;
Toàn là khổ đau, toàn là vô thường,
Chẳng có gì khác cả.
Đức Phật
Sau khi đạt được Giác ngộ, Đức Phật nêu lên Bốn Sự Thật và sự thật thứ nhất là "Khổ đau". Khổ đau ẩn chứa trong thân xác, bàng bạc trong tâm thức của mỗi cá thể con người và bùng ra cùng khắp trong thế giới: bịnh tật, hận thù, ích kỷ, lường gạt, đại dịch, bom đạn, chiến tranh... Sự thật đó, khổ đau mang tính cách hiện sinh đó, thuộc bản chất của sự sống, gắn liền với sự vận hành của thế giới. Sự thật về khổ đau không phải là một "phán lệnh" hay một cái "đế", cũng không mang tính cách "kỳ diệu" gì cả, mà chỉ là một sự thật trần trụi, phản ảnh một khía cạnh vận hành của hiện thực.
Nói thế không có nghĩa là Phật giáo là một tín ngưỡng yếm thế, mà trái lại rất thực tế và tích cực. Phật giáo không nêu lên một viễn tượng nào, cũng không đưa ra những lời đe dọa hay hứa hẹn nào, mà chỉ đòi hỏi những người bước theo con đường đó phải tự biến cải mình, hầu loại bỏ khổ đau cho mình. Qua góc nhìn đó, Phật giáo là một tín ngưỡng lạc quan, tự tin và tự lực, tức là phải trông cậy nơi mình, tự sửa đổi chính mình. Phật giáo mở ra một trận chiến, trong đó chính mình là người lính, phải đánh dẹp khổ đau cho mình và cho cả kẻ khác.
Qua góc nhìn đó thì quả Phật giáo là một tín ngưỡng nổi loạn, nổi loạn với chính mình, nổi loạn với thế giới. Thế nhưng sự nổi loạn đó không mượn tay của bạo lực và hận thù mà dựa vào sức mạnh của tình thương và sự sáng suốt. Đó là hai thứ khí giới vô song mà Đức Phật đã trao tận tay chúng ta. Tình thương giúp chúng ta đến gần với con người, sự sáng suốt giúp chúng ta trông thấy bản chất của mình và hiện thực của thế giới.
Đến gần với con người để nhận thấy mình và tất cả chúng sinh đều khổ đau như nhau. Trông thấy khổ đau của mình để hóa giải nó, trông thấy khổ đau của chúng sinh để xông vào cuộc chiến. Trách nhiệm đó, sự ý thức đó trước môi sinh cùng sự sống của chính mình và tất cả chúng sinh là sức mạnh của Phật giáo, và cũng là của mỗi người trong chúng ta.
Vậy trước hết chúng ta hãy tìm hiểu xem bàn chất của hiện thực là gì, khổ đau là gì, nguyên nhân nào làm phát sinh ra khổ đau? Tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu các phương pháp mà Đức Phật đã đưa ra để giúp chúng ta hóa giải khổ đau và cả các nguyên nhân làm phát sinh ra nó. Sau hết một bài đọc thêm cũng sẽ được đề nghị để bổ túc cho bài viết này.
Lời mở đầu
1.Hiện thực là gì
1.1. Đặc tính cấu hợp và biến đổi của sự hiện hữu
1.2. Đặc tính vô thực thể của sự hiện hữu
2. Đặc tính vô thường và khổ đau của sự hiện hữu
2.1. Ý nghĩa của chữ dukkha
2.2. Khổ đau nêu lên trong kinh sách
2.3. Các thứ khổ đau trên thân thể và trong tâm thức
2.4. Khổ đau trong lãnh vực tâm linh
3. Hóa giải khổ đau
3.1. Sợi dây xích gồm mười hai khoen trói buộc
3.2. Sự dừng lại của chiếc bánh xe
3.3. Con đường gồm tám yếu tố đúng đắn
Kết Luận
Bài kinh về tác ý
Bài đọc thêm
Hiện thực là gì
Thật khó nắm bắt và hiểu được hiện thực (reality) là gì, chẳng qua vì hiện thực là một cái gì đó gồm vô số các hiện tượng, từ vô hình đến hữu hình, tất cả luôn ở thể dạng chuyển động, hiện ra và biến mất. Suốt dòng tiến hóa của nhân loại, vô số các triết gia và khoa học gia từng đưa ra thật nhiều định nghĩa về hiện thực, thế nhưng dường như không có một định nghĩa nào hoàn toàn hợp lý và phản ảnh đầy đủ ý nghĩa cả. Dầu sao cũng xin đơn cử định nghĩa dưới đây về hiện thực của một triết gia cận đại có tư tưởng rất gần với khoa học là Karl Poper (1902-1994). Theo ông thì hiện thực gồm có ba "thế giới":
- thế giới thứ nhất gồm các vật thể vật lý, hàm chứa hoặc không hàm chứa sự sống.
