;
Am, cốc, thất: phủ nhận hay chấp nhận?
Đề xuất một giải pháp về vấn đề Am, cốc, thất
Qua một bài viết trước đây về đề tài am, cốc, thất. Chúng ta đã thấy rõ nếu Tăng ni có giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với am, cốc, thất, mà cản trở họ thực hiện quyền sử dụng đối với tài sản họ sở hữu được pháp luật công nhận, thì đương nhiên việc làm đó sẽ vi phạm pháp luật.
Còn nếu Tăng ni thuê nhà, mượn nhà được cho ở nhờ mà có hợp đồng công chứng đúng pháp luật, thì nếu cản trở việc thực hiện hợp đồng công chứng đúng pháp luật đó, là vi phạm pháp luật.
Vì vậy, nếu tìm cách ngăn cản Tăng ni cư trú ở am, cốc, thất, mà gặp phải trường hợp như trên, thì đường nào cũng dẫn đến việc làm phạm pháp.
Tuy nhiên, mới đây, trong bài trả lời phỏng vấn có nhan đề “Hạn chế những hình ảnh tiêu cực là trách nhiệm của cả hệ thống Giáo hội” của Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự Trung ương, đăng trên Báo Giác Ngộ số 829, 8/1/2016 vấn đề đã được nhắc lại với từ “xử lý”, nguyên văn như sau (trang 9): “Riêng đối với những vị Tăng Ni buông lung, không chịu khép mình vào khuôn khổ, tự xa rời Tăng đoàn, thuê nhà trọ, xây am cốc vì tư lợi cá nhân thì các cấp Giáo hội khảo sát, có biện pháp giáo dục và xử lý theo đúng luật Phật cũng như pháp luật Nhà nước”.
“Xử lý”? Nhưng căn cứ vào đâu để xử lý, khi Tăng ni xuất trình giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Hợp đồng Công chứng thuê nhà, mượn nhà, cho ở nhờ đúng pháp luật?
Nếu xử lý trong những trường hợp như vậy, Giáo hội có thể bị xử lý theo đúng pháp luật, có thể bị khởi kiện ra tòa án và chịu những chế tài.
Trên đây, chỉ mới nói đến trường hợp Tăng ni ở am, cốc, thất có giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Hợp đồng Công chứng thuê nhà, mượn nhà, cho ở nhờ đúng pháp luật, chưa nói đến việc tăng ni đã đăng ký trường trú, có hộ khẩu tại địa chỉ am, cốc, thất. Ngăn trở không cho công dân cư trú tại nơi công dân có hộ khẩu trường trú, buộc người đó phải cư trú nơi khác là một việc làm vi phạm pháp luật, gần như là bắt cóc, hay bắt buộc cư trú ở nơi chỉ định, việc không thuộc thẩm quyền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Vì vậy, nói “xử lý” việc Tăng ni ở am, cốc, thất sao cho đúng pháp luật thì dường như không thể. Nói “xử lý” theo pháp luật nhà nước là phải căn cứ trên những văn bản là Hộ khẩu, Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Hợp đồng Công chứng về việc thuê nhà, cho mượn nhà, cho ở nhờ. Xử lý chỉ có một cách là thực hiện theo đúng những văn bản đó. Nếu làm ngược lại, tức là đã phạm pháp.
Phát biểu “xử lý” theo hướng ngược lại như thế là rất sơ hở về chính trị, về pháp lý.
Lời phát biểu trên có đi vào chi tiết ở một điểm. Không phải chỉ ở am, cốc, thất thì bị xử lý mà phải là “xây am, cốc, thất vì tư lợi cá nhân”. Chúng ta lưu ý cụm từ “tư lợi cá nhân”.
Như vậy, để xử lý tăng ni ở am, cốc, thất thì phải chứng minh được họ “tư lợi cá nhân”. Mù mờ, sơ hở, không rõ ràng là ở chỗ này.
Thế nào là “tư lợi cá nhân”. Căn cứ vào đâu để kết tội “tư lợi cá nhân” khi xây am, cốc, thất để mà xử lý.
Chứng minh việc tư lợi cá nhân là một điều hầu như không thể để mà có thể xử lý và coi chừng điều này có thể làm việc vi phạm pháp luật trở nên trầm trọng hơn.
