;
Giải đáp thắc mắc tu pháp môn Tịnh độ (6)
Hỏi số 72:
Khi Hộ Niệm cho người
LÂM CHUNG nếu người đó đang CÓ THAI thì chúng ta phải KHAI THỊ như thế nào?Để
cho người đó dễ dàng VÃNG SANH... Đứa con trong bụng thì như thế nào?
Trả lời:
I) Mạng sống còn hay hết
là do phần số của người đó, chúng ta hộ niệm không
phải làm cho họ chết sớm hay hay đoạn căn mệnh của họ. Khi mạng số hết thì
người đó phải ra đi. Còn chuyện dễ vãng sanh hay khó vãng sanh đều tùy theo mấy
yếu tố sau (xin nhấn mạnh điều này, chết và vãng sanh là hai chuyện khác nhau),
1/ Người ra đi có tin tưởng pháp niệm Phật vững vàng hay không? Có phát nguyện
vãng sanh tha thiết hay không? Hai yếu tố này rất quan trọng. Và họ có quyết
tâm thành tâm niệm A-di-đà Phật hay không?
Nếu tin vững và tha thiết thì việc niệm Phật trở nên dễ dàng, dù cho người bệnh
mệt quá không niệm Phật được, người hộ niệm sẽ niệm rõ ràng và người bệnh âm
thầm lắng tai nghe theo và niệm thần trong tâm cũng được VS.
2/ Người thân nhân trong gia đình có quyết lòng hộ niệm hay không? Nếu gia đình
có lòng tin và hỗ trợ sự hộ niệm như lý như pháp thì dễ càng thêm dễ. Nếu người
thân không hỗ trợ dù cho người ra đi có đủ Tín-Nguyện-Hạnh cũng bị chướng ngại,
đôi khi cũng đành chịu thất bại!
3/ Người Hộ Niệm có như lý như pháp hay không? Khuyên rằng, đừng nên thêm bớt
nhiều quá, pha chế nhiều quá, tâm không thành, khả năng hướng dẫn, nói nhanh
quá, tự cao ngã mạn, ý thị, làm người bệnh phiền não, v.v... sẽ làm giảm năng
lực hộ niệm.
Cho nên vấn đề dễ hay khó tùy thuộc vào cá nhân và hoàn cảnh chung quanh có
thuận lợi hay không. Và nhất là người hộ niệm nên thường xuyên xem lại những
đoạn phim hộ niệm của mình rồi tự phát hiện sai lầm để sửa chữa, bổ khuyết...
II) Vấn đề đang có thai. Diệu Âm đề nghị mấy điểm.
1/ Nếu thai đã nhiều tháng: Hài nhi có thể sống được, nuôi dưỡng được, mà nguời
mẹ bị bệnh ngặc nghèo bác sĩ không thể cứu chữa được nữa, thì chúng ta nên hỏi
ý kiến bác sĩ. Sản khoa ngày nay họ có thể giúp cho người mẹ sanh sớm hơn bình
thường và hài nhi có thể nuôi dưỡng trong những điều kiện đặc biệt và đứa bé vẫn
lớn bình thường.
Nói chung, việc thai nhiều tháng thì nên hỏi ý bác sĩ, (bác sĩ quyết định). Nếu
có thể cho đứa bé sanh ra thì nên làm điều này.
2/ Nếu thai còn nhỏ quá, không thể sanh được, mà người mẹ phải sắp chết thì hộ
niệm, Diệu Âm đề nghị nên thêm mấy điều sau:
- Hộ niệm cả mẹ lẫn con trong bào thai luôn. Nghĩa là ta luôn nghĩ đến người
trong bào thai và mong được vãng sanh với mẹ.
- Hướng dẫn người mẹ niệm Phật, dặn người mẹ nghĩ đến đưá con trong bụng, cầu
mong nó được đồng thuận để cùng V/S về Tây Phương.
- Khai thị thì cũng vậy, cầu nguyện cho vị trong bào thai cùng niệm Phật cầu
sanh Tịnh độ. Giảng nghĩa rằng cái duyên làm mẹ làm con này trong đời này quá
ngắn ngủi, đây cũng là do nhân duyên quả báo, tất cả đều có số phần. Đặc biệt
trong cái duyên thù thắng này hãy cùng nhau buông bỏ tất cả nợ đời, cùng nhau
niệm Phật cầu vãng sanh. Cầu nguyện cả hai đều vế Tây Phương thành đạo.
- Khi hồi hướng đều hồi hướng cho cả mẹ lẫn người trong bào thai.
- Khuyên người mẹ phải quyết lòng niệm Phật, nhiếp tâm, vì mẹ niệm cho con niệm
Phật theo, mẹ niệm chính là hai mẹ con cùng niệm. Mẹ vãng sanh thì con cũng hi
vọng vãng sanh, chứ chưa dám chắc chắn, (Vì vấn đề này còn khá nhiều điều cần
phải rõ hơn. Diệu Âm hiện chưa rõ lắm, không dám nói bừa. Sẽ hỏi rõ thêm, khi
rõ rồi sẽ trả lời tiếp). Nhưng chắc chắn rằng là con của một vị Bồ tát thì
không thể không hưởng một đại thiện lợi, đại phước báu. Chắc chắn sẽ giải quyết
rất nhiều chướng nạn, tạo nhiều duyên tốt đẹp để giải thoát. Còn nếu mẹ không
được VS thì cả mẹ lẫn con lại kết thêm duyên nợ sanh tử mới, rất khó về sau.
- Khi mẹ mãn báo thân, trong các buổi niệm Phật, tụng kinh,... nên hồi hướng
cho vong nhi (thai), các tuần thất cầu siêu nên cầu siêu luôn cho vong thai.
Việc cầu siêu, nghi thức nên hỏi quý Tăng Ni Sư.
A-di-đà Phật
Hỏi số 73:
Ở chỗ cháu mọi người
đang HN cho một ông khoảng 80 tuổi rồi, ông đang ở với con gái, mà con gái của
ông làm nghề ăn sáng hàng ngày sát hại rất nhiều con Cua, vậy khi mọi người đến
trợ niệm thì có chướng ngại cho việc Ông vãng sanh. Nếu có chướng ngại thì có
cách gì để hóa giải chướng ngại này không ạ ?
Trả lời:
Sát sanh hại vật ảnh
hưởng rất lớn đến việc vãng sanh. Người con sát nhiều cua như vậy cũng là một
chướng duyên cho cụ. Nhất là trong lúc hộ niệm mà tiếp tục sát haị sanh vật thì
khó lòng cầu được sự cảm ứng.
Còn hộ niệm thì mình chỉ làm hết sức, và phải yêu cầu người nhà không được sát
sanh trong suốt thời gian hộ niệm và 49 ngày từ khi người bệnh chết.
