;
I. TIỂU SỬ NGÀI MÃ MINH
Phần lớn các học giả Phật giáo phương Tây biết đến ngài Mã Minh qua trường ca “Phật Sở Hành Tán” (佛所行讚, S. Buddha-carita-kāvya), thi phẩm nổi tiếng về cuộc đời đức Phật, được viết bằng thơ Sanskrit. Với thiên tài thi ca (poetical genius) Sanskrit vô tiền khoáng hậu,[1] ngài Mã Minh đã góp phần đưa văn học Sanskrit Phật giáo đến đỉnh cao văn chương và triết lý.
Ngài Mã Minh không chỉ là một nhà thơ lớn mà còn là nhà đại diễn giả đầu tiên về giáo nghĩa và triết lý Đại thừa, thuộc vào hạng các nhà tư tưởng tiên phong sâu sắc, có nhiều đóng góp cho lịch sử phát triển tư tưởng Phật giáo. Ngài còn là một nhà biện tại vô ngại, một tác gia lớn và một nhạc sĩ.
Theo các luận sư Trung Quốc, quê quán của ngài Mã Minh ở nước Ba-la-nại thuộc Trung Ấn. Cha ngài là Lư-già (廬伽), mẹ ngài là Cù-na (瞿那), sống vào khoảng thế kỷ thứ sáu sau đức Phật niết-bàn vô dư.
Bản Sớ giải của Khởi Tín Luận giải thích về nguyên do ngài Mã Minh đã được dân gian gọi bằng biệt hiệu này. Sở dĩ ngài được gọi là “Mã Minh” (馬鳴) với nghĩa đen “ngựa cất tiếng hí,” là vì, theo truyền thuyết có ba lý do sau đây:
a) sự ra đời của ngài đã làm cho loài ngựa (mã) cảm động, hí (minh) hoài không dứt,
b) khả năng khảy điệu nhạc Rāstavara rất tài tình nhằm để tuyên dương pháp âm của ngài đã làm cho loài ngựa (mã) nghe được đều cảm kích hí vang (minh).
c) Có lần quốc vương nước Nhục Chi (月氏) muốn kiểm chứng hai điều nêu trên liền ra lệnh bỏ đói đàn ngựa đến 6 ngày liền. Khi ngài Mã Minh lên toà thuyết pháp, vua mới cho phép cung cấp cỏ cho đàn ngựa ăn. Thật ngạc nhiên, đàn ngựa say mê nghe pháp thoại, không thèm ăn cỏ, và do cảm động quá, chúng đã hí lên nhiều tiếng thán phục.[2]
Sở dĩ học giả phương Tây ít biết đến ngài Mã Minh là vì các tài liệu liên quan đến cuộc đời và đóng góp của ngài được viết bằng tiếng Sanskrit, trong khi đó, các tài liệu viết bằng chữ Hán và Tây Tạng lại chứa quá nhiều huyền thoại, đã làm cho một số học giả, chẳng hạn như giáo sư Kern cho rằng ngài Mã Minh không phải là một nhân vật lịch sử, mà chỉ là một nhân cách hoá của thần Kāla, một hình thái khác của thần Śiva.[3]
Trước khi xuất gia, ngài Mã Minh nổi tiếng chủ trương “ngã thể bất biến.” Khi được nghe tôn giả Phú-na-xa (富那奢)[4] phân tích về triết lý vô ngã trong đạo Phật, ngài Mã Minh đã cảm kích mà xuất gia tu Phật. Cuộc đối thoại lịch sử đó diễn ra như thế này.
Nghe danh ngài Phú-na-xa, đạo lý uyên thâm, chứng đạo giải thoát, ngài Mã Minh đã đến chất vấn rằng:
- Thưa sa-môn, tất cả ngôn luận của thế gian, tôi đều có thể phi bác hết, giống như lưởi liềm cắt sạch cỏ. Nếu sa-môn thắng được tôi, tôi xin tự cắt lưởi.
Tôn giả Phú-na-xa nói rằng:
- Tất cả lời Phật dạy không ngoài hai chân lý. Đứng từ chân lý tương đối (thế tục đế), tạm gọi là ngã. Đứng từ chân lý tuyệt đối (đệ nhất nghĩa đế), tất cả đều rỗng không. Theo triết lý này, có cái gì trong đời này có ngã thể đâu. Ông hãy suy nghĩ thật tường tận, xem học thuyết của Phật và của ông, ai hơn ai?
