;
Hệ phái Khất Sĩ tuy ra đời chưa lâu nhưng đã trở thành một trong ba hệ phái Phật giáo lớn của Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ phái này là do sự kế thừa phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống của Phật giáo đồng thời đưa ra những quan niệm mới khiến cho giáo lý của Phật giáo phù hợp với nhu cầu của thời đại.
Tổ sư Đăng Minh Quang thông qua việc truyền bá tư tưởng của mình đã phát huy đạo đức Phật giáo trong xã hội và biến nó trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Kế thừa tinh thần của tổ sư, tăng ni của hệ phái Khất Sĩ không ngừng mở rộng truyền bá đạo pháp, chú trọng giáo dục... để đạo Phật hòa cùng với với sự phát triển của dân tộc trong thời đại mới.
1. Nhận định lại thuật ngữ “khất sĩ”
Tuy là tên của hệ phái do mình lập nên nhưng danh từ “khất sĩ” không phải do tổ sư Đăng Minh Quang đặt ra, mà người lấy từ trong kinh Phật. Trong Kinh Pháp Hoa Nghĩa Sớ, quyển 1 có ghi rằng: “Tỳ-khưu gọi là Khất Sĩ, trên thì xin giáo pháp của Như Lai để nuôi dưỡng tinh thần, dưới thì khất thực của bá tánh để nuôi tự thân”.Khất sĩ là một trong ba nghĩa và cũng là nghĩa chính của Tỳ-khưu (tiếng Phạn là Bhikkhu)[1].
Khất sĩ là người đi ăn xin, nhưng không phải kẻ đi ăn xin nào cũng là khất sĩ. Những kẻ ăn xin lang thang sống vất vưởng qua ngày chẳng qua chỉ là những kẻ mưu cầu sự tồn tại của chính mình; còn khất sĩ thì hoàn toàn không phải là như thế.Khất sĩ đi xin ăn là vì mình thì ít mà vì người thì nhiều. Vì mình là dùng việc khất thực làm phương tiện nuôi dưỡng sắc thân để tu tập; vì người là dùng việc khất thực để giáo hóa và tạo phúc đức cho chúng sinh.
Vì thế, khất thực là truyền thống mười phương ba đời của chư Phật.Ngày nay, đa phần Tỳ-khưu không trì bình khất thực nhưng vẫn nhận sự cúng giường của Phật tử và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để sống, tu tập và thực thi Phật sự. Dù không trực tiếp thực hành theo phương thức “một bát, cơm ngàn nhà” nhưng bản chất của khất sĩ vẫn không thay đổi.
Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ nhìn từ “khất sĩ” trên bình diện ngữ nghĩa thông thường mà cần suy ngẫm cả tầng sâu của nó. “Khất” nghĩa là đi xin, nhưng không đơn thuần là xin miếng ăn thức uống mà còn xin cả tri thức để mở mang trí tuệ. Phàm đã là con người, thì có kẻ đi xin vạn vật để nuôi thân, có người thì xin các pháp để nuôi trí.
Còn “sĩ” là cách gọi tôn trọng với đối phương hoặc chỉngười đi học.Kiến thức sẽ đến từ nhiều phía, học ở nhiều người, học bằng nhiều cách; tất cả mọi người ai cũng là học trò, kể cả người tu hành cũng như kẻ phàm tục, vì phải học thì mới hiểu biết.Mà học thì có nghĩa là xin, xin kiến thức.
Vậy thì, tất cả con người ai ai cũng đều là khất sĩ, ai cũng phải đi xin, cách này hay cách khác, hình thức khác nhau và thứ nhận về cũng khác nhau.Nhưng đây là một quy luật không thay đổi từ xưa đến nay, và cả sau này cũng thế.