Vì vậy, trước hết, tăng ni ở am, cốc, thất nên giữ số báo Giác Ngộ có bài phỏng vấn về đường lối này để yêu cầu cấp Giáo hội xử lý phải chứng minh mình có “tư lợi cá nhân”. Nếu không chứng minh được thì không được xử lý!
Tư hữu tài sản riêng mà ở đây là bất động sản dung là am, cốc, thất, có “tư lợi cá nhân”? Nếu hiểu tư hữu cá nhân đối với bất động sản nói riêng hay tài sản nói chung là “tư lợi cá nhân”, cần phải bài trừ thì đó là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền căn bản của công dân là quyền sở hữu tài sản. Không ai tư duy một cách phản nhân văn nhân như vậy.
Tăng ni được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đương nhiên là đã tư hữu cá nhân. Không cách gì để bác bỏ những giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Nếu nói tăng ni ở am, cốc, thất tư hữu là tư lợi cá nhân thì giáo hội tự đưa mình vào thế kẹt, vì đó không phải là điều vi phạm gì hết để mà xử lý.
Quyền mưu cầu lợi ích cá nhân, quyền tư hữu cá nhân là quyền căn bản của con người, được pháp luật thừa nhận. Giới cấm hàng đầu của nhà Phật cũng bảo vệ quyền tư hữu đó, không cho xâm phạm. Như vậy, căn cứ nào để xâm phạm quyền con người căn bản này?
Liệu có thể tịch thu am, cốc, thất sở hữu cá nhân làm giáo sản hay cắt bỏ hộ khẩu thường trú của người đang cư ngụ, buộc họ phải chỉ cư trú ở một nơi nào đó mà ở đó họ không có hộ khẩu? Làm như thế rành rành trái pháp luật.
Cá nhân xây am, cốc, thất để cư trú tu tập thì đó là một việc tư hữu, có lợi cá nhân, thì rõ ràng là tư lợi cá nhân rồi. Vậy làm sao xử lý.
Giáo hội đưa người đến vào cũng ở chung tại am, cốc, thất để thành “công lợi tập thể” hay sao? Xử lý như vậy mà người đứng tên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không đồng ý thì không thể nào “xử lý” được. Cái sơ hở của cụm từ “tư lợi cá nhân” là ở chỗ đó.
Tiêu chuẩn để xử lý mà bài trả lời phỏng vấn nói trên đưa ra mặc nhiên đã trở thành chông chênh, bất hợp lý, mà đi tới nữa thì vi phạm pháp luật.
Trong các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, cũng có vị xây am, cốc, thất như Hòa thượng Thích Từ Thông, dường như vẫn còn đương nhiệm trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TPHCM. Hòa thượng sau khi xây và cư trú ở Thao Hối am, đã chuyển về cư trú ở Liễu Liễu đường (đường là một dạng nhà riêng). Liệu có thể xử lý hòa thượng về việc xây am cốc để làm gương? Còn nếu không, thì tăng ni làm như một vị lão tăng bát tuần có nhiều đóng góp cho Phật giáo Việt Nam, có gì sai đâu?
Tưởng cũng cần nói thêm Hòa thượng Thích Từ Thông trong phần lớn cuộc đời tu tập của mình chỉ ở am, cốc, thất (theo lời trong băng thuyết pháp, trước 1975, Hòa thượng tu ở thất tại Bà Chiểu, Sài Gòn), không quyên tiền xây chùa và rất nổi tiếng về việc không tư lợi cá nhân.
MT
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.
LÊ ÂN
Giáo hội tự đưa mình vào thế kẹt vì không hiểu luật.Nói thì mạnh vậy nhưng chẳng giải quyết được gì đâu.Bao nhiêu vụ Tăng,Ni vi phạm có tính cá nhân mà không xử được hoặc xử nhưng Tăng,Ni không sợ và đâu vẫn hoàn đấy thì nói gì đến chuyện lớn nêu trên.Hãy tìm cho ra trong hàng ngũ Tăng già của Phật giáo ai là người không"tư lợi cá nhân...".
Thích Trả lời 1/26/2016 2:38:19 PM