;
Chân dung HT.Thích Đồng Chơn (1947-2020)
Thân thế:
Hòa thượng Thích Đồng Chơn thế danh là Bùi Văn Bảy, sanh năm Đinh Hợi (1947), nguyên quán thôn Trung Tín, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - nay là thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Thân phụ của Ngài là Bùi Tân, Pháp danh Đồng Niên, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Hội, Pháp danh Đồng Hiệp
Ngài là người con thứ bảy trong gia đình Phật tử thuần thành. Ngài quy y với Hòa thượng Thích Thị Châu, hiệu Từ Hàng, Trụ Trì chùa Bình An, thôn Bình Thạnh, xã Phước Hậu, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định nay là phường Nhơn Bình thành phố Quy Nhơn.
Thời kỳ xuất gia tu học:
Thuở thiếu thời, sớm được hai cụ thân sinh cho xuất gia đầu Phật tại chùa Bình An, Hòa thượng là trưởng pháp tử của Hòa thượng Thích Thị Châu, được phú cho pháp danh là Đồng Chơn từ năm Hòa thượng học lớp 7 (12 tuổi).
Sau khi xuất gia, ngài được Bổn sư cho theo hầu Hòa thượng Thích Huyền Ấn, chùa Bích Liên để học gia giáo Hán ngữ cũng như những bộ Kinh Luật cơ bản của người xuất gia như Luật Trường hàng, Luật giải, Cảnh sách giải, Nhị khóa hiệp giải, v.v…
Vào những năm 60 của thế kỷ XX, chiến tranh xảy ra liên miên trên dải đất miền Trung thân yêu, để lánh chiến tranh và trau dồi kiến thức ngoại điển, Hòa thượng được Bổn sư cho vào Sài Gòn theo học chương trình Trung học đệ nhất cấp tại trường Trung học Bồ Đề Sài Gòn. Năm 1968 Hòa thượng được Bổn sư cho thọ Tam đàn Cụ túc, tổ chức tại chùa Long Khánh Quy Nhơn do Hòa thượng Phúc Hộ làm Hòa thượng đường đầu.
Đầu năm 1970, Hòa thượng tham học chương trình Trung đẳng chuyên khoa Phật học của Phật học đường Phước Huệ tổ chức tại Tổ đình Thập Tháp - Bình Định. Pháp hữu đồng học của Hòa thượng gồm có: Hòa thượng Thích Đồng Hạnh, Hòa thượng Thích Viên Đạt, Hòa thượng Thích Viên Quán, Hòa thượng Thích Đồng Hùng, Hòa thượng Thích Đồng Chất, Hòa thượng Thích Đồng Hương... Ban Giáo thọ lúc bấy giờ là những vị cao Tăng thạc đức, như: Hòa thượng Thích Kế Châu, Hòa thượng Thích Tâm Hoàn, Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Ngọc Lộ, Hòa thượng Thích Giác Hoàng, Hòa thượng Thích Giác Ngộ, Hòa Thượng Thích Đồng Từ, v.v...
Sau khi học xong chương trình Trung đẳng Phật học, Hòa thượng cùng quý học Tăng đồng học phải vào thành phố Nha Trang dự thi tốt nghiệp Trung đẳng Phật học do Giáo hội tổ chức tại Phật học Viện Trung phần Hải Đức - Nha Trang. Hòa thượng nhận được văn bằng tốt nghiệp Trung đẳng Chuyên khoa Phật học và được tuyển vào Cao đẳng Phật học Viện Trung phần.
Sau năm 1975, Bổn sư của Hòa thượng nhận thêm chùa Kim An ở An Nhơn và giao trọng trách “Trụ pháp vương gia và trì Như Lai tạng” tại ngôi chùa Bình An cho Hòa Thượng. Thời kỳ này cuộc sống kinh tế vô cùng khó khăn, Hòa thượng làm gương và phải áp dụng pháp môn “Nông Thiền” với phương châm “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” của Tổ Bá Trượng mà điều hành sinh hoạt thiền môn.
Dù vất vả như thế nhưng Hòa thượng không những không xao nhãng việc nghiên tầm giáo điển để gia tâm cho việc tu học của mình mà hằng tuần Hòa thượng đạp xe hơn mười cây số xuống chùa Long Khánh, Quy Nhơn để tham học từ chương những bộ Kinh Đại thừa quan trọng như Lăng Nghiêm trực chỉ, Lăng-già tâm ấn từ Hòa thượng Thích Tâm Hoàn - một bậc quảng lãm trong sơn môn Bình Định lúc bấy giờ. Cùng học với Hòa thượng thời ấy có quý pháp hữu, như: Hòa thượng Thích Nguyên Phước, Hòa thượng Thích Nguyên Chơn, Hòa thượng Thích Nguyên Điền, Hòa thượng Thích Đồng Châu, Hòa thượng Thích Như Trực, v.v…
Những năm đầu thập kỷ 80, Hòa thượng được ngài Bình Chánh gọi lên chùa Sơn Long học kinh điển Đại thừa cho đến ngày ngài Bình Chánh viên tịch năm 1986
Hòa thượng không quên dành thời gian để hướng dẫn và giảng dạy Phật Pháp cho thế hệ đàn em như Hòa thượng Thích Nguyên Tú, Thượng tọa Thích Hữu Thông. Trong ánh mắt ngưỡng mộ của chư Tăng bấy giờ kính quý Hòa thượng như một bậc trưởng huynh dung dị, hiền hòa và tài đức kiêm ưu.
