;
10 phước thiện:
1- Dānakusala: Phước-thiện bố-thí.
2- Sīlakusala: Phước-thiện giữ-giới.
3- Bhāvanākusala: Phước-thiện hành-thiền.
4- Apacāyanakusala: Phước-thiện cung-kính.
5- Veyyāvaccakusala: Phước-thiện hỗ-trợ.
6- Pattidānakusala: Phước-thiện hồi-hướng.
7- Pattānumodanakusala: Phước-thiện hoan-hỷ.
8- Dhammassavanakusala: Phước-thiện nghe-pháp.
9- Dhammadesanākusala: Phước-thiện thuyết-pháp.
10- Diṭṭhijukammakusala: Phước-thiện chánh-kiến.
Mười phước-thiện gom lại thành 3 nhóm phước-thiện chính có điểm tương tự giống nhau:
– Nhóm phước-thiện bố-thí.
– Nhóm phước-thiện giữ-giới.
– Nhóm phước-thiện hành-thiền.
1- Nhóm phước-thiện bố-thí gồm có 3 loại phước-thiện là:
dānakusala: phước-thiện bố-thí,
pattidānakusala: phước-thiện hồi-hướng,
pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ.
2- Nhóm phước-thiện giữ-giới gồm có 3 loại phước-thiện là:
sīlakusala: phước-thiện giữ-giới,
apacāyana-kusala: phước-thiện cung-kính và
veyyāvaccakusala: phước-thiện hỗ-trợ.
3- Nhóm phước-thiện hành-thiền gồm có 4 loại phước-thiện là:
bhāvanākusala: phước-thiện hành-thiền,
dhammassavanakusala: phước-thiện nghe-pháp,
dhamma-desanākusala: phước-thiện thuyết-pháp,
diṭṭhijukamma-kusala: phước-thiện chánh-kiến.
Giải thích
1- Nhóm phước-thiện bố-thí gồm có 3 loại phước-thiện là: phước-thiện bố-thí, phước-thiện hồi-hướng và phước-thiện hoan-hỷ.
Trong nhóm phước-thiện bố-thí này có 2 phước-thiện là: phước-thiện hồi-hướng và phước-thiện hoan-hỷ đều có 2 pháp nghịch là: macchariya: tâm keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản của mình, và issā: tâm ganh tị trong của cải tài sản hay tài đức của người khác giống như phước-thiện bố-thí.
Vì vậy, 3 loại phước-thiện là: phước-thiện bố-thí, phước-thiện hồi-hướng và phước-thiện hoan-hỷ này có điểm tương tự giống nhau, nên gom chung vào nhóm phước-thiện bố-thí (dānamayakusala).
2- Nhóm phước-thiện giữ-giới gồm có 3 phước-thiện là: phước-thiện giữ-giới, phước-thiện cung-kính và phước-thiện hỗ-trợ.
Trong nhóm này, phước-thiện giữ-giới đó là cetanā: tác-ý tâm-sở trong đại-thiện-tâm giữ gìn thân và khẩu, tránh xa 3 thân hành-ác, tránh xa 4 khẩu nói-ác, làm cho thân và khẩu đàng hoàng.
* Phước-thiện cung-kính đối với những bậc đáng tôn kính, cung-kính đối với tất cả mọi người đáng cung-kính. Người có pháp cung-kính biểu hiện bằng thân cung-kính lễ bái cúng dường, bằng khẩu cung-kính nói lời lễ độ, v.v…
* Phước-thiện hỗ-trợ trong mọi việc thiện của người khác. Người có pháp hỗ-trợ trong mọi việc phước-thiện của người khác, biểu hiện bằng thân: tận tình giúp đỡ mọi người, bằng khẩu: chân tình nói lời chỉ dẫn mọi người.
Phước-thiện cung-kính và phước-thiện hỗ-trợ là 2 phước-thiện thuộc về carittasīla: giới nên hành của chư bậc xuất gia tỳ-khưu, sa-di và người tại-gia và cận-sự-nam, cận-sự-nữ.
Vì vậy, 3 loại phước-thiện là: phước-thiện giữ-giới, phước-thiện cung-kính và phước-thiện hỗ-trợ này có điểm tương tự giống nhau, nên gom chung vào nhóm phước-thiện giữ-giới (sīlamayakusala).
3- Nhóm phước-thiện hành-thiền gồm có 4 phước-thiện là:
Bhāvanākusala: phước-thiện hành-thiền,
dham-massavanakusala: phước-thiện nghe-pháp,
dhamma-desanākusala: phước-thiện thuyết-pháp,
diṭṭhiju-kammakusala: phước-thiện chánh-kiến.
Trong nhóm này, phước-thiện nghe-pháp, phước-thiện thuyết-pháp và phước-thiện chánh-kiến có trạng-thái làm cho thiện-pháp bậc cao phát sinh lên đầu tiên, rồi làm cho thiện-pháp ấy phát triển giống như bhāvanākusala: phước-thiện hành-thiền, là thực-hành pháp-hành thiền-định và thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.
Vì vậy, 4 loại phước-thiện là: phước-thiện hành-thiền, phước-thiện nghe-pháp, phước-thiện thuyết-pháp và phước-thiện chánh-kiến này có trạng-thái tương tự giống nhau, nên gom chung vào nhóm phước-thiện hành-thiền (bhāvanāmaya-kusala).
Tuy nhiên, phước-thiện thuyết-pháp và phước-thiện chánh-kiến được ghép theo Phật-ngôn và Chú-giải như sau:
* Đức-Phật dạy rằng:
“Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti”(1)
Pháp-thí là cao thượng hơn tất cả mọi sự bố-thí.
