;
Mới đây, trên Facebook Minh Thạnh có bạn đọc Thi Nguyen thường đưa những phản hồi xác đáng, có giá trị thông tin cao.
Trong sự kính trọng và biết ơn đó, tôi muốn trao đổi với bạn đọc Thi Nguyen về đề nghị “gác lại những chuyện bất lợi cho Phật giáo”, là phản hồi dưới bài viết “Theo tiêu chuẩn và tập quán chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên thay đổi lãnh đạo Phật giáo dị hình dị dạng”.
Tôi muốn thưa rõ với các bạn đọc, trong những bài viết của tôi không hề có chuyện gì là “chuyện bất lợi cho Phật giáo”.
Tôi hiểu chuyện mà bạn đọc Thi Nguyen nói là chuyện gì. Nhưng theo quan điểm của tôi, đó là chuyện có lợi cho Đạo pháp, thậm chí hết sức cấp thiết, càng không phải là chuyện cá nhân, như ý kiến một bạn đọc khác.
Ở đây, tôi không nêu một tên riêng của ai, mà chỉ dùng từ “giáo gian”. Giáo gian dùng để chỉ tu sĩ Phật giáo, nhưng có những việc làm có hại cho Phật giáo và có lợi cho những thế lực xâm hại Phật giáo.
Từ giáo gian không phải do tôi nghĩ ra, mà là từ được các Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và Hòa thượng Thích Đôn Hậu lúc đó là Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất miền Vạn Hạnh sử dụng vào những năm cuối thập niên 1960, gọi những tu sĩ chia rẽ và gây phương hại đến Đạo pháp. Từ này được dùng trong những văn bản chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Trong vài năm gần đây, tôi đã có điều cảm ứng, rằng vị tăng sĩ đang là đối tượng mà chúng ta đang đề cập, là giáo gian, đã và sẽ gây ra những tổn hại lớn lao cho Phật giáo Việt Nam, cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Người này đã làm những gì có hại cho Phật giáo Việt Nam, như tự ý sửa kinh Phật, thì xin bạn đọc đọc lại các bài cũ của tôi.
Còn điều tôi dự cảm dẫn đến thái độ của tôi với người này (mà một số bạn đọc cho rằng cá nhân), tiên đoán những đòn phá hoại dữ dội của ông ta gây ra thiệt hại nặng nề cho Phật giáo Việt Nam nay đã diễn ra nhiều lần, lặp lại, cường độ ngày càng gia tăng, gây ra tổn thất cho Đạo pháp ngày càng lớn.
Lời người này nói chùa cúng sao là kiếm tiền được loa đài phát vào tai nhiều chục triệu người từ Bắc vào Nam, cùng với việc nêu những chức vụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã có những tác động hết sức tiêu cực, đến mức khủng khiếp, đối với lòng tin của người Phật tử và cả xã hội đối với đạo Phật.
Nội dung tương tự cũng được người này thúc đẩy nhiều tờ báo khác đăng tải và cùng nhân danh các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Kết quả là như thế nào đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xin không phải nhắc lại. Điều quan trọng hơn là niềm tin vào đạo Phật của một số đông người Việt đã bị đánh sập một góc.
Dưới mắt một số người, tăng ni trở thành là băng nhóm làm tiền. Chùa chiền là hang ổ trục lợi.
Do đó, số người đi chùa từ rằm tháng Giêng trở đi giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôi căn cứ vào những thiệt hại đó, mà coi người này là một thứ giáo gian.
Tôi xác định mục tiêu giữ gìn Đạo pháp một cách cụ thể, là làm sao, để nếu người này có phát biểu điều gì nữa (mà tôi cho rằng hầu hết đều có nguy cơ gây thiệt hại cho Phật giáo Việt Nam) thì không được dùng những chức danh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để hỗ trợ cho nội dung phát biểu đó.
Mục tiêu đó của tôi đã đạt được. Sau đó, người này, mỗi khi phát biểu đều xác định đúng vị trí của ông ta, phát biểu với tư cách cá nhân, không có thẩm quyền đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không nhân danh các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Điều này có nghĩa là hiệu ứng giáo gian của người người này đã bị giới hạn và đó là một thành quả hộ pháp quan trọng của tôi.
