;
Tác phẩm đã được Tỳ kheo Thích Đồng Tâm nhận xét đó là “những câu văn của lòng” với “ bao nhiêu chất liệu tu tập ẩn sau trang giấy”.
Văn phong của tác giả mộc mạc, giản dị nhưng lại chứa đựng một sức mạnh có thể giúp người đọc thay đổi chính mình.
Khi đọc, chúng ta nghiền ngẫm tác phẩm nhưng khi lắng nghe tác phẩm thì từng câu chữ được xướng lên phải tác động đến tâm tư người đọc ngay tức khắc để tạo nên sự thay đổi ngay sau đó. Đó cũng là một thách thức đối với tôi khi thể hiện diễn xướng tác phẩm.
Trước khi thể hiện diễn xướng tác phẩm, tôi luôn đặt mình vào vị trí của một độc giả – nghĩa là phải đọc để cảm nhận sâu sắc về tác phẩm nhằm qua đó vận dụng các kỹ năng về diễn xướng để truyền đạt trọn vẹn tâm tư tình cảm của tác giả đến người nghe. Đó là một cách đọc tích cực như Hồng Bối chia sẻ: “Khi đọc, xin bạn đừng vội đọc hết, mỗi ngày nên đọc một bài trong lúc thư thái nhất. Từng con chữ sẽ nuôi dưỡng và tưới mát tâm hồn bạn, giúp tình thương vượt ra khỏi ranh giới cái tôi hữu hạn”. Nghĩa là nếu đọc nhanh, đọc lướt cho đến hết tác phẩm, chúng ta sẽ bỏ qua, bỏ sót, hoặc không hiểu hết được cái ý nghĩa chất liệu tu tập mà tác giả gởi gắm trong đó, và như vậy là chúng ta đã đánh mất đi những cơ hội mà tác giả mong muốn trao đến tay chúng ta đế vượt thoát cái tôi hữu hạn, trở nên một con người mới,mạnh mẽ, tự tin trong cuộc sống.
Trọn tác phẩm với 48 bài viết: 13 bài về mẹ, 14 bài về tu tập, 4 bài về quê hương, 18 bài về các cảm nhận nhưng chan hòa trong các tác phẩm, theo nhận định của Hồng Bối: “ chứa chan, đượm nhuần ngôn ngữ chia sẻ về tình đạo, tình đời, tình thương hay tình yêu giúp bạn tiếp xúc, chiêm nghiệm, trân quý sự sống sâu hơn từng ngày, từng giờ.”
Về văn phong của tác giả, Tỳ kheo Thích Đồng Tâm có nhận xét: tác phẩm có dáng hình riêng, phong vị riêng, thuần khiết và tươi mát. Đọc tác phẩm có thể thấy qua câu chữ giản dị nhưng lại là tiếng nói từ trái tim, là hơi thở của tác giả và cũng là của chúng ta.
Tác giả viết về mẹ với giọng văn tha thiết nhưng không bi lụy, sầu khổ, đau thương mà từ đó rút ra bài học về vô thường, về đạo làm con. Qua bài Trăng về đất mẹ, tác giả mượn ánh trăng để nói lên nỗi lòng thương nhớ mẹ đã khuất xa, nhưng ở đây tác giả hiểu được nổi vất vả của mẹ và luôn cố gắng mang lại cho mẹ niềm hạnh phúc bình yên, đơn sơ mà người mẹ nào cũng mong muốn, đó đơn giản chỉ là “mỗi lần về thăm mẹ thì ngồi chơi với mẹ, dùng cơm với mẹ, đưa mẹ cùng đi ngắm cảnh, mua tặng mẹ những món quà đơn giản”.
Các tác phẩm tu tập được viết dưới những tiêu đề làm cho người đọc phải chú ý đến, phải suy nghĩ: Bài viết có tựa Dấu chân địa đàng mang chút hơi hướm bài nhạc của Trịnh Công Sơn với một đoạn trích ngắn ca khúc Dấu chân địa đàng của nhạc sĩ, qua đó nói lên cả một thế giới tâm đầy biến động và tác giả khuyên chúng ta nên tu tập sống trong chánh niệm. Hay bài Soi sáng vị tình yêu, một đề tài thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ, tác giả đã nói đến hai mặt của tình yêu đôi lứa, một tình yêu ích kỷ nhất nhưng cũng cao thượng nhất của con người. Với giọng văn giản dị nhưng súc tích, mạch lạc, tác giả nhắc nhở: “Phật dạy chúng ta yêu cần có thái độ tôn trọng” đó là: một tình yêu cao thượng không chiểm hữu”và đó mới chính là vị tình yêu, soi sáng cho cuộc sống lứa đôi mà con người phải hướng tới.
