;
Dựng tượng tôn giáo trong khuôn viên tư gia phải xin phép?
Hiện trạng việc dựng tượng tôn giáo lâu nay thế nào?
Lâu nay việc dựng tượng tôn giáo được các địa phương mỗi nơi áp dụng một kiểu. Đa phần ở các đô thị hoặc thành phố lớn, việc dựng tượng ở tư gia là tương đối dễ dàng. Chúng tôi khảo sát một số tư gia có tôn trí tượng Phật hoặc Bồ-tát tại sân thượng đối với nhà phố, thì phần lớn các gia chủ đều cho biết đó là quyền tự do tín ngưỡng bình thường, được pháp luật bảo hộ nên không có xin phép gì cả.
“Khi gia đình chúng tôi xây ngôi nhà này cũng đã có ý định đặt một bức tượng Bồ-tát như nhà của cha mẹ chúng tôi ở quận 11. Nhiều người nói nên xin phép phường để được sự đồng ý, chứ nếu họ không đồng ý thì mình dựng lên họ sẽ bắt tháo dỡ. Tôi cũng có liên hệ cán bộ phụ trách đô thị để hỏi ý kiến. Họ cho biết không cần xin phép. Chỉ cần đừng dựng lấn chiếm không gian công cộng hoặc gây nguy hiểm cho mọi người…”, chị Nguyễn Thị Tuyết (Q.5) cho biết.
Thế nhưng trường hợp của anh Hà Văn T. ở quận 1 thì lại ngược lại. Anh cho biết việc dựng tượng ở chỗ anh khó khăn vì chính quyền phường không cho phép. Anh muốn dựng tượng trên tầng 4 của ngôi nhà mình ở. Vì biết được nhà cùng khu phố khi xin phép, chính quyền không đồng ý nên không có cách nào dựng được. “Lấy kinh nghiệm từ người hàng xóm đi trước, tôi không hỏi ý kiến xin phép mà đem tượng về tôn trí ở tầng trên cùng. Tượng chúng tôi dựng cũng nhỏ, chỉ 1,2 mét và dựng lùi sau về phía trong nhà, chứ không dựng sát lan-can tầng thượng như những ngôi nhà khác…”, anh T. chia sẻ. Anh T. cho biết thêm là đã hơn 5 năm nay chưa thấy ai có ý kiến ‘hỏi thăm’ cả. Theo anh, có lẽ pho tượng nhỏ và vị trí nằm lùi sâu trong nhà của tầng thượng nên từ dưới đất cũng khó thấy, nên không ảnh hưởng đến ai.
Trở lại việc dựng tượng tại nhà của một Phật tử ở huyện Long Thành (Đồng Nai) mà chúng tôi đề cập đến trong số báo trước. Vị Phật tử này cho biết, bức tượng Bồ-tát Quán Thế Âm đã được gia đình anh dựng từ rất lâu trong khuôn viên vườn trước nhà. Từ ngày dựng tượng trải qua gần chục năm không có vấn đề gì từ chính quyền cả. Bỗng một ngày chính quyền xã xuống nhà yêu cầu anh tháo dỡ tôn tượng. Ban đầu họ không cho anh biết lý do, chỉ nói tư gia không được phép dựng tượng tôn giáo. Anh đã đề nghị chính quyền xã cung cấp văn bản pháp luật quy định việc cấm này. Nhưng chính quyền xã không cung cấp được, do đó anh không đồng ý tháo dỡ bức tượng. Anh cam kết nếu có văn bản cấm dựng tượng anh sẽ tự nguyện tháo dỡ.
Sự việc kéo dài một thời gian thì anh được biết lý do chính quyền xã yêu cầu anh tháo dỡ. Đó là vì gần nhà anh cũng có một người dựng tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, nhưng người này lại thực hiện những hành vi được cho là mê tín dị đoan; chính quyền xã đã yêu cầu chấm dứt việc này nhưng không được, buộc lòng họ phải yêu cầu tháo dỡ tượng. Và việc tháo dỡ tượng “phải công bằng”, tháo dỡ thì ai cũng phải tháo dỡ tượng. “Khi biết được nguyên nhân, tôi càng không thể chấp nhận việc chính quyền dựa vào lý do đó để buộc tôi tháo dỡ tượng. Vì tôi dựng tượng Bồ-tát từ rất lâu rồi và cũng không làm gì mê tín dị đoan. Nên đánh đồng cùng lý do để tháo dỡ tượng thì tôi không đồng ý”, người Phật tử này cho biết. Anh khẳng định với chính quyền xã rằng việc tháo dỡ tượng của người kia do mê tín dị đoan là việc làm của chính quyền. Còn với gia đình anh, anh nhất quyết đòi cung cấp văn bản cấm. Nếu không cung cấp được văn bản cấm thì “bất khả xâm phạm tài sản và niềm tin tôn giáo của gia đình tôi”, anh khẳng định.