Muốn hộ niệm cho cha mẹ vãng sanh mà con cái tiếp tục giết sanh vật không
thuơng tiếc, thì sự hộ niệm không có lòng thành. Hơn nữa sát sanh lúc hộ niệm
coi chừng bị thêm nạn oan gia trái chủ, vì thù trước thêm oán sau, họ có thể
đánh mạnh hơn nữa, thành ra việc hoá giải oán thân trái chủ không thể thành
tựu! Sát sanh chắc chắn là điều phải cấm cữ! Nếu người nhà không chịu ngừng tay
thì chúng ta đành phải từ chối hộ niệm vậy.
Vậy thì, người nhà phải ngừng sát sanh, phải thành tâm sám hối, thay vì tiếp
tục sát sanh thì hãy thành tâm phóng sanh để chuộc tội. Và từ nay về sau đừng
sát sanh nữa mới là tốt.
Hỏi : Có một Bạn đồng tu
mới gia nhập BHN, vì người này chưa hiểu rõ về đạo Phật nay muốn nhờ BHN bốc mộ
theo nghi thức nhà Phật không muốn theo những ông thầy cúng. Như vậy BHN có nên
đi niệm Phật để giúp gia đình Họ không, xin nhờ chú chỉ cho cách BHN phải biết
làm như thế nào trong trường hợp này ạ ?
Trả lời: Diệu Âm chỉ biết
khuyên người niệm Phật và hướng dẫn hộ niệm vãng sanh, không rành về việc bốc
mộ. Xin hỏi quý Thầy thì hay hơn.
Thành thật không rành lắm, xin lỗi nghen.
Khuyên rằng, BHN chỉ chuyên nên vào một chuyện duy nhất là Hộ Niệm cho người
vãng sanh thì tốt nhất, những chuyện khác chớ nên xen vào, có vậy tâm chúng ta
mới thanh tịnh và làm trọn tâm Bồ-đề thiêng liêng cao cả của mình.
Khi hộ niệm xong coi như xong nhiệm vụ. Nếu gia đình có cầu mong chúng ta tiếp
tục niệm Phật hồi hướng công đức, thì cũng có thể làm được, bằng cách mỗi bữa
cộng tu gọi người nhà tới tham dự niệm Phật chung và sau cùng hồi hướng công
đức cho người đó. Đây cũng là cách giúp cho gia đình kết duyên sâu hơn vào pháp
môn Tịnh độ.
Người nhà muốn BHN hồi hướng công đức, nhưng họ không muốn tham gia công tu thì
ta cũng nên hồi hướng công đức cho người ra đi, nhưng tâm người trong gia đình
không thành, thì người đi cũng hưởng ít thiện lợi!
A-di-đà Phật
Hỏi số 74:
Người bệnh bị hôn mê rồi
thì làm sao?
Trả lời:
- Thành tâm cầu nguyện
oan gia trái chủ xin hoá giải oán thù, cùng niệm Phật hộ niệm.
- Kêu gọi gia đình thành tâm lạy Phật cầu Phật gia trì cho ông vãng sanh.
- Xin phát tâm phóng sanh để hồi hướng công đúc cho oan gia trái chủ, cầu giải
nạn.
- Khai thị nên to tiếng một chút, nhấn mạnh việc ông sắp xả bỏ báo thân, mau
mau buông xả để niệm Phật, để may ra ông nghe được giựt mình và âm thầm niệm
Phật trong tâm.
Hỏi: Hôm nay gia đình ông
( 83 tuổi ) đã mua cá phóng sanh (nhưng họ không biết mua cá nuôi). Ông cụ hôm
nay đã rút ống, cho uống sữa qua đường mũi, trực tiếp uống bằng miệng. Ban
ngày, ông thường ngũ mê, ngáy to, nhưng ban đêm lại tĩnh, đòi ăn và chịu Niệm
Phật (theo lời chú Út của chị Hồng Nhung ). Ông này, trước đây nằm ở BV Chợ
Rẫy, là Dượng của chị Hồng Nhung. Ngày mai BHN sẽ hộ niệm ban đêm, để ông có
thể nghe khai thị và phát tâm Niệm Phật.
Trả lời: Quyết định quá
hay, hãy chọn giờ nào người bệnh tỉnh táo hộ niệm là tốt nhất.
Người bệnh mỏi mệt, thường cần ngủ nghỉ là chuyện thường. Nếu không cho họ ngủ
thì họ mệt quá không chịu đựng nổi. Nếu ép họ niệm Phật thì có thể họ phiền
não, đưa đến thaí độ bất cần, ù lì, không thích hoặc sợ hãi những buổi hộ niệm.
Cho nên, đừng thấy bệnh nhân ưa ngủ mà mình thất vọng, hoặc bắt ép bệnh nhân
phải thức để niệm Phật. Phải uyển chuyển nương theo sức khoẻ của bệnh nhân mà
cứu họ.
Quyết định chọn giờ bệnh nhân thức để hộ niệm là quyết định đứng đắn, rất hay,
tuyệt vời. Nên khai thị vui vẻ, vững vàng, tìm cách vực tinh thần người bệnh
dậy để phá tan tất cả mọi sự mỏi mệt, lo âu, buồn phiền, sợ sệt, phân vân... Cố
gắng dùng tâm lý hướng dẫn cho người bệnh an lòng, thèm muốn được sớm vãng sanh
về với A-di-đà Phật. Lúc đó người bệnh coi cái chết nhẹ nhàng, coi sự chết như
một ơn huệ, một cơ hội tốt để giải thóat cảnh khổ để về Tây phương Cực lạc
hưởng đời an vui sung sướng và thành tựu đạo quả.
Cụ thể là lời khai thị cần vui vẻ, lời nói tin tưởng,
- Ví dụ: cần nói, quyết phải sẽ được về Tây phương, (không nên nói: cố gắng lên
chứ về Tây phương không phải dễ lắm đâu, v.v...)
- Không nhắc thêm các điều tiêu cực, buồn, xấu (ví dụ nhắc các điều lỗi lầm của
bệnh nhân không tốt) v.v...
- Tránh các cử chỉ buồn kkổ: như thở dài, nói quá yếu ớt, nghẹn ngào, rơi nước
mắt, v..v...
Tiếp tục phóng sanh hồi hướng công đức. Bảo con cháu trong gia đình thường
xuyên lạy Phật cầu sám hối cho bệnh nhân, cầu A-di-đà Phật và Bồ-tát gia trì.
Thường khuyến tấn bệnh nhân, nói có quang minh của Phật Bồ tát gia trì, có
người đang hộ niệm an toàn, yêm tâm niệm Phật.
Khi người bệnh quyết lòng niệm Phật thì dễ phá cơn mê
A-di-đà Phật
Hỏi số 75:
Người cư sĩ bạn của
người mất, có mời chúng em đến hộ niệm trong vòng 8 tiếng, sau 8 tiếng thì
người nhà của người mất gọi nhà quàng họ xuống mang xác đi. Trong thời gian chờ
nhà quàng xuống thì em thấy người cư sĩ trưởng nhóm họ làm những việc sau đây,
em không biết có đúng không em xin anh giải thích.