Đây không phải là chuyện cá nhân với cá nhân, mà nó chỉ làm lợi ích cho Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cứ gì mà để cho một người có chức vụ cấp phó, mà rung chức vụ lên rang rảng để làm như phát biểu của người phát ngôn hay chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam?
Tôi nghĩ có lẽ lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam lắng nghe đề xuất giữ gìn Đạo pháp, giữ gìn uy tín Giáo hội từ tôi mà đã có những chỉ đạo nghiêm khắc với người này, không cho phép người này phát biểu kèm các chức danh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nữa.
Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh đã có những hạn chế như vậy, thì với tư cách cá nhân, với tư cách giảng sư, một trụ trì, người này lại dấn sâu vào cuộc tập kích truyền thông mới vào Phật giáo Việt Nam, chiến dịch số 3, nhắm vào chùa Ba Vàng, Quảng Ninh.
Lần này, một tờ báo với một phóng viên nghe nói là theo một tôn giáo luôn nhằm mục tiêu cải đạo tín đồ Phật giáo Việt Nam, kích hoạt chiến dịch truyền thông. Nhưng ngay sau đó, đã có sự phối hợp ăn ý, liên hoàn, chặt chẽ và hiệu quả với người này.
Không chỉ dùng những buổi trả lời phỏng vấn, mà người này đã dùng một buổi thuyết pháp để phối hợp với tờ báo liên hệ.
Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, trên pháp tòa, một thượng tọa dẫn Bộ Luật hình sự với các mức hình phạt tù ra nhằm vào một đại đức huynh đệ, vốn là học trò của mình.
Nội dung như thế, nếu phát biểu trên Facebook, blog cá nhân, vẫn là một vấn đề. Nhưng ở đây, nó được phát biểu trên pháp tòa trong buổi thuyết pháp, dưới bàn thờ Phật, nhân danh giảng sư, hướng tới thính chúng tăng ni Phật tử nghe Pháp Phật.
Thực ra, đó là một show diễn tay đôi tung hứng với phóng viên tờ báo đã ném ra một video clip về chùa Ba Vàng, mà đã có ý kiến cho rằng thiếu trung thực, có lắp ghép, cắt nối với dụng ý xấu.
Cuộc tung hứng dàn dựng ăn ý, có tính chất y “một đồng một cốt” đó đã rất có hiệu quả. Đâu phải uy tín của riêng chùa Ba Vàng, mà là toàn thể Phật giáo Việt Nam bị phá sập thêm một mảng lớn nữa, bằng những thứ vũ khí ngôn từ quen thuộc ở miệng giáo gian: “mê tín”, “trục lợi”.
Tôi chưa một lần đến chùa Ba Vàng, chưa từng gặp thầy Thích Trúc Thái Minh. Có thể thầy có những sai lầm nào đó, nhưng không cần suy nghĩ sâu sắc, thì trong hoàn cảnh đó, làm như thế, nói như thế, phổ biến nội dung như thế nhằm vào chùa Ba Vàng và thầy Thích Trúc Thái Minh là gây thêm thiệt hại cho Phật giáo Việt Nam, cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hiện nay, Tăng ni Phật tử trên mạng đang nói về một bạch cốt tinh. Bạch cốt tinh nguy hiểm hơn hay giáo gian nguy hiểm hơn?
Bạch cốt tinh chỉ nguy hiểm khi nó biến hình vào vai người lương thiện. Giáo gian nguy hiểm khi vẫn giữ những chức vụ cao, ngồi trên pháp tòa, với nguy cơ rõ ràng là sẽ tổ chức, dàn dựng, diễn xuất những cuộc tập kích liên hoàn vào một ngôi chùa nào đó nữa, một vị tăng nào đó nữa, lại với những lý do “mê tín”, “trục lợi”, “làm tiền”…
Cho nên, mục tiêu gìn giữ đạo pháp của tôi không chỉ là làm cho giáo gian không thể xưng ra các chức vụ như một kiểu bùa chú hộ mệnh, mà làm sao cho việc lợi dụng pháp tòa không thể diễn ra nữa.