Như vậy, phước-thiện thuyết-pháp được ghép vào với phước-thiện bố-thí.
* Chú-giải Pāḷi, bộ Pāthikavaggaṭṭhakathā, Kinh Saṅgītisuttavaṇṇanā giảng giải rằng:
“Diṭṭhijukammaṃ sabbesaṃ niyāmalakkhaṇaṃ”(2)
Phước-thiện chánh-kiến có trạng-thái điều hòa và hỗ-trợ cho tất cả 10 phước-thiện puññakriyāvatthu.
Như vậy, phước-thiện chánh-kiến được ghép vào với nhóm phước-thiện bố-thí, nhóm phước-thiện giữ-giới và nhóm phước-thiện hành-thiền.
* Nếu thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí, hành-giả thực-hành pháp-hành giữ-giới, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có phước-thiện chánh-kiến hỗ-trợ, thì nhóm phước-thiện bố-thí, nhóm phước-thiện giữ-giới, nhóm phước-thiện hành-thiền, các phước-thiện ấy thuộc về đại-thiện-nghiệp trong 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, có đủ 3 nhân: vô-tham, vô-sân, vô-si (trí-tuệ).
* Nếu đại-thiện-nghiệp trong 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người tam-nhân, có đủ 3 thiện-nhân là vô-tham, vô-sân, vô-si (trí-tuệ).
Hoặc tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam tam-nhân hoặc vị thiên-nữ tam-nhân trên cõi trời dục-giới, có nhiều oai lực, có hào quang rực rỡ, chói lọi khắp mọi nơi, …
* Nếu thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí, hành-giả thực-hành pháp-hành giới, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ không có phước-thiện chánh-kiến hỗ-trợ, thì nhóm phước-thiện bố-thí, nhóm phước-thiện giữ-giới, nhóm phước-thiện hành-thiền, các phước-thiện ấy thuộc về đại-thiện-nghiệp trong 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ, chỉ có 2 nhân là vô-tham và vô-sân, không có vô-si (trí-tuệ).
* Nếu đại-thiện-nghiệp trong 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau có đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người nhị-nhân, chỉ có 2 thiện-nhân là vô-tham và vô-sân, không có vô-si (trí-tuệ).
Hoặc tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam nhị-nhân hoặc vị thiên-nữ nhị-nhân trên cõi trời dục-giới, có ít oai lực, có ít hào quang, …
Cho nên, phước-thiện chánh-kiến có vai trò quan trọng hỗ-trợ trong khi tạo phước-thiện nào trong 10 loại phước-thiện, để cho phước-thiện ấy trở thành cao quý, có nhiều quả báu cao quý, đáng hài lòng hoan-hỷ trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Dānakusala, sīlakusala, bhāvanākusala
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇḍika gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, ông phú hộ Anāthapiṇḍika đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ, Đức-Thế-Tôn hỏi ông phú hộ Anāthapiṇḍika rằng:
– Này ông phú hộ! Trong gia đình ông vẫn còn tạo phước-thiện bố-thí phải không?
Ông phú hộ Anāthapiṇḍika kính bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, trong gia đình con vẫn còn tạo phước-thiện bố-thí, nhưng sự bố-thí ấy của con hiện nay là quá tầm thường, chỉ có cơm nấu bằng gạo lép và nước cải ngâm mà thôi.
Đức-Thế-Tôn dạy rằng:
– Này ông phú hộ! Người thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí bằng những vật thí tầm thường hoặc cao quý, mà bố-thí với tâm không cung-kính, cúng dường không cung-kính, không tự tay mình cung-kính cúng dường, đem vật dư thừa bố-thí, không có đức-tin nơi đại-thiện-nghiệp và quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí.
Nếu đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy có cơ hội cho quả tái- sinh kiếp sau làm người trong gia đình giàu có thì người ấy sẽ không hướng tâm dùng những món ăn ngon, sẽ không mặc những y phục bằng các thứ vải tốt, sẽ không sử dụng chiếc xe sang trọng, sẽ không hưởng những ngũ dục an-lạc.
Những người thuộc hạ của người ấy như vợ con, tôi tớ, người làm công, bạn bè, v.v… sẽ không vâng lời, sẽ không để tâm đến lời dạy bảo của người ấy.
Những điều ấy là do quả của nghiệp nào?
Những điều ấy là do quả của ác-nghiệp không cung-kính của người ấy.
– Này ông phú hộ! Người thí-chủ tạo phước-thiện bố thí bằng những vật thí tầm thường hoặc cao quý, mà bố-thí với tâm cung-kính, cúng dường với tâm cung-kính, tự tay mình cung-kính cúng dường, không đem vật dư thừa bố-thí, có đức-tin nơi đại-thiện-nghiệp bố-thí và quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí.
Nếu đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm người trong gia đình giàu có thì người ấy sẽ hướng tâm dùng những món ăn ngon, sẽ mặc những y phục bằng các thứ vải tốt, sẽ sử dụng chiếc xe sang trọng, sẽ hưởng những ngũ dục an-lạc.
Những người thuộc hạ của người ấy như vợ con, tôi tớ, người làm công, bạn bè, v.v… sẽ vâng lời, sẽ để tâm đến lời dạy bảo của người ấy.
Những điều ấy là do quả của nghiệp nào?
Những điều ấy là do quả của đại-thiện-nghiệp cung-kính của người ấy.
Trích lược trong: Phước Thiện - Ngài Hộ Pháp biên soạn