;
PHẨM TỰA THỨ NHẤT
A1. Phần Tựa
B1. Tựa chung (giải thích sáu loại chứng tín)
C1. Đánh dấu lòng tin và pháp được nghe
C2. Thời gian, chủ thể và nơi thuyết
C3. Chúng dự nghe
B2. Tựa riêng
A2. Phần nội dung chính
A3. Phần mở rộng
C1. Đánh dấu lòng tin và pháp được nghe
C3. Chúng thành tựu (có 2)
D1. Phân loại chúng (có 3)
E1. Chúng Thanh văn (có 2)
F1. Chúng Tỳ kheo (có 2)
G1. Chúng Vô học (có 3)
H1. Số liệt kê tiêu biểu
H2. Những vị đạo cao đức trọng
H3. Nêu tên chung
G2. Chúng Hữu học
F2. Chúng Tỳ kheo ni
E2. Chúng Bồ tát
E3. Tám bộ chúng
D2. Tổng số chúng vân tập
H1. Số liệt kê tiêu biểu
III. LỜI NÓI ĐẦU
“Kinh Diệu Pháp Liên Hoa” tổng cộng có 28 phẩm, phẩm thứ nhất là “Phẩm Tựa”, kể lại nhân duyên thuyết bộ Kinh này. Tất cả những bộ Kinh xưa nay, không gọi phẩm thứ nhất là “Phẩm Tựa”, nhưng đặc biệt chỉ bộ “Kinh Pháp Hoa” này có “Phẩm Tựa”.
III. VĂN GIẢI THÍCH
B1. Tựa chung (giải thích sáu loại chứng tín)
C1. Đánh dấu lòng tin và pháp được nghe
C2. Thời gian, chủ thể và nơi thuyết
C3. Chúng dự nghe
B2. Tựa riêng
A3. Phần mở rộng
C1. ĐÁNH DẤU LÒNG TIN VÀ PHÁP ĐƯỢC NGHE
Tôi nghe như vầy
Như thị ngã văn
“Tôi nghe như vầy”: như vầy là “tín thành tựu”; tôi nghe là “văn thành tựu”. Pháp như vầy mới có thể tin, pháp không như vầy thì không thể tin; cho nên “như vầy” chính là “tín thành tựu”. Phàm những kinh điển Phật nói đều có sáu loại thành tựu, đó là: tín thành tựu, văn thành tựu, thời thành tựu, chủ thành tựu, xứ thành tựu và chúng thành tựu.
Tôi nghe là “văn thành tựu”. “Tôi” này là “tôi” nào? Có “cái tôi giả tạm” của phàm phu, có “cái tôi linh thiêng” của ngoại đạo; “tôi” này chính là “cái tôi giả tạm”, không phải là “cái tôi chân thật”. Tôi nghe, vốn chẳng phải là “tai nghe” sao? Sao lại nói “tôi nghe”? Vì “tai” chỉ là một bộ phận của cơ thể, “tôi” là cái tên chung của toàn thân, nên A-nan mới nói “tôi nghe”.
Bốn chữ “Tôi nghe như vầy’ có rất nhiều ý nghĩa:
(1) Dứt trừ lòng nghi của chúng
Khi Tôn giả A-nan kết tập Kinh tạng, vừa lên pháp tòa, nghĩ đến tướng tốt của Phật—liền hiện tướng giống như thân Phật, nên đại chúng liền khởi lên ba mối nghi.
- Nghi thứ nhất, những chúng Bồ-tát, La-hán và các Tỳ-kheo trong đây cho rằng: “Đức Phật Thích-ca chưa nhập Niết-bàn, Ngài lại đến đây để giảng Kinh thuyết pháp!”. Đại chúng những tưởng là “Phật đã trở lại”.
- Nghi thứ hai, có người hoài nghi, nói nhất định là “Phật ở nơi phương khác đến”. Phật ở cõi khác đến đại hội kết tập này.
- Nghi thứ ba, mọi người nói: “A-nan bây giờ đã chuyển thân thành Phật, nếu không như vậy, sao lại có tướng hảo quang minh, 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và ánh sáng vàng tía tụ lại như thế?”
Nhưng khi nghe A-nan trên pháp toà vừa nói bốn chữ “tôi nghe như vầy” thì ba mối nghi trên liền dứt, chẳng còn lưu lại mảy may!
