Phải, với tội ác tày trời mà Luyện gây ra thì bị dư luận “dập” như thế cũng là đáng tội. Nhưng biểu hiện đó của dư luận dường như xa lạ với những giá trị truyền thống của người Việt Nam đó là bao dung, độ lượng.
Dư luận muốn Luyện phải bị tử hình, phải chịu một cái chết thảm khốc để công bằng được thiết lập trong xã hội, công bằng theo kiểu mạng đền mạng. Chưa hết, họ cho rằng Luyện phải bị tử hình thì bọn “choai choai” dưới 18 tuổi thấy đó mà sợ để không làm chuyện ác, để xã hội được bình yên…
Nhưng liệu sau khi kết liễu cuộc đời của kẻ sát nhân vị thành niên thì liệu cái ác có được đẩy lùi? Liệu Luyện chết đi thì nỗi đau của gia đình nạn nhân có được nguôi ngoai?
Luyện là một kẻ ác, rất ác. Nhưng trừ khử cái ác bằng cách tước đi mạng sống của con người không phải là điều mà xã hội loài người đang hướng tới.
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Luật Hình sự nước ta quy định mức án cao nhất dành cho người chưa thành niên là 18 năm tù. Công ước Quốc tế Liên Hiệp Quốc về quyền của trẻ em mà Việt Nam đã tham gia cũng có những điều khoản “nhẹ tay” đối với tội phạm là trẻ vị thành niên.
Pháp luật được đặt ra không chỉ nhằm răn đe, trừng trị mà còn để giáo dục.
Khi xét xử một người phạm tội, tòa án thường xét đến việc người đó có còn khả năng cải tạo để trở thành người tốt hay không.
Với những người phạm tội tày trời, không còn khả năng cải tạo thì thường tòa tuyên án tử hình.
Với những người chưa thành niên (dưới 18 tuổi), lứa tuổi chưa thật sự trưởng thành, hành động bộc phát và phạm tội thì mức án dành cho họ thường nhẹ hơn người trưởng thành và đặt biệt là không áp dụng mức án chung thân và tử hình. Bởi vì, đây là cánh cửa mở để họ có thể làm lại cuộc đời sau lầm lỗi.
Nhưng dư luận đang không muốn cánh cửa đó mở ra với Luyện. Dư luận cho rằng, Luyện đã “hết thuốc chữa”, ác đến mức không còn khả năng cải tạo, thậm chí nếu không bị tử hình sẽ có ngày làm chuyện ác hơn.
Thông cảm trước cái chết thảm khốc của gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích, người ta căm phẫn kẻ gây nên tội cũng là điều dễ hiểu. Nhưng có vẻ như sự cảm thông và căm giận chân chính đó đang có vấn đề.
Ở đó, thiếu vắng niềm niềm tin vào con người, vào sự hướng thiện, không có những giá trị truyền thống của dân tộc ta rằng “đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”.
Dư luận cứ “nằng nặc” đòi sửa luật để tử hình Luyện, để răn đe, để đẩy lùi cái ác nhưng tôi có cảm giác rằng mọi người đang hô hào cho sướng miệng mà không nhận ra rằng cái ác không thể bị đẩy lùi bằng các bản án khô cứng, bằng hình phạt tử hình.
Để một xã hội yên ổn, pháp luật nghiêm khắc là công cụ hữu hiệu, song trước quá nhiều vụ án giết người dã man do người chưa thành niên gây ra thì việc sửa luật cho nghiêm, loại bỏ những con người trẻ tuổi nhưng độc ác ra khỏi đời sống xã hội không phải là một giải pháp bền vững. Nó chỉ thể hiện sự bất lực của pháp luật trước chức năng quản lý xã hội, giáo dục con người.
Vì vậy, thay vì tập trung vào việc đưa ra bản án thích đáng cho Lê Văn Luyện, chúng ta nên xem lại điều gì đã ăn mòn nhân cách, đạo đức của những con người chưa đến tuổi trưởng thành để mà ngăn chặn, thay đổi nó.
Nếu cứ “phát điên” lên trước cái ác của Luyện thì chẳng giải quyết được gì mà có khi còn làm người ta quên rằng gốc rễ của một xã hội yên ổn là đạo đức, là nhân cách hướng thiện chứ không phải là lòng căm thù, sự thóa mạ, trù dập và tiêu diệt.