Chẳng hạn như họ đọc Chú Đại Bi, đến Bát Nhã Tâm Kinh, xong tụng kinh A Di Đà,
chú Vãng sanh, và niệm Phật thêm để chờ người nhà quàng đến...
Em cũng có dự hộ niệm vài lần, nhưng chỉ thấy niệm Phật, từ 8-12 tiềng xong rồi
thôi chứ không có làm thêm phần tụng kinh, trì chú.Xin anh Diệu Âm hoan hỉ giải
thích giúp em giải toả những phân vân, để khi đi hộ niệm mình biết những gì
mình cần làm và những gì minh không nên làm để cho người ra đi không bị thiệt
thòi mất phần vãng sanh.
Trả lời:
Đọc chú Đại bi, tụng Bát
nhã tâm kinh, tụng kinh A-di-đà khi hộ niệm không có gì sai cả, nhưng thật sự
để trực tiếp giúp người lâm chung vãng sanh thì câu Phật hiệu là mạnh nhất,
thẳng nhất, trực tiếp chuyển cảnh giới cho người ra đi.
Trong kinh Vô lượng thọ, Phật dạt 10 niệm tất sanh. 10 niệm này là niệm 10 lần
danh hiệu A-di-đà Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc. Hãy quyết tâm giúp cho
người sắp chết niệm cho kỳ được 10 câu Phật hiệu cầu vãng sanh.
Tụng chú Đại-bi giải ách nạn, tiêu nghiệp chướng, tốt chứ không phải sai. Nhưng
trong một thời gian quá ngắn ngủi và cấp bách này, người bệnh khó có thể tụng
được để tiêu nghiệp. Dù có tụng được cũng khó nhất tâm trong tình huống quá cấp
bách, tứ đại phân ly đau đớn cùng cực! Khó nhất tâm tụng niệm thì làm sao tiêu
nghiệp!? Vấn đề là ở chỗ này.
Tụng Bát nhã tâm kinh để hiểu thấu lý không của chơn tâm tự tánh. Hiểu được lý
không này thì thành Phật. Nhưng thưa thực rằng, chính người còn đang khỏe cũng
chưa chắc đã hiểu thấu lý đạo trong tâm kinh, thì làm sao người bệnh (nghĩa là
còn sống) bình tĩnh để hiểu. Khi chết rồi, trong khoảng thời gian ngắn ngủi,
thần thức đang trăn trở đấu tranh rất căng thẳng với tình chấp, đang quay cuồn
trong cơn gió nghiệp, nào là oan gia trái chủ bủa vây báo haị, v.v... Thật là
vạn điều thống khổ nói sao nên lời, thì thật sự cũng quá khó cho họ bình tâm để
hiểu thấu đạo lý cao diệu trong tâm kinh.
Hãy niệm Phật nhờ Phật quang chiếu xúc, cứu độ người vãng sanh. Câu Phật hiệu,
ngắn gọn, rõ ràng giúp cho bệnh nhân còn sống hay thân trung ấm giực mình tỉnh
ngộ niệm theo. Lời Phật A-di-đà thề rằng, người nào khi xả bỏ báo thân, niệm
danh hiệu Ngài cầu vãng sanh, dẫu cho 10 không mà được sanh Ngài, thì không giữ
ngôi Chánh Giác. Niệm sáu chữ "Nam mô A-di-đà Phật" mà Phật còn sợ
dài, còn sợ cho người sắp chết khó niệm được, nên chư Phật, cũng chư Tổ khuyên
hãy niệm 4 chữ thôi, "A-di-đà Phật" để dễ vãng sanh hơn. Tại sao
chúng sanh không chịu vâng lời Phật dạy!?...
Mau mau chộp lấy cơ hội này mà thành tựu đạo quả, chớ sơ ý nữa mà ân hận vạn
kiếp đó!
Tụng kinh A-di-đà cũng rất tốt, nhưng suy cho cùng lý, thì kinh A-di-đà Phật
dạy cho chúng sanh niệm câu Phật hiệu để vãng sanh, thì lúc tối cần thiết này
chúng ta hãy nhiếp tâm niệm câu Phật hiệu, tức là niệm toàn bộ kinh A-di-đà rồi
đó.
Nói chung, lúc lâm chung, không có gì khác hơn là niệm một câu Phật hiệu
"A-di-đà Phật", thành tâm, chí thành chí kính, cùng nhau niệm sẽ giúp
cho người ra đi nhiếp tâm niệm theo, cầu xin vãng sanh mà đưọc vãng sanh.
Đây là đường dễ nhất, trực tiếp nhất, chuyển đổi hẳn từ cảnh phàm phu tội
chướng nặng ở cõi ta bà khổ lụy, về Tây phương thành bậc bất thối chuyển. Nhất
thiết duy tâm tạo. Tâm niệm A-di-đà Phật thì chủng tử A-di-đà Phật sẽ xuất
hiện, chủng tử A-di-đà hiện ra thì tương ứng với từ lực tiếp dẫn của Phật
A-di-đà mà vãng sanh về Tây phương.
Tóm lại, trong suốt thời gian từ sau khi tắt hơi cho đến 8 giời, 12 giờ, 16
giờ... Tốt nhất là hãy cùng nhau niệm câu Phật hiệu, niệm cho đến khi nhà quàng
đem xác đi mới tốt. Tất cả kinh điển gì khác có thể tụng sau đó cũng được, chưa
phải muộn.
Nên nhớ, trong lúc lâm chung rất cần sự khai thị hướng dẫn, cần ngắn gọn, rõ
ràng, chủ đích là khuyên buông xả tất cả để niệm Phật cầu Phật phóng quang tiếp
độ vãng sanh Cực lạc. Đang vừa tắt hơi thì khai thị ngay để người đó kịp thời
tỉnh ngộ mà niệm Phật. Trong khoảng một vài giờ đầu sau khi tắt hơi rất cần
tiếp tục nhắc nhở, khai thị, hướng dẫn thần thức niệm Phật cầu vãng sanh. Cần
nhắc thần thức đừng nên chạy theo những cảnh giới lạ, cứ một lòng niệm A-di-đà
Phật, chờ A-di-đà Phật đến tiếp dẫn là được vãng sanh. A-di-đà Phật hóa hiện sẽ
giống như ảnh tượng đang treo trước mặt bệnh nhân.
Tụng kinh, tụng chú trong những lúc này không mạnh bằng câu Phật hiệu. Chư Tổ
thường xuyên nhắc nhở rằng, tụng kinh không bằng tụng chú, tụng chú không bằng
niệm A-di-đà Phật. Nhất là trong lúc hộ niệm, câu A-di-đà Phật là tất cả nguồn
vãng sanh thành đạo vậy.