Ngài Mã Minh suy nghĩ:
- [Quả thật là đứng từ] chân lý tương đối [thì ngã] là giả lập. [Đứng từ] chân lý tuyệt đối, [thì ngã] là rỗng không. Cả hai chân lý này không có gì để nắm bắt được thì làm thế nào để đánh đổ được!
Suy nghĩ xong, ngài Mã Minh cảm thấy học thuyết vô ngã của Phật quá cao siêu, nên đã phát tâm xuất gia tu Phật.[5]
Nhờ sự giáo hoá của ngài Hiếp Tôn Giả (S. Pārśva, Hán phiên âm là Bà-lật-thấp-bà),[6] ngài Mã Minh người Đông Ấn đã trở thành một trong “bốn mặt trời minh triết” có khả năng soi sáng thế gian.”[7] Ba vị còn lại là Đề-bà ở Đông Ấn, Long Thụ ở Tây Ấn và Đồng Thọ (tức Cưu-ma-la-thập?)[8] ở Bắc Ấn.
Tưởng cũng cần nói thêm về niên đại ra đời của ngài Mã Minh. Có nhiều thuyết khác nhau, chênh lệch đến 300 năm. Theo các tác phẩm thuộc Nhất Thiết Hữu Bộ, bồ-tát Mã Minh sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở miền Đông Ấn,[9] vào khoảng 300 năm sau khi đức Phật niết-bàn. Theo tổ Huệ Viễn (慧遠) trong tác phẩm sớ giải về Đại Trí Độ Luận (Mahā-prajñā-pāramitā-śāstra, ngài Mã Minh sinh năm 370 sau khi đức Phật niết-bàn.
Mã Minh được tác phẩm “Cuộc Đời ngài Thế Thân” (The Life of Vasubandhu)[10] giới thiệu như người cùng thời với ngài Kātyāyana, sống vào khoảng thế kỷ thứ năm sau khi Phật niết-bàn. Tác giả của bài tựa bản dịch đời Đường về Khởi Tín Luận ghi rằng Mã Minh ra đời vào khoảng 500 năm sau khi đức Phật niết-bàn.
Tác phẩm Fu tsou t‘ung chi (tập V) ghi rằng theo lời thọ ký của đức Phật, khoảng 600 năm sau khi đức Phật niết-bàn, chánh pháp nhãn tạng đã được truyền thừa cho ngài Mã Minh. Ngài Pháp Tạng,[11] đại luận sư có công sớ giải Khởi Tín Luận đã dựa vào dữ liệu này khẳng định rằng đó là niên đại không thể phủ định.
Ngay cả tổ Trí Khải người trợ lý thủ bút cho ngày Chân Đế dịch Khởi Tín Luận cũng khẳng định rằng sáu trăm năm sau Phật niết-bàn, trong bối cảnh các học thuyết ngoại đạo phát triển thịnh hành, làm suy giảm ảnh hưởng của Phật pháp, có một vị tỳ-kheo tên là Mã Minh, bậc tuệ giác khéo được huấn luyện trong Đại thừa, vì lòng thương tưởng chúng sinh bị vô minh chi phối, khéo trình bày tinh hoa chính pháp, sáng tác Luận Khởi Tín nhằm xuyển phục hương giáo nghĩa của Phật, bẻ gãy tất cả nguỵ thuyết của ngoại đạo, thắp sáng ngọn đuốc chánh pháp.[12]
Dựa vào các dữ liệu và các cứ liệu khác trong kinh, có ít nhất năm vị tên là Mã Minh. 1) Kinh Thắng Đảnh Vương (勝頂王經) ghi rằng ngày thứ 17 sau khi bồ-tát Tất-đạt-đa thành Phật, có một ngoại đạo, tên là Mã Minh đã đến vấn nạn đức Phật về ý nghĩa của giải thoát. 2) Kinh Ma-ni Thanh Tịnh (摩尼清淨經) ghi sau khi đức Phật qua đời 100 năm, có một vị bồ-tát ra đời, tên là Mã Minh. 3) Kinh Biến Hoá Công Đức (變化工德經) chép sau khi Phật qua đời 300 năm, có một vị bồ-tát ra đời, tên là Mã Minh.