- thế giới thứ hai gồm những sự cảm nhận và các sự nhận biết, xuyên qua sự sống đó.
- thế giới thứ ba gồm những sự tạo tác khách quan và cụ thể, xuyên qua tâm thức con người, chẳng hạn như các chủ đề lý thuyết, các phương cách lý luận, các khái niệm, các tác phẩm nghệ thuật, v.v.
Vậy hiện thức đối với Phật giáo là gì?.
Hiện thực theo quan điểm Phật giáo
Phật giáo không nhìn vào hiện thực hay thế giới qua các khái niệm trừu tượng, bao quát, hoặc mang tính cách phân tích và suy đoán thuộc các hệ thống triết học tự biện (speculative) thường thấy trong nền tư tưởng và văn hóa Tây phương. Nếu các triết gia Tây phương hình dung hiện thực qua các cách nhìn trên đây, chẳng hạn như trường hợp của triết gia Karl Poper khi ông phân chia hiện thực ra thành ba thế giới, thì Phật giáo nhìn vào hiện thực qua bản chất, nguyên nhân hình thành và phương cách hiện hữu của nó, có nghĩa là qua cơ chế vận hành và các đặc tính nổi bật và đặc thù của nó. Qua cách nhìn toàn diện và sắc bén đó, Phật giáo đã khám phá ra toàn bộ cấu trúc của hiện thực. Cấu trúc đó gồm có ba đặc tính chủ yếu, tiếng Phạn gọi là trilaksana (tri có nghĩa là ba, laksana có nghĩa là đặc tính). Vậy ba đặc tính ấy của cấu trúc hiện thực là gì?
1- vô thường (impermanence), là đặc tính thứ nhất, tiếng Phạn là anitya, có nghĩa là mọi hiện tượng không bao giờ giữ nguyên một thể dạng, mà luôn đổi thay tạo ra một thế giới thường xuyên ở thể dạng chuyển động.
2- cấu hợp (aggregate, agglomerate) là đặc tính thứ hai, tiếng Phạn là samskrta, có nghĩa là tất cả các hiện tượng phải kết hợp và lệ thuộc vào nhau để hiển hiện. Thế gìới mà chúng ta đang sống, hòa mình và cùng gia nhập vào sự vận hành của nó, gồm toàn là các hiện tượng mang bản chất cấu hợp.
3 - vô thực thể (emptiness) là đặc tính thứ ba, tiếng Phạn là sunyata, có nghĩa là tất cả mọi hiện tượng không hàm chứa một thực thể trường tồn, bất biến, mang tính cách tự tại hay nội tại nào cả. Đặc tính này còn gọi là sự trống không hay tánh không của mọi hiện tượng, có nghĩa là mọi hiện tượng phải cùng liên kết với nhau để hiện hữu, khi nào các điều kiện cần thiết tạo ra sự liên kết và sự hiện hữu đó của chúng không còn hội đủ, thì chúng sẽ biến đổi khác đi, đưa đến sự hình thành của các hiện tượng khác.
Trên đây là ba đặc tính của hiện thực, tức là các đặc tính chung cho cả vũ trụ và con người. Thế nhưng riêng trong lãnh vực của sự sống, trong đó gồm có chúng ta và tất cả chúng sinh, thì ba đặc tính vô thường, cấu hợp và vô thực thể của hiện thực sẽ được nhìn qua một góc nhìn khác và được gọi bằng các thuật ngữ khác phù hợp hơn với sự sống:
1- đặc tính vô thường của hiện thực trở thành quá trình của sự già nua, bệnh tật và cái chết, tiếng Phạn là nidhana hay maraniya, có nghĩa là "bầu không gian của cái chết" (sphere of death).