Tất cả chúng La-hán, Bồ-tát, Thanh văn và Tỳ-kheo lúc này mới biết! Như vầy là “từ chỉ pháp” (chỉ pháp chi từ). A-nan nói: “Pháp như vầy là pháp Phật nói, chính tai A-nan tôi nghe thấy, chứ không phải là pháp tự tôi nói”.
(2) Tuân theo di chúc của Phật
Tuân là tuân theo. Khi Phật sắp nhập Niết-bàn, Ngài có dặn dò A-nan: Trước mỗi bộ Kinh đều nên để bốn chữ “Tôi nghe như vầy”. A-nan y lời Phật dạy, khi kết tập Kinh điển, câu nói đầu tiên là bốn chữ “Tôi nghe như vầy”.
(3) Dứt trừ tranh luận
Vì sao nói dứt trừ tranh luận? Vì A-nan là người trẻ nhất trong chúng đệ tử Phật; nếu Ngài không mượn danh nghĩa của Phật, không nói “bộ Kinh này là tôi được nghe Phật thuyết” thì giữa mọi người sẽ xảy ra tranh luận: “Tôn giả có thể nói, tôi cũng có thể nói”. Cứ thế tranh luận qua lại không thôi. A-nan nói bộ Kinh này là do Phật thuyết, thì tất cả mọi người, bất luận là Trưởng lão, Đại đức, Tỳ-kheo đều không có lời gì. Vì sao vậy? Vì Kinh điển là do Phật nói, không phải tự A-nan tạo ra, nên dùng bốn chữ “Tôi nghe như vầy” để chứng minh, chấm dứt sự tranh luận giữa mọi người.
(4) Khác với ngoại đạo
Trước mỗi bộ Kinh điển của ngoại đạo đều dùng hai chữ “A Âu”; “A” là “không”, “Âu” là “có”. Vì sao dùng hai chữ này? Vì ngoại đạo nói: “Tất cả các pháp không phải ‘không’, tức là ‘có’; không phải ‘có’, tức là ‘không’.” Kinh điển Phật nói, mở đầu bằng câu “Tôi nghe như vầy” khác với loại “có đầu không đuôi, có đuôi không đầu”, “không phải không, chính là có; không phải có, chính là không” của ngoại đạo.
Khi Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, A-nan thưa hỏi Phật bốn việc, Phật đã trả lời A-nan như sau:
Thứ nhất, khi kết tập Kinh điển, trước mỗi Kinh nên dùng câu “Tôi nghe như vầy”.
Thứ hai, sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, các Tỳ-kheo nên “nương vào Tứ Niệm Xứ mà trụ”; Tứ niệm xứ là “thân, thọ, tâm, pháp”:
(1) Quán thân bất tịnh
Quán sát thân này là nhơ uế. Cơ thể của chúng ta cho dù được rửa sạch, cũng có mồ hôi ra, nếu không tắm rửa sẽ có mùi hôi, nên nói “chín khiếu thường chảy ra những thứ không sạch”. Quý vị xem! Hai mắt thì có nước mắt, ghèn, đây là những thứ không sạch. Hai lỗ tai thì có cứt ráy, nếu một thời gian, quý vị không móc ra, cứt ráy sẽ đầy bên trong. Hai lỗ mũi thì có nước dịch của mũi, trong miệng thì có đàm, nước bọt. Những thứ này đều là bất tịnh, quý vị làm thế nào để dọn dẹp chúng? Bên trong chúng luôn chứa những thứ nhơ bẩn. Bảy khiếu (“khiếu” nghĩa là lỗ trống) này, cộng thêm hai khiếu tiểu tiện và đại tiện, thành ra chín khiếu, gọi là “chín khiếu thường chảy ra những thứ không sạch”, vì vậy nên phải quán thân là bất tịnh.
Những chúng sanh có nhiều tham luyến, nên tu “quán bất tịnh”, là pháp tu xem thân này không sạch, không thanh tịnh. Có nhiều tham luyến, tham cái gì? Chính là tham đắm dâm dục. Người tham đắm dâm dục, phải dùng phương cách để ngăn chặn “dâm”. Ngăn chặn thế nào? Chính là quán thân bất tịnh. Nam , nữ diện mạo có xinh đẹp cách mấy cũng đều là bất tịnh; đã là bất tịnh, thì có gì đáng để tham luyến? Nên mới nói “chúng sanh nhiều tham luyến phải quán bất tịnh”. Biết nó bất tịnh, nên không tham đắm; không tham đắm, sẽ không có tâm dâm dục mạnh mẽ như thế!
