;
Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: Ví như có người thấy mặt trăng lặn, cho rằng mặt trăng đã mất nhưng thiệt ra mặt trăng không mất, đang hiện ra ở phương khác. Chúng sanh xứ kia lại nói là mặt trăng mọc, nhưng thiệt ra mặt trăng không có mọc, vì bị che chướng không thấy, nên cho rằng mặt trăng có mọc, có lặn, nhưng thiệt ra mặt trăng không mọc, không lặn.
Cũng vậy, Đức Như Lai Chánh Biến Tri hiện ra nơi Đại thiên thế giới, hoặc sanh tại Diêm Phù Đề, có cha, có mẹ, chúng sanh đều cho rằng Đức Như Lai giáng sanh trong Diêm Phù Đề. Hoặc thị hiện Niết Bàn, chúng sanh cho rằng Đức Như Lai nhập Niết Bàn. Nhưng thiệt ra, Như Lai tánh không sanh không diệt. Vì giáo hóa chúng sanh nên thị hiện sanh diệt.
Nầy Thiện nam tử! Như xứ nầy thấy mặt trăng tròn, phương khác thấy mặt trăng khuyết, phương nầy thấy mặt trăng khuyết, phương khác thấy mặt trăng tròn. Người Diêm Phù Đề nếu thấy bắt đầu có mặt trăng nói là ngày mùng một, tưởng là đầu tháng. Lúc thấy trăng tròn, nói là ngày Rằm. Nhưng mặt trăng thiệt không có khuyết với tròn, vì bị che chướng mà có thêm bớt.
Cũng vậy, ở trong Diêm Phù Đề, Đức Như Lai hoặc hiện giáng sanh, hoặc hiện Niết Bàn. Lúc mới giáng sanh, như mặt trăng đầu tháng. Đi bảy bước, như mặt trăng ngày mùng hai. Vào học đường, như mặt trăng ngày mùng ba. Lúc xuất gia, như mặt trăng ngày mùng tám. Phóng ánh sáng trí huệ vi diệu, phá vô lượng chúng ma, như trăng tròn ngày rằm. Thị hiện ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt để tự trang nghiêm. Rồi thị hiện nhập Niết Bàn, như cuối tháng mặt trăng ẩn.
Chỗ thấy của chúng sanh chẳng đồng: Hoặc thấy trăng nửa, hoặc thấy trăng tròn, hoặc thấy trăng ẩn, nhưng thiệt ra mặt trăng không có thêm bớt, vẫn luôn là mặt trăng đầy đủ. Cũng vậy, thân của Đức Như Lai vẫn luôn là thường trụ chẳng biến đổi.
(KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN - Phẩm Nguyệt Dụ thứ 15 - Hán bộ quyển thứ 9 - Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm - Việt dịch: HT. Trí Tịnh)