nguoiphattu.com Qua hơn 80 năm trụ thế, gần 60 năm tuỳ duyên hóa độ chúng sinh, đóng vai long trượng trong Phật pháp, mô phạm chốn rừng thiền, bậc thạch trụ của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Kim Cương Tử đã hiến dâng trọn cuộc đời tu hành, hoằng dương Chính pháp, lợi lạc quần sanh, hộ quốc an dân, tốt đời đẹp đạo qua những chặng đường, giai đoạn khác nhau của lịch sử và xã hội cũng như Phật giáo Việt Nam.
1. Mở đầu: Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chiến thắng
mùa xuân 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, giang
san nối liền một cõi, Bắc – Nam sum họp một nhà. Các tổ chức chính trị, đoàn
thể xã hội đã thống nhất thành một tổ chức duy nhất. Đây cũng là cơ duyên, điều
kiện tất yếu để Phật giáo Việt Nam thống nhất thành một tổ chức Giáo hội trong
một nước Việt Nam thống nhất – Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng
thời để đáp ứng nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam của Tăng Ni, Phật tử
Việt Nam đã có từ bao đời và kế thừa sự nghiệp 2000 năm của Phật giáo Việt Nam.
Năm 1980, chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội,
Hệ phái Phật giáo cả nước đã toàn tâm, toàn trí đi đến thống nhất Phật giáo
Việt Nam, kết quả là một Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đã hình
thành. Hòa thượng Thích Đức Nhuận – Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất
Việt Nam, HT. Thích Đôn Hậu – Chánh Thư ký Xử lý Viện Tăng thống GHPGVNTN làm
chứng minh, Hòa thượng Thích Trí Thủ - Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN làm
Trưởng ban Vận động, Quý Hòa thượng Thích Thế Long, Thích Trí Tịnh, Thích Bửu
Ý, Thích Giới Nghiêm, Thích Minh Nguyệt làm Phó ban và các thành viên: HT.
Thích Minh Châu, TT. Thích Thanh Tứ, TT. Thích Từ Hạnh, TT. Thích Giác Toàn,
TT. Thích Thiện Tâm, NT. Thích nữ Huỳnh Liên, NT. Thích nữ Liễu Tánh, Cư sĩ Võ
Đình Cường v.v…
Qua một thời gian gần 02 năm, công tác hiệp
thương, bàn luận, trao đổi về nội dung, chương trình hành động đã hoàn tất. Từ
ngày 04 đến 07/11/1981, tại chùa Quán Sứ - Thủ đô Hà Nội, đã diễn ra Đại hội
Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Đại hội đã thành lập “Giáo hội Phật giáo Việt
Nam”, thông qua Hiến chương, thành phần lãnh đạo Trung ương Giáo hội, gồm Hội
đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự. Hòa thượng Thích Đức Nhuận được Đại hội suy tôn
lên ngôi vị Pháp chủ đầu tiên GHPGVN; Hòa thượng Thích Trí Thủ được Đại hội suy
cử làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ I GHPGVN và một Ban Thường trực Hội
đồng Trị sự cùng các Ban chuyên môn. Hòa thượng Kim Cương Tử được Đại hội suy
cử làm Trưởng ban Nghi lễ Trung ương thuộc Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, từ
nhiệm kỳ I (1981 - 1987) đến ngày viên tịch (01/4/Tân Tỵ - 03/4/2001). 2. Trên cương vị là thành viên Ban
Thường trực, phụ trách Nghi lễ Trung ương Giáo hội:
Hòa thượng đã gia tâm, dụng trí nghiên cứu để
xác định ngày Rằm tháng tư âm lịch là ngày Phật đản sinh. Qua bản thuyết trình
của Hòa thượng trong phiên họp Ban Thường trực, Hội nghị Trung ương Giáo hội kỳ