(2) Quán thọ là khổ
Thọ là lãnh thọ. Tất cả cảnh giới mà quý vị cảm thọ là cảnh giới thiện hay cảnh giới ác? Có cảm thọ sẽ làm tâm quý vị dao động; tâm dao động chính là khổ vậy. “Khổ” ở đây nói ra rất nhiều, có ba khổ “Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ; lại có “thương yêu xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, cầu mong không được khổ, năm ấm lẫy lừng khổ”; cộng thêm “khổ do sanh, già, bệnh, chết” thành ra tám khổ. “Khổ khổ, hoại khổ và hành khổ” này bao hàm cả cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc; trong ba cõi này, có đủ ba loại khổ trên. Bất luận quý vị tiếp nhận hay lãnh thọ cảnh giới nào đều là khổ cả. Nếu quý vị có thể biết đó là khổ, thì sẽ không bị loại cảm thọ này tác động; không có cảm thọ mong cầu khoái lạc thì sẽ không có khổ.
(3) Quán tâm vô thường
Tâm của con người, niệm sau vừa sanh ra, niệm trước liền diệt; niệm trước diệt, niệm sau liền sanh. Giống như sóng ngoài biển cả, từng niệm từng niệm nối tiếp không dừng; nhưng mỗi một niệm đều là vô thường, mỗi một niệm đều là hư vọng.
(4) Quán pháp vô ngã
Pháp có “sắc pháp và tâm pháp”. Trong “Bách Pháp Minh Môn Luận” nói:
Sắc pháp mười một, Tâm pháp tám, năm mươi mốt món Tâm sở pháp;
Hai mươi bốn Pháp bất tương ưng, sáu pháp Vô vi thành trăm pháp.
“Sắc pháp” mười một (11), “Tâm pháp” tám (8), năm mươi mốt (51) món “Tâm sở pháp”, cộng thêm hai mươi bốn (24) “Pháp bất tương ưng” và sáu (6) “pháp Vô vi” hợp lại thành trăm (100) pháp. Tuy nhiều pháp như thế, nhưng không có “tự ngã”. “Ngã” và “ngã sở” đều không. Trong “Kinh Kim Cang” nói: “Chính pháp còn xả, huống gì phi pháp” (pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp). Cái gọi là pháp chân chánh, đều không nên chấp có pháp, nếu chấp có pháp, sẽ trở thành “chấp pháp”. Quý vị tu đến chỗ rốt ráo thì sẽ thấy người không mà pháp cũng không.
Trước kia, chúng ta không hiểu Phật pháp, nên chấp có ngã; tất cả đều thuộc về ta tất cả đều là vật sở hữu của ta và chấp trước vào đó. Vì chấp trước, nên có vướng ngại; vì vướng ngại, nên có điên đảo; vì điên đảo, nên có mộng tưởng. Khi chưa hiểu Phật pháp, thì có “chấp ngã”; sau khi hiểu Phật pháp rồi, lại chuyển sang “chấp pháp”, chấp có “pháp”. Nên trong Tứ Niệm Xứ, Phật nói phải quán tất cả pháp đều không có ngã; “ngã” đã không có, thì làm gì có “pháp” chứ?
Quán thân bất tịnh, thọ, tâm, pháp cũng đều bất tịnh; cảm thọ cũng là bất tịnh, tâm cũng bất tịnh, pháp cũng bất tịnh. Quán thọ là khổ; quý vị xem, đã biết “thọ” là khổ rồi, thế thì thân, tâm và pháp cũng trở thành khổ cả. Quán tâm vô thường; thân, pháp và thọ này cũng đều vô thường. Quán pháp vô ngã; thân, thọ và tâm này cũng đều vô ngã. Nên tuy nói “Tứ Niệm Xứ” là “thân, thọ, tâm, pháp”, nhưng chúng đều có mối liên hệ ràng buộc với nhau. “Sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, các Tỳ-kheo nên nương vào “Tứ niệm xứ”, mỗi giờ khắc đều không được lơ là, đây là lời dặn dò của Như Lai.” Đức Phật Thích-ca khi sắp nhập Niết-bàn, đã dặn dò tất cả đệ tử như thế, vậy nên đã có rất nhiều Tỳ-kheo tu theo Pháp Tứ Niệm Xứ này.
