;
Ngày nay người tu đạo thì nhiều nhưng người đạt đạo rất ít. Chung quy cũng do "hành tâm" thì ít mà "hành khẩu", " hành ngã" thì nhiều. Những người mới tu, mới biết một ít hay biết nhiều mà tự cho mình giỏi, thuyết pháp mà đem "bản ngã" mà thuyết thì gọi là " tà thuyết".
Sự tu hành dựa trên Tâm pháp. Vạn pháp quy về TÂM. Nếu ngoài TÂM mà tìm cầu chánh pháp, sự giải thoát thật không có được. Tất cả các pháp tu đều quy về bổn thể tự tánh chân như, là TÂM THANH TỊNH vốn có sẵn trong chúng ta, xưa nayvẫn vậy mà nay vẫn thế không thay đổi. Do mê chấp vọng niệm trần lao, bị VÔ MINH che đậy mà có TÂM SINH DIỆT, đó là TÂM PHÂN BIỆT, TÂM VỌNG ĐỘNG, TÂM CHẤP TRƯỚC mà tạo nghiệp trầm luân, thọ quả báo khổ não trầm luân.
Người tu hành dựa trên sự tu học và thực hành giáo lý, qua sự kiểm nghiệm minh chứng, trạng thái chứng ngộ của mình mới có thể phần nào thâm nhập vào kinh tạng chư Phật. Mà kinh tạng là mật nghĩa của TÂM. Thâm nhập là tìm vào cũng gọi là quy về, quay về bổn thể chân TÂM, tự tánh.
Thông qua sự chứng ngộ của mình, người tu hành muốn đem sự chứng ngộ của mình giải giảng thuyết giáo lý thì bên ngoài hợp căn cơ người nghe, bên trong không khởi chấp phân biệt, vọng niệm, chấp trước, tâm thanh tịnh giải thoát thì mới thuyết pháp.
Trong thuyết pháp là thì pháp phương tiện quy về tâm, mà thuyết là giảng giải, lý giải. Nhưng như "NGÓN TAY CHỈ MẶT TRĂNG, NƯƠNG THEO NGÓN TAY ĐỂ THẤY MẶT TRĂNG, NHƯNG MẶT TRĂNG LÀ MẶT TRĂNG MÀ NGÓN TAY LÀ NGÓN TAY, ĐỪNG NHẬN NHẦM NGÓN TAY LÀ MẶT TRĂNG". Ấy vậy mà nhiều người chấp vào ngón tay coi đó là mặt trăng, rồi đem ngón tay đi bảo người khác đó là mặt trăng thì thật là đáng buồn.
Có người thuyết pháp mà có câu " Theo ý tôi, ý kiến của tôi, theo tôi nghĩ, tôi cho là, những lời tôi nói...", thì chung quy trong bài thuyết pháp đó, người thuyết đã đem Cái Tôi Bản Ngã vào bài thuyết pháp rồi, đó là Cái Tôi với TÂM SINH DIỆT còn THAM SÂN SI thì người thuyết đừng nên thuyết pháp.
Lại nữa, người thuyết pháp hay so sánh pháp môn này, pháp môn khác cũng là " tà thuyết". Vì mỗi pháp môn tùy căn cơ mỗi người tu hành do TÂM SAI BIỆT khác nhau nên ĐỨC PHẬT mới nói nhiều pháp môn để khế hợp mọi căn cơ người tu hành. Pháp môn nào cũng quy về sự giải thoát, mà tất cả mọi sự so sánh đều là khập khiễng là phân biệt bám chấp thì đã bị DÍNH MẮC vậy.
Cũng có " tà thuyết" khác là người thuyết cho là "cách tôi tu đúng, ai cũng tu sai hay pháp môn tôi tu là đúng, pháp môn người khác chưa đúng. Lại có khi, pháp môn tôi đang tu là con đường duy nhất độc nhất đưa đến giải thoát, còn con đường khác là không phải..."Ai mà mang tư tưởng và thành kiến vậy thì TÂM BẤT TỊNH rồi, lấy ngã kiến, ý kiến mình vào mà nói mà giảng chánh pháp thì tạo thêm nghiệp mà thôi.
Vậy đã là người tu hành hãy lấy GIỚI ĐỊNH TUỆ làm căn bản mà tu tập để trừ THAM SÂN SI. Giải thoát mọi phân biệt chấp trước, tất cả quy về TÂM PHÁP là bổn tánh chân như, phật tánh trong mỗi chúng sanh. Hãy dùng cái TÂM VÔ NGÃ, TÂM THANH TỊNH mà thuyết pháp. Và như kinh DUY MA CẬT có câu " NGƯỜI THUYẾT PHÁP NHƯ THUYẾT VỚI NGƯỜI ẢO HÓA",nên lập xong cái tâm niệm vậy mới có thể thuyết pháp. ĐẠO Ở TÂM HÀNH, TỪ TÂM XUẤT Ý THÌ MỚI HỢP CHÁNH ĐẠO.
Quang Minh