II khóa I ngày 24/01/1983 đã chấp thuận công trình nghiên cứu của Hòa thượng và
thông qua Nghị quyết lấy ngày Rằm tháng 4 âl, là ngày Đại lễ Phật đản trong
toàn quốc và là ngày Đại lễ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do Hòa thượng
Thích Trí Thủ thay mặt Chủ toạ đoàn ấn ký. Đây là dấu ấn đầu tiên về công tác
Nghi lễ mà Hòa thượng đã để lại cho lịch sử Phật giáo Việt Nam trong hiện tại
và mai sau. 3. Về công tác Giáo dục, đào tạo Tăng
tài cho Giáo hội:
Đối với Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở
I, được thành lập trên cơ sở Trường Tu học Phật pháp Trung ương – Hội Phật giáo
Thống nhất Việt Nam và khai giảng sau ngày Bế mạc Đại hội Thống nhất Phật giáo
Việt Nam (11/1981), do Hòa thượng Thích Minh Châu – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư
ký Hội đồng Trị sự làm Hiệu trưởng, Hòa thượng Thích Trí Tâm là Hiệu phó. Với
cương vị là thành viên Ban Giám hiệu, Ban Giảng huấn, giới đức kiêm ưu, Phật
học uyên bác, Hán học lão thông, Hòa thượng đã dồn hết tâm lực, trí lực hướng
dẫn Tăng Ni sinh khóa I về môn Luật học, kết quả có 37 Tăng Ni sinh ra Trường
(1985), ngày nay đã trở thành những nhà lãnh đạo Phật giáo thuộc thế hệ kế thừa
trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự như TT. Thích Thanh Nhiễu, TT. Thích Bảo
Nghiêm, TT. Thích Gia Quang, TT. Thích Thanh Duệ, TT. Thích Thanh Điện, TT.
Thích Thanh Ninh v.v…
Bước sang khóa 2, vì lý do tài chính và cơ sở,
nên đến năm 1994 mới tái khai giảng, do Hòa thượng làm Hiệu trưởng. Đến năm
1997, Chính phủ đã chấp thuận tại Quyết định số 19CP ngày 23/6/1997 cho phép
Giáo hội đổi tên các Trường Cao Cấp Phật học Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, Huế
và Hà Nội thành Học viện Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng tiếp tục làm Viện
trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, đào tạo thêm 02 khóa (1994 -
2002), có 175 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp Cử nhân Phật học, đào tạo thêm một số
nhân tài cho Phật giáo Việt Nam nói chung, và khu vực phía Bắc nói riêng, để
đảm trách một số công tác Phật sự tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo và một số
du học nước ngoài đã thành tài, đạt đức như: TT. Thích Thanh Quyết, TT. Thích
Minh Trí, ĐĐ. Thích Thọ Lạc, ĐĐ. Thích Minh Quang v.v… 4.
Về phương diện nghiên cứu, phiên dịch:
Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 2
(1987), Hiến chương được tu chỉnh, nâng số Ban ngành Trung ương Giáo hội từ 6
lên 8 Ban, là Ban Kinh tế Nhà chùa/Từ thiện Xã hội và Viện Nghiên cứu Phật học
Việt Nam. Đại hội đã suy cử Hòa thượng Thích Minh Châu làm Viện trưởng. Một Hội
đồng Quản trị được thành lập, Hòa thượng Thích Minh Châu làm Viện trưởng, Hòa
thượng Kim Cương Tử làm Phó Viện trưởng phụ trách Luật tạng v.v… Hòa thượng
Thích Trí Tịnh – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ký Quyết định số
111/QĐ/HĐTS ngày 17/3/1990 bổ nhiệm Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Phật học
Việt Nam và Hội đồng Chỉ đạo ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam.