Thứ ba, sau khi Phật nhập Niết-bàn, phải “lấy Giới làm thầy”. Tất cả các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, phải y vào giới luật mà tu hành. Nếu không y vào giới luật tu hành, Phật pháp sẽ diệt vong; còn y vào giới luật tu hành, Phật pháp sẽ trụ vững ở đời. Có một người y vào giới luật tu hành, Phật giáo sẽ thêm một phần xán lạn; có mười người y vào giới luật tu hành, Phật giáo sẽ có thêm mười phần xán lạn. Nếu có một trăm người, một ngàn người, một vạn người, người người đều y vào giới luật tu hành, không phạm vào giới luật Phật chế, thì Phật giáo lúc này sẽ vô cùng xán lạn; chiếu sáng, phá tan mọi sự đen tối trên cuộc đời này. Cho nên giữ giới, y vào giới tu hành là điều quan trọng nhất.
Thứ tư, đối với những Tỳ-kheo có tánh ác, nên dùng thái độ im lặng để cách ly vị ấy. Tỳ-kheo có tánh ác, không có cách nào nói lý lẽ với họ, ta chỉ có thể im lặng, không tranh luận, để họ tự phát tâm sám hối, nghiêm trì lại quy tắc. Đây là biện pháp tốt nhất.
A-nan đem bốn việc trên hỏi Phật, Đức Phật đã trả lời như thế. Nên bây giờ trước mỗi bộ Kinh đều có bốn chữ “Tôi nghe như vầy” (như thị ngã văn). Như vầy (như thị) là từ chỉ cho pháp, chính là pháp đang nói, đây là một loại thành tựu của “tín”. Quý vị tin, thì là “như thị” (như vầy); không tin, thì là “bất như thị” (không như vầy). “Như Thị” cũng có nghĩa như vầy: “Bất biến danh ‘Như’; Tùy duyên viết ‘Thị’” (bất biến gọi là ‘như; tùy duyên gọi là ‘thị’). “Bất biến gọi là như”; “như” này chính là “bất biến”. “Tùy duyên gọi là thị”, tùy tất cả duyên, đó là “thị”. Tuy tùy duyên mà bất biến, bất biến mà lại tùy duyên, cũng chính là như như bất động, liễu liễu thường minh, đây gọi là “như thị”. Hai chữ “như thị” có nghĩa là “ấn khả”, tức là nếu quý vị làm đúng, thì tâm quý vị và tâm Phật giống nhau, gọi là “như thị”; nếu tâm quý vị và tâm Phật không giống nhau, gọi là “không như thị”.
Tôi nghe như vầy, A-nan nói: “Pháp như vầy là do A-nan tôi tự tai nghe Phật nói, chứ không phải tự bày vẽ ra, không phải tự biên soạn ra, đó là tôi được nghe từ Phật”. A-nan nhỏ tuổi hơn Phật rất nhiều, Phật 19 tuổi xuất gia, 30 tuổi thành đạo; vào ngày tu sĩ Cồ-đàm thành Phật, chính là ngày A-nan ra đời. A-nan 20 tuổi mới xuất gia làm thị giả cho Phật, nên những Kinh điển Phật nói từ 20 năm trước, A-nan chưa được nghe qua, thế thì làm sao khi kết tập Kinh điển, A-nan lại có thể kết tập được?
A-nan là em chú bác với Phật, đến 20 tuổi mới xuất gia, những Kinh điển Phật nói trước đó, A-nan chưa từng nghe qua, nhưng do A-nan phát nguyện “thỉnh Phật nói lại”, nên ở trong thiền định, Phật đã nói lại một lượt những Kinh điển đã nói từ trước cho A-nan nghe. Đối với những Kinh điển Phật nói, A-nan “nghe qua liền ghi nhớ rõ” từ đầu đến cuối, lời nói qua tai, vĩnh viễn ghi vào tâm khảm. Vì vậy mà có câu nói: “Phật pháp đại hải thủy, lưu nhập A-nan tâm”. Nghĩa là pháp của Phật giống như nước biển cả, chảy vào tâm A-nan.
Lại nữa, A-nan là trường hợp “đại quyền thị hiện”; quyền là phương tiện quyền xảo. Tất cả Kinh tạng của chư Phật đời quá khứ đã nói, đều do A-nan kết tập, cho nên dẫu những pháp chưa được nghe đức Phật Thích-ca nói qua, nhưng sau khi được khai ngộ, A-nan đều có thể nhớ lại tất cả những tạng pháp của chư Phật đời quá khứ nói. Pháp của mỗi một vị Phật nói đều giống nhau; trong pháp hội của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni hiện tại, A-nan đều có thể nhớ lại những Kinh giáo đã lãnh thọ trước kia, chính là những Kinh giáo Đức Phật Thích Ca đã nói mà Ngài chưa được nghe qua, A-nan hoàn toàn có khả năng ghi nhớ lại.