Niệm 8 tiếng đồng hồ là thời gian tối thiểu, chứ không phải tối đa. Nếu niệm 8
giờ mà người chết vẫn chưa hiển hiện tướng tốt thì có thể họ chưa được phước
phần thoát nạn. Đây là do nghiệp chướng báo hại, oan gia cản trở, hoặc tâm
người ra đi còn mê muội tham chấp vào chuyện thế gian vô thường, như thương
tiếc cái thân, thương nhớ con cháu, tham tiếc tài sản, uất hận chuyện gì,
v.v... Nếu thuận duyên, hãy phát tâm niệm thêm cho họ đến 16, 20 tiếng. Rất
tốt.
Nên khai thị, hướng dẫn cụ thể, nghĩ thử người chết đang bị chướng nạn gì mà
khai nói thẳng đến vấn nạn đó. Hãy hỏi người nhà để biết tâm chấp của người
bệnh. Hãy xem thử người nhà có tin hay không, có khóc hay không, có làm điều gì
lôi kéo họ lại không?
Khai thị rất quan trọng. Cần phải học tập cách nói trôi chảy, đừng nói ấp úng,
ngập ngừng, giọng nói vững vàng, tin tưởng, thành tâm... Phải tập ứng đối nhặm
lẹ, sáng suốt và phải đi thẳng vào trọng tâm của sự gút mắc mới cứu người được.
Còn chuyện tụng kinh cầu siêu, cúng tế,... không phải phần hành chính của người
hộ niệm.
Mong cho nhiều người sớm ngộ pháp Phật nhiệm mầu, mau mau ứng dụng phương cách
hộ niệm vi diệu để cứu độ được người hay người đó. Còn như cứ tiếp tục mê muội,
không tin tưởng... thì Phật cũng đành "tùy duyên"!
A-di-đà Phật
Hỏi số 76:
Người được hộ niệm là
một bệnh nhân bị bệnh Ung Thư ở giai đoạn cuối . Khi được hộ niệm người này đã
phát tâm tha thiết cầu VÃNG SANH . Nhưng khi lâm chung người nhà đã đụng đến
thân thể rồi mới gọi BHN. Sau khi được hộ niệm 12 giờ đồng hồ thì phải LIỆM.
BHN thăm hơi nóng có kết quả như sau:
- Ở ngực Ấm nhất.
- Ở đỉnh đầu không lạnh như những chỗ khác .
Như kết quả trên THẦN THỨC của người được HN đã xuất ra khỏi thân chưa?
Trả lời:
Sau 12 giờ mà thấy hơi
ấm ở ngực chứng tỏ người đó không được vãng sanh về Cực lạc. Nếu gia đình thành
tâm nên hộ niệm thêm, cố gắng khai thị hướng dẫn giúp cho thần thức hiểu đạo mà
nhiếp tâm niệm Phật cầu vãng sanh thì cũng có thể chuyển đổi hoàn cảnh.
Trong vòng mới tắt hơi, chưa đủ 8 giờ mà người nhà đụng chạm vào thân xác là
điều không tốt, có thể gây chướng ngại lớn cho thần thức không được an ổn ra
đi. Hơn nữa, người bệnh dù có phát tâm tha thiết nhưng trong đời ít tu hoặc gần
chết mới được hộ niệm thì cũng khó xoá được nghiệp thì lúc lâm chung chưa chắc
đã chịu đựng nổi nghiệp khổ báo đời, oan gia hãm hại, thành ra tinh thần chưa
chắc đã vững vàng thoát khỏi các ách nạn.
Thần thức còn vướng trong thân xác khi có nhiều điểm nóng trên thân. Nếu thấy
điểm nóng ở một vùng lớn hay nhiều chỗ thì đừng nên nhập quan vội. Không tốt.
Trong lịch sử người chết một vaì ngày rồi sống lại không phải ít.
Khổng giáo khuyên ít ra 3 ngày mới chôn cất. Phật giáo chư Tổ khuyên nên để 7
ngày mới thiêu hoặc chôn là sợ sự hồi dương.
Người tình chấp sâu nặng thường cứ bám vào cái xác rất dễ bị haị.
Hỏi số 78:
Trong những buổi niệm
Phật cho những trường hợp trên VT thấy THƯỜNG XUYÊN đọc bài SÁM HỐI.
Con xưa đã tạo bao ác nghiệp.
Đều từ vô thỉ tham sân si
........
Hết thảy con nay xin xám hối.
Nam Mô cầu xám hối Bồ Tát Ma Ha Tát (đọc 3 lần)
Theo như cách hướng dẫn của Anh về phương pháp HN và qua những trường hợp HỘ
NIỆM VÃNG SANH MÀ CHÍNH ANH LÀ NGƯỜI KHAI THỊ VT không thấy cách SÁM HỐI này.
Như vậy cách Sám trên có đúng pháp không?
Trả lời:
Sám nghiệp không có gì
sai. Nhắc nhở người bệnh sám hối là điều tốt. Tuy nhiên, khi đi hộ niệm chúng
ta nhắc về sám hối một vài lần là có thể đủ, đừng nhắc đến điều sai trái của
người bệnh nhiều quá, vì khi nhắc đến lỗi lầm thì có thể khiến cho người bệnh
mặc cảm tội lỗi, hoặc cứ nhớ đến những sai trái mà không yên tâm niệm Phật.
Một người, giả sử, bị lỗi lầm nhiều quá, lớn quá, chúng ta phải khuyên họ sám
hối, chỉ họ cách sám nghiệp.
Nhưng sau khi sám hối rồi, người hộ niệm tìm lời an ủi, vỗ về, khuyến tấn họ,
làm cho họ không còn sợ hãi hay lo ngại về chuyện sai trái nữa. Có vậy họ mới
an lòng niệm Phật. An tâm niệm Phật mới có cơ hội vãng sanh.
Phải có tâm lý, thiện xảo phương tiện, chứ không thể thẳng như "ruột
ngựa" được, thấy họ sai mà nhắc đến cái sai hoài, thì không khéo họ bị
phiền não, mắc cỡ, tức bực... Đã bị vậy rồi rất khó cứu họ.
Như vậy, lời sám hối trên, nếu có thể, nhắc một lần, hai lần là đủ. Sau đó,
khuyên họ nhiếp tâm niệm Phật, cố giúp họ quên luôn các sai trái trong quá khứ
đi, để chỉ còn nhớ câu Phật hiệu mà niệm.
Hơn nữa, còn khuyên người bệnh rằng, những chuyện sai trái đó chẳng qua là do
sự mê muội nhất thời, lúc mình chưa hiểu Phật pháp. Chuyện này ai cũng có,
không ai tránh khỏi. Đừng ngại, đừng lo sợ.
Điểm quan trọng là tìm mọi cách để an ủi người bệnh. Đừng để những chuyện sai
trái thành ra chuyện lớn làm vướng mắc tâm họ. Khuyên họ, thuyết phục họ hãy
hết sức an lòng về chuyện này.