Trên cơ sở đó, năm 1990, Hòa thượng xin phép
Chính phủ và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thành lập Phân viện Nghiên cứu
Phật học Việt Nam tại Hà Nội, do Hòa thượng làm Phân Viện Trưởng. Một Nội san
Nghiên cứu Phật học, sau này là Tạp chí Nghiên cứu Phật học học do Hòa thượng
làm Tổng Biên tập được ra đời; và đồng thời hình thành Ban Phiên dịch ấn hành
Đại Tạng Kinh Việt Nam tại Hà Nội do Hòa thượng làm Trưởng ban. Trong Diễn văn
khai mạc thành lập Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hòa thượng nói: “Từ
năm 1981, Phật giáo cả nước ta thành một đại gia đình Phật pháp, gọi là Giáo
hội Phật giáo Việt Nam. Hoạt động theo phương châm 3 điểm: Đạo pháp – Dân tộc –
Chủ nghĩa Xã hội, tiến tới thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam vào hồi
đầu năm 1989, trực thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Hội đồng Trị sự
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp lần thứ 3 khóa 2, cũng là Viện
Nghiên cứu nầy, nay lập ra Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại phía Bắc
nước nhà để được thuận tiện cho chư vị tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức,
các vị Phật tử, Cư sĩ, Trí thức tại Thủ đô và các địa phương, tỉnh, thành phía
Bắc nghiên cứu, sưu tầm, hoằng dương Chính pháp, phát huy tinh thần cao cả quý
báu của Phật giáo, là đạo của Dân tộc, là Phật giáo của Việt Nam”.
Qua đó cho thấy, Hòa thượng đã tuần tự cống hiến
công sức mình cho sự nghiệp văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Với Nội san
– Tạp chí Nghiên cứu Phật học mỗi tháng xuất bản 02 kỳ. Mỗi kỳ xuất bản được
10.000 quyển và đến năm Hòa thượng viên tịch đã xuất bản được 60 số. Tổng cộng
60.000 quyển, với nội dung theo từng chủ đề: Phật học. lịch sử, văn học, văn
hóa, thi ca, tin tức Phật sự. Trong công tác biên tập, Hòa thượng thường tâm
sự: “Công việc biên tập, chỉnh sửa bài vở, cũng như người sửa lại chiếc áo do
được may từ nhiều thứ vải khác nhau, mục đích làm sao cho chiếc áo đẹp, vừa
vặn, hợp ý người mặc là điều quan trọng. Công tác biên tập bài vỡ cũng như
thế…”. Đồng thời, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng, Phân viện Nghiên cứu Phật
học Việt Nam đã ấn hành một số đầu sách như:
- Phật giáo với Văn hóa dân tộc
- Phật giáo với vấn đề triết học
- Thiền Uyển Tập Anh
- Kinh Phạm Võng
- Kinh Thiện Sinh
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa diễn ca
- Kinh Lương Hoàng Sám
- Kinh Bi Hoa
- Kinh Từ Bi Thủy Sám
- Khuyến Phát Bồ đề Tâm
- Bát nhã dư âm
- Phật giáo Chính tín
- Phật học Quần nghi
- Lịch sử Phật giáo Thế giới tập 1, 2
Với công tác ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, Hòa
thượng làm Trưởng ban Phiên dịch cùng Quý Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Thích Tâm
Thông, Thích Thanh Huấn, Thích Thanh Kiểm, Thích Thanh Chỉnh… phiên dịch, hiệu
đính bộ Đại Luật Tứ Phần 60 quyển do Tam tạng Pháp sư Phật Đà Da Xá và Trúc
Phật Niệm dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán, đã hoàn thành 30/60 quyển, tổng cộng
khoảng 12.00 trang, chia làm 04 tập để ấn hành, góp phần tư liệu về Luật tạng
cho Đại Tạng Kinh Việt Nam.
Năm 1992, Hòa thượng còn làm Chủ biên và hợp tác
cùng Quý Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, HT. Thích Thanh Tứ, TT. Thích Thanh
Nhiễu, TT. Thích Thanh Ninh, TT. Thích Gia Quang, TT. Thích Thanh Duệ, TT.
Thích Thanh Đạt …, Giáo sư Hà Văn Tấn, Trương Đình Nguyên … biên soạn bộ Tự
điển Phật học Hán Việt, gồm 02 tập, gần 10 vạn 5 ngàn từ, giúp cho Tăng Ni,
Phật tử có cơ sở tra cứu và học tập trong chương trình phát huy văn hóa dân tộc
và Phật giáo Việt Nam, mà Hòa thượng đã đóng góp một cách tích cực và giá trị
muôn đời trên diễn đàn văn học Phật giáo Việt Nam.
5.
