ảnh biểu trưng đột ngột trở về với tư duy chính luận, tuy vẫn theo mạch hình ảnh.
Hồi tưởng lại lễ hội tôn giáo tháng 12 mới thấm thía với vấn đề mà tác giả đặt ra. Việt Nam đã như thành một nước khác trên đường phố, trong công viên, trước bệnh viện trường học và trên cả phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước. Đâu đâu cũng là hình ảnh lễ hội tôn giáo khác, lời chúc tụng trong cung cách một tôn giáo khác. Phật giáo dường như không còn vị trí, không còn hiện diện, thậm chí không còn dấu vết, không còn gì lưu lại ở Việt Nam. Trong chuyện này, ngoại trừ những người theo tôn giáo khác, thì mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm, nhất là những người Phật giáo. Tính chính luận của bài thơ đi vào chiều sâu, và có ý nghĩa khái quát rộng lớn hơn khi bài thơ đặt vấn đề:
“Sinh mệnh mất còn dân tộc.
Tôi, anh, chị, em......
Há lẽ nào quên trách nhiệm của mình, trước dòng đời lịch sử !?”
Nếu bài thơ dừng ở đây, thì cũng đã là một bài thơ hay. Nhưng sẽ là một bài thơ bi quan, thua cuộc, phần nào trần tục hơn thua trong “cuộc chơi”, dù vẫn là một phát hiện sâu sắc, có ý nghĩa, có giá trị.
Nhưng bài thơ đã vượt lên tầm “đã thua rồi”, vượt lên sự bi quan, buồn nản, vượt lên nỗi hổ thẹn cũng như so đo trần tục.
Vì trong đoạn cuối, hình tượng cành mai đã được nâng lên. Không phải chỉ là một cành mai bình thường, mà là cành mai trong bài “Có bệnh bảo mọi người” thiền sư Mãn Giác:
“Đừng nói xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.
Cành mai thiêng liêng, thoát tục, bừng nở lạc quan đã thay đổi tính chất bài thơ, đưa bài thơ đến tầm cao của nhãn quan đạo Phật.
Dù hiện trạng hôm nay là như thế, vẫn cần được ghi nhận, lưu tâm, thậm chí phản ứng nặng nề, khắc khoải, ưu tư, nhưng hình ảnh cành mai giác ngộ trong thơ thiền sư Mãn Giác đã đưa người đọc thoát khỏi sự ngột ngạt, tấm tức của thực trạng.
Hai câu thơ kết bài “Có bệnh bảo mọi người” của Mãn Giác Thiền sư dùng làm câu kết bài thơ “Nhớ cành mai xưa” tạo cho bài thơ hiện nay dáng dấp lạc quan của bài thơ của Thiền sư Mãn Giác, vận dụng vào trường hợp hiện tại.
Vì vậy, có thể nói, “Nhớ cành mai xưa” là một dạng bài thơ “Có bệnh bảo mọi người” trong thời hiện tại.
Trong lý luận văn học hiện đại, có quan niệm “văn chương như là một quá trình dùng điển” thì bài “Nhờ cành mai xưa” là một dạng thức “dùng điển cố”, tập thơ cổ khá tiêu biểu.
Bài thơ mở đầu khá bi quan, trọn bài tràn ngập bi quan, nhưng lại kết thúc lạc quan, hy vọng, mà không hề gượng ép, khiên cưỡng, không có dấu vết của sự vớt vát, cố gắng cứu vãn.
Vì tác giả đã đưa vào bài thơ tinh thần đạt đạo của tác phẩm bất hủ “Có bệnh bảo mọi người”.
Đoạn giữa mang tính chính luận của bài thơ có hạn chế là giảm tính chất thi ca, có phần nặng về văn xuôi, nhưng bài thơ cơ bản vẫn đạt giá trị nghệ thuật cao trong cái tứ thơ “Đêm qua sân trước một nhành mai”.
Bài thơ có sự cân đối cần thiết giữa ghi nhận hiện thực và thoát tục vượt lên hiện thực, giữa bi quan và lạc quan, giữa cảnh báo và nhìn nhận bản chất, giữa nỗi đau và niềm tin tưởng, hy vọng.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.