Người hộ niệm khi chỉ cách cho họ sám hối xong, thì coi như nghiệp chướng đã
phủ phục. Nói với người bệnh rằng, đã thành tâm sám hối thì Phật đã chấp nhận
cho họ được mang nghiệp về Tây phương để Phật giải cho, gọi là: "Đới
Nghiệp Vãng Sanh". Quyết định phải giúp họ an tâm niệm Phật mới được.
Đó là nói với người bệnh. Còn về phần nguời thân trong gia đình, thì mình phải
nói riêng. Đòi hỏi gia đình phải thành tâm hoá giải ách nạn cho người bệnh.
Phải làm phước, phóng sanh, in kinh, bố thí cho nhiều để hồi hướng công đức.
Khi bị nghiệp khảo nặng, bị oán thân trái chủ báo hại, thì rất cần sự thành tâm
cuả người thân hoá giải: niệm Phật, lạy Phật cầu Tam bảo gia bị. Ăn chay, phóng
sanh, thành tâm cầu xin hoá giải oan gia trái chủ tha thứ. Nhất là phóng sanh
rất tốt.
Những người nằm trên giường bệnh năm này qua năm khác thì việc làm phước thiện
của gia đình rất quan trọng, giúp cho người bệnh dễ thoát ách nạn dở sống dở
chết. Nếu gia đình không chịu tiếp tay trong chuyện này thì người Hộ Niệm cũng
đành tùy duyên chứ không cách nào khác hơn.
Hỏi số 79:
Khi cầu xin oan gia trái
chủ thường NÓI LỚN với nội dung như: Kính thưa chư vị hương linh có mặt ở đây,
cùng chư vị hương linh Cửu Huyền Thất Tổ... Vì vô minh che lấp nên Phật tử...
đã gây ra nhiều lỗi lầm đã làm cho chư vị đau khổ. Có thể là ăn thịt, giết hại,
não loạn... Bây giờ Phật tử... đã thành tâm sám hối phát Bồ Đề tâm niệm Phật
cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc...
Cách cầu xin oan gia trái chủ như vậy có làm cho người được HN sợ không? Có làm
ảnh hưởng đến tinh thần của người được HN không? (vì thường xuyên nhắc lại)
Trả lời:
Cầu giải oan gia trái
chủ nên thành tâm, nói chầm chậm, một vài lần thì có thể đủ để giải được. Không
nên nói lớn tiếng, vì nói lớn tiếng giống như kiểu ra lệnh, không tốt.
Có nhiều người điều giải nói nhanh quá, nói xẳn giọng, lớn tiếng quá,... không
tốt.
Mình là Phật tử, chưa có công đúc lớn, lúc nào cũng nên khiêm nhường, khiêm
tốn. Nhất định không có một chút ác ý nào đối với oan gia trái chủ, hay các chư
vong linh. Vì tất cả họ đều là chúng sanh như chúng ta. Không bao giờ có ý hãm
hại hay ghét bỏ họ. Không thể vì cứu người bệnh mà gây hại đến họ.
Hãy một lòng khuyên giải, khẩn nguyện, cầu xin họ quay đầu hướng Phật để hỗ trợ
nhau giải thoát. Giả như họ không chịu buông tha, thì đó cũng là nhân quả của
họ với người bệnh. Mình chỉ thành tâm điều giải là tốt nhất, chứ không có cách
nào khác hơn.
Mỗi khi muốn điều giải, hãy chắp tay, im lặng tịnh tâm một chút rồi mới nói.
Nói chậm rải, nói tha thiết, nói thẳng vấn đề. Chỉ một vài lần là đủ, đừng lập
đi lập lại quá nhiều lần, (ngoại trừ những trường hợp quá đặc biệt và cần
thiết).
Đừng nhắc đến những cảnh giới quá hung dữ trong tam ác đạo với người bệnh làm
chi, không tốt mà cũng có thể làm người bệnh hoảng sợ. Hoảng sợ thì bất an, hãi
kinh, rất khó tịnh tâm được. Đây là vấn đề tâm lý.
Có thể soạn thành bài, rồi cầm bài đọc một cách trang trọng. (Trong quy tắc trợ
niệm lâm chung có một số bài mẫu).
Câu hỏi này hay lắm. Khen Văn Tập đó. Hãy phổ biến cho nhiều người xem để tránh
lỗi lầm trong khi hộ niệm.
A-di-đà Phật
Hỏi số 80:
Khi HN xong BHN sẽ
kiểm tra xem người được HN có được vãng Sanh không? Điều này căn cứ
vào các thoại tướng như mắt nhắm, miệng khép, tay chân mềm.v.v.. hay
là căn cứ vào điểm nóng ở đỉnh đầu để xác định. Vì có nhiều
thành viên trong các BHN cho rằng thân thể mềm là VS.
Trả lời:
Không thể vội vã tin vào
việc thân xác mềm mại là xác định vãng sanh, mà thân thể mềm mại là một trong
những thoại tướng tốt, bảo đảm thoát được 3 đường ác. Như được mềm mại là điểm
vui mừng đầu tiên.
Người được vãng sanh thì chắc chắn có thân xác mền mại, chứ thân xác mềm mại
chưa hẳn đã được vãng sanh.
Nếu người bệnh trước giờ phút ra đi mà đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh nữa thì thêm được
yếu tố vãng sanh vững chắc.
Tổ Ngẫu Ích dạy, "Được vãng sanh cùng chăng đều do Tín và Nguyện có hay
không, phẩm vị thấp hay cao đều do niệm Phật sâu hay cạn".
Vậy thì, người tin tưởng vững chắc, tha thiết phát nguyện sẽ được vãng sanh.
Người ra đi bị nghiệp chướng hành hạ, họ niệm Phật không nổi, thì người hộ niệm
giúp hộ giữ câu Phật hiệu mà niệm. Nếu người đi có tin có nguyện, người hộ niệm
cũng có tin có nguyện. Khi xả bỏ báo thân xong với thoại tuớng đó, giúp ta vững
tin rằng, nhất định đã được cảm ứng, nghĩa là có xác xuất vãng sanh rất cao.
Tổ Ấn Quang dạy, "Vì nương theo Phật lực nên tất cả mọi người, không kể
nghiệp nhiều hay ít, không kể công phu cạn hay sâu, miễn TIN cho chắc, NGUYỆN
cho thiết, muôn người tu muôn người được vãng sanh".
Tất cả Tổ sư đều nói cùng một ý. Chắc chắc quý Ngài không gạt ta đâu. Vì sao
vậy? Vì quý Ngài nói toàn trong kinh Phật ra hết. Hãy dành chút thì giờ coi lại
các kinh điển Tịnh Độ sẽ thấy rõ ràng. Thấy rõ rồi thì nên mau mau "Đoạn
nghi sanh tín". Tự mình đoạn, không ai có thể đoạn thế cho mình được!
Chư Tổ là các bậc long trượng, uy đức cao dày mà còn dám nói rằng, "muôn
người niệm Phật muôn người vãng sanh". Còn ta toàn là hạng phàm phu ngu
muội, mà lại dám nghi ngờ rằng, các Ngài nói sai à?
