Tôi sinh ra và lớn lên trong lòng của Phật pháp. Trong cuộc đời mọi thuận duyên và chướng chuyên đều là Phật pháp. Giờ ngọ năm ấy, ngày rằm lúc 11h, đứa bé ấy đã một lần nữa, một điệp khúc của muôn ngàn điệp khúc ấy dấy lên – Tiếng khóc của một trẻ thơ chào đời. Sau tiếng khóc ấy là những cơn đau, rồi những mộng ảnh đau khổ nghèo nàn lại đến, đó chính là những di sản của tôi, cũng là hạnh nguyện. Vì có những tiếng khóc, những cơn đau, những cơn đói ấy, nó mới chính là những vị Bồ tát đã theo tôi, dạy cho tôi phải biết quay trở lại, phải nhớ những điều ấy đã làm.
Một loại văn tự thô sơ, xin tạm mượn gọi đó là Hạnh nguyện của tôi – Hạnh nguyện ấy chính là phương tiện đưa tôi vào Phật đạo trong những cái trần gian gọi là đau khổ. Những nét đau khổ đó nó luôn luôn là ánh sáng trí huệ giúp cho tôi rất nhiều, không có nó thì con người tôi khó đạt đến sự an lạc. Lỡ tôi ra đời trong một gia đình giàu có sung túc, ăn chơi trác táng, cứ chạy mãi theo những thứ đói thì ngày gặp đạo thật khó. Khi chạy theo những thứ đó nó sẽ làm đắm chìn mình trong vọng tưởng, những cảm xúc thọ cảm, những điều si mê, nó sẽ dẫn ta đi mãi không dừng trụ được. Vì chúng ta đã quen hấp thụ thọ nhận rồi. Trở về tiền kiếp của đức Phật đã từng trong vô lượng kiếp đã mang những hạnh nguyện Bồ tát thọ sanh vào trong những khổ đau để độ sinh. Với chúng ta thì nhìn thấy sự đau khổ đó là thật, vì chúng ta đã hình thành đầy đủ ngã chấp pháp chấp, thấy thật có ta, thật có người, thật có sự nghiệp tôi tớ, vườn đất…Trong kinh Lăng Già ngài Bồ Tát Đại Huệ đã hỏi Đức Phật về sự nghiệp tôi tớ, quốc độ cùng tất cả vạn pháp, thì Đức Phật chỉ trả lời một chữ “Phi” thôi, không nói gì thêm. Vì tất cả hiện tướng kia từ trong tâm đến hữu hình bên ngoài, từ thô cho đến vi tế cũng nằm trên cái lý duyên hợp mà hình thành thôi, chúng đều là giả hợp. Ngay đó gọi là không tướng, vì không có tướng thật thể của nó, mỗi cá nhân cho đến mỗi pháp mỗi vạn niệm chúng đều do rất nhiều chi tiết, nhiều hình sắc, nhiều duyên, nhiều thọ cảm, nhiều tưởng, hành, thức. Tức là ngũ ấm; sắc, thọ, tưởng, hành, thức năm cái này chồng lên nhau, chồng lên, trùng lên ở mọi khía cạnh khác nhau, mà hình thành nên sự vật. Cho nên mỗi chúng đều không có thực thể của nó, nên ngài bảo rằng “phi” là vậy. Nhưng ở đây phi này cũng không có nữa, vì tất cả những nghĩa lý văn tự tôi đang viết mọi người cũng nhìn thấy, cũng cảm thọ nhận đó cũng do sự duyên hợp có từ đức Phật, có từ quá khứ, hiện tại vị lai mà hình thành. Toàn bộ một chuỗi hình thành như vậy đây là “ sở tri chướng”. Chúng ta đều sống trên sở tri chướng đó cả. Từ khi ta thật sự làm chủ lấy nó mới thoát khỏi. Đây là một điều Đức Phật đã thị hiện hoằng hóa trong 49 năm, cuối cùng Ngài bảo rằng: “ Ta không nói gì cả”.
Ngày xưa Sĩ Đạt Đa, một vị thái tử có tầm đầy đủ tất cả những gì ở thế gian này, sự nghiệp, tôi tớ, giàu sang, quốc độ, vợ đẹp con thơ…Nhưng những thứ hạnh phúc, những thứ đó Ngài đã biết nó chỉ là những ràng buộc “ sở tri chướng” – Kiếp trược của chúng sinh mà thôi. Hàng ngày, hàng đêm sự nghiệp đó nó đã chuyển động từng giây từng sát na trong tâm trí của Ngài. Ngài đã nhìn thấy nó bằng sự sáng của tâm thể, mỗi sự chuyển thể đó, từ những sự rung động nhỏ Ngài đều có cảm nhận lấy nó, cho đến khi những kết nối đó trở về với chính Ngài. Cuối cùng cuộc đi dạo ở 4 cửa thành, những sự đau khổ, sanh, lão, bệnh, tử, những cái ấy đã nổ vang lên, chúng đã thật sự sống lại trong từng sự vật vạn niệm. Khi đã có mặt trong từng sự vật vạn niệm ấy nó đã hình thành nên Đại Bi vô ngã của Sĩ Đạt Đa, và rồi trong một đêm Ngài đã chạy về chính với nó, với lòng Đại Bi vô ngã.