Về công tác tổ chức:
Với trách vụ Ban Thường trực Hội đồng Trị sự,
Trưởng ban Nghi lễ Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà
Nội, Phân Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí
Phật học Nghiên cứu – thuộc Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hòa thượng
đã được Hòa thượng Thích Thế Long – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự
thay mặt Trung ương Giáo hội ký Quyết định số 19, ngày 27/01/1983 điều công tác
từ Thành hội Phật giáo Tp. Hải Phòng về trụ tại chùa Trấn Quốc, đảm nhiệm chức
vụ Trụ trì chùa Trấn Quốc năm 1983, tham gia công tác Phật sự tại Trung ương và
Thành hội Phật giáo Tp. Hà Nội. Kể từ tháng 3/1985, sau khi HT. Thích Thế Long
– Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN viên tịch, Hòa thượng đã được
Trung ương Giáo hội cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự cho đến
ngày xả báo an tường vào tháng 4/2001. Tại Đại hội Phật giáo Tp. Hà Nội lần thứ
2 (1987), Hòa thượng được Đại hội suy cử làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị
sự Thành hội Phật giáo Tp. Hà Nội kiêm Ủy viên Giáo dục Tăng Ni, giảng dạy môn
Luật học tại Trường Trung cấp Phật học Tp. Hà Nội, chủ trì các khóa An cư Kiết
hạ hằng năm, nhằm duy trì tòng lâm quy cũ Phật chế, thúc liễm thân tâm, trau
dồi ba môn Vô lậu học Giới – Định – Tuệ, lợi lạc tự thân và lợi ích xã hội;
tham gia hàng Giới sư các Đại Giới đàn, đã truyền trao giới pháp cho hàng trăm
giới tử đắc giới, trở thành Pháp khí Đại thừa, xuôi dòng bản thể, thuận lý chân
như, lợi đạo ích đời; nhất là phát triển Phật giáo Thủ đô ngày càng trang
nghiêm, huy hoàng trong lòng dân tộc, xứng đáng là Thủ đô Ngàn năm Văn hiến,
trái tim của Tổ quốc, cái nôi của Phật giáo Việt Nam xưa cũng như Giáo hội Phật
giáo Việt Nam ngày nay.
6.
Trên phương diện xây dựng, phát triển cơ sở:
Với vai trò Trụ trì chùa Trấn Quốc, Hòa thượng
đã trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, xây dựng thêm các
hạng mục phụ, trang trí nội thất v.v… và kiến tạo tòa tháp Lục độ tòa sen sừng
sững giữa bầu trời Hồ Tây thơ mộng, uy nghiêm. Trong lời kêu gọi công đức trùng
tu chùa Trấn Quốc tại hội trường Ba Đình – Hà Nội, Hòa thượng nói: “Ban Vận
động tu bổ di tích danh thắng chùa Trấn Quốc kính mời các vị, hôm nay Tôi tới
đây là để tỏ rõ tấm lòng cao cả hưởng ứng việc công đức của các vị, đem hằng
tâm hằng sản, chí thành ủng hộ việc tu bổ chùa Trấn Quốc… để việc làm đi đến
kết quả trọn vẹn”. Nhất là lúc nào Hòa thượng cũng hướng về nơi chôn nhau cắt
rốn, nơi sản sinh ra con người có ích Đạo pháp và Dân tộc qua các thời kỳ khác
nhau của lịch sử, nên Hòa thượng đã dồn tâm lực trùng tu từ đường, cải thành
chùa Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, Nam Định, làm cơ sở tín ngưỡng cho địa phương và
cho thân tộc, đồng thời cũng ghi lại dấu ấn muôn đời cho Phật giáo Việt Nam,
môn phái Trấn Quốc và hàng đệ tử trong mai hậu.
7.
