;
>>Cô Giáo mới và buổi lên lớp đầu tiên
Đạt được con số 1.300 học sinh đi học trên tổng số 5.000 hộ dân là một sự cố gắng, nỗ lực không hề nhỏ của chính quyền xã Kim Bon và các thầy, cô giáo nơi đây với sự nghiệp giáo dục.
Tuy nhiên, hằng năm cứ đến thời gian mùa vụ hàng trăm học sinh Kim Bon lại phải nghỉ học để cùng bố mẹ đi làm nương. Có em nghỉ 3 - 4 ngày, có em nghỉ cả tuần học, lại có những em nghỉ hết cả thời gian mùa vụ rồi mới được tiếp tục đến trường học chữ.
Đến thời kỳ giáp hạt, khi thóc trong bồ đã hết, ngô, khoai, sắn, củ mài, củ từ… đã cạn, bố mẹ các em lại phải đến trường “lôi” con về nhà để cùng họ lên rừng mưu sinh tìm cái ăn uống hằng ngày cho cả gia đình.
Đến thời kỳ mùa vụ hay những ngày giáp hạt, ở Kim Bon lại có đến 30% học sinh phải nghỉ học để đi làm nương. (Ảnh Thu Hòe) |
Theo thống kê của xã Kim Bon: Có khoảng 30% học sinh nghỉ học, bị gián đoạn việc học tập ở trường vào thời điểm mùa vụ, ngày giáp hạt. Số học sinh phải nghỉ học trong những thời điểm “nhạy cảm” này chủ yếu là các em đang học cấp 2, 3 và thậm chí cả những học sinh lớp 2, lớp 3 cũng phải nghỉ học để góp công, góp sức cùng bố mẹ.
“Trẻ con miền núi ở đất Kim Bon này 6 tuổi đã biết làm ruộng, làm nương, lên rừng hái rau dớn, quả rừng về ăn rồi. Vào những thời điểm mùa vụ, ngày giáp hạt, số học sinh phải nghỉ học chiếm khoảng 30%. Các em không nghỉ học hẳn mà chỉ nghỉ 3-4 ngày, 1 tuần rồi đi học lại nhưng đi học rồi lại tiếp tục nghỉ. Đợt thu hoạch ngô cuối tháng 10 vừa rồi, có em còn nghỉ học liên tục gần 1 tháng để ở nhà trông em, cùng bố mẹ đi thu hoạch ngô, phát rừng gieo đợt ngô mới…”, thầy giáo Hà Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng, trường TH Kim Bon cho biết.
Bị bắt đi... làm vợ trong lúc nghỉ học
Thầy giáo Hà Trọng Nghĩa kể lại câu chuyện một học sinh bán trú lớp 4 bị bố đến trường bắt về đi làm nương: “Học sinh ấy tên là Lò Thị Thắm, người dân tộc Mông, đang học lớp 4 bán trú tại trường TH Kim Bon. Hôm đó, cả thầy và trò đang say sưa với bài học thì một người đàn ông xuất hiện đứng trước cửa lớp bảo cô giáo là phải cho em Lò Thị Thắm về nhà ngay để đi làm nương cùng với bố mẹ.
Cô giáo một mực phân tích là học sinh đang dở tiết học và không thể nghỉ học với lý do như vậy. Việc này sẽ làm gián đoạn việc học của em ở trường, khi đi học lại sẽ không theo kịp được chương trình và các bạn trong lớp.