4) Kinh Thường Đức Tam Muội (常德三昧經) ghi sau khi Phật diệt độ 800 năm, có vị bồ-tát ra đời tên là Mã Minh, 5) Kinh Trang Nghiêm Tam Muội (莊嚴三昧經) ghi trong thời quá khứ có một vị bồ-tát tên là Mã Minh. Ngoài vị thứ năm thuộc về đời quá khứ, bốn vị có tên là Mã Minh được nêu trên có phải là ngài Mã Minh của Khởi Tín Luận hay không, là một câu hỏi khó có lời giải đáp thích đáng. Điều chúng ta có thể khẳng định ở đây là ngài Mã Minh đã được các bản kinh ghi chép với các niên đại khác nhau đến mấy trăm năm, làm cho chúng ta khó có thể xác định chính xác thời đại ra đời của ngài.
Thông qua một vài cứ liệu về niên đại nêu trên, chúng ta có thể tạm kết luận ngài Mã Minh sinh vào khoảng thế kỷ thứ năm và thứ sáu.
II. CÁC TÁC PHẨM CỦA MÃ MINH
Ngoài trừ Đại Thừa Khởi Tín Luận (大乘起信論), mang ký hiệu Đại 1646, các tác phẩm còn lại của ngài Mã Minh đều được viết bằng thi ca tiếng Sanskrit, hoặc pha trộn giữa văn xuôi và thi kệ tràn đầy nhạc điệu. Các tác phẩm của ngài Mã Minh rất nhiều, một số được đưa vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh như:
1) Phật Sở Hạnh Tán Kinh (佛所行讚經; S. Buddha-carita-kāvya), mang ký hiệu Đại 192. Đây là tác phẩm thi hoá cuộc đời đức Phật đầu tiên trong lịch sử văn học Phật giáo. Thi phẩm này gồm có 28 bài thơ, được Dharmarakśa dịch vào năm 414-421; hiện tại còn 13 bài bằng văn Sanskrit giới thiệu bao quát từ lúc thái tử Tất-đạt-đa được sinh ra, thời niên thiếu, xuất gia tầm đạo, thành tựu đạo quả giải thoát và giáo hoá rồi nhập niết-bàn vô dư.
Phật Sở Hạnh Tán là một trong những tác phẩm được phổ biến rộng rãi trong dân gian Ấn-độ, góp phần truyền bá Phật giáo cho giới văn nghệ sĩ và hạng bình dân. Tập 19 của Thánh Điển Phương Đông (The Sacred Books of the East) in trọn bản dịch tiếng Anh của Beal từ tiếng Hán (佛所行讚經) và bản dịch tiếng Anh của Cowell từ tiếng Sanskrit được in trong tập XLIX của Thánh Điển Phương Đông là hai tài liệu quý, giúp giới nghiên cứu có thêm tư liệu để so sánh và đối chiếu văn bản.
2) Đại Tông Địa Huyền Văn Bản Luận (大宗地玄文本論; S. Mahāyāna-bhūmi-guhya-vācā-mūla-śāstra), mang ký hiệu Đại 1669, được ngài Chân Đế dịch vào năm 557-569. Đây là luận bản nền tảng giới thiệu về 51 giai đoạn tâm chứng giải thoát của hành giả. Học thuyết huyền nhiệm của Kim Cang Bồ-đề (Vajrabodhi) đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ tác phẩm này.
3) Đại Trang Nghiêm Kinh Luận (大莊嚴經論; S. Mahālaṇkāra-sūtra-śāstra), mang ký hiệu Đại 201, được ngài Cưu-ma-la-thập dịch ra chữ Hán vào khoảng năm 405 sau TL. Tác phẩm này là một tuyển tập các câu chuyện lịch sử xảy ra tại Tây Ấn, được viết dưới hình thức thi kệ để xiển dương học thuyết nghiệp và tái sinh. Một số chuyện trong tác phẩm này đã được Beal dịch trong tác phẩm “Văn Học Phật Giáo ở Trung Quốc” (Buddhist Literature in China).
4) Ni-kiền-tử Vấn Vô Ngã Nghĩa (尼犍子問無我義), mang ký hiệu Đại 1643, là luận phẩm kể lại ngoại đạo loã thể (Nirgrantha) tham vấn về học thuyết vô ngã. Giáo nghĩa về hai chân lým, tức chân lý tuyệt đối (Parmārtha-satya) và chân lý tương đối (Samvṛtti-satya) cũng như học thuyết tánh không (śūnyatā) làm nền tảng cho Trung Quán tông của Long Thọ được giới thiệu rất chi tiết trong luận này.