Với Hòa thượng, cho dù cuộc sống có thăng trầm như thế nào đi nữa, bổn phận của người xuất gia là học cho đến cùng và tu cho đến chốn. Không chỉ nghiên tầm giáo điển và tham cầu học hỏi từ cao Tăng thạc đức để nâng tầm kiến giải cao hơn, mà Hòa thượng còn chú tâm vào việc hành trì, lễ lạy và tụng đọc. Đêm đêm, trong lúc đại chúng thọ trì hai thời khóa tụng: Lăng nghiêm và tịnh độ, Hòa thượng thỉnh đại hồng chung, để cầu quốc thái dân an, ân triêm lợi lạc cả hai thế giới âm dương. Sau mỗi thời khóa của đại chúng, Hòa thượng trì chú Lăng Nghiêm, lạy Tam thiên Phật và tụng kinh Đại thừa Diệu pháp Liên hoa, bản kinh in từ bản khắc gỗ bảy quyển hiện đang thờ tại chánh điện chùa Bình An.
Bốn mùa xuân hạ thu đông thay đổi trôi qua từng năm, nhưng hạnh nguyện của Hòa thượng trước sau vẫn vậy, không một lần đổi thay, không một khi trễ nãi. Lúc dạy chúng, Hòa thượng thường nhắc câu nói của Hòa thượng Thích Đổng Minh - người xuất gia khi tuổi còn trẻ, phải dành tất cả cho việc học, lúc tuổi cao hơn, nên để tâm hành trì. Có học và có tu mới hoàn thành con đường xuất gia được.
Hòa thượng là người khiêm cung, tôn trọng tình Pháp duyên Tăng, luôn thân cận minh sư, pháp lữ để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm hành đạo. Vào những năm tháng rất khó khăn “củi quế gạo châu” nhưng tấm lòng hiếu khách và kính Tăng của Hòa thượng vẫn đầy ắp ngôi chùa Bình An đơn sơ để đón chư Tăng trong tinh thần “Tăng đáo Phật lai”. Quý bậc tôn túc thời ấy như ngài Thiên Bình, ngài Thiên Hòa, ngài Gia Khánh, ngài Thiên Trúc, ngài Long Thạnh, ngài Mỹ Long, ngài Hội Khánh, quý pháp hữu của Hòa thượng, như: Hòa thượng Thích Nguyên Khai, Hòa thượng Thích Thiện Trụ, Hòa thượng Thích Hạnh Hòa, Hòa thượng Thích Đồng Chất, Hòa thượng Thích Đồng Hùng, Hòa thượng Thích Đồng Hương, Hòa thượng Thích Đồng Trụ, v.v.. từ những thôn làng ở An Nhơn, Tuy Phước có việc xuống phố Quy Nhơn đều dừng chân ở chùa Bình An thăm Hòa thượng đàm đạo Phật lý và dùng bữa cơm tương rau đạm bạc.
Thời kỳ hành đạo:
Kể từ sau năm 1975, với vai trò trụ trì chùa Bình An, Hòa thượng dấn thân hành đạo không mệt mỏi. Cả cuộc đời của Hòa thượng chỉ chuyên nhất ba việc: hành trì, nghiên cứu học hỏi và giảng dạy. Hòa thượng không quan tâm chuyện thế sự. Tấm lòng của Hòa thượng lúc nào cũng rộng rãi và bao dung, nhất là đối với pháp hữu đồng học, đối với thế hệ đàn em, thế hệ đệ tử, đệ tôn, nhất là đối với những vị xuất gia lầm lỡ có một lần thay áo muốn quay về nương tựa thiền môn, Hòa thượng luôn rộng lòng nâng đỡ từ vật chất đến tinh thần.
Dù phải dốc tâm vào việc hành trì và nghiên tầm giáo điển để tiếp nhận kiến giải từ chư tôn thiền đức bác lãm truyền trao nhưng Hòa thượng vẫn không quên ưu tư và quan tâm đến sự nghiệp giáo dục Phật giáo. Thời ấy, Giáo hội chưa đủ điều kiện để mở trường Phật học với những chương trình sơ cấp, trung cấp và cao cấp để Tăng Ni tham học, Hòa thượng đã dùng ngôi chùa Bình An mở lớp Phật học gia giáo, bắt đầu từ năm 1981.