C2. THỜI GIAN, CHỦ THỂ VÀ NƠI THUYẾT
Một thời, đức Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành Vương Xá.
Nhất thời, Phật trụ Vương Xá thành, Kỳ-xà-quật sơn trung.
“Một thời” chính là “thời thành tựu”. Vì “thời” không có nhất định, nếu như phải nói vào giờ nào, ngày nào, tháng nào, năm nào thì thời gian ở Ấn Độ và Trung Hoa không giống nhau. Liên quan đến vấn đề lịch số, đại khái trước kia mỗi một nước đều có riêng múi giờ, ngày, tháng, năm của nước đó, không nước nào giống nước nào. Nếu nói vào giờ, ngày, tháng, năm nào, thì phải phiền đến các nhà khảo cổ bỏ ra rất nhiều tâm lực nghiên cứu, nên khi phiên dịch Kinh Phật, phải nói “có một thời như thế”. Đó là thời nào? Tức là thời gian đức Phật Thích-ca nói “Kinh Pháp Hoa”.
“Phật” là “Chủ thành tựu”. Phật là từ gọi tắt của tiếng Phạn (Buddha), nói đầy đủ là “Phật-đà-da”, còn gọi là “Bố-đạt-da”. Thói quen của người Trung Hoa thích tỉnh lược văn, nên chỉ nói riêng một chữ Phật. Người Trung Hoa đều quen thuộc với chữ “Phật” này; nhưng khi quý vị bảo họ giảng ý nghĩa của chữ “Phật”, họ đều không biết giảng. Chữ “Phật” vốn không có ở Trung Hoa mà là do người đời sau đặt ra. “Phật có nghĩa là giác”, bậc giác ngộ. “Giác” có ba loại:
(1) Bổn giác
Phật tánh xưa nay vốn giác ngộ, không cần thiết phải trải qua quá trình tu hành.
(2) Thủy giác
Vừa mới giác ngộ. Giống như chúng ta vốn có Phật tánh, ai ai cũng có thể thành Phật, nhưng chưa giác ngộ; đây chỉ có bổn giác mà chưa có thủy giác. Chúng ta phát tâm muốn học Phật pháp, nghiên cứu giáo lý đạo Phật; lúc mới bắt đầu này, gọi là “thủy giác”, tức là mới giác ngộ.
(3) Cứu cánh giác
Sau giai đoạn đầu mới giác ngộ, mỗi ngày giác ngộ thêm một ít; giống như nghe Kinh, mỗi một lần nghe, sẽ hiểu biết Phật pháp thêm một ít. Một ngày hiểu biết một chút, mười ngày sẽ hiểu biết rất nhiều; cứ thế đến một ngày nào đó sẽ hoàn toàn thâm hiểu Phật pháp, đạt đến liễu ngộ. Khi quý vị đã hoàn toàn hiểu rõ, cũng chính là được thành Phật; thành Phật rồi, gọi là “cứu cánh giác”.
Lại có ba cách giải thích khác, đó là: “tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn”.
(1) Tự giác
Tự mình giác ngộ. Tự giác khác với phàm phu; phàm phu là “bất giác”, chưa giác ngộ. Người như thế nào gọi là tự giác? Là hàng Nhị thừa, tức Thanh văn, Duyên giác. Người tu theo Tiểu thừa như hàng Nhị thừa này chỉ có thể tự giác, mà không thể giác tha.
(2) Giác tha
Chính là Bồ-tát. Nhị thừa không giống phàm phu, Bồ-tát cũng lại khác với Nhị thừa. Tại sao gọi là giác tha? Chính là tự mình giác ngộ đạo lý, rồi truyền bá, giảng nói đạo lý giác ngộ này cho người khác, mong muốn tất cả mọi người đều được giác ngộ, gọi là giác tha. Đây là Bồ-tát “tự lợi, lợi tha”, tự mình đã được giác ngộ, rồi đem sự giác ngộ này làm lợi ích tất cả chúng sanh. Hàng Nhị thừa không như thế, chỉ biết tự lợi mà không biết lợi tha; chỉ biết tự mình giác ngộ mà không màng đến những chúng sanh khác, cho nên gọi hàng Nhị thừa là “kẻ tự độ” (tự liễu hán). Phật quở trách hàng Nhị thừa là hạng “Tiêu nha bại chủng”, vì không khiến cho Phật pháp phát dương rộng rãi, ví như mầm non vừa mới nhú lên, lại bị khô héo, không thể sanh trưởng được; tuy hạt giống này được gieo xuống đất, nhưng đã bị hư thối!
