HỎI:
Tôi quê ở Huế, hiện đang sống tại Đà Lạt. Năm ngoái mẹ tôi ở Huế có gửi tên tuổi của tôi lên chùa để quy y. Tuy không tham dự lễ quy y nhưng tôi vẫn được chùa ban cho pháp danh là Nhuận Hải, có phái quy y đàng hoàng. Việc ghi danh quy y ở quê do mẹ tôi làm, tôi hoàn toàn không biết. Vì không biết là mình đã có pháp danh rồi nên khi có duyên được gặp thầy là cư sĩ tại gia và tôi đã quy y với pháp danh: Đức Như Lạc (không có giấy quy y). Về sau tôi mới biết là trước đó mình đã có pháp danh rồi nên trong lòng rất bối rối. Tôi không biết là cách quy y nào đúng? Khi cầu nguyện với Tam bảo thì nên nguyện theo pháp danh nào? Mong quý Báo hướng dẫn.
(NGUYỄN VĂN HÒA
hainhuanvn@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Nguyễn Văn Hòa thân mến!
Mặc dù hiện tại bạn đã có hai pháp danh, nhưng rất tiếc, cả hai cách quy y của bạn đều không đúng Chánh pháp nên các pháp danh ấy cũng chẳng có ý nghĩa và giá trị gì đối với đời sống tâm linh của bạn cả.
Trước hết, mẹ của bạn gửi tên bạn lên chùa quy y nhưng bạn vì ở xa nên không tham dự lễ đồng nghĩa với việc bạn chưa quy y. Trường hợp sau, một vị cư sĩ nào đó, vì không hiểu biết Chánh pháp nên đã “to gan” quy y cho bạn. Chúng tôi khẳng định rằng, cái gọi là “quy y” ấy hoàn toàn sai với giáo pháp, vì cư sĩ không thể chủ trì lễ quy y, truyền trao giới pháp cho Phật tử. Nên dù bạn đã có phái quy y và hai pháp danh cũng không có giá trị gì cả, bạn cần quy y lại.
Để được quy y đúng Chánh pháp, bạn nên đến một ngôi chùa gần nhất xin đăng ký quy y. Trong lễ quy y, đích thân bạn phải quỳ trước Tam bảo thành tâm dâng lời phát nguyện trọn đời quay về nương tựa ba ngôi quý báu Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Sau ba lần tự nguyện, thiết tha, thành kính nói lời quay về nương tựa Tam bảo, bạn chính thức trở thành Phật tử.
Sau lễ quy y, bạn sẽ được bổn sư ban cho pháp danh mới. Từ đây, pháp danh trở thành tên đạo của bạn, mỗi khi cầu nguyện với Tam bảo thì nên nguyện theo pháp danh này.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN (tuvangiacngo@yahoo.com)