Ta thì quyết tâm hộ niệm, người ra đi quyết lòng vãng sanh. Như vậy, đã đúng
với lời khai thị cửa chư Tổ, đã ứng hợp trọn vẹn lời thệ của Phật, thì lý do gì
mà không được vãng sanh? Nếu không được vãng sanh chẳng lẽ Phật A-di-đà phát
thệ cho vui sao?
Còn người nào muốn biết cho chắc, thì khuyên rằng, hãy khôn ngoan TÍN NGUYỆN
cho vững, rồi NIỆM PHẬT cho chuyên đi, để được vãng sanh về cõi Tịnh. Vãng sanh
xong thì sẽ biết liền. Chứ bây giờ đòi hỏi ai đó phải tuyên bố kết quả làm chi?
Chẳng lẽ một người nào đó tuyên bố thì mới được vãng sanh sao?
Phàm phu đòi hỏi phàm phu chịu trách nhiệm thật khá buồn cười! Không khéo, chỉ
vì một chút yếu đuối của niềm TIN mà dẫn tới chỗ mất phần vãng sanh, thì oan
uổng công phu tu hành lắm đó!
"Tín năng siêu xuất chúng ma lộ". Không có niềm tin nhất định bị mất
phần thoát vòng sanh tử luân hồi!
Một người khi đã chết rồi mà mắt từ từ nhắm lại, sắc tướng từ từ chuyển đổi trở
thành tốt đẹp, nhiều khi còn đẹp hơn lúc còn sống. Chẳng lẽ đây chuyện dễ tìm
được lắm sao? Trên thế giới, mỗi ngày có hàng triệu người chết, hãy bỏ công đi
điều tra thử coi, có mấy ai được vậy không?
Chúng sanh vô biên hàng giờ đều bị tai họa, nay nhờ gặp được pháp hộ niệm nhiệm
mầu mới cứu được một ít người hy hữu. Thấy vậy, đáng lẽ phải vui lên chứ, phải
tận lực để làm chứ, tại sao lại để tâm nghi ngờ? Chẳng lẽ muốn chết cho thật
khổ đau như tất cả mọi người mới thõa mãn à?
Thật tội nghiệp cho chúng sanh!
Văn Tập phải vững lòng tin và thương hại cho những người phước mỏng nghiệp nặng
vậy!
Như vậy, người bệnh được vãng sanh hay không thì để chư Phật Bồ-tát lo đi.
Chính ta đừng để bào mòn niềm tin, rơi rớt công đức hộ niệm nhé.
Hỏi : Một thành viên
khi đi HN có được hoài nghi rằng: không biết mình đi HN người này có
được VS không?
Hoặc nghĩ rằng: đi HN với tâm chân thành thì người được HN sẽ VS.
Trả lời: Câu hỏi này quá
hay!
Người hộ niệm phải giữ lấy vế thứ hai, bỏ hẳn ý nghĩ đầu. Nghĩa là đừng bao giờ
cho rằng đi hộ niệm là vô ích. Phải thành tâm, chí thành, chí kính mà hộ niệm
cho người có duyên.
Đừng có tâm trạng chủ bại, hồ nghi nữa. Đem tâm hiếu kỳ, chao đảo, phân vân...
đi hộ niệm, sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt trong các buổi HN. Có thể vì vậy mà
làm mất phần vãng sanh của chúng sanh.
Tin thì tham gia, không tin, thì tốt nhất, nên rút lui khỏi BHN.
Chắc chắn, nhân nào quả đó. Không tin sẽ có quả báo không tin. Đến lúc chính
mình chết mới biết thế nào là giá trị của Hộ niệm.
Đừng để quá trễ!
A-di-đà Phật
Hỏi số 81:
Trong sách tuyển tập các
bài của Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam do Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa trích dịch, ấn tống
2008, nhà sách Papyrus San Jose, trang 57:
“Trong 25 năm tại Đài Trung, có hơn hai ngàn vị đồng tu đã qua đời, nhưng
lúc mất có lưu lại tướng vãng sanh để chứng nghiệm thì chẳng nhiều hơn 10
người"
Trước Lão cư sĩ, cũng đã có các lời Khai Thị của Ấn Quang Đại Sư (?), không
lẽ nào như vậy (mà) trong lúc hiện nay, theo các DVD thì rất nhiều người có
thoại tướng vãng sanh?
Trả lời:
Coi chừng sự nhận xét
của chúng ta bị lầm lẫn hoặc sơ suất ở một phương diện nào đó!
Niệm Phật vãng sanh đã có hàng ngàn năm nay rồi, số ngưòi vãng sanh nhiều lắm
chứ không phải ít. Nhưng trước đây sao lại hình như ít nghe đến, ngày nay thì
nghe nhiều quá. Chẳng lẽ trước đây người học Phật dở lắm sao? Chẳng lẽ, ngày
nay chúng sanh có nhiều trí huệ hơn người xưa nên ngộ đạo nhiều hơn sao?
Đề nghị chư vị đạo hữu bình tĩnh xét theo các tiêu chuẩn sau đây, có lẽ sẽ rõ
hơn.
Điểm thứ nhất: Kỷ thuật truyền
tin.
Thời xưa, vấn đề truyền thông rất thô sơ, tin tức không thể truyền đi rộng rãi.
Một sự cố xảy ra tại làng này khó có thể truyền qua làng bên cạnh. Tin tức tự
nó thường bị đóng kín.
Thời đó, phương tiện di chuyển thiếu thốn, đi lại rất khó khăn. Báo chí, TV,
Điện thoại, Internet... không có. Con người lúc bấy giờ chỉ sống âm thầm trong
một hoàn cảnh nhỏ hẹp, sinh hoạt đơn giản, không dễ gì có thể nhận được tin tức
đó đây. Thế thì, tin tức về sự vãng sanh, nếu có, chẳng qua cũng chỉ là sự
truyền miệng cho nhau, giới hạn trong một vài người thân thuộc, rồi xuyên ra
ngoài thoáng qua một vài người, rồi sau đó tự nó đi vào im lặng, quên lãng!
Cho nên, đến ngày nay mà chúng ta nghe được một cuộc vãng sanh của người thời
trước là cả một sự hy hữu, đầy may mắn! Một ngàn người vãng sanh, may mắn lắm
lưu lại tin tức một vài người qua sự truyền miệng, rỉ tai. Những người được ghi
trong truyện ký chẳng qua là nêu ra một vài trường hợp tiêu biểu, điển hình quá
đặc biệt hay có duyên nào đó mà thôi. Còn tất cả đều đã chìm vào sự quên lãng,
biến mất theo thời gian hết rồi. Không có video, DVD, quay phim làm chứng cứ gì
được đâu.