Với hạnh nguyện: “Tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức”, năm 1982, Hòa thượng nhận hai vị đệ tử xuất gia đầu tiên, ban cho Pháp tự: Giác Hiệp và Giác Quảng. Hơn 30 vị đệ tử xuất gia khác của Hòa thượng, như: TT. Thích Giác Khánh, TT. Thích Giác Hiển, ĐĐ.Thích Vạn Hương, ĐĐ.Thích Vạn Nhẫn, v.v… Ngoài ra, rất nhiều đệ tử y chỉ của Hòa thượng đã trưởng thành và hành đạo ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 1992, trong niềm hoan hỷ chung Trường Trung cấp Phật học Bình Định được thành lập tại tu viện Nguyên Thiều, Hòa thượng được cung thỉnh giảng dạy môn Luật học. Rất tận tụy trong sự nghiệp truyền đăng tục diệm, đào tạo Tăng tài này, Hòa thượng chưa từng mệt mỏi phút giây giảng dạy nào, kể từ đó đến nay hơn 28 năm. Kiến thức quảng lãm về giới luật và trình độ Hán học uyên thâm của Hòa thượng đã trang bị một thế hệ Tăng Ni sinh tỉnh nhà đầy đủ kiến thức tham dự chương trình cao hơn ở Học viện và du học cũng như nghiên cứu chuyên sâu Phật Pháp sau này.
Đức Phật ân cần khai thị: “Giới Luật là thọ mạng của Phật Pháp - Giới Luật còn là Phật Pháp còn”. Thế nhưng thời nay số lượng các Luật sư nghiên cứu chuyên sâu và thâm hành giới luật trở nên hiếm hoi. Hòa thượng là hình ảnh giáo thọ sư tôn kính cho bao thế hệ Tăng Ni quy ngưỡng, tiến tu. Hòa thượng có hạnh duyên được truyền trao tinh yếu từ các bậc cao Tăng thạc đức, trong đó có Hòa thượng Huyền Ấn và Hòa thượng Bình Chánh nên luôn tạo duyên trao truyền Luật học cho thế hệ Tăng Ni trẻ. Với thân khẩu ý giáo tròn đầy, đức hạnh thanh cao, ngài được cung thỉnh lên ngôi vị Giáo thọ A-xà-lê tại Đại giới đàn Kế Châu (2013) và Tâm Hoàn (2017)… tổ chức tại tổ đình Long Khánh, TP.Quy Nhơn.
Không chỉ lo về giáo dục, mà tại trụ xứ chùa Bình An, Hòa thượng cũng dành nhiều tâm lực và nguyện lực trùng tu ngôi già lam trở thành phạm vũ huy hoàng, suốt 4 năm 2007 - 2011. Được sự gia bị của hồng ân Tam bảo và được sự ủng hộ phát tâm của những vị tín chủ thuần thành, Hòa thượng đã trùng tu ngôi Tam bảo cao hai tầng trang nghiêm và thanh tịnh, rộng rãi khang trang, đủ tiện nghi như: chánh điện, nhà Tổ, hội trường, phòng Tăng, nhà bếp, lầu chuông, lầu trống… thuận tiện cho chư Tăng cư trú, cho các lớp học Phật pháp, thuyết giảng, các khóa tu và khóa lễ cho quần chúng Phật tử.
Thời kỳ viên tịch:
Dù mang trong mình trái tim thiết tha với Đạo pháp với tương lai Phật giáo Việt Nam nói chung và tỉnh nhà nói riêng, muốn tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhưng thân tứ đại của Hòa thượng vẫn phải bị chi phối bởi định luật vô thường sanh, lão, bệnh, tử. Lúc 10 giờ, ngày 22-3-2020 (nhằm ngày 29-2-Canh Tý), trong một cơn bệnh, Hòa thượng đã xả báo thân, viên tịch trong niềm thương tiếc vô hạn của hàng hậu học và học trò đệ tử, ngài trụ thế 74 năm, hạ lạp: 54 năm.
Hòa thượng đã trải qua bao gian nan, thử thách trong những giai đoạn khó khăn chung của lịch sử dân tộc, xuyên suốt các quá trình học đạo và hành đạo của Hòa thượng, đó là chất liệu sống và kinh nghiệm tu tập quý giá, ngài kết tinh lại và truyền trao cho hàng hậu học. Kiến giải của Hòa thượng đã dành cho các học trò và đệ tử của ngài những hành trang căn bản nhất là nguồn sống bất tận, hun đúc những vị ấy trở thành những nhân tố đóng góp tích cực cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam và cho chương trình giáo dục Phật giáo Việt Nam trong hiện tại cũng như hoằng dương Phật pháp nhiều nơi.
Công đức, hành hoạt và nhũng cống hiến của Hòa thượng là nét son quý giá cho sự chuyển mình, kế thừa, phát triển của Phật giáo. Ngài vẫn luôn hiện hữu trong tâm thức của đàn hậu học, nêu tấm gương xán lạn của một bậc xuất trần thượng sĩ vững chãi, thảnh thơi, giản dị, khiêm cung, tinh tấn tu học, tận tụy trong giáo dục và sứ mệnh hoằng pháp độ sinh.
(Môn đồ pháp quyến cung soạn