nguoiphattu.com Đa số các chùa ở Việt Nam thường thờ hai tượng có khuôn mặt thiện và ác. Đây là hai vị Hộ pháp được tạc tượng theo kiểu võ sĩ cổ, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ, một vị tay cầm viên ngọc, vị kia tay cầm binh khí, trong tư thế đứng hoặc ngồi.
Tượng Hộ pháp Trừng Ác thờ tại chùa Bái Đính (Ninh Bình)
Hiện thân của Hộ Pháp
Thượng tọa Thích Thiện Đạo, Ủy viên Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, trụ trì chùa Phi Lai (Biên Hòa) cho hay hình tượng Hộ Pháp có tên gọi đủ là Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát. Đây là những Thiện Thần phát nguyện (tự nguyện - PV) hộ trì (ủng hộ và giúp đỡ - PV) Phật pháp.
Những nơi như đạo tràng, chùa chiền, tháp Phật, kinh điển, người thọ trì Kinh… các Ngài thường hiện với các hình tướng: Thiện Thần, Chư Thiên, Thần Kim Cang, Tứ Thiên Vương, Thủ Hộ Già Lam… để ủng hộ, không cho ma quỷ, những ngoại đạo không tốt và người xấu, có ác tâm xâm hại.
Theo tài liệu của Ngài Thái Hư Đại sư, Hộ Pháp Vi Đà là vị thần Kim Cang, nơi tay cầm gậy Kim Cang, dùng oai lực để giúp đỡ Phật pháp.
Còn căn cứ vào bộ “Nam Sơn Cảm Thông Lục” (Đạo Tuyên), ở cõi trời Tứ Thiên Vương có vị Thiên đại tướng quân, tên là Vi Côn, thường qua lại ba châu: Đông Thắng Thần châu, Nam Thiệm Bộ châu và Tây Ngưu Hóa châu để ủng hộ Phật pháp.
Vốn không có tượng của vị thần ấy nhưng người đời muốn tưởng niệm, nên đã tạo ra tượng của ngài Vi Đà Thiên để thay thế. Riêng theo hệ phái Mật giáo thì căn cứ bộ Kinh “Kim Quang Minh” nên thờ tượng của một vị Đại tướng tên là Tán Chỉ làm hộ pháp.
Hình tướng các ngài thường được tạo dựng to lớn, oai vệ như Thiên Tướng, mà dân gian vẫn nói "to như ông Hộ Pháp", mình mặc áo giáp trụ, đầu đội mũ Thiên Tướng, tay cầm Chày Kim Cang, Bảo kiếm, Bảo xử…
Việc thờ tượng Hộ Pháp nhằm nhắc nhở mọi người phải lánh ác làm thiện (ảnh internet)
Ở các chùa miền Bắc các tượng Hộ Pháp thường được tạo đứng hoặc ngồi trên lưng sấu, một loại sư tử huyền thoại. Trong khi đó các chùa ở miền Nam, quý Ngài thường là tượng đứng cưỡi rồng, cưỡi mây.
“Riêng với Kim Cương thừa (Mật tộng - PV), Hộ Pháp là hóa thân của đức Bồ-tát Quán Thế Âm trong hình tướng của vị đại lực sỹ. Bồ-tát Quán Thế Âm là biểu tượng của sự ban vui, cứu khổ, cứu nạn. Vì thế, chúng ta thấy người dân hay đến chùa cầu xin sự che chở, bảo vệ của quý ngài Hộ Pháp là vậy" - Thượng tọa Thiện Đạo giải thích.
Thờ để nhắc nhở đạo đức con người
Trong các chùa tu theo phái Phật giáo Nam Tông và Khất sỹ Việt Nam thường không thờ tượng Hộ Pháp.
Tuy nhiên, các chùa tu theo Phật giáo Phát triển (Bắc tông - PV), hình tượng hai vị thần: Thiện thần (khuyến thiện), ủng hộ chốn già lam, người thọ trì kinh; và Ác thần (trừng ác), bắt phạt, trừng trị những người có ác tâm phá hoại Phật pháp, phá hoại người tu hành thường được đặt thờ.
Nói về việc thờ tượng thiện và ác của Hộ Pháp, Thượng tọa Thiện Đạo chia sẻ: "Các chùa hiện nay thường thờ hai tượng Hộ Pháp mặc dù kinh điển Phật giáo chỉ nói đến một vị Hộ Pháp Vi Đà. Việc thờ tượng ông Khuyến Thiện và ông Trừng Ác nhằm thể hiện sự tồn tại biện chứng của hai mặt đối nghịch Thiện và Ác trong cuộc sống đời thường.
Những người thường xuyên giúp đỡ, ủng hộ Phật pháp đều được xem là Hộ pháp
Đây là hình thức giáo dục sâu sắc, nhằm nhắc nhở con người nên ăn hiền ở lành, không nên có ác tâm, làm người khác đau khổ, làm lành thì được các vị Thiện Thần ủng hộ, làm ác thì bị các vị Ác Thần trừng phạt khiển trách".
Cũng theo thầy Thiện Đạo, Đức Phật dạy: Không phải chỉ có chư thiên mới là hộ pháp mà tất cả những người từ vua quan cho đến thứ dân ở cõi Ta bà (cõi người - PV), ai có tâm ủng hộ Phật pháp (tức ủng hộ trừ bỏ cái ác, khuyến khích phát triển cái thiện - PV) trường tồn ở thế gian, làm lợi lạc chúng sanh, đều được gọi là hộ pháp.
"Cho nên, việc thờ tượng Hộ Pháp không ngoài ý nghĩa nhắc nhở mọi người sống: “Không làm các điều ác/ Nguyện làm các hạnh lành/ Giữ tâm ý trong sạch/ Ấy lời chư Phật dạy". Quan điểm này thể hiện tinh thần bình đẳng nhập thế (vào đời - PV) của đạo Phật" - Thượng tọa Thích Thiện Đạo nhấn mạnh.