2- đặc tính cấu hợp của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ trở thành đặc tính của năm thứ cấu hợp tạo ra một cá thể con người, tiếng Phạn là skandha, kinh sách Hán ngữ gọi là "ngũ uẩn", đó là: thân xác (rupa), các cảm giác (vedana), các sự cảm nhận (samjna), các sự tạo dựng tâm thần (samskara) và tri thức (vijnana).
3- đặc tính vô thực thể của hiện thực, có nghĩa là sự trống không hay tánh không của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ, trở thành tính cách vô ngã hay không có cái tôi của một cá thể. Đặc tính cấu hợp của của tất cả mọi hiện tượng trong trong vũ trụ cũng áp dụng cho năm thành phần (skandha / ngũ uẩn) tạo ra một cá thể con người. Năm thứ cấu hợp đó không hàm chứa bên trong chúng một thực thể trường tồn và bất biến nào cả, có nghĩa là không có cái tôi hay cái ngã nào cả.
Những gì trên đây cho thấy ba thuộc tính của cấu trúc hiện thực - trilaksana - cũng là các đặc tính của sự sống của con người và tất cả chúng sinh. Vậy khổ đau nằm vào vị trí nào trong cấu trúc đó của hiện thực và sự sống của con người nói riêng? Thật hết sức hiển nhiên, khổ đau nằm bên trong sự kết hợp của năm skandha - năm thứ cấu hợp / ngũ uẩn - tạo ra sự hiện hữu của một cá thể con người.
Dưới đây chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu xa hơn nữa về ba đặc tính vô thường, cấu hợp và vô thực thể trên đây trong cả ba lãnh vực: hiện thực, con người và sự sống nói chung. Tuy nhiên, chúng ta cũng chỉ đề cập sơ lược về hai đặc tính cấu hợp và vô thực thể của hiện thực và con người và sẽ nhấn mạnh hơn đến đặc tính vô thường, là đặc tính chủ yếu nhất mang lại khổ đau cho con người và sự sống, và sẽ đặc biệt dành ra một phân đoạn riêng để nói đến đặc tính này.
Đặc tính cấu hợp và biến đổi của sự hiện hữu
"Imasmim sati, idam hoti;
imassuppâdâ, idam uppajjati.
Imasmim asati, idam na hoti;
Imassâ nirodha, idam nirujjhati."
Cái này hiện hữu, cái kia hình thành;
Cái này hình thành, cái kia sinh ra.
Cái này không hiện hữu, cái kia không sinh ra;
Cái này dừng lại, cái kia chấm dứt.
Bốn câu trên đây được nêu lên trong rất nhiều bài kinh, nói lên một nguyên lý vô cùng sâu sắc và bao quát, liên quan đến sự vận hành của toàn thể thế giới hiện tượng, tiếng Phạn gọi là Pratityasamutpada, kinh sách Hán ngữ gọi là Lý duyên khởi, các học giả Tây phương gọi là Interdependence. Đó là nguyên lý nêu một hiện thực rộng lớn trong đó tất cả mọi hiện tượng phải liên kết và lệ thuộc vào nhau để hiện hữu và cùng chuyển động, không có một ngoại lệ nào cả. Hiện tượng ở đây có nghĩa là tất cả những gì có thể hình dung được, từ hữu hình đến vô hình, từ bên trong tâm thức một cá thể cho đến bên ngoài thế giới. Nguyên lý đó chi phối sự hiện hữu và cả sự vận hành của tất cả mọi hiện tượng trong toàn thể vũ trụ, trong đó kể cả con người và sự sống.
Ngoài cách gọi bằng một thuật ngữ mang ý nghĩa bao quát là Interdependence, các học giả và triết gia Tây phương còn gọi nguyên lý trên đây là Conditioning Co-production, có nghĩa là Sự tạo tác - hay tương tác - do điều kiện mà có, cách gọi đó khá tương đương với cách gọi là Lý duyên khởi trong kinh sách Hán ngữ, thế nhưng chữ "duyên" không nói lên được ý nghĩa của chữ conđition / điều kiện trong ngôn ngữ Tây phương. Chữ condition hay điều kiện nói lên một sự bắt buộc nhưng không phải là một cái "duyên" nào cả. Một chữ không sát nghĩa dễ gây ra hiểu lầm là vậy. Tuy nhiên cũng có một số học giả khác còn đề nghị nên gọi nguyên lý này là Conditional Co-production thì mới đúng.