(3) Giác hạnh viên mãn
Bồ-tát tuy có thể giác tha, nhưng chưa thể giác hạnh viên mãn; giác hạnh viên mãn chính là Phật, nên Phật không giống với Bồ-tát. Phật là “tam giác viên, vạn đức bị”, ba loại giác ngộ tròn đầy, tất cả đức hạnh thảy đều đầy đủ, nên mới thành “Phật”.
Vị Phật này là chỉ cho ai? Chính là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, sanh ra tại Ấn Độ, là Thái tử con vua Tịnh-phạn (Shuddhodana), tên gọi “Tất-đạt” (Siddhartha); 19 tuổi xuất gia, 30 tuổi thành Phật, thuyết pháp suốt 49 năm, có hơn ba trăm pháp hội. A-nan nhỏ hơn Phật 30 tuổi, 20 tuổi mới xuất gia, cho nên A-nan chỉ nghe được pháp Phật nói 29 năm sau. Phật dùng thần thông bí mật nói lại những điều đã giảng 20 năm trước cho A-nan nghe; A-nan nghe qua đều ghi nhớ không quên. Khi kết tập Kinh điển, A-nan đã trùng tuyên lại rất rõ ràng những Kinh điển Phật nói.
“Trụ thành Vương Xá”: “Trụ” này có Kinh nói là ‘tại”, “Phật tại thành Vương Xá”. “Trụ” chính là “tại”, “tại” cũng chính là “trụ”; Phật ở tại thành Vương Xá. Hướng Đông bắc của thành Vương Xá là “nước Xá-vệ”. Nước Xá-vệ là tiếng Phạn (Shravasti), dịch nghĩa “Phong Đức”. Phong, ý nói ở đất nước này, “người thì dồi dào tiền của, ngũ dục; người thì có đức đa văn giải thoát”. Ngũ dục là hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm; năm trần này cũng chính là tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ. Đất nước này, môi trường ngũ dục vô cùng phong phú. Đa văn là người thích đọc sách; giải thoát là vô cùng tự do tự tại, không bị ràng buộc. Do những điều trên mà đất nước này được gọi là “Phong Đức”.
“Trong núi Kỳ-xà-quật”: núi Kỳ-xà-quật (Gṛdhra-kūṭa) cũng chính là núi Linh Thứu, vì dáng núi giống như con chim thứu; linh thứu là một loại chim linh.
“Nhất thời” là thời thành tựu; “Phật” là chủ thành tựu; “núi Kỳ-xà-quật thành Vương Xá” là xứ thành tựu; “cùng với đại chúng Tỳ-kheo một vạn hai ngàn người câu hội” là chúng thành tựu. Trong đa số những Kinh điển khác thì nói “một ngàn hai trăm năm mươi vị”, nhưng đặc biệt trong hội Pháp Hoa có đến một vạn hai ngàn người tham dự.
C3. CHÚNG THÀNH TỰU (phân 2 phần)
D1. Phân Loại Chúng (có 3 phần)
E1. Chúng Thanh Văn (phân 2 phần)
F1. Chúng Tỳ-kheo (có 2 phần)
G1. Chúng Vô Học (có 3 phần)
H1. Nêu Số Lượng
H2. Nói Quả Vị Để Khen Ngợi Đức
H3. Nêu Tên, tóm kết
G2. Chúng Hữu học
F2. Chúng Tỳ-kheo-ni
E2. Chúng Bồ-tát
E3. Tám bộ chúng
D2. Tổng Số Chúng Vân Tập
H1. NÊU SỐ LƯỢNG
Cùng chúng đại Tỳ-kheo một vạn hai ngàn người tham dự.
Dữ đại Tỳ-kheo chúng vạn nhị thiên nhân câu.
“Đại Tỳ-kheo”: chính là những vị Tỳ-kheo sắp chứng đắc quả vị A-la-hán, nên gọi là “đại”.
TIN LIÊN QUAN