;
Niết Bàn là đích của người tu. Kinh văn Phật đề cập Niết Bàn là nơi chốn cực đẹp, ở đó không có phiền não, có bảy tầng lan can, bảy tầng lưới mành, bảy lớp hàng cây, đều bằng bốn báu vây quanh trọn khắp (七 重 欄 楯。七 重 羅 網。七 重 行 樹。皆 是 四 寶 周 匝圍 繞[1]; là một trạng thái viễn ly điên đảo mộng tưởng(遠離顛倒夢想[2].)
Niết Bàn là trạng thái siêu việt, một cõi cực lạc trong Kinh văn. Người tu dù xuất gia hay tại gia để đạt được Niết Bàn cần phải có chành niệm về giáo lý Bất Nhị ( Vô nhị Pháp, 無 二 法[3]) trong cuộc sống và tu học. Không có cũng không không, không xấu cũng không đẹp. không đến cũng không đi, mọi vật đều vô thường và không có cái ngã riêng biệt (無 二 法, vô nhị Pháp[4]).
Người tu trước khi giải thoát cho chúng sanh hoặc đưa chúng sanh đến cung trời đao lợi ở cõi Cực Lạc, thì hãy tìm lợi lạc thanh tịnh cho bản thân của người tu. Đi tu không chỉ để tụng đám ma, cúng vong với áo mão đầy màu sắc mê tín huyễn hoặc. Đi tu là thanh tịnh và vượt qua được ý niệm về sinh tử cho bản thân(清 淨 渡 淵, thanh tịnh độ uyên[5]).
Người tu phải tháo gỡ được mọi ràng buộc vào ái dục. Cắt bỏ ham muốn, luyến ái, bám víu thường tình đối với người và đối với vật. Ngày hôm nay, có không ít vị tỳ kheo có iphone, có ipad chỉ để chụp ảnh cho đẹp; có đến 03 nickname trên internet nhưng để chát hoặc có những giao tiếp không chánh hành. Ngày nay, không nên đỏi hỏi vị sư chỉ có ba cái áo và một bình bát ( Tam y nhất bát, 三衣一鉢[6]), nhưng đại chúng cần những người con cháu của Đức Phật biết sống giản đơn và biết tu tập theo đúng tinh thần Bát Chánh Đạo.
Nhân dịp năm mới, năm 2021, mong thay đại chúng không còn những chỉ trích không hay như năm 2020. Biết sám hối là cách để người tu tinh tấn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Bến Tre, ngày 02 tháng 01 năm 2021
[1] Kinh A Di Đà
[2] Bát Nhã Tâm Kinh
[3] Phẩm Phạm Chí, Kinh Pháp Cú
[4] Phẩm Phạm Chí, Kinh Pháp Cú
[5] Phẩm Phạm Chí, Kinh Pháp Cú
[6] Luật Ma ha tăng kì quyển 8