Về quan hệ ngoại giao, quốc tế:
Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam nay là Giáo
hội Phật giáo Việt Nam là một thành viên sáng lập Hội Phật tử Châu Á vì hoà
bình năm 1972. Trụ sở đặt tại Thủ đô Ulanbator – Mông Cổ. Do đó, trong các Hội
nghị khoáng đại của Tổ chức, Hòa thượng đã được Trung ương Giáo hội cử đi cùng
Quý Hòa thượng Thích Minh Châu – Phó Chủ tịch ABCP Quốc tế, Chủ tịch ABCP Trung
tâm Việt Nam, dự các Hội nghị, thăm viếng các nước thành viên Mông Cổ, Liên Xô
(nay là Liên bang Nga), CHDCND Lào, CHND Campuchia (nay là Vương quốc Campuchia),
cũng như đón các phái đoàn Phật giáo Nhật Bản, Hàn Quốc, Srilanka tại Trụ sở
Trung ương Giáo hội – Chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc - Hà Nội v.v… nhằm thắt chặt
tình hữu nghị các nước, Phật giáo Việt Nam cùng tổ chức ABCP ngày càng phát
triển, góp phần ổn định tình hình thế giới, củng cố hòa bình an lạc cho thế
giới và hành tinh của chúng ta. Và đấy cũng là nguyện vọng tha thiết của Hòa
thượng đã gửi gắm qua bài: “Tam học và hòa bình”, có đoạn viết: “Chúng ta cầu
Phật từ bi gia hộ giải trừ ách nạn cho hết thảy loài người, khiến trên khắp thế
giới đều được hòa bình an lạc, đồng thời ngăn chận những kẻ dữ cương cường,
chúng sinh không tiếp tục gây những ác nghiệp, tội lỗi nặng nề. Làm sáng tỏ
công đức lợi ích của môn Tam Vô lậu học (Giới, Định, Tuệ) cao sâu mầu nhiệm.”.
Hay nói khác đi: “Tâm bình thì thế giới Hòa bình” (Kinh Lăng Nghiêm). 8. Lời kết:
Qua hơn 80 năm trụ thế, gần 60 năm tuỳ duyên hóa
độ chúng sinh, đóng vai long trượng trong Phật pháp, mô phạm chốn rừng thiền,
bậc thạch trụ của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã hiến dâng trọn cuộc đời tu
hành, hoằng dương Chính pháp, lợi lạc quần sanh, hộ quốc an dân, tốt đời đẹp
đạo qua những chặng đường, giai đoạn khác nhau của lịch sử và xã hội cũng như
Phật giáo Việt Nam. Nhưng trước sau như một, Hòa thượng vẫn kiên trì chí nguyện
tu hành giải thoát, chứng đại định Kim Cương. Quả thực: “Kim Cương mở mắt không
hoa rụng. Đại địa đồng về Tịch diệt trường”. Thế rồi, Hòa thượng hóa duyên đã
mãn, Phật sự viên thành, đến đi tự tại, như cánh nhạn giữa trời không, như bóng
trăng in đáy nước”, Hòa thượng an nhiên viên tịch vào ngày mùng 01 tháng 4 năm
Tân Tỵ, nhằm ngày 03/4/2001. Trụ thế 88 năm. Hạ lạp 60 năm. Quả thật: “Một mai
thân xác tiêu tan. Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời. Pháp thân lồng lộng tuyệt
vời. Sáng soi Pháp giới rạng ngời sử xanh”.
Nhân cuộc Hội thảo về Hòa thượng Kim Cương Tử,
chúng ta nhận thấy, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam
(07/11/1981 – 07/11/2011), Giáo hội đã đề nghị Nhà nước đặt tên đường cho 04 vị
Cao Tăng đã có nhiều công đức đóng góp cho sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt
Nam là Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích
Thế Long, Hòa thượng Thích Thiện Hào, nếu được chúng ta nên đề nghị thêm Hòa
thượng Kim Cương Tử (Thích Thanh Cung) và đặt cho tên đường vào chùa Trấn Quốc
(Hà Nội) hay đường vào chùa Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, Nam Định chẳng hạn. Đó cũng
là một hành động, một nghĩa cử tôn vinh công đức của một danh Tăng Giáo hội
Phật giáo Việt Nam và thể hiện tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật,
của Phật giáo Việt Nam./.
Tài liệu tham khảo:
- Kỷ yếu Đại hội Phật giáo lần thứ 1 (1981), thứ
2 (1987), thứ 3 (1992), thứ 4 (1997).
- Nội san, Tạp chí Nghiên cứu Phật học Phân viện
NCPHVN – Hà Nội.