;
Ý nghĩa của hộ thân, thường được hiểu trong khi tu tập là phải phòng hộ sáu căn. Nghĩa là luôn luôn giữ chánh niệm nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý...
Trong khi ta tiếp cận với cuộc đời, hộ thân còn được mô tả là mặc áo giáp - hiểu là để những mũi tên độc của phiền não không bắn trúng thương.
Trong Luận nhiếp Ðại thừa có câu “Bị giáp tinh tấn,” nghĩa là mang áo giáp tinh tấn. Như thế tinh tấn sẽ hộ thân cho người Phật tử khi ra trận, trực diện với ma quân phiền não nhiều đời, nhiều kiếp.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Ly Thế Gian, cũng có câu:
“Kim cang dùng làm tâm
Mặc áo giáp từ bi
Ðầy đủ những khí giới.”
Hộ thân nơi đây là giữ tâm vững chắc như kim cương, khi tiếp cận với cuộc đời thì phải “Mặc áo giáp từ bi,” như thế mới đủ khí giới để dẹp trừ ma phiền não.
Trong Kinh Pháp Hoa cũng có câu: “Lấy đại từ bi làm nhà, nhu hòa, nhẫn nhục làm áo giáp, tất cả pháp Không làm tòa ngồi.” Hộ thân nơi đây là từ bi, nhẫn nhục và trụ nơi pháp Không.
Nghiệp đời lắm hung hiểm, không mấy khi mưa thuận, gió hòa, bão lụt chinh chiến vẫn thường xảy ra... Phật tử Việt Nam trong truyền thống vẫn cầu nguyện tới ngài Quan Âm, còn gọi là Quan Thế Âm Bồ-tát. Hầu hết các chùa Việt Nam nơi sân trước vẫn có tượng Phật Quan Âm. Truyền thống hằng năm vẫn có những Lễ hội Quan Âm để cầu nguyện cho đất nước hòa bình, người dân no ấm... Các chùa truyền thống của người Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản cũng có truyền thống thờ ngài Quan Âm. Mục tiêu thường là xin cứu khổ, cứu nạn. Đặc biệt là cầu xin cứu mạng khi nguy cấp; cho nên các làng ven biển tại Việt Nam và ba nước trên thường dựng tượng ngài Quan Âm hướng ra biển để xin bảo vệ ngư dân.
Ta thường thấy nơi tượng Quan Âm tại Việt Nam là tượng đứng, tay cầm bình tịnh thủy. Hình ảnh tượng này tương tự như ở các nước châu Á nói trên.
Quan Âm hay Quan Thế Âm là nói theo tiếng Việt. Tiếng Trung Quốc phiên âm ra Anh ngữ thường viết Kuan Yin, có khi là Guan Yin hay Kwan Yin. Tiếng Nhật phiên âm là Kannon hay Kanzeon. Tiếng Hàn là Kwan-um hay Kwan-se-um.
Hình tượng phổ biến của ngàì là phụ nữ từ bi, biểu tượng mẹ. Trong Tâm Kinh, hóa thân ngài gốc là Quán Tự Tại Bồ-tát, thân nam, Phạn ngữ là Avalokitesvara, trong tiếng Tây Tạng là Chenrezig. Đức Dalai Lama được tin tưởng là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ-tát.
Trong Mật tông Tây Tạng hay Kim Cang thừa, ngài Quan Âm là bộ chủ nhiều thần chú. Trong mỗi thần chú, ngài có thân tướng khác, màu sắc khác và tên gọi khác. Câu thần chú “Om Mani Padme Hum” trong tiếng Việt quen chuyển từ âm Hán ra là “Án ma ni bát di hồng”. Câu này cũng là 6 chữ thần lực để ếm trên ngọn núi chụp xuống, để ép ngài Tôn Ngộ Không nằm yên ngàn năm. Con khỉ Tôn Ngộ Không tượng trưng cho tâm ý nhảy lung tung, thần chú này là để định tâm. Dân tộc Tây Tạng dùng 6 chữ đó hàng ngày, trong mọi thời chứ không riêng thời kinh tụng.
Khi ngài Quan Âm hiện thân nữ, Phật giáo Tây Tạng gọi ngài là Tara. Có nhiều vị Tara, mỗi vị một bộ thần chú khác nhau. Trong Phật giáo Việt Nam, Đức Phật Chuẩn Đề được làm tượng với 18 cánh tay. Câu chú của ngài là “Án chiết lệ, chủ lệ chuẩn đề ta bà ha”. Ngài Chuẩn Đề là vị Tara.
Phật giáo Tây Tạng có nhiều vị Tara khác nhau – có các màu hiện thân khác nhau, tùy theo tác pháp của người tu mà thờ và tụng bộ chú khác nhau –phổ biến nhất là ngài White Tara hiện thân màu trắng vì ngài là hiện thân của từ bi và cứu khổ.
Một điều chúng ta thắc mắc: Tại sao trong khi tác pháp để hộ thân (cho mình, Phật tử và đất nuớc), các vị sư thường đi quanh đàn tràng và rải nước phép? Phật giáo Tây Tạng làm như thế. Các vị sư Việt, Nhật, Hàn, Trung Quốc và cả nhiều sư Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia cũng đi nhiễu quanh đàn tràng, rải nước phép trong một số nghi lễ?
Hầu hết các kinh – dù là hệ Bắc tông hay Nam tông - đều nói rằng phải lấy giáo pháp để hộ thân như ba kinh hệ Bắc tông đã nhắc ở trên: Tinh tấn, từ bi, nhẫn nhục, pháp Không...