Nhưng người bố này vẫn nhất quyết bắt con phải mang quần áo về nhà cùng mình để đi thu hoạch ngô. Mặc cho cô bé kêu góc, hai tay, hai chân bấu chặt lấy chân bàn nhưng người bố đó vẫn lôi con xềnh xệch đi về trong sự bất lực của cô giáo chủ nhiệm và sự sợ hãi của các em học sinh trong lớp…”
Rất nhiều học sinh nữ đã bị bắt làm vợ khi nghỉ học ở nhà đi làm nương, lên rừng kiếm ăn. (Ảnh Thu Hòe) |
Thầy Nghĩa cho biết thêm: “Ở cả 11 điểm trường của xã Kim Bon đều có hiện tượng này. Nhiều em do nghỉ học nhiều quá nên đã không theo kịp được chương trình học đã phải lưu ban ở lại lớp và nghỉ học ở nhà lấy vợ, lấy chồng khi chưa kịp học xong cấp 1…”
Cũng theo thông tin từ cô giáo Lò Thị Hồng, giáo viên trường TH Kim Bon: “Học sinh phải nghỉ học mỗi khi đến mùa vụ, ngày giáp hạt chủ yếu là học sinh nữ, chiếm khoảng 70% tổng số học sinh phải nghỉ học. Nhiều em đang học lớp 4, lớp 5 phải nghỉ học để đi làm và bị bắt đi làm vợ trong chính lúc lên nương, lên rừng tìm cái ăn. Cũng kể từ đó, những em học sinh này không còn được đi học nữa…”
“Tao còn phải nuôi thì nó còn phải lên nương, lên rừng”
Tại khu bán trú, trường TH Kim Bon, tôi gặp em Đặng Văn Mạnh, học sinh lớp 5 A3 vừa đi học lại sau hơn 1 tuần nghỉ học ở nhà đi thu hoạch ngô, phát nương mới cùng bố mẹ. Mạnh cho biết: “Bố cháu đến tận trường bắt cháu về đi phát nương mới và bẻ bắp. Cháu không muốn nghỉ học đâu nhưng bố cháu bảo nếu không về sẽ không cho tiền đi học nữa, khi nào thu hoạch và làm xong nương mới thì lại được đi học. Ở đây, nhiều bạn phải nghỉ học về đi làm lắm. Có bạn còn nghỉ mấy tuần liền cơ…”
Ở giường bên cạnh, em Phạm Thị Trú, lớp 4A1, nhà ở Bản Suối Kếnh kể: “Bố mẹ cháu bảo đi học ở bán trú không phải làm việc nặng nhọc rồi thì đến mùa bẻ bắp, làm nương mới phải nghỉ học về làm cho bố mẹ. Nhà cháu có nhiều nương lắm toàn ở trong rừng và trên núi cao, bố mẹ làm không hết. 3 đứa em của cháu bé tí, em út mẹ còn phải cõng trên lưng khi đi làm…”
Thầy giáo Hồ Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng trưởng TH Kim Bon. (Ảnh Thu Hòe) |
Nói về vấn nạn học sinh nghỉ học lúc mùa vụ, ngày giáp hạt, thầy Hồ Trọng Nghĩa cho biết: “Hầu hết, phụ huynh chỉ cho con trở lại trường khi đã thu hoạch xong nương rẫy và phát xong nương mới. Những ngày giáp hạt sau Tết thì lại càng khó mang các em lại trường học vì các em phải lên rừng kiếm cái về ăn…
Rất nhiều phụ huynh đưa ra cái lý rất cùn rằng: “Các thầy cô mang nó về trường nuôi được thì cứ mang về, còn nếu tao vẫn phải nuôi thì nó vẫn phải ở nhà đi làm nương. Khi nào làm xong tao sẽ lại cho đi học tiếp”. Nhiều khi các thầy cô giáo cũng “lực bất tòng tâm” với nhiều gia đình...”
Giáo viên sáng lên lớp, chiều đến bản dắt học sinh... về trường
Để có được con số 1.300 học sinh/5000 dân, lãnh đạo xã, các thầy cô giáo ở Kim Bon đã phải mất công, mất sức, dồn tâm huyết rất nhiều. Đó là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi.
Tuy nhiên, vấn nạn các em học sinh nghỉ học tràn lan mỗi khi mùa vụ đến vẫn là bài toán nan giải ở xã miền núi Kim Bon này.