5) Sự Sư Ngũ Thập Tụng (事師五十頌), mang ký hiệu Đại 1687, trình bày về phương pháp hầu thầy thế nào để được lợi ích và an vui, qua 50 bài thi kệ.
Ngoài ra, tương truyền rằng ngài Mã Minh còn là tác giả của gần 100 luận bản khác, bao gồm Cam-giá Luận (甘蔗論), Thích Lăng-già Kinh (釋楞伽經), Nhất Tâm Biến Mãn Luận (一心遍滿論), Dung Tục Quy Chân Luận (容俗歸真論) và Chân Như Tam-muội Luận (真如三昧論).[13]
[1] Trích dẫn theo Đại Trang Nghiêm Kinh Luận của ngài Mã Minh.
[2] ĐTKTLSKHD: 126.
[3] Xem Der Buddhismus und seine Geschichte in Indien, authorised German translation, Leipsic, 1884, Vol. II., p. 464. Dẫn theo Suzuki (1900: 2)
[4] Có một số bản còn còn gọi là Phú-na-dạ-xa (富那夜奢). Xem HT. Thích Thiện Hoa., PHPT. (1992, quyển 3: 246).
[5] Tham khảo Đại 32: 172-3; Thích Trí Quang., KTL. (1995: 28); KTLSKHD: 32-35, để rõ thêm về con đường đến với đạo Phật của Mã Minh.
[6] Đại 50: 183.
[7] Lời tựa bản dịch đời Đường của Khởi Tín Luận.
[8] Theo HT. Thích Trí Quang., KTL. (1995: 36), ngài Đồng Thọ này không phải là ngài Cưu-ma-la-thập nhưng Hoà thượng lại không nói rõ ngài Đồng Thọ này là ai trong các vị tổ sư tiền bối, đã được ngài Huyền Tráng ca tụng.
[9] Theo HT. Thích Trí Quang., KTL. (1995: 25), ngài Mã Minh là người Trung Thiên Trúc. Nhưng ở trang 36 của sách đã dẫn, Hoà thượng hoàn toàn đồng ý với ngài Huyền Tráng khi trích dẫn lại đoạn văn của ngài Huyền Tráng khẳng định rằng quê quán của ngài Mã Minh ở Đông Ấn.
[10] Không rõ tác giả là ai. Bản chữ Hán được Paramârtha dịch vào thế kỷ thứ 6.
[11] Sinh năm 643 và mất năm712. Vị luận sư lỗi lạc của tông Hoa Nghiêm ở Trung Hoa.
[12] ĐTKTLSKHD: 127.
[13] Tham khảo thêm KTLSKHD: 33
http://buddhismtoday.com/viet/kinh/cuocdoi_tomaminh.htm
---------------------------------------------------------
Bồ Tát Mã Minh - Vị tổ Thiền tông từng là luật sư
Bồ Tát Mã Minh sinh vào cuối thế kỷ thứ năm sau Phật Niết-bàn, người nước Ba-La-Nại, hiệu Mã-Minh cũng có hiệu Công-Thắng. Cha là Mã Thắng Quyền, mẹ là Hữu Phúc Vân. Lúc nhỏ ngài rất thông minh, nên được cha mẹ cho học luật sư, lời biện luận của ngài không ai sánh được, giọng nói truyền cảm ai cũng muốn nghe.
Vị luật sư xuất gia ngộ Thiền
Lúc chưa xuất gia, là một luật sư lỗi lạc nên danh tiếng của Ngài khắp trong và ngoài nước ai cũng biết. Tương truyền khi Ngài sinh ra, các con ngựa đều ré lên, nên gọi là Mã-Minh. Lại cũng có thuyết nói, mỗi khi Ngài thuyết pháp, các con ngựa trong chuồng ở gần đều lặng lẽ lóng nghe, khi thuyết xong chúng lại hý vang, nên gọi Ngài là Mã-Minh.
Hành trình xuất gia của Bồ tát Mã Minh đến như một cơ duyên. Một hôm ngài đến đền Braham tanca, gặp tổ Phú Na Dạ Xa, Tổ hỏi Ngài: “Ông làm nghề luật sư, vậy ông nói làm sao cho người nghe không nghe được không?” Thấy Ngài trầm ngâm suy nghĩ chưa có câu trả lời, Tổ bảo: “Ông hãy suy nghĩ để trả lời ta, nếu ông suy nghĩ mà hiểu để trả lời ta, ông lên đem chôn nó đi cho rồi.”