Đề nghị này cũng khá hữu lý, bởi vì chữ conditional là một tĩnh từ nói lên một sự thụ động, trong khi chữ conditioning là một động từ nói lên một tác động. Thật ra thì cả hai cách gọi đều đúng, bởi vì sự hiện hữu của một hiện tượng nằm ở giữa hai thể dạng thụ động và tác động. Một hiện tượng sở dĩ hiện hữu là nhờ vào một hiện tượng khác với tư cách là "nguyên nhân" làm phát sinh ra nó, sự bắt buộc đó nói lên tính cách thụ động của một hiện tượng.
Hiện tượng thụ động đó là "kết quả" phát sinh từ một "nguyên nhân" xảy ra trước đó. Thế nhưng hiện tượng "kết quả" đó lại không thể tiếp tục giữ nguyên như vậy mà luôn biến đổi để trở thành một hiện tượng khác, sự kiện biến đổi đó khiến nó không còn là một "kết quả" nữa mà đang trở thành "nguyên nhân" mang tính cách tác động làm phát sinh ra một hiện tượng khác, một kết quả khác. Tóm lại đó là một sự chuyển động dây chuyền: "nguyên nhân" tạo ra "kết quả" - "kết quả " trở thành "nguyên nhân" - để tạo ra "kết quả" khác, và cứ tiếp tục như vậy.
"Hiện tượng kết quả" sau khi được tạo tác sẽ tức khắc trở thành "hiện tượng nguyên nhân" tạo điều kiện làm phát sinh ra "hiện tượng kết quả" khác, đó là nguyên tắc vận hành chi phối sự hiện hữu của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ, trong đó kể cả sự sống và con người. Sự hiện hữu của chúng ta phát sinh từ một nguyên nhân trong quá khứ, và sự hiện hữu đó của mình đang trong hiện tại, với tư cách là kết quả, đang chuyển thành nguyên nhân đưa đến một sự hiện hữu khác trong tương lai.
Trong lời giới thiệu bản dịch Kinh về các sự bám víu to lớn / Maha Tanhasankhaya Sutta (Majjhima Nikaya / Trung Bộ Kinh, MN 38), nhà sư Thanissaro Bhikkhu có cho biết là Đức Phật không hề nêu lên sự "tái sinh" (rebirth), trong Giáo huấn của Ngài không có bài kinh nào nói đến sự "tái sinh" mà chỉ nêu lên sự sinh như là một quá trình xảy ra sau cái chết, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi nào các điều kiện vẫn còn hội đủ.
Tuy nhiên Đức Phật cũng có cho biết là sự sinh lập đi lập lại, lôi kéo nhau tạo ra một chuỗi dài liên tiếp mang theo với chúng tất cả mọi thứ khổ đau. Đồng thời Ngài cũng nêu lên các phương pháp làm cho những khổ đau ấy phải chấm dứt. Nhận xét trên đây của nhà sư Thanissaro Bhikkhu vô cùng quan trọng, cho thấy sự sinh (nguyên nhân) tạo điều kiện đưa đến cái chết (kết quả), cái chết (nguyên nhân) tạo điều kiện đưa đến một sự sinh khác (một kết quả khác), và đó cũng là sự vận hành chung của nguyên lý tương liên, nói lên một sự tạo tác do điều kiện mà có.
Mạn phép dài dòng là vì các đặc tính cấu hợp, vô thường và vô thực thể, cũng như sự tạo tác do điều kiện mà có chi phối tất cả mọi hiện tượng, phản ảnh một sự hiểu biết vô cùng rộng lớn, bao hàm cả hai lãnh vực khoa học và triết học, và đó cũng là khám phá thật cao siêu và phi thường của Đức Phật về bản chất của hiện thực.
Sự hiểu biết đó làm nền tảng cho toàn bộ tư tưởng Phật giáo. Tất cả mọi hiện tượng, vô hình hay hữu hình, bên trong tâm thức - từ những sự suy nghĩ, xúc cảm, tưởng tượng, kể cả toàn bộ tâm thức nói chung - cho đến không gian, thời gian, trăng sao và vũ trụ, nhất thiết chỉ là hiện tượng, toàn là hiện tượng, tất cả đều mang tính cách cấu hợp, luôn trong tình trạng chuyển động và đổi thay, hiện ra và biến mất, tương tự như trong một giấc mơ.
...................
Mời clik vào tiêu đề bài viết dưới đây để tải về bản đầy đủ.