;
Giới trẻ tham gia khóa tu mùa hè tại Chùa Bằng - Hà Nội hằng năm.
1. Phật giáo Việt Nam đã trở thành tôn giáo thiểu số. Kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở trong các năm 1999, 2009, 2019 đã cho thấy đường biểu diễn đi xuống, xuống càng gắt và ngày càng đáng quan ngại cho đạo Phật tại Việt Nam.
Thế nhưng, trái ngược lại quan điểm này, chính Tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam ít quan tâm đến vấn đề này. Báo Phật giáo đăng ý kiến của nhiều quan chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam không nhất trí với kết quả của cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở trong các năm 2019, cho rằng Phật giáo vẫn đang là tôn giáo đa số với những con số không thông qua điều tra, thống kê.
Tuy nhiên, đã hết rồi cái thời cho rằng 80% dân số Việt Nam theo Phật.
Không cần tiến hành những cuộc thống kê, thu thập số liệu bài bản, khoa học, chỉ quan sát bằng mắt thường thì rất dễ nhận thấy hiện diện trong các cuộc lễ ở chùa phần lớn là phụ nữ cao tuổi.
Nhiều lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam mãn nguyện với tình trạng này kèm với những ước lượng số tín đồ chủ quan.
Cách nghĩ đó đương nhiên dẫn đến hệ quả là tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam vẫn quan tâm đến những điều khác hơn là việc làm cách nào gia tăng số Phật tử, để phần nào làm chậm đi tiến trình thiểu số hóa.
Cá biệt một số ít chùa quan tâm đến đối tượng giới trẻ, có những biện pháp thu hút thanh thiếu niên đến chùa. Nhưng nhìn từ chiến lược chung, thì các chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt sự quan tâm ở việc kiểm soát Tăng ni, chùa chiền nhiều hơn. Còn việc nghiên cứu, phổ biến, cổ động triển khai những biện pháp hoạt động thu hút người trẻ sinh hoạt Phật giáo thì dường như vẫn là điều không quen thuộc trong toàn Phật giáo Việt Nam nói chung, chứ không riêng gì Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Có hai khuynh hướng trái ngược đang diễn ra: Một số ít chùa cố gắng thu hút giới trẻ.
Còn lại, rất nhiều chùa thì có quan điểm ngược lại. Sự tương phản này rất dễ nhận thấy và nó là một khía cạnh của một đạo Phật chia rẽ, phân hóa, mâu thuẫn dù là đường ai nấy đi không trực tiếp đối chọi.
2. Không ai nói rằng người trẻ không được đến chùa. Câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa” bây giờ những người theo xu hướng loại trừ giới trẻ, không cho đến chùa ít nói đến vì nó đã bị phê phán. Nhưng có rất nhiều người, từ đại đức mới thọ giới cho đến đại lão hòa thượng chức cao quyền trọng đều áp dụng gián tiếp câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa”? Tức không cho người trẻ đến chùa?
Tại sao? Vì chùa là đạo tràng “trang nghiêm”, “thanh tịnh”, “u tịch”, “uẩn ly”... Cái không gian được cho là lý tưởng kiểu mẫu đó đương nhiên không thích hợp cho trẻ từ mẫu giáo, tiểu học đến thiếu niên, thanh niên trung học...
Đạo tràng sẽ không còn “u tịch”, “trang nghiêm” nếu trẻ nhỏ, thiếu niên, bản tính hiếu động, thích kết bạn giao lưu... đến chùa. Cho nên nhiều chùa không nói thẳng là đuổi giới trẻ, nhưng vẫn là đuổi một cách gián tiếp, đuổi ngay từ trong ý trong tâm. Thấy có trẻ đến chùa thì không vui, cho rằng huyên náo, chộn rộn, phức tạp, phiền hà...
Ở các nhà thờ, người ta dành cho trẻ những hàng ghế đầu tiên, vì yêu mến trẻ và vì chúng thấp bé.
Còn thông lệ ở một số chùa, thì Phật tử đứng hàng sau quý thầy là nam giới trưởng thành, trẻ nhỏ bị cho ra đứng chót. Chúng thấp bé, chỉ thấy mông người, lưng người, thành ra tất nhiên, dù không nói ra, cũng là loại trừ?
Có chùa rộng lòng hơn, vẫn hoan hỷ đón trẻ, nhưng yêu cầu chúng giữ vẻ trang trọng, nghiêm cẩn như người lớn. Điều đó tạo ra bi kịch tâm lý nơi trẻ, dĩ nhiên khiến chúng không muốn đến chùa nữa.
Hình ảnh trong một khóa tu mùa hè dành cho giới trẻ tại chùa Hoằng Pháp - TPHCM
Sinh hoạt ở chùa cho người lớn vốn đã đơn điệu, đối với trẻ lại càng đơn điệu hơn nữa. Có chùa hướng dẫn trẻ 9-10 tuổi tham thiền, ngồi bất động, nhắm mắt lim dim. Nhìn vào, có người tán thán (?!), nhưng tôi thì cảm thấy tấu hài (trừ trường hợp đóng show chụp hình).