Không thể để một người như vậy trong những chức vụ, mà người đó nay tuy đã không thể lợi dụng ở hoạt động báo chí, nhưng vẫn có thể lợi dụng trong hoạt động giáo dục hay đối ngoại.
Người này có thể đi dạy sinh viên của mình, hay nói với những đại sứ nước ngoài, các vị khách quốc tế những nội dung y như nói với báo chí, bằng những từ khóa “mê tín”, “trục lợi”, “kiếm tiền” khi đề cập đến chùa chiền, tăng ni, dù chỉ một chùa, một vị tăng nào đó.
Bây giờ, tăng ni ra phi trường, lên xe buýt, đi trên phố, đều bị nhiều người nhìn bằng con mắt xa lánh, khinh thường, cảnh giác lừa đảo.
Còn nếu xưng là Phật tử, thì sẽ bị hỏi đi chùa nào, bị lừa bao nhiêu tiền rồi, đi chùa tốn kém ra sao… (!).
Chính con người đó, trong chiếc áo tu sĩ Phật giáo, đối với người không biết mặt sẽ cũng phải gánh chịu những hậu quả do mình gây ra: cũng bị nhìn bằng những cặp mắt soi kẻ bất lương, lọc lừa. Đó là kiểu hại người luôn mình, như Phật thường nói.
Tôi đã từng đưa ra những tiên đoán, nhận diện về người này, dự báo về những những cuộc tập kích truyền thông có sức hủy diệt lớn lao đối với Phật giáo Việt Nam, nhưng chỉ có một số ít bạn đọc tán thành.
Bây giờ, cơ sự nông nỗi đã xảy ra, Bạch Cốt Tinh và giáo gian đã hiện nguyên hình, thì sao lại còn nghĩ theo kiểu là chuyện cá nhân, không có lợi cho Phật giáo.
Quan hệ giữa tôi với người đó không phải là quan hệ giữa cá nhân Minh Thạnh với một tu sĩ tên x, tên y, mà là quan hệ giữa một người viết bài với mục tiêu giữ gìn Đạo pháp với một người đã tự bộc lộ mình với những hành động cụ thể, đặc trưng, với những hậu quả nhìn thấy được, nghe thấy được và không thể tranh cãi.
Trên sự tan nát của chùa Ba Vàng, của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bạch Cốt Tinh và ông ta cùng chia cái lợi của việc nổi tiếng, của việc làm người hùng.
Bạn đọc Thi Nguyen trách tôi cực đoan quá. Thậm chí, có bạn đọc gọi tôi là “Rambo Phật giáo”. Cũng là cùng ý một vài bạn đọc nói tôi không có cốt cách tu hành, tư duy súng đạn.
Tôi không phiền lòng trước những ý kiến hay ví von đó, vì Phật giáo Bắc tông hình dung vị hộ pháp là một chiến binh mặc giáp trụ tay cầm vũ khí mạnh mẽ theo truyền thống là một thanh kiếm.
Ngày nay, nếu kẻ nào tập kích truyền thông vào Phật giáo hủy diệt chùa chiền, thì sẽ là gì nếu hộ pháp cứ đứng đó mà nhìn nếu không “bắn hạ” bằng vũ khí ngòi bút.
Tôi viết những bài loại như “Theo tiêu chuẩn và tập quán chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên thay đổi lãnh đạo Phật giáo dị hình, dị dạng” trong tâm trạng không thoải mái, nhưng hoàn cảnh buộc phải làm đến như thế. Có thể tạo nghiệp, đó là điều không phải tôi không hiểu.
Nhưng tôi nhận thức rằng công đức giữ gìn Chánh pháp sẽ lớn hơn rất nhiều.
Ở đây, nhận định “cực đoan” của bạn đọc Thi Nguyen cho thấy thanh gươm hộ pháp – vũ khí ngôn từ mà tôi sử dụng đã có cấp độ sắc bén nào đó.
Kết quả của những phản ứng lúc đó chỉ đủ để ngăn chặn người đó sử dụng các chức vụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lần tập kích sau.
Cho nên có “cực đoan” hơn nữa hay không không phải do tôi, mà chính là do ở người đó trong quan hệ của họ đối với Phật giáo.
MT