Như vậy, từ ngay tên gọi, hệ phái Khất Sĩ đã thể hiện rõ nội hàm tu tập của mình. Và nếu suy rộng ra, thì thuật ngữ “khất sĩ” không còn đơn thuần chỉ người tu tập trong một hệ phái của Phật giáo Việt Nam, mà còn là cách tu tập của mọi người trong cuộc sống đời thường nếu hướng tâm mình theo đạo Phật. Tổ sư Đăng Minh Quang đã chỉ rõ ra điều đó ngay trong tác phẩm của đời mình:
“Khất Sĩ là học trò khó đi xin ăn để tu học. Khất Sĩ là cái sống của chơn lý vũ trụ, mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy.Bởi chúng sanh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết, và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ.Các sự thấy nghe hiểu để đem lại cho cái biết.
Biết quý báu hơn không biết, có biết mới hết mê lầm chấp trật, khổ sở nạn tai. Từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ trước đến sau, từ chiều đến sáng, mỗi lúc cái biết càng phân biệt, làm việc tích trữ, lớn to và đi tới; làm cho chúng sanh càng ngày càng được thêm sự học hành”[2].
2.Ảnh hưởng tích cực của hệ phái Khất Sĩ đối với đời sống xã hội
2.1 Loại bỏ sự mê tín dị đoan trong sinh hoạt Phật giáo của các tín đồ
Ngay từ khi ra đời, hệ phái Khất Sĩ đã có một đóng góp quan trọng đối với việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, nhân dân Việt Nam nói chung và nam bộ nói riêng, phải gánh chịu bao nỗi thống khổ do xã hội nửa thực dân nửa phong kiến gây nên. Một đất nước có vua cũng như không, quan lại thì tham lam vô độ, thực dân Pháp thì độc ác hà khắc…người nông dân phải chịu sự áp bức bóc lột của các loại thế lực.
Chính vì vậy đã nảy sinh ra rất nhiều các phong trào “cứu nhân độ thế” của cả thế lực chính trị cũng như tôn giáo. Khi ấy các tôn giáo đua nhau ra đời khiến cho hoạt động tôn giáo lại càng phức tạp, nhưng vì dân trí vẫn còn rất thấp nên gần như không tiếp nhận được chính đạo, mà dễ bị sa lầy vào sự mê muội của tà đạo.
Phật giáo tuy đã có mặt tại Việt Nam gần hai nghìn năm, tại nam bộ có cả hai hệ phái Tiểu thừa và Đại thừa nhưng kinh điểncủa hai hệ phái này vẫn chủ yếu nằm trong Hán tạng và Pali tạng nên ít được phổ biến đến dân chúng nói chung.
Tổ sư Minh Đăng Quang với mục đích giải thoát cho mình và cứu độ chúng sinh, đã phát đại nguyện, đứng ra dung nạp tinh túy của hai tông phái Phật giáo, thực hành đường lối tu học theo chính pháp của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, tự mình làm gương cho đời.
Chính vì điều này, Phật giáo không còn quá uyên thâm khó hiểu đối với người dân ít học nữa, vì đang có một minh chứng cụ thể là một con người bằng da bằng thịt. Người dân được nghe thuyết pháp, giảng đạo để khai mở trí tuệ, để được hiểu rằng Phật là một người thầy khai sáng, một nhà tư tưởng chỉ dẫn con người ra khỏi u mê… chứ không phải là một vị thần có quyền uy ban phát.
Sinh hoạt Phật giáo lúc bấy giờ nặng về cúng bái dẫn đến mê tín dị đoan, Phật tử chủ yếu là những người dân cùng khổ, cố bám víu lấy niềm tin tâm linh để tìm kiếm hy vọng cậy nhờ. Đặc biệt là với người nông dân mù chữ, không có điều kiện tiếp xúc hay học hỏi kiến thức, chỉ sống theo bản năng và ý thức thói quen, lại thêm bị đè nén tạo nên tâm lý sợ hãi, rụt rè… thì không bao giờ nghĩ được đến việc mình giải phóng cho chính mình, mà chỉ biết chờ đợi, hy vọng vào sự may mắn hay ban phước lành từ thế giới tâm linh.
Tuy nhiên, không cứ cuộc sống xa xưa khi còn bị áp bức bóc lột, ngày nay khi con người sống cuộc đời tự do no đủ, thì con người cũng không hết được những ưu phiền lo lắng. Do hạnh phúc và khổ nạn, yêu thương và sợ hãi là hai mặt đối lập luôn tồn tại song song cùng với con người, tạo nên vô số ước mơ hy vọng trong cuộc sống. Con người vốn có nhiều ham muốn nên có lắm khổ lụy, làm trở ngại việc tu hành, bất lợi đối với tính mạng.