Nam tông thường nhắc tới là cuốn “The Book of Protection – Paritta” dịch từ bản Pali, kèm với chú giải từ dịch giả là ngài Piyadassi Thera. Hầu hết trong sách này nói rằng phòng hộ là bằng giáo pháp, như tụng: Tam quy y, Thập giới, Khởi tâm từ bi, Kinh Chuyển pháp luân (giảng về Tứ diệu đế)...
Chuyện làm nghi thức đi nhiễu, tụng kinh và rải nước phép? Thực sự, Đức Phật đã dạy làm nghi thức này, theo Tạng Pali ghi lại.
Trong Ðại tạng kinh Việt Nam, nơi Kinh Tiểu Bộ tập I (Khuddhaka Nikàya) do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch ra tiếng Việt, bản Kinh Châu Báu trích các đoạn đầu như sau:
“I. Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
1. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Mong rằng mọi sinh linh,
Ðược đẹp ý vui lòng,
Vậy, hãy nên cẩn thận,
Lắng nghe lời dạy này.
2. Do vậy các sinh linh,
Tất cả hãy chú tâm,
Khởi lên lòng từ mẫn,
Ðối với thảy mọi loài,
Ban ngày và ban đêm,
Họ đem vật cúng dường,
Do vậy không phóng dật,
Hãy giúp hộ trì họ.
3. Phàm có tài sản gì,
Ðời này hay đời sau,
Hay ở tại thiên giới,
Có châu báu thù thắng,
Không gì sánh bằng được,
Với Như Lai Thiện Thệ,
Như vậy, nơi Ðức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc...”
(Hết trích)
Đọc các đoạn kinh trích trên, chúng ta không thấy được bối cảnh hình thành Kinh Châu Báu. Không thấy Đức Phật dạy tác pháp cầu an, trong đó yêu cầu các sư đi nhiễu, tụng kinh và rải nước tịnh thủy.
Bản dịch của ngài Thanissaro cũng y hệt bản của ngài Thích Minh Châu, không nói gì tới nghi lễ rất huyền bí do Phật dạy. Bản dịch Anh ngữ “Ratana Sutta: The Jewel Discourse” từ tiếng Pali của trưởng lão Piyadassi Thera đã kể về bối cảnh kinh này, trích dịch như sau:
1. Bất kỳ chúng sanh (cõi phi nhân) nào có nơi đây, dù ở cõi đất hay cõi trời, ước rằng chúc lành cho họ đều có tâm an bình, ước rằng họ lắng nghe cẩn trọng những lời này.
2. “Hỡi các chúng sanh (cõi phi nhân), hãy lắng nghe. Ước rằng tất cả quý vị đều hướng tâm từ bi tới những người mà ngày và đêm, họ đã mang đồ cúng tới cho quý vị. Do vậy hãy phòng hộ cho họ cẩn trọng.
3. Bất cứ kho tàng châu báu nào ở nơi đây hoặc ở thế giới bên kia, bất kỳ châu báu nào có trên các cõi trời, cũng không gì so sánh được tới Như Lai (vị Toàn Hảo). Bảo châu này là Đức Phật. Bằng cách tuyên xưng sự thật này, ước là sẽ có hạnh phúc.
4. Rằng đoạn diệt, rằng xả ly, rằng bất tử (Niết-bàn) tối thượng, Đức Phật Thích Ca trầm tĩnh và thu thúc đã chứng ngộ rồi. Không có gì so sánh được tới giáo pháp (Niết-bàn) này. Bằng cách tuyên xưng sự thật này, ước là sẽ có hạnh phúc...”
Như thế Đức Phật cũng dạy tác pháp Mật tông. Có phải, trước khi Ngài tới, mưa đã dọn đường? Có phải yêu cầu Ananda dẫn dân chúng đi nhiễu quanh thành là lập mạn-đà-la bằng các bước chân? Có phải nước đổ vào bình bát của Phật để làm phép tịnh thủy rồi mới yêu cầu Anada đi tụng kinh, rải nước để ác ma xa lìa và dẹp trừ dịch bệnh? Đúng là duyên khởi Kinh Bảo Châu kể như thế.
Có lằn ranh để các pháp này không phải của các thầy phù thủy mà là của Đức Phật: Đó là đoạn diệt, xả ly, Niết-bàn bất tử... cần phải chứng nhập.
Đại sư Tây Tạng Kalu Rinpoche, trong sách “The Four Dharmas of Gampopa” (Tứ pháp của Gampopa) đã giải thích về thần chú “Om Mani Padme Hung,” rằng đó thực ra là hợp nhất của âm thanh và Tánh không - the Union of Sound and Emptiness. Trong tận cùng cũng trở về với Tánh không, nghĩa là với giáo pháp Bát nhã, thần chú Phật Giáo dẫn Phật tử đi từ có trở về không.
Trong “Các bài kệ tán” do thầy Thích Nguyên Tạng sưu tầm, bản dịch của Hạnh Cơ, có câu:
“Dương chi tịnh thủy, biến sái tam thiên, tánh không bát đức lợi nhân thiên...
Nước sạch đầu cành dương, rưới khắp đại thiên giới, nước tự tánh vốn không, đầy đủ tám công đức, lợi lạc cả trời người...”
Có phải là: Nước trong bình bát của Phật làm phép cho dân thành Vesali vốn là Tánh không nhưng mang đủ 8 công đức và làm lợi khắp trời người?
Như thế Đức Phật đã dạy pháp: Đi nhiễu quanh thành, tụng kinh, rải nước phép, cầu an cho dân nhưng tận cùng, là nói tới pháp đoạn diệt, xả ly, Niết-bàn. Như thế Mật tông Tây Tạng giải thích thêm: Thần chú nhà Phật phải hợp nhất của âm thanh và Tánh không, đó mới thật là lấy Phật pháp để hộ thân.