Ví dụ cụ thể, trong năm 1945, tại miền bắc VN, một nạn đói đã xảy ra làm chết
hàng mấy triệu người. Người chết đầy đường, chết chôn không kịp, không còn chỗ
chôn! Ấy thế mà cả thế giới vẫn im lìm không hay biết? Thậm chí, ngay trong
nước người dân cũng không hay. Ngoài bắc thì người chết nằm đầy đường, trong
khi ấy người miền trung, miền nam VN đa phần không ai hay biết gì cả!
Hàng triệu người chết đói đâu phải là ít!... Tại sao không biết? Thông tin quá
yếu!
Còn hiện nay, có một bệnh dịch swine flu (cúm heo) phát sinh, làm chết chỉ hơn
150 người ở Mexico, mà làm cho cả thế giới kinh hoàng, nước nước đều hoảng sợ,
lo lắng đến mất ăn mất ngủ. 150 người chưa phải là nhiều lắm, nhưng làm cho cả
nhân loại trên quả điạ cầu phải hoang man, sợ hãi!
Tại sao vậy? Do sự tiếp tay đúng mức của kỷ thuật truyền thông.
Điểm thứ hai: lòng tin:
Trước đây lòng người chân thành, thanh tịnh, tín tâm cao, nên niệm Phật vãng
sanh nhiều, (nhiều chứ không phải ít như ta tưởng). Nhưng đây là điều tự nhiên,
quen thuộc, không ai nghi ngờ, không ai thèm đặt vấn đề này nọ. Người nào vãng
sanh thì mừng cho người đó, người còn ở lại thì cứ tiếp tục lặng lẽ tu niệm để
chờ ngày mình vãng sanh. Họ đâu cần tuyên truyền, rao bán, phô trương ra làm
chi?
Còn đến thời này, lòng người tán loạn, niềm tin cạn cợt, người tu hành không có
lòng chí thành chí kính, nghiệp chướng lại nặng, oán thân càng nhiều. Chính vì
thế sự vãng sanh ít hoặc không có. Sự chết, bị đọa lạc trở thành hiển nhiên.
Nhiều người đã thực sự chấp nhận sự cố này như một định luật không thể thay
đổi!
Chính vì thế, khi thấy người chết họ cho là tự nhiên, là đúng! Ngược lại, khi
thấy hoặc nghe đến một người vãng sanh thì thật là chuyện lạ lùng, hoang đường,
huyền hoặc! Chúng sanh trong thời mạt pháp này thật sự chỉ biết đọa lạc, chứ
không phước phần biết sự giải thoát. Đây là do nghiệp nặng phước mỏng, do tâm
thối hóa của chúng sanh mà biến ra tình trạng này!
Chính vì vậy, thời trước dẫu có hàng ngàn người được vãng sanh thì xã hội vẫn
lặng lờ, yên tịnh. Với lòng thanh tịnh sẵn có, không ai nghi ngờ, không ai đặt
nên vấn đề làm chi cả.
Ngày nay, nếu có một người vãng sanh là cả một chuyện lớn, khó gặp. Vì để tạo
niềm tin cho nhiều người, nhiều khi được quay phim, làm video, DVD, TV, báo chí
tung tin rộng rãi. Có 1 người vãng sanh, tung ra 100 VCD, 1000 VCD, 10.000 VCD,
v.v... sự thông tin nhanh chóng và rộng rãi làm cho nhiều người biết được...
Đây là sự tiếp sức hiệu quả của kỷ thuật truyền tin.
Nên nhớ, rất nhiều người biết, cả triệu người biết chứ không phải một triệu
người vãng sanh. Đừng có cảm giác sai lầm!
Điều này rất có lợi, giúp những người có thiện căn phước đức khắp nơi củng cố
được niềm tin, kiên cố bất thối, vững lòng niệm Phật.
Ngược lại, người phước mỏng nghiệp sâu, mới nghe qua thì vội nghi ngờ, cho là
chuyện hoang đường, viễn vông, "lạm
phát", khó tin... tìm cách đặt ra nhiều vấn đề sai lạc...
Ôi, tốt hay xấu chính do tâm của chúng sanh vậy!
Trong thời Chánh pháp và Tượng pháp, lòng người còn thanh tịnh, công phu tu
hành tốt, hiện tượng vãng sanh quá nhiều. Nhiều người đứng vãng sanh, ngồi vãng
sanh, biết trước ngày giờ vãng sanh còn lưu lại trong sách vở, truyện ký. Sự
vãng sanh nhiều lúc tự tại giống như trò biễu diễn.
Hãy đọc trong: "Tịnh độ
Thánh Hiền lục", "Truyện vãng sanh", "Những điệu sen
Thanh" (do Ngài Thích
Thiền Tâm dịch thuật), v.v... kể lại rất nhiều trường hợp vãng sanh. Đây chỉ là
sự tiêu biểu chứ không phải chỉ bấy nhiêu đó đâu.
Nhiều lắm! Người vãng sanh nhiều đến nỗi chư Tổ còn dám nói rằng, "trăm người niệm Phật trăm
người vãng sanh, ngàn người niệm Phật ngàn người vãng sanh, muôn người niệm
Phật muôn người vãng sanh". Hãy
xem lại các lời khai thị của Tổ Sư ta sẽ thấy rõ chuyện này. Nếu không có nhiều
làm sao các Ngài dám nói lời này? Các Ngài Thiện Đạo, Vĩnh Minh, Liên Trì, Ngẫu
Ích, Ấn Quang, v.v... nhiều vị Tổ, vị nào cũng nói vậy cả. Các Ngài đều dạy,
chỉ cần tin trưởng cho vững, tha thiết cầu nguyện vãng sanh rồi chân thật trì
danh niệm Phật thì ai cũng được phần vãng sanh.
Ấy thế mà con người thời nay cứ đứng thấp thỏm ngắm nhìn, suy đi xét lại, đặt
vấn đề này vấn đề nọ, nghi đủ chuyện để đành chịu mất phần vãng sanh.
Điểm thứ ba: Cách tu hành.
Nhiều người, tiếng gọi là tu hành nhưng thật sự có tu hay không là chuyện khác?
Nhiều nơi tự xưng là tu Tịnh độ, nhưng hãy để ý kỹ thử coi, họ có thực sự là Tu
Tịnh hay không?
Tu Tịnh thì mục đích chính là hết báo thân cầu được vãng sanh về Cực lạc quốc.
Vậy mà, nhiều người suốt đời tự xưng tu Tịnh nhiệp, nhưng chưa bao giờ tha
thiết đọc lời nguyện vãng sanh, chưa bao giờ có ý niệm vãng sanh, chưa bao giờ
giảng giải sự vãng sanh cho đại chúng nghe qua, trước những giờ phút chết họ
nguyện cầu đời sau sẽ được sanh trở lại làm người, cầu gặp được minh sư, cầu
gặp được chùa lớn, cầu thuận duyên để được tu tiếp, v.v...
Nghĩa là, họ tự nguyện tiếp tục bị kẹt trong vòng sanh tử luân hồi, họ không
muốn thoát ly tam giới, họ không muốn vãng sanh Cực lạc như lời đức Thế Tôn
dạy.