Chính vì vậy, con người khi chưa thấu hiểu chân lý, chưa giác ngộ chính đạo thì còn chưa biết cách thoát khỏi khổ đau phiền não, rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn mê tín dị đoan. Hệ phái Khất Sĩ đã mở ra con đường ngắn nhất, dễ nhất để con người đến gần với Phật pháp; từ đó biết rũ bỏ những thứ ràng buộc mà mình tự tạo nên cho mình.Kẻ thù của con người chính là con người và chỉ có con người mới tự giải thoát được cho mình mà thôi. Hình ảnh người tu hành tay bưng bình bát, không tài sản, không nhà cửa, không có gì vướng bận, đêm ngủ dưới gốc cây, ngày đi xin ăn từng nhà….đã khiến mọi người kính phục.
Những vị chân tu ấy không phải là thần thánh nhiều quyền năng, không thể ban phát lợi lộc mà chỉ là những người đang đi đúng hướng như Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, là những vị thầy chỉ dạy Phật tử cách sống, cách tu tập. Cái mà họ ban cho Phật tử chỉ có thể là giáo lý trí tuệ, hoặc là cơ duyên giác ngộ.
2.2 Phát triển tinh thần Bồ tát đạo
Bồ tát được hiểu theo nghĩa thông thường thì là chỉ người đã tu hành đắc đạo, liền đem phép giác ngộ dạy khắp chúng sinh. Hình tượng Bồ tát mang nội hàm ý nghĩa rất sâu sắc, là những bậc hướng tâm cầu Phật và nhiếp hóa chúng sinh. Các tượng thờ của Bồ tát là phương tiện gieo duyên thiện tâm đến Phập pháp để tu tập; giúp những người chưa hiểu Phập pháp giác ngộ, từ bỏ những ý nghĩa ngu muội ngông xằng, tìm về chân lý giải thoát.
Vậy có nghĩa là Bồ tát chỉ dạy cho chúng sinh biết quay về chân tâm, khai sáng trí tuệ để chuyển mê khai ngộ. Nhưng theo sự phát triển của xã hội, thì ý nghĩa và vai trò của Bồ tát đã được mở rộng hơn rất nhiều, chủ yếu nhằm vào khả năng cứu khổ cứu nạn, phù hộ độ trì cho con người sống bình yên hạnh phúc trong cuộc sống thế tục; tiêu biểu là hình tượng Quan Âm Bồ tát.
Con người tìm đến cửa Phật không đơn thuần là tìm đến chân lý để giác ngộ nữa, mà còn là tìm điểm dựa tinh thần, tìm sự giúp đỡ từ thế giới siêu nhiên. Con người gửi gắm tâm tư nguyện vọng, cầu mong sự giúp đỡ của Bồ tát để thỏa mãn nhu cầu đời thường của mình. Vì thế, đã có những nhận định lệch lạc, đi ngược lại với giáo lý của đức Phật, con người tìm đến cửa Phật không phải là đi tìm chân lý giác ngộ để “diệt dục”, mà ngược lại đi tìm sự giúp đỡ để “dưỡng dục”.
Với tôn chỉ “nối truyền Thích Ca chánh pháp”, Bồ tát trong giáo lý của hệ phái Khất Sĩ vẫn giữ ý nghĩa nguyên thủy, Khất Sĩ Bồ tát là bậc thầy có vai trò quan trọng trong sự giáo dục đệ tử và chúng sinh. Khất Sĩ Bồ tát luôn hướng về chư Phật để cầu học tri thức, chính đạo. Sau đó thông qua việc truyền đạo, chia sẻ những điều tốt lành, những kinh nghiệm tu tập để hóa giải phiền não, hướng tất cả chúng sinh đi theo con đường chính nghĩa.