Một chuyến hành hương vừa qua, tôi đã trở về nơi ấy, đất nước hung vĩ của một vĩ nhân, người thầy của 3 cõi, đáng trân trọng như thế.
Đến với Ấn Độ, với một nỗi lòng khó tả. Chắc có lẽ cái khó tả đó là lòng Đại Bi của Ngài, hột giống Đại Bi của Ngài luôn hằng có trong nhân gian. Thời tiết ở đây thật bất thường; ban ngày cũng không mấy gì lạnh, nhưng bất thần ban đêm thời tiết lại xuống thấp, cái lạnh thấu vào da thịt – Ở nơi đây ăn mặc cũng gần giống như người bản xứ; mặc áo lạnh, choàng khăn, choàng cả đầu. Những động tác choàng, những cảm thọ nóng ấm sau khi choàng khăn, làm cho chúng ta tự quay lại với chính mình. Mới ban đầu thấy nó rất là phiền phức, phức tạp, nhưng sau càng lúc càng thấy hay hay. Vì trong cơn lạnh ấy, quấn choàng trùm khăn ngồi thiền thật hay, nó làm cho chúng ta có những ý niệm quay lại với mình, rồi trong con người chính mình lại tạo nên những hơi âm nóng, làm cho tư thế ngồi, cho người ngồi tu học ít vọng tưởng. Người Ấn Độ họ được những thứ đó, thấy nó rất tầm thường, nhưng nếu ai chí tâm thành đến miền đất linh ấy để tu học sẽ thấy những thứ đó; thiên nhiên ưu đãi. Con người từ chỗ lạnh qua ấm dễ chịu thoải mái, tâm thức thanh thoảng rất giúp ích cho người mới tu tập. Còn người chuyên tu trong tư thế ngồi thiền kiết già, bản thân tự sanh ra nóng ấm toàn thân; bên ngoài thì lạnh, khăn choàng, áo choàng tạo nên những thứ an lạc, rất giúp cho hành giả tu học. Từ đó nếu chúng ta trì niệm về thần chú, thì ngay nơi bản tâm trong thân đó nó sẽ phát khởi lên những âm thanh vang trong nội thức. Bởi những tác động của âm dương cơ thể giúp con người tạo ấm thích nghi. Sự năng động trong tâm đó giúp cho người hành giả tu niệm rất tốt, vì mỗi giờ phút đều hay biết tỉnh giác trong yên lặng. Thật là một vùng đất thiên.
Khi chúng ta về nơi ấy với tâm thành tưởng nhớ, nhẹ nhàng, an lạc, thì người hành giả chính nơi ấy tự nhiên hoát nhiên ngộ nhập những lý siêu huyền, mà những thứ ấy từ trước chưa bao giờ thấy qua. Nếu có thấy qua cũng không được trọn vẹn bằng nơi đây. Cái khí thiêng đó là do lòng đại từ - đại bi, trí huệ siêu việt ấy không bao giờ mất. Vì lòng từ bi, trí tuệ đó nó đã có sẵn trong tâm tánh của mỗi chúng sinh. Cái đó là Phật tánh – Ai cũng có Phật tánh, ai cũng sẽ thành Phật. Đức Phật đã từng nói “ Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, Ngài đã thấy “như vậy”. Cho nên khi Ngài vào rừng tu khổ hạnh, đã cùng những vị chân sư nhập vào định Vô tưởng, Phi tưởng thiền, định của cõi vô sắc giới. Nhưng ngay nơi đấy Ngài đã nhìn thấy định kia cũng còn những sự vi tế trong vòng sanh tử. Ngài đã từ bỏ ra đi để tìm một chân lý giải thoát thật sự. Một loại giải thoát ra ngoài 3 cõi; dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Nhưng ngay nơi đó nó cũng khoongg ly ngoài 3 cõi, nên chân lý đó nó có ở khắp mọi nơi, mà ly mọi nơi. Với chân lý đó, với giáo pháp đó đức Phật nhập Niết Bàn, nhưng những giáo pháp đó cũng chưa từng nhập Niết bàn. Như vậy, để đến hôm nay chúng sinh nào có tâm thành hướng về Phật đạo, thì ngay nơi ấy giáo pháp đó sẽ trường cửu, đại hội Linh Sơn không bao giờ mất, sinh khí, năng lực, khẩu tâm âm của Ngài không bao giờ mất. Giáo lý như vậy, thì không thể chúng tà đạo phá hủy được giáo pháp của Như lai cả. Như lai nhập đạo, nhưng nơi chúng ngoại đạo mang tâm phá hủy giáo pháp Ngài, thì tức ngay nơi đó Ngài cũng đang hoằng hóa đạo mầu.
Đã bao lần sự nghiệp đạo hữu hình bị phá vỡ, nhưng giáo pháp của Như lai không bao giờ phá hủy. Vì giáo pháp bí mật ấy được tàng chứa trong tâm của tất cả chúng sanh vạn niệm. Những hạt giống ấy vẫn luôn luôn nảy mầm, đang chờ đón từng cá nhân vạn niệm nhìn thấy nó. Nó luôn luôn cuồn cuộn sung mãn ở khắp mọi nơi -Đó là Thai tạng giới giáo pháp của Như lai, và nó luôn luôn được tàng chứa bí mật trong vạn niệm, vạn pháp – Đó là Kim cang tạng giới, giáo pháp của Như lai, thành trì bí mật đó có ai đến đó mà phá hủy giáo pháp của Như lai…