;
1. Mười hai năm về trước, có một vị thầy từ phương xa đến chùa Long Sơn (Nha Trang) xin nhập hạ an cư. Vị này rất tài hoa, vừa là dịch sư, giảng sư, vừa là kinh sư
(ứng phó đạo tràng), trời phú cho thầy một chất giọng tụng kinh rất truyền cảm. Trong suốt ba tháng hạ, sáng nào thầy cũng tham gia khóa công phu khuya và đặc biệt sau giờ công phu, thầy ở lại một mình trên chánh điện, tiếp tục trì tụng kinh “Kim cang” bản Hán văn, âm điệu nghe rất trầm hùng.
Hạnh tu của thầy đã va chạm đến nội tâm của Ôn trụ trì Chí Tín, Ôn cảm kích và thương thầy vô cùng. Một phần cũng do bản kinh Kim cang gợi lại quá khứ trong đời Ôn. Ôn kể, thời trẻ, Ôn hay trì kinh Kim Cang, không hiểu sao bản thân Ôn thì an bình nhưng xung quanh Ôn và chuyện chùa luôn bất ổn, nhiều biến động...
2. Tiếp tục câu chuyện về vị thầy kia. Sau mùa an cư, thầy ấy về lại bổn tự ở quê. Thì biến động ập đến, giữa thầy và huynh đệ trong chùa bất hòa bởi ngôi “cửu ngũ”, xảy ra một trận “thư hùng” dẫn đến đã có người bại, chứ không phải “bất phân thắng bại”. Thầy bị thương trên thân nó hằn sâu vào tâm. Thầy không buông bỏ một cách dễ dàng, không chịu mình là người thua cuộc, thầy nộp đơn lên Giáo hội, đến cấp chính quyền… hức hay ngủ luôn bị nỗi đau ngự trị, lăn qua trở lại…không yên giấc.
Tôi đến thăm thầy, tôi nói, thầy trì kinh Kim cang, lẽ nào thầy không nhớ lời Phật dạy ở cuối bản kinh:
“Tất cả pháp hữu vi như mộng, như huyễn, như bọt nước, như ảnh ảo, như sương, như điện chớp, phải nên quán như vậy.”
(Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh; như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán 一切有為法, 如夢, 幻, 泡, 影, 如露亦如電, 應作如是觀).” (Kim cang bát-nhã ba-la-mật kinh [金剛般若波羅蜜經] 卷1, T08n235, p. 752b28).
3. Kinh Kim cang, trong tạng Đại chánh còn bảo lưu rất nhiều bản dịch và chú giải, những bản chính:
Thứ nhất, bản “Kim cang bát-nhã ba-la-mật kinh” (金剛般若波羅蜜經), có 3 bản dịch, của La-thập (Kumārajīva) dịch thời Diêu Tần, Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) dịch thời Nguyên Ngụy, và Chân-đế (Kulanātha) dịch thời Trần.
Thứ hai, “Năng đoạn kim cang bát-nhã ba-la-mật kinh” (能斷金剛般若波羅蜜多經), Nghĩa Tịnh dịch thời Đường.
Thứ ba, “Năng đoạn kim cang (能斷金剛), Huyền Trang dịch trong phần Đại bát-nhã ba-la-mật, quyển 577.
Thứ tư, “Kim cang năng đoạn bát-nhã ba-la-mật kinh” (金剛能斷般若波羅蜜經), Cấp-đa (Dharma-Gupta) dịch thời Tùy.
Có thể lâu nay, người học và trì tụng ít ai để ý đến sự khác biệt giữa các đề kinh. Đây chính do cách dịch theo văn phạm ngữ pháp tiếng Phạn của mỗi vị.
Tên kinh bản Phạn (Sanskrit): Vajracchedikā[-prajñāpāramitā].
Vaijra (masculine/neuter), dịch là đá kim cương (cang); chedikā (adj., feminine, sg., nominative) dịch là cắt chém; Vajracchedikā làm hợp từ ‘bahuvrīhi’ (hữu tài thích), tỉnh lược tu sức cho prajñāpāramitā (Bát-nhã ba-la-mật).
La-thập, Bồ-đề-lưu-chi, Chân-đế dịch “Kim cang bát-nhã ba-la-mật kinh”, lược từ cắt chém (năng đoạn). Có thể các vị này hiểu theo cách “Vajra-chedikā” (kim cang năng đoạn) làm hợp từ ‘karmadhāraya’ (trì nghiệp thích), quan hệ đồng vị cách thì “kim cang” chính nó đã có khả năng cắt chém (năng đoạn), nên chỉ dịch ‘Kim cang’ là hàm nghĩa đủ cả cắt chém.
Nghĩa Tịnh, Huyền Trang dịch “Năng đoạn kim cang…”, Kim cang trở thành túc từ, tức bổ nghĩa cho năng đoạn, nghĩa là hiểu theo cách: phiền não cứng như kim cương (cang), chỉ có trí Bát-nhã mới đoạn trừ được, ở đây “năng đoạn” như một gerund (danh động từ).
Còn Cấp-đa dịch “Kim cang năng đoạn…”, chedikā trở thành danh từ năng động, sự cắt chặt của Kim cang, nhấn mạnh đến chữ chedikā, ý này hiểu theo truyền thống Ấn-độ, là một quá trình chiến thắng tự ngã (ātman).
4. Giáo nghĩa kinh Kim cang dạy con người tiêu trừ bản ngã. Tiêu diệt ngã chấp là lộ trình tối hậu đi đến cuộc cách mạng triệt để của nội tâm, cần đánh đổi, trả giá với khổ lụy hình hài, không phải một sớm một chiều quá dễ dàng cho kẻ học đạo. Để diệt trừ và không thấy sự tồn tại sở y trên tự ngã, hành giả phải đạt đến định tưởng thọ diệt (saṃjñāveditanirodhasamāpatti) và để nhìn thấy các pháp hữu vi như mộng như huyễn bắt buộc phải thay đổi đôi mắt thịt bằng đôi mắt tuệ quán.
A-la-hán hay các vị Bất hoàn mới có thể chặn đứng dòng vận hành của tâm, dập tắt tự ngã… Quả vị ấy luôn thử thách cho những ai luôn mãnh liệt khát khao tìm giác ngộ.
Mùng 10 tháng Chạp, Quý mão.
Tâm Nhãn