;
Thịnh Lộc là một xã nằm dọc bờ biển, có địa hình thuận lợi, được thiên nhiên và tạo hóa ưu ái, nổi tiếng về danh lam thắng cảnh. Từ xưa tới nay, nhân dân Thịnh Lộc sống chủ yếu bằng nghề nông và nghề biển. Mặc dù đời sống của nhân dân gặp không ít khó khăn nhưng mảnh đất này rất giàu truyền thống cách mạng. Trải qua các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước, Thịnh Lộc là nơi đã sản sinh ra nhiều anh hùng tuấn kiệt như: Ninh quận công Trịnh Toàn, tướng Trần Giao, Lê Hiến v.v…
Chùa Chân Tiên tọa lạc lưng chừng của đỉnh Am Tiên, được xây dựng vào đời nhà Trần (Thế kỷ XIII)
Chân Tiên là một ngôi chùa khá đẹp trên núi Tiên Am, nằm cuối dãy Ngàn Hống, sát biển Đông. Đứng trên chùa nhìn xuống là những rừng thông xanh trùng điệp. Đi về bốn phía xung quanh chùa Chân Tiên, du khách sẽ được thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp và chứng tích gắn với những truyền thuyết, huyền thoại hấp dẫn như: cây đa nơi Thái thượng lão quân nghỉ mát, dấu chân Tiên, chùa Vồn Sơn thờ Phật Tổ, bàn cờ tiên, nền Sơn Tinh, nền Hoàng Thạch, bàu tiên v.v…Tất cả những di tích và dấu tích này đã góp phần làm cho mảnh đất Thịnh Lộc trở thành một trong những địa điểm du lịch lý tưởng. Chùa Chân Tiên được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ 13). Trong quá trình biến thiên của lịch sử, chùa đã được tu sửa 3 lần. Đây là công trình có kiến trúc hài hòa, gồm hai nhà: nhà bên trái (chùa thứ nhất) và nhà bên phải (chùa thứ hai).
Nhà bên trái thờ Phật Tổ, được xây dựng bằng vôi vữa theo kiến trúc tứ trụ, có 3 gian, xung quanh có tường bao bọc. Chùa được lợp ngói vảy, hai bên hiên chùa thờ hai vị: quan Văn (bên trái) và quan Võ (bên phải). Trước cửa có 4 câu đối:
“Tùng sơn địa thắng lưu tiên tích
Hồ Thủy Thiên Quang ánh phật đường
Sa môn bất tử đường như dẫn
Thạch thất do tuyên Hán dĩ lai”
Nhà bên phải thờ Thánh Mẫu bao gồm các công trình như nhà Thượng điện, kiệu Long đình và nhà Bái đường với diện tích 56m2… Các công trình này đều được trang trí hoa văn, họa tiết khá tinh xảo như hình rồng, hình mặt trăng, hoa lá v.v...
Trong chùa Chân Tiên hiện nay còn lưu giữ một số hiện vật thờ tự quý hiếm như: các pho tượng Phật, lư hương, trống, hương án, cờ Phật…
Trên mặt một tảng đá hoa cương bằng phẳng ngay giữa dòng suối Ngọc, có hai vết in lõm vào mặt đá, được xem là của Tiên nữ và ngựa của nàng
Không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, chùa Chân Tiên còn là một di tích lịch sử cách mạng. Trong phong trào Văn thân Cần Vương (1885-1896), xã Thịnh Lộc có nhiều người con tham gia vào nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng như: Trần Quang Tụ, Nguyễn Đăng Thiện, Phạm Môn…Chùa Chân Tiên lúc bấy giờ đã trở thành một trong những căn cứ luyện tập của nghĩa quân. Khi phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908 nổ ra và lan về Hà Tĩnh, ông Nguyễn Hằng Chi đã chọn vùng này làm nơi tập trung nho sỹ đi biểu tình…
Năm 1928, Đại tổ Tân Việt huyện Can Lộc tổ chức họp tại chùa Chân Tiên. Các đồng chí: Võ Quế, Hoàng Khoái Lạc, Nguyễn Cứ, Hồ Ngọc Tàng, Trần Châu, Trần Hoặc, Trần Xu, sư Bảy…đã ngụy trang bằng màn cầu tiên để che mắt địch. Sang năm 1929, tổ chức Tân Việt phát triển nhanh chóng. Tiểu tổ Tân Việt ở Thịnh Lộc được thành lập, đánh dấu một bước tiến mới trong tiến trình cách mạng của địa phương.