Một câu nói đánh cực mạnh vào tâm suy nghĩ của Ngài, làm thân tâm Ngài như mất sự sống và suy nghĩ. Ngài ở trạng thái như vậy rất lâu, rồi như tỉnh ngộ, bỗng ngài chắp tay thưa với Tổ: Kính thưa thầy, nhờ thầy hỏi ép con vào chỗ chết, nên thân và tâm vật lý của con đã chết hẳn rồi. Tổ Phú Na Dạ Xa hỏi: Ông đã chết sao còn biết nói?
|
|
Ngài liền trình với Tổ bài kệ 60 câu như sau: "Thân tâm vật lý mất đi/ Thân tâm chân thật thfi rỗng rang. Lời thầy hỏi con được an/ Mất đi suy nghĩ được sang quê nhà. Thì ra lời dạy Thích Ca/ Con tìm con kiếm không ra chút nào/ Hôm nay thầy ép con chi/ Lòi ra chân thật không chi kiếm tìm. Không kiếm mà hiện ra liền/ Hiện ra những thứ không phiền không sân/ Con nhìn cảnh vật dương trần/ Cứ luân cứ chuyển hết gần lại xa.
Ngày xưa Đức Phật Thích Ca/ Nói ra ẩn dụ không va não phiền/ Thầy ép con nhận ra liền/ Niết Bàn sanh tử của riêng người trần/ Khi con chết lặng rõ phần/ Những thứ vật lý cho người trần gian/ Ai muốn hết khổ hết nan/ Không theo vật lý là an muôn đời. Trước kia thầy dạy con thôi/ Nhưng con không hiểu luân hồi cứ đi/ Hôm nay thầy hỏi tức thì/ Vì con không biết nên suy nghĩ hoài.
Suy tưởng trong khắp trần ai/ Để tìm, để kiếm lời hay trả lời/ Không ngờ con lại bị rơi/ Rơi vào bế tánh hết lời thế gian. Và nơi bế tánh bình an/ Ở trong bể tánh an nhàn thầy ơi/ Giờ đây con nhận chữ thôi/ Là dừng hay dứt, dứt dời trầm luận.
Trước kia thầy dạy con dừng/ Mà con không biết phải phải dừng làm sao/ Hôm nay thầy nói con sao/ Tâm con thanh tịnh qua rào triều âm. À ra thầy dạy rất thâm/ Đi tìm vật lý là câm muôn đời/ Nhờ thầy hỏi ngặt những lời/ Đưa con qua khỏi những lời thế gian.
Nhờ vậy con được bình an/ Không dính vật chất là an Niết Bàn/ Ngày xưa Phật dạy rõ rang/ Nơi kinh Diệu pháp chỉ đàng vượt qua. Những lời chân thật Thích Ca/ Chỉ khổ Phật đà yếu chỉ Thiền tông/ Trước đây không biết con mong/ Do vậy cứ mãi đi trong luân hồi.
Nhờ thầy hỏi ngặt con thôi/ Luân hồi vật lý hết rồi với con/ Hiện tại tâm con không còn/ Những thứ vật lý không còn trong con. Xin trình trong ý lòng con/ Cảm ơn thầy dạy, vàng son tuyệt trần/ Con xin kính lạy xa gần/ Nhờ thầy hỏi ngặt tuyệt phần Thiền Tông. Tâm con hiện tại đã không/ Sống với Phật tánh con xong luân hồi/ Xin thầy nhận con đôi lời/ Những lời chân thật muôn lời cảm ơn!”
Tài thuyết pháp siêu phàm
Sau khi được Tổ Phú-Na-Dạ-Xa độ cho xuất gia và truyền tâm ấn, Ngài lại nổi tiếng là một nhà thuyết pháp tài tình. Bao nhiêu tà thuyết ngoại đạo đều bị Ngài bẻ dẹp. Chính Ngài là người thắp sáng ngọn đuốc Đại-Thừa ở đầu thế kỷ thứ sáu sau Phật Niết-bàn. Ngài đi giáo hóa đến nước Hoa-Thị nơi đây ngọn đuốc pháp của Ngài càng sáng rực hơn.