Thầy có vai trò rất quan trọng đối với mỗi con người chúng ta. Cha mẹ cho hình hài còn người thầy cho kiến thức.Không có thầy chỉ dạy, con người mãi mãi u mê, không phân biệt được chính tà, đúng sai lẫn lộn rồi cứ quẩn quanh trong tham sân si không lối thoát.Mỗi con người ai cũng có tính “khất sĩ” tiềm ẩn ở bên trong, nhưng không phải lúc nào cũng sử dụng được nó.
Người ta cần một người thầy trợ duyên để có thể phát huy được bản tính vốn có ấy, cần một tấm gương để noi theo. Khất Sĩ Bồ tát chính là người thầy mà con người đang cần đến, vì "Khất Sĩ Bồ tát cũng như ông thầy giáo dạy học cho bá tánh, chẳng lãnh tiền lương, dù dạy ít dạy nhiều không hề kể công so của, quý nhất là gương hiền đạo đức, gương giới hạnh, gương từ bi đại lượng ở đời."[3]Đối với việc truyền trì Phật pháp thì vai trò của Khất Sĩ Bồ tát là vô cùng quan trọng.Từ đó có thể thấy rõ vai trò và trách nhiệm của cả thầy và trò trong phương diện giáo dục.
Trong cuộc sống, ai cũng có thể là thầy và ai cũng có thể là trò, vì con người sống là sẽ giao lưu với những người xung quanh và cả xã hội. Con người phải trao đổi, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển.Việc học và dạy đôi khi diễn ra trong vô thức, không nằm trong mục đích của từng hành động. Những người có ý thức về việc ảnh hưởng của mình đối với người xung quanh sẽ biết cách tiết chế các hành vi của mình, sao cho chuẩn mực hơn, phù hợp với đạo đức xã hội.
Đặc biệt là những người có ảnh hưởng lớn đến công chúng đám đông thì thường xuyên phải tu tập, chỉnh đốn lại bản thân; vì mỗi hành động của họ sẽ có ít nhiều tác động đối với mọi người. Do vậy, đạo hạnh của Khất Sĩ Bồ tát sẽ là bài học quý giá cho con người học tập và noi theo, để hoàn thiện nhân cách mình cũng như chỉ dạy cho người khác.
3. Kết luận
Bất kể một chính giáo nào đã và đang tồn tại thì đều có ý nghĩa lịch sử gắn với thời điểm ra đời;đồng thời mang mục đích hướng con người đến với chân, thiện, mỹ.Hệ phái Khất Sĩ của Phật giáo Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Với mục đích cứu đời, với tôn chỉ “nối truyền Thích Ca chánh pháp” tổ sư Minh Đăng Quang đã tìm ra con đường để Phật giáo đi vào đời sống của người dân Việt Nam, nhất là ở vùng nam bộ một cách đơn giản, gần gũi và nhanh chóng nhất. Bộ “Chơn Lý” với lời văn súc tích, dễ hiểu đã truyền tải đến người đọc những giáo lý cơ bản của nhà Phật; cách tu tập của các nhà sư tay cầm bình bát đi khất thực, gặp duyên thì thuyết pháp giáo hóa chúng sinh… đã khiến hệ phái Khất Sĩ tuy mới ra đời chưa được bao lâu nhưng đã phát triển mạnh mẽ và có một vị trí quan trọng trong lòng người dân Việt Nam.
Đúng như pháp danh của tổ sư Minh Đăng Quang, hệ phái Khất Sĩ như ánh hào quang của ngọn đèn sáng tỏ, đã khai sáng cho con người đi ra khỏi bóng đêm mông muội, lĩnh ngộ tìm đến chân lý giải thoát. Điều đó không chỉ đúng khi đất nước chúng ta còn bị xâm lược, mà đúng ngay cả với thời đại ngày nay và mai sau.
TS. Kiều Thị Vân Anh
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội
Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ
[1]Tỳ-khưu có ba nghĩa: khất sĩ, bố ma, phá ác.Trong đó, bố ma có nghĩa là làm cho ma quân kinh sợ; ma quân ở đây là chỉ bản ngã tham, sân, si, phiền não chướng...Phá ác là dẹp tan các ác pháp như ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy; các bất thiện pháp.
[2]Chơn Lý [3]Chơn Lý