Vết chân được xem là của ông Bành Tổ với đầy đủ hình hài 5 ngón chân và một gót chân lõm sâu trên một tảng đá bằng phẳng
Với vị trí thuận lợi, chùa Chân Tiên đã trở thành địa điểm quan trọng góp phần vào thắng lợi của nhân dân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931: Ngày 25/4/1930, dưới sự chủ trì của các đồng chí Phan Gần (Tỉnh ủy viên), Hoàng Liệu, Nguyễn Cứ, Nguyễn Trạc (đại diện cho Huyện ủy và Tổng bộ) đã tổ chức Đại hội thành lập Chi bộ Đảng Yên Điềm tại chùa.
Không chỉ là nơi hội họp, liên lạc của các tổ chức, cơ sở Đảng, chùa Chân Tiên còn là nơi in ấn, cất dấu truyền đơn, tài liệu rất an toàn của Tổng bộ và Chi bộ Đảng ở vùng Hạ Can Lộc. Công việc in ấn tài liệu, truyền đơn của Tổng bộ do đồng chí Lê Lụa phụ trách. Khi in xong, tài liệu được cất dấu trong tượng Phật và ở khe đá 12 cửa, cách chùa 10 m về phía Đông.
Ngày 28/7/1930, tại chùa đã diễn ra cuộc họp bàn kế hoạch hành động kỷ niệm ngày chống chiến tranh đế quốc với sự tham gia của các đồng chí Hoàng Khoái Lạc, Hoàng Liêu, Phan Gần. Sáng ngày 1/8/1930, dưới sự lãnh đạo của huyện ủy Can Lộc và Chi bộ Đảng Yên Điềm, 350 nông dân xã Thịnh Lộc cùng các xã lân cận đã tập trung đi biểu tình. Đoàn biểu tình kéo đến Truông gió Hồng Lộc nghe đồng chí Hoàng Khoái Lạc diễn thuyết rồi nhập với đoàn biểu tình của Thượng Can tiến thẳng vào huyện lỵ. Khí thế của đoàn biểu tình khiến cho tri huyện Trần Mạnh Đàn và bọn nha lại hoảng sợ phải cúi đầu nhận bản yêu sách của quần chúng nhân dân.
Chiều ngày 5/11/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Liêu và Trần Xu, Trần Huê, Nguyễn Trạc…cuộc họp bàn kế hoạch ủng hộ cách mạng tháng Mười Nga và tiến hành đợt đấu tranh mới của huyện ủy Can Lộc được tổ chức tại chùa Chân Tiên. Sáng ngày 6/11/1930, cuộc biểu tình diễn ra ở chợ Vùn với sự tham gia của 2000 nhân dân Thịnh Lộc kết thúc thắng lợi khiến cho tri huyện, cường hào vô cùng hoảng sợ. Khí thế đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Thịnh Lộc đã làm cho bộ máy quyền lực của thực dân – phong kiến ở đây tê liệt. Xã bộ nông, Thôn bộ nông đứng ra giải quyết mọi công việc trong làng và đã đạt được nhiều thành quả về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội…
Chùa Chân Tiên không chỉ là nơi có cảnh trí đẹp thu hút du khách tới thưởng ngoạn mà còn là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại địa phương. Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, chùa Chân Tiên đã được Bộ Văn hóa -Thể thao công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1992
Sưu Tầm