“Các thầy, cô giáo ở Kim Bon, sáng đến lớp dạy học, chiều lại phải đến bản vào từng nhà để động viên các bậc phụ huynh cho con trở lại lớp. Các thầy cô ở đây vẫn phải hằng ngày bỏ tiền túi của mình ra để mua kẹo chia cho các em, để các em có niềm vui và động lực đến lớp. Những em nào đi học đều đặn, chăm ngoan, học giỏi hàng tuần sẽ được thưởng 3-5 chiếc kẹo…”, thầy giáo Hà Trọng Nghĩa cho hay.
Công tác vận động đến từng hộ gia đình có con em trong độ tuổi đến trường luôn được lãnh đạo xã và Ban giám hiệu các trường chú trọng, bám sát.
Với những tường hợp học sinh nghỉ quá 2 ngày, Ban giám hiệu nhà trường sẽ cử giáo viên chủ nhiệm xuống tận nơi tìm hiểu nguyên nhân và động viên phụ huynh cho con tiếp tục đi học…
Trẻ em ở Kim Bon mới 6 tuổi đã biết đi làm nương. Mỗi khi mùa vụ tới, những đứa trẻ này lại phải gián đoạn việc học ở trường về nhà giúp gia đình. (Ảnh Thu Hòe) |
Ngoài công tác vận động tại nhà, cứ 2 tháng ở các điểm trường sẽ tổ chức 1 lần hội diễn văn nghệ, tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể ngoài trời có thưởng cho học sinh với mong muốn duy trì và kéo đươc các em về lớp.
Ông Vũ Tiến Đĩnh, Bí thư Đảng xã Kim Bon cho biết: “Để hạn chế hiện tượng học sinh trong xã nghỉ học, gián đoạn việc học vào những thời điểm mùa vụ, ngày giáp hạt, chính quyền xã Kim Bon đã sử dụng đến những chế tài bắt buộc để buộc phụ huynh không được bắt con nghỉ học về nhà đi làm. Ví như: Gia đình nào có con em đến tuổi đi học mà không đi học 100%, mùa vụ đến bắt con cái nghỉ học về nhà đi làm… sẽ không được xã xem xét cho hưởng các chế độ ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Do đó, hiện tượng học sinh nghỉ học đồng loạt vào thời điểm mùa vụ, ngày giáp hạt đã giảm so với những năm trước đó…”
Có em phải nghỉ học 3-4 ngày, có em nghỉ 1 tuần, có những em nghỉ học cả tháng và cũng có những em phải nghỉ học hẳn để phụ giúp gia đình hoặc lấy vợ, lấy chồng khi chưa học xong cấp 1. (Ảnh Thu Hòe) |
Còn về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên, bà Hoàng Thị Lan, Trưởng phòng nêu quan điểm: “Đây là một vấn nạn không chỉ có ở riêng Kim Bon mà nhiều xã miền núi trong huyện, trong tỉnh cũng đang diễn ra. Biện pháp duy nhất có thể áp dụng là vận động đến từng hộ dân để họ thay đổi suy nghĩ và nhận thức.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên đã chỉ đạo các trường và tham mưu cho chính quyền xã đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục để người dân hiểu được động cơ và mục đích của việc cho con em mình đi học và những hậu quả nhãn tiền cũng như lâu dài của việc bắt con cái nghỉ học ở nhà đi làm, phải gián đoạn quá lâu việc học tập.
Một khi người dân chưa thay đổi nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của việc học hành thì tình trạng này vẫn sẽ không được cải thiện.
Do đó, trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên sẽ tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với chính quyền xã Kim Bon, tập thể các thầy, cô giáo ở các điểm trường đẩy mạnh công tác vận động, thuyết phục để giảm thiểu đến mức tối đa hiện tượng này.
Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.
Mọi sự ủng hộ xin gửi về:
- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam
- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888
- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy