;
Cha mẹ sinh con, mười tháng mang thai, mẹ thân như bị bệnh nặng. Ngày sinh con, mẹ nguy, cha sợ, tình cảnh ấy thật khó nói nên lời. Sau khi con ra đời, chỗ khô mẹ nhường mà nằm chỗ ẩm ướt. Tinh yêu thương khí huyết hóa thành sữa. … Dung mạo của con tươi tắn thì cha mẹ vui thích, con buồn rầu thì thân tâm cha mẹ khô héo. Ra khỏi cửa thì lập tức nhớ thương, về nhà ôm ấp vỗ về, tâm lúc nào cũng lo lắng luôn sợ con làm điều bất thiện.
Đó là đoạn Kinh văn trong bản Kinh Hiếu Tử. Đọc mà cảm nhận 2600 năm trước, Phật đã thấy những thống khổ mà người làm cha làm mẹ trải qua. Dù mọi điều có thay đổi theo vô thường, nhưng tình nghĩa của cha mẹ với con là thường hằng từ nghìn năm trước cho đến hôm nay và mãi về sau, bởi “Mẹ già hơn trăm tuổi, còn thương con tám mươi, ân ái có đoạn chăng, chỉ hơi thở cuối cùng”.
Ôi, tôi thương cha nhớ mẹ vô cùng. Mẹ tôi cũng như mẹ bạn, phải mang nặng đẻ đau, chín tháng mười ngày. Lúc mang thai cha mẹ mừng vui, phải giữ gìn ý tứ và ăn uống đầy đủ vì con, “con vào dạ mạ đi tu”. Tu để con mẹ được phước sau này. Con đi xa thì mẹ nhung nhớ, con về nhà thì mẹ tự tay chăm sóc vỗ về. Mẹ 80 đứng đầu cửa mà lắng nghe tiếng con về.
Bởi tình cảm của cha mẹ với con như núi Thái Sơn, như nước trên nguồn, vì vậy người con phải sống có hiếu với cha mẹ. Mời quý vị đọc Kinh Hiếu Tử để biết và thực hành.
Kinh Hiếu tử, Hán tạng hiện có hai bản, một bản Càn Long tạng và một bản CBETA. Về nội dung hai bản chỉ khác nhau một số từ sau:
1.
- Càn Long tạng: 懷抱十月( hoài bào thập nguyệt)
- CBETA:懷之十月( hoài chi thập ngyệt)
2.
- Càn Long tạng: 摩飾澡浴 (ma sức tảo dục )
- CBETA: 摩拭澡浴 ( ma thức tảo dục)
3.
- Càn Long tạng:重貢君長( trọng cống quân trưởng)
- CBETA: 奉貢君長;( phụng cống quân trưởng)
4.
- Càn Long tạng: 親恩若此當,何以報(thân từ nhược thử đương, hà dĩ báo)
- CBETA:親恩若此,何以報之( thân từ nhược thủ, hà dĩ báo chi)
5.
- Càn Long tạng:名衣上服光耀其體( danh y thượng báo quang kỳ thể)
- CBETA:名衣上服光耀其身(danh y thượng báo quang kỳ thân)
KINH HIẾU TỬ
Hán dịch: Mất tên người dịch, phụ vào dịch phẩm đời Tây Tấn.
Phật hỏi các vị Sa môn:
Cha mẹ sinh con, mười tháng mang thai, mẹ thân như bị bệnh nặng. Ngày sinh con, mẹ nguy, cha sợ, tình cảnh ấy thật khó nói nên lời. Sau khi con ra đời, chỗ khô thì nhường mà nằm chỗ ẩm ướt. Tình yêu thương khí huyết hóa thành sữa. Xoa lau, tắm rửa, quần áo, thức ăn, đồ uống, bảo ban chỉ dạy. Lễ vật thầy, bạn, cống nạp cho vua quan. Dung mạo của con tươi tắn thì cha mẹ vui thích, con buồn rầu thì thân tâm cha mẹ khô héo. Ra khỏi cửa lập tức nhớ thương, về nhà ôm ấp vỗ về, tâm lúc nào cũng lo lắng luôn sợ con làm điều bất thiện. Ân của cha mẹ như vậy làm thế nào để báo đáp?