Khéo léo hơn nữa có cách đuổi trẻ bằng... vong linh. Đây là một cách đuổi trẻ rất hiệu quả mà cả những thế lực cải đạo và nhiều chùa cùng áp dụng. Tiếng nói chung đó là hễ nhỏ tuổi, hoặc cả người lớn nữa, coi chừng ma nhập khi đến chùa, vì chùa có thờ nhiều vong (?).
Theo cách trình bày đó, chùa là một nơi tụ họp vong linh có mật độ cao nhất nhì, ngang với nghĩa địa, và cũng là một loại nghĩa địa khi chùa nhận giữ tro cốt.
Khi tôi còn nhỏ, tôi chỉ được phép đi đến chùa với người lớn cũng là vì vậy. Vào chùa, tôi bị người lớn nắm chặt tay không cho tới gần khu thờ vong, để cốt, các bàn vong đang cúng trong 49 ngày. Thành ra, đi chùa, với trẻ nhỏ là cứ như vào nơi hiểm địa, nơi đàng sau tượng Phật là mối đe dọa thường trực, ghê rợn?
Có vị lên đến... đại lão hòa thượng cũng gián tiếp đuổi trẻ bằng những lời thuyết pháp vong linh người âm ở chùa về chùa nghe pháp. Vong thì không thấy đâu, nhưng cả trẻ nhỏ, người lớn nếu tin lời thuyết pháp đó sẽ không nhiều thì ít, sẽ đi vào tiềm thức một nỗi e dè. Đơn giản, niềm tin về một thế giới của người chết, về sự tồn tại của người chết bao giờ cũng mang trong nó một nỗi sợ về sự bí ẩn. Đại lão hòa thượng càng nói thế, thì trẻ đến chùa ngày càng ít?
Có chùa gián tiếp đuổi trẻ bằng việc hạn chế không gian. Trẻ thì cần sân, cần bãi cỏ, chạy nhảy vui chơi nhưng chùa thì tận dụng nơi này dựng tượng, nơi kia đặt rào chắn, nơi nọ dựng tiểu cảnh, chỉ còn những lối đi nhỏ và la liệt bàn thờ.
Đi lên Quốc lộ 20, đoạn Dầu Giây – Bảo Lộc, chúng ta thấy khá rõ sự tương phản giữa chùa và nhà thờ trong bố trí sân. Có chùa, thì sân đặt hàng chục tượng. Trong khi nhiều nhà thờ ngay bên cạnh là sân đa năng, sáng là nơi tập thể dục của người lớn, chiều để trẻ nhỏ sinh hoạt hay thanh niên chơi bóng chuyền...
Nếu chùa không có không gian cho thanh thiếu niên, thì chẳng khác nào bảo chúng đừng đến hay đến rồi, vào chánh điện lễ Phật xong về ngay, vì còn chỗ đâu mà lưu lại, sinh hoạt?
Đối với thanh thiếu niên, một số chùa theo quan điểm đạo tràng “trang nghiêm”, “thanh tịnh”, “u tịch”, “thoát trần”... còn không muốn đối tượng người mới lớn này lui tới vì lý do tính dục. Thanh niên không còn chơi đùa giỡn hớt như thiếu niên nhi đồng, nhưng khi tụ tập giao lưu đương nhiên phát sinh những yếu tố nam nữ tuổi trẻ, kết bạn cặp đôi, có những cử chỉ chớt nhã, chọc ghẹo. Thay vì nhà chùa có sự điều chỉnh nào đó bằng không gian tâm linh, thì ở đây, cách quản lý dễ nhất là... đuổi thẳng. Nhiều thầy coi việc một đôi thanh niên nam nữ sánh đôi nhau trong sân chùa, ngồi làm lễ trong chính điện đã là một việc khó coi, không thể chấp nhận được.
Thành ra, đi nhà thờ từng cặp thanh niên là hình ảnh quen thuộc mỗi chủ nhật, còn đi chùa từng cặp đôi nam nữ thì chỉ có lễ hội, tết nhất.
Trang phục của thanh niên hiện nay, trong con mắt của một số tăng ni Phật tử, đã là một yếu tố gây nên việc không thiện cảm. Hiện nay nam nữa thanh niên thường mặc áo thun, quần jean có những vết xẻ nhỏ. Mốt xăm trổ cũng phổ biến...
Nhưng nhà chùa thì kỳ thị. Phật tử thì xua đuổi. Một số tăng ni thì khinh thường coi đó là một thứ bụi trần tục lụy. Có khi thanh niên ăn mặc như thế mới bước vào cổng chùa là bị ngăn lại. Tôi cũng không dám bước qua tập quán truyền thống, nhưng cũng ngờ ngợ vấn đề khi xem những kênh truyền hình nước ngoài, nơi những thanh niên đều ăn mặc khá “thời đại” khi đến nhà thờ.
Do đó, tất yếu, một bộ phận không nhỏ giới trẻ không muốn đến chùa dù gia đình họ theo Phật giáo và khi được điều tra về dân số và nhà ở, đối với nội dung tôn giáo, họ chối từ Phật giáo?
(Còn tiếp)
MT
* Bài viết thể quan điểm góc nhìn riêng của tác giả.
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610