Các bài về cảm nhận đi sát với hiện thực cuộc sống như bài Tâm hiếu hạnh của Wanbi Tuấn Anh, tác giả cảm xúc trước sự ra đi của ca sĩ Wanbi Tuấn Anh cũng là một Phật tử với pháp danh Minh Tú và nhất là lá thư mà anh để lại : “sau những ngày phải đối diện với sự thật , anh cũng dành thời khắc phút giây ngắn ngủi còn lại của bản thân để nghĩ đến cha, nghĩ đến mẹ và cả những công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ”. Và tác giả kết luận “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.
Với các bài về quê hương, tác giả nhắc đến các khung cảnh với sức sống tiềm tàng qua những danh lam, địa điểm gắn bó với cuộc sống con người. Trong bài Mùa trút lá, tác giả nhìn ngắm hoa Hoàng hậu vàng nơi sân thiền viện mà nhớ nhiều đến cảnh chợ quê xưa với cụ giả, lũ trẻ, với ngày giỗ gia đình, nhớ núi rừng Damb’ri những ngày xa quê, nhớ thuở ấu thơ lấm láp bùn đen, nhớ mẹ tảo tần.
Tác giả như trút lòng mình vào tác phẩm thể hiện nó như bày tỏ chân thật bằng tất cả tấm lòng mình. Điều này đỏi hỏi tôi một lần nữa lại phải suy tư, trăn trở tìm ngữ điệu thích hợp để tái hiện trong tâm trí người nghe toàn bộ tâm tư, cảm xúc chân thật, đơn sơ, giản dị của tác giả. Đó phải là một giọng đọc khoan thai, nhẹ nhàng thể hiện phong cách viết đơn sơ, mộc mạc của tác giả, nhưng phải mạch lạc: các ngữ đoạn, các từ, các âm phải được xướng lên chính xác nêu lên được những biện luận của tác giả giúp người nghe từ đó nhận ra được những chất liệu tu tập ẩn chứa sau những: Dấu chân địa đàng, Đọt chuối non, Gỗ trôi trên sông,vv.
Tiết tấu diễn xướng nhanh một chút thì sẽ không đọng lại trong người nghe những điều ẩn tàng trong bài viết, trong câu chữ mộc mạc của tác giả, như vậy làm cho tác phẩm trở nên tầm thường, mất ý nghĩa. Đọc chậm một chút làm cho tác phẩm trở nên buồn bã làm mất đi cái ý nghĩa sức sống mãnh liệt trong những cảm xúc của tác giả: từ thực tế cuộc sống chân thật tác giả luôn tìm ra những bài học tu tập và khuyên chúng ta hãy chú ý đến, tìm ra và thực hành áp dụng vào cuộc sống. Đọc căng giọng một chút cũng làm cho giọng điệu toàn bộ tác phẩm trở nên gay gắt, căng thẳng, mang tính ép buộc sẽ làm mất đi phong vị tươi mát và thuần khiết trong cách viết của tác giả, vốn đượm nhuần những chia sẻ về tình đạo, tình đời. Và như thế nên sau mỗi lần ghi âm một bài viết của tác giả là mỗi lần tôi phải nghe lại đặt tâm trạng mình vào tâm trạng của thính giả để rồi không vừa ý lại xóa đi tất cả và ghi âm lại. Và như thế tác phẩm Tìm người trong hơi thở đã được ghi âm lại đến lần thứ ba thì tôi mới thật sự tìm ra ngữ điệu phù hợp để thể hiện tác phẩm.
Bạn Nguyễn Thị Kim Thoa, sinh viên khoa Ngữ văn trường ĐHKHXH-NV, ở Long An khi nghe bài Tâm hiếu hạnh của Wanbi Tuấn Anh đã chia sẻ: “Bài này hôm qua con đã nghe...từng câu nói ( ngấm) đến tận sâu thẳm tâm hồn”.
Bạn Trần Anh Thư, Phát thanh viên Đài PT-TH Cần Thơ có cảm nhận khi nghe audio bài Về quê hương của đức Phật: “Giọng đọc cô truyền cảm, nhẹ nhàng “ như không” vậy”.
Bạn Nguyễn Chúc Loan, công tác tại Đài truyền thanh Tân Hiệp, Kiên Giang khi nghe bài Một cõi đi về đã thốt lên: “Bài này hay quá cô ơi”. Bạn Nguyễn Hồ Ngân Bình thì xin được thực tập đọc các bài của thầy Pháp Bảo.
Tác phẩm Tìm người trong hơi thở sau khi thể hiện audio đã nhận được những chia sẻ cảm xúc của người nghe là nhờ tấm lòng trải trong câu chữ của thầy Thích Pháp Bảo đã tác động sâu xa đến tâm hồn mọi người. Tác phẩm bằng văn bản được bạn đọc nhiệt tình hưởng ứng và tác phẩm chuyển sang audio cũng sẽ nhận được sự hưởng ứng như vậy đáp lại mong muốn của thầy là giúp mọi người vận dụng kiến thức tu tập vào cuộc sống, một việc rất cần thiết và gắn bó như chính hơi thở của mình.
BTV HTV Xuân Mai
(PD:Diệu Chiếu)