Không giảng giải đạo vãng sanh, thì đường vãng sanh của chúng sanh mù mịt. Mù
mịt đường giải thoát nên chúng sanh đành chờ chết, chết để chịu khổ. Tội nghiệp
thay!...
Còn có người cứ thích nói cao, nói diệu, nói điều siêu huyền diệu lý. Chúng
sanh phàm phu nghiệp nặng đang lê lếch tấm thân nhiệp báo dưới đất đen, tương
lai thật tăm tối, liệu họ có ngộ được gì bỡi những triết lý cao siêu không?
Liệu họ có nhờ được gì từ những lý đạo trên mây xanh không?
Tổ Ấn Quang nói rằng, đừng đem lý đạo của hành thượng căn mà dạy cho hàng trung
hạ, không ích lợi gì mà tạo thêm vọng tưởng. Vọng tưởng thì làm sao thành đạo!
Tâm mơ tưởng nhiều quá, tâm lý luận nhiều quá, nếu không lạc vào "Tà Định" thì cũng bị "Bất Định", nghĩa là
mất "Chánh Định", nhất định lạc đường vãng sanh Tịnh độ. (Kinh VLT)
Trong khi đức A-di-đà ngày đêm thõng tay tiếp độ tất cả chúng sanh, thì không
ai chịu tiếp dẫn, mà cứ bày vẽ cho chúng sanh những điều vọng tưởng, loạn tâm!
Hỏi rằng, đâu là Tịnh độ đây?
Vì lòng tin không thanh tịnh, trí huệ mê mờ mà hành trì đầy tạp loạn. Tu hành
tạp loạn thì giống như kẻ đi không biết đường, về không rõ đích, làm sao tránh
khỏi bị lạc? Chúng sanh bị hướng dẫn sai lầm, nên từ cảnh khổ này chuyển sang
cảnh khác còn khổ hơn! Thật tội nghiệp!
Chướng duyên của con người thời nay nặng quá, nên khó thấy được người vãng
sanh? Không nhìn thấy được, không đủ khả năng vãng sanh, thì khi nghe thấy đến
chuyện vãng sanh mới đâm ra nghi ngờ, đặt đủ mọi vấn nạn. Đâu ngờ rằng, chính tâm hồ nghi là chướng nạn lớn
nhất làm mất đường vãng sanh của chính họ!
Trong một giảng ký, HT Tịnh Không nói, những người theo lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam
niệm Phật có trên vài trăm ngàn (hơn 200.000) người, nhưng tổng cộng người vãng
sanh (tính cho đến khi Ngài Lý Bỉnh Nam vãng sanh) cỡ khoảng trên năm trăm
(> 500) người). Theo Ngài nói, đây là con số thành tựu quá ít, nhưng so ra
còn cao hơn sự cứu độ của lục tổ Huệ Năng, vị tổ nổi tiếng trong Thiền tông, vị
có công phát dương quảng đại Tông môn ở Trung Quốc, với vài trăm ngàn
(>200.000) đệ tử theo lục tổ tu tập, chỉ có 93 người được xác nhận thành
tựu.
Trong hai trăm ngàn (> 200.000) người tu hành chỉ kiểm chứng được hơn năm
trăm (> 500) người, nghĩa là cứ 2.000 người thì được 5 người vãng sanh, con
số còn thấp hơn sự thống kê trong trang sách trên!
Tại sao số người vãng sanh ít vậy?
Vì niềm tin bạc nhược! Niệm Phật mà không có lòng tin được vãng sanh.
Vì không tin tưởng nên hành trì tạp nhạp, trước mắt sư phụ thì giả đò niệm
Phật, giả đò cầu vãng sanh.. Sau đó thì cầu xin đử thứ phước báu để kiếm chác
chút ít...!
Như vậy mất phần vãng sanh không phải do do pháp Phật dở, mà do người tu không
chịu y giáo phụng hành.
Bây giời quý đạo hữu quyết lòng y giáo phụng hành thử coi, sự vãng sanh sẽ hiện
ra trước mắt.
Cụ thể, một lòng niệm Phật. Nếu biết mình nghiệp chướng sâu nặng thì hãy chuẩn
bị người hộ niệm khi lâm chung. Nghĩa là, lập Ban Hộ Niệm, nghiên cứu thật kỹ
phương pháp hộ niệm, cách khai thị... để giúp người lâm chung vãng sanh. Giúp
ngươi hiểu hộ niệm tức là giúp chính ta vậy.
Ở Đắk-Lắk chính tôi đã gặp một bà cụ quyết lòng niệm Phật vãng sanh. Cụ luôn
luôn cầm xâu cuỗi trên tay và luôn luôn niệm Phật. Gặp chúng tôi, Cụ chỉ cúi
đầu chào, rồi ngồi trên giường niệm Phật, không bao giờ xen tạp một câu chúc
tụng xã giao. Gặp Cụ, Diệu Âm này thật sự muốn quỳ xuống đảnh lễ để tỏ lòng
kính trọng. Có ai quyết lòng vãng sanh như Cụ này không?
Khi Cụ này vãng sanh, nếu có VCD, xin quý đạo hữu đừng nên nghi ngờ nhé, mà hãy
tiếp tay phổ biến rộng rãi, giúp cho nhiều người xem mà tỉnh ngộ đường tu.
Tại Sydney Úc châu, có một cư sĩ, tên là ĐTH, mẹ của anh là cụ bà Dư Thị Ky, đã
vãng sanh năm 2000. Bây giờ anh ta luôn luôn hộ niệm cho cha. Ngày ngày, gia
đình anh đều có công phu niệm Phật. Đêm đêm, tự anh ta ngồi cạnh giường người
cha để niệm Phật cho đến khi ông cụ ngủ thiếp rồi anh mới về phòng ngủ.
Có ai hiếu thảo như anh này không? Có ai chuẩn bị cách hộ niệm cho người thân
của mình vãng sanh chưa? Có thường khuyên cha mẹ mình niệm Phật chưa? Nếu chưa
thì bắt đầu khuyên đi, tìm mọi cách mà khuyên. Nếu không khuyên, không biết hộ
nệm, thì làm sao thấy được người vãng sanh?
Khi ông cụ này vãng sanh, VCD, DVD tung ra khắp nơi, mong quý vị hãy coi kỹ tấm
gương này mà học tập theo, hầu trọn đạo làm người đại hiếu. Hãy sang ra hàng
ngàn VCD để giúp người biết Niệm Phật - Hộ niệm - Vãng sanh.
Xin nhắc lại, in ra hàng ngàn VCD vãng sanh cho hàng ngàn người xem, chứ đừng
lầm rằng hàng ngàn người vãng sanh đâu!
Mong cho nhiều người ngộ ra đạo lý nhiệm mầu, nhiều người được vãng sanh thành
đạo.
Đạo lý là: TÍN-NGUYỆN-NIỆM
PHẬT VÃNG SANH.
A-di-đà Phật