Các vị Sa-môn thưa: Chỉ có dùng tâm yêu thương suốt đời lễ kính cung phụng, dưỡng nuôi nhằm báo đáp ân nghĩa sâu dày của cha mẹ.
Thế Tôn lại hỏi: Con phụng dưỡng cha mẹ, trăm vị ngọt ngon bốn mùa mời dâng. Âm nhạc với đủ loại cung bậc luôn làm vui người nghe tai. Áo quần sang trọng, sạch, mới để cha mẹ mặc. Hai vai cõng cha mẹ đi khắp mọi chốn, trọn đời như vậy để báo đáp ân sinh thành. Tất cả những việc làm như thế đáng gọi là hiếu chăng?
Các vị Sa-môn thưa: Bạch Thế Tôn! Cái lớn lao của đạo hiếu hẳn không còn gì so được.
Ðức Thế Tôn nói: Ðấy chưa phải là hiếu trọn vẹn! Nếu cha mẹ cố chấp, hồ đồ, không biết kính thờ Tam Bảo, lại hung dữ, ưa giết hại, trộm cắp càn bậy không theo đạo lý, ưa dâm dục, lời nói hư dối trái đạo, rượu chè say sưa… thì người con phải dốc sức khuyên can, giúp cho cha mẹ tỉnh ngộ. Nếu còn mù mờ, chưa chịu tỉnh ngộ, tức phải vì nghĩa mà khuyến hóa: Nêu dẫn cảnh lao ngục, người ở tù là hạng người phạm pháp phải chịu bao thứ hình phạt. Người vô đạo khi chết thần thức bị đọa vào địa ngục. Ở đó riêng mình phải chịu cảnh nước sôi, lửa dữ, muôn thứ độc hại, riêng mình phải chịu, không ai cứu được. Giả như cha mẹ vẫn chưa chuyển đổi tâm tính, thì người con phải gào khóc kêu la, cự tuyệt. Khi đó, cha mẹ tuy không sáng suốt, nhưng do thương con, sợ con phải chết, nên có thể gắng nhẫn chịu, chế ngự tâm ý quay về nẻo chánh.
Nếu cha mẹ đã chuyển ý, tin kính Phật, Pháp thì khuyên phụng trì năm giới: Có lòng nhân, thương người, vật nên không sát sinh. Trong sạch, khiêm cung, nên không trộm cắp. Trinh, khiết nên không dâm dật. Giữ lấy điều tín nghĩa nên không nói lời dối trá. Hiếu, thuận nên không rượu chè say sưa. Như thế thì trong tông môn, cha lành, con hiếu, chồng chánh vợ trinh, hàng họ thuận hòa, kẻ dưới luôn tuân phục, ân đức lan xa, muôn loài cùng nhờ. Chư Phật trong mười phương, tám bộ chúng, vua hành chánh đạo, quan trung thành, muôn dân vạn họ, không ai là không khen ngợi yêu kính… Cha mẹ như vậy là ở đời luôn được an lạc, mạng chung thì sinh lên cõi trời, cùng gặp chư Phật, nghe pháp, tu tập để giải thoát, dứt hẳn mọi khổ.
Ðức Phật bảo các vị Sa-môn: Những điều mắt thấy ở thế gian chưa phải là hiếu. Chỉ có thực hành như thế mới là hiếu. Tức có thể khiến cho cha mẹ bỏ ác, theo thiện, quy kính Tam bảo, giữ năm giới. Nếu không dùng Tam Bảo để khuyến hóa cha mẹ, thì người con tuy có hiếu dưỡng đủ đường cũng vẫn xem là bất hiếu…
Do đấy, các Sa-môn luôn sống nơi cảnh giới tĩnh lặng, tâm chí thanh khiết, lấy đạo pháp làm lẽ sống, vâng phụng giữ giới luật. Làm vua thì phải lo giữ gìn đất nước, che chở muôn dân, làm quan thì trung thành, luôn lấy nhân từ để dưỡng nuôi dân. Tức cha thì nêu pháp sáng, con thì hiếu, lành, chồng tín, vợ trinh. Hàng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hành trì như vậy thì đời đời gặp Phật, thấy pháp, đạt đạo.
Phật nêu giảng như thế, các đệ tử đều hoan hỷ, phụng hành.
Bến Tre, mùa Vu Lan năm 2020.