;
I - Giới thiệu
Bài Kinh nầy thuộc phẩm Trưởng lão Sona trong Udâna, 1 trong 15 quyển của tiểu bộ kinh (Khuđakanikâya); Pâli Text Society, London 1948, tr. 47.
Nội dung bài kinh ngắn nầy thật là giản dị. Ý thứ nhất là sự xác định của hai vợ chồng vua Pasenadi-Mallikâ: đối với người thường thì không ai khác đáng thương yêu hơn là thân mình. Ý thứ hai là sự thừa nhận của Phật về sự xác định trên, lời khuyên vừa phải song ý nghĩa của Phật: "Yêu mình thì đừng hại người".
Qua hai ý nầy, chúng ta tìm thấy một sự thật phổ biến và một bài học cao thượng.
1 - Sự thật phổ biến: trong thế gian nầy, trừ các bậc thánh hiền, siêu nhân những người quên mình vì người, không ai không nghĩ đến và thương yêu người khác. Ðó là không nói đến những kẻ giết hại người khác để xây dựng hạnh phúc của mình. Thông thường người ta lo cho hạnh phúc riêng tư của bản thân rồi mới lo cho hạnh phúc kẻ khác. Ðó là không nói đến những kẻ bên ngoài thì có vẻ lo cho hạnh phúc của kẻ khác như vợ, chồng, con, cháu vv... song bên trong với hậu ý là lo cho hạnh phúc của riêng mình. Ðây là một sự thật rất phổ biến, nếu quan sát một cách tế nhị thì có thể nhận thấy một cách dễ dàng.
Bởi là một sự thật phổ biến, nên Phật không những thừa nhận mà còn xem là điều hợp tình hợp lý. Ðã là chúng sanh thì không chúng sanh nào là không cố chấp bản ngã. Nói cách khác, vì cố chấp bản ngã cho nên mới thành chúng sanh. Như thế trong chừng mực nào đó, người ta có thể thương yêu bản thân, gia đình mình, xã hội mình nếu sự thương yêu nầy không tổn hại cá nhân, gia đình xã hội kẻ khác.
2 - Bài học cao thượng: bởi có nhiều người vì thương yêu bản thân, gia đình, xã hội mình mà làm hại cho cá nhân, gia đình, xã hội kẻ khác nên Phật mới kêu gọi trí tuệ con người: "con người cần phải xem sự sống và quyền sống của kẻ khác ngang với sự sống và quyền sống của mình". Bởi vì sự sống và quyền sống của tất cả chúng sanh là bình đẳng cho nên Phật mới khuyên: "Yêu mình thì đừng hại người". Ðạo lý nầy vốn rất là phải chăng, không có gì đáng đến nỗi người ta không thể thực hành được. Nếu một người thích được sống còn thì họ có thể tu học theo giới điều không sát sanh, tôn trọng sự sống của người khác. Nếu một ngươì thấy rằng những điều kiện vật chất là những gì cần thiết để sống thì họ có thể tu học theo giới điều không trộm cướp, tôn trọng tài sản và môi trường sinh sống của kẻ khác.
Tuy là vừa phải sống đạo lý nầy vẫn hàm chứa tánh chất cao thượng. Bởi vì sự thực hành đạo lý vừa phải trên là điều kiện căn bản nâng con người lên địa vị hiền thánh như kinh điển thường nói:
Không phải là hiền thánh
Nếu tổn hại sanh linh,
Không hại mọi chúng sanh
Mới xứng danh hiền thánh -- (Pháp cú 270)
Tinh thần tôn trọng sự sống và quyền sống nầy không những phải được áp dụng trong lãnh vực xã hội, quốc tế nữa. Có như thế: "Yêu mình thì đừng hại người" mới đáng được xem là đạo lý của Phật - bậc giác ngộ - giải thoát hoàn toàn.
II - Chánh kinh
Tôi nghe như vầy: một thời Thế Tôn ở trong vườn ông Anâthapindika (Cấp cô độc) rừng Jeta (Kỳ đà), tại Sâvatthi (Xá vệ). Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala, cùng Hoàng hậu Mallikâ lên lầu trên (của hoàng cung). Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với Hoàng hậu Mallikâ:
- Mallikâ, với ái khanh có ai khác đáng yêu hơn thân mình không?
- Thưa Ðại vương, với thiếp không có ai khác đáng yêu hơn thân mình. Nhưng thưa Ðại vương, với Ðại vương có ai khác đáng yêu hơn
thân mình không?
- Mallikâ, với ta cũng không có ai khác đáng yêu hơn thân mình.
Sau đó vua Pasenadi nước Kosala xuống lầu và đi đến Thế tôn; sau khi đến kính lễ Thế tôn rồi ngồi xuống một bên; ngồi xuống một bên rồi vua Pasenadi bạch Thế tôn:
- Bạch Thế tôn, khi lên lầu hoàng cung với hoàng hậu Mallikâ con có hỏi hoàng hậu Mallikâ: Mallikâ, với ái khanh có ai khác đáng yêu hơn thân mình không?" Nghe như vậy hoàng hậu Mallikâ trả lời với con: " Thưa Ðại vương, với thiếp không có ai khác đáng yêu hơn thân mình." Nghe như vậy, bạch Thế tôn, con nói với hoàng hậu Mallikâ: " Mallikâ, với ta cũng không có ai khác đáng yêu hơn thân mình"
Rồi Thế tôn, lúc bấy giờ, khi biết rõ ý nghĩa nầy, bèn nói lên bài kệ sau đây:
Tâm ta dạo khắp mọi phương trời
Ðáng yêu hơn mình chẳng thấy ai
Vì mình đáng yêu hơn tất cả
Nên yêu mình thì đừng hại người.
Thích Thiện Châu dịch từ Pâli