Một hôm, có một ông già gầy ốm vào trong hội nghe pháp, bỗng nhiên ngã xuống đất. Ngài bảo chúng: “Đây là việc phi thường, sẽ có tướng lạ.” Ông già kia liền biến mất. Chợt thấy dưới đất vọt lên một người con gái nhan sắc đẹp đẽ thân như màu vàng, dùng tay chỉ Ngài nói kệ: Khể thủ trưởng lão tôn/ Đương thọ Như-Lai ký/ Kim ư thử địa thượng/ Nhi độ sanh tử chúng. (Dịch là: Cúi đầu lễ trưởng lão, Hiện nhận lời Phật ghi, Nay ở nơi xứ nầy, Độ chúng khỏi sanh tử).
Nói kệ xong, trong chớp mắt không thấy cô gái nữa. Ngài bảo chúng: Giây lát đây sẽ có ngoại đạo đến đấu sức với ta. Vừa dứt lời, bỗng chốc gió mưa ầm ĩ xối xả kéo đến, khiến trời đất mịt mù. Ngài bảo: “Đây là báo hiệu ngoại đạo sẽ đến. Ta sẽ trừ chúng”. Nói xong, Ngài chỉ tay lên hư không, hiện ra con rồng vàng to lớn, phấn khởi oai thần, khiến pháp ngoại đạo tan biến.
Sau bảy ngày, có một con sâu nằm nép dưới tòa của Ngài. Ngài lấy tay nắm bắt con sâu ấy đưa cho đại chúng xem và nói: “Con sâu nầy là trá hình của ngoại đạo, đến ẩn núp nơi đây đặng nghe trộm pháp của ta”. Nói xong, Ngài ném con sâu ra nhưng con sâu sợ hãi nằm im không động đậy. Ngài an ủi: “Ta không có hại ngươi. Ngươi hãy hiện lại bổn hình”. Ngoại đạo liền hiện bổn hình đảnh lễ xin sám hối. Ngài hỏi: “Ngươi tên gì? Có bao nhiêu đồ đệ?” Ngoại đạo thưa: “Con tên Ca-Tỳ-Ma-La, có đến ba ngàn đồ đệ”.
Ngài hỏi: Tột thần lực của ngươi biến hóa thế nào? Ngoại đạo thưa: Con hóa biển cả là việc chẳng khó. Ngài hỏi: Ngươi hóa tánh biển được chăng? Ngoại đạo mờ mịt không biết, thưa: Lời nầy con không thể biết. Ngài vì giải thích: Tánh biển là núi sông quả đất đều y cứ nơi đó mà lập, tam muội lục thông do đây phát hiện.
Ngoại đạo nghe pháp ấy, liền khởi lòng tin mạnh mẽ, cùng ba ngàn đồ đệ đều cầu xin xuất gia. Ngài vì họ cho cạo đầu xuất gia, rồi triệu tập năm trăm vị thánh tăng đến làm lễ thọ giới cụ túc. Ngài bảo giới tử: Các ngươi thú hướng Bồ-Đề sẽ thành đạo thánh. Ca-Tỳ-Ma-La quả nhiên được giới thể, phát hào quang sáng, có mùi hương lạ xông khắp.
Một hôm, Ngài gọi Ma-La đến bảo: Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay trao cho ngươi, truyền bá chớ để đoạn dứt. Nghe ta nói kệ: Ẩn hiển tức bổn pháp/ Minh ám nguyên bất nhị/ Kim phó ngộ liễu pháp/ Phi thủ diệc phi khí. (Dịch là: Ẩn hiện vốn pháp này/ Sáng tối nguyên không hai/ Nay truyền pháp liểu ngộ/ Không lấy cũng chẳng bỏ).
Truyền pháp xong, Ngài vào chánh định hiện tướng viên tịch. Ca-Tỳ-Ma-La và đồ chúng đem chơn thể của Ngài để vào khám thờ. Ngài là vị Tổ thứ 12 của Thiền Tông, cũng là một vị pháp sư làm sáng tỏ giáo pháp Đại Thừa. Ngài sáng tác ba bộ luận: Đại-Thừa Khởi Tín luận, Đại Tông địa huyền văn bổn luận, Sự sư pháp ngũ thập tụng. Trong đó nổi tiếng nhất là bộ Đại-Thừa Khởi Tín luận đến hiện giờ những nước Phật-giáo Đại-Thừa vẫn truyền dạy bộ luận này.
Diệu Minh (biên soạn)
Nguồn: https://baophapluat.vn/dao-va-doi/bo-tat-ma-minh-vi-to-thien-tong-tung-la-luat-su-511880.html