Những sự việc tương tự như vậy xảy ra ở rất nhiều nơi trên cả nước. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng nhận được những thông tin về việc cấm dựng tượng ở nơi này nơi kia. Có trường hợp địa phương ở một tỉnh miền Tây, việc dựng tượng chính quyền không cấm; nhưng nếu chở (di chuyển) tượng đi ngoài đường mà không có giấy phép thì sẽ bị giữ lại. Khi chúng tôi trao đổi với một vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội tại địa phương này, vị này cho biết từ lâu nay chính quyền địa phương không cấm người dân dựng tượng tại tư gia, dù trong vườn nhà hay trên sân thượng. Tuy nhiên nếu di chuyển tượng đi từ điểm này sang điểm khác thì phải báo cho chính quyền nhằm rà soát trường hợp mất cắp… tượng. Và cũng để chính quyền biết tượng dựng ở đâu, tránh tình trạng lợi dụng để mê tín dị đoan.
Chúng tôi có hỏi thăm một người đang công tác tôn giáo tại Đồng Nai. Anh cho biết tại địa phương, đặc biệt ở một số khu vực có đông người dân theo Thiên Chúa giáo, đa số người dân đều dựng tượng tín ngưỡng của họ trong nhà. Ở những nơi này, người dân hầu hết đều dựng tượng tự phát chứ không hề xin phép chính quyền. Vì không muốn phiền phức, gây xung đột giữa chính quyền và người dân thành ra chính quyền cũng không “khó khăn” ở vấn đề này. Chính vì thế, trong buổi hội thảo về góp ý xây dựng thông tư thay thế Thông tư 18/2013/TT-BVHTTDL, đại diện Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch nên tham khảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Vì theo vị đại diện này, ở những tỉnh có đông đồng bào theo các tôn giáo tập trung như Phật giáo, Thiên Chúa giáo… thì vấn đề tượng tín ngưỡng tâm linh là một vấn đề hết sức “nhạy cảm”. Do đó, thông tư mới cần nghiên cứu kỹ vấn đề này, tránh gây phản ứng từ phía người dân có tín ngưỡng muốn thể hiện niềm tin tôn giáo thông qua việc dựng tượng tại nhà.
Quản lý không có nghĩa là đánh đồng hay áp đặt
Như chúng tôi đã nói trong số báo trước, việc ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ VH-TT&DL, phát biểu: “Tượng tôn giáo vẫn là tượng đài, nên được điều chỉnh bởi Nghị định 113 về quy chế tượng đài…”; theo chúng tôi, đó là sự áp đặt khiên cưỡng.
“Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đang xây dựng Đề cương quy hoạch phát triển ngành văn hóa TP.HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, về lĩnh vực tượng và tượng đài chưa được phê duyệt”. Ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP.HCM.
|
Chúng tôi đã liên hệ với Sở Văn hóa-Thể thao TP.HCM để trao đổi và mong được sự giải thích từ cơ quan chức năng về các vấn đề liên quan nhằm định nghĩa thế nào là “tượng đài” và “tượng tôn giáo”. Theo đó, trong nội dung trả lời bằng văn bản ngày 28-11 vừa qua gửi cho Báo Giác Ngộ, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở cũng chỉ trả lời một cách chung chung như chúng tôi đã dẫn các điều khoản luật ở số báo trước. (1) “Căn cứ Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, Chương 1, Điều 3 giải thích từ ngữ, khoản 3. “Tượng đài, tranh hoành tráng là tác phẩm mỹ thuật có chất liệu bền vững, kích thước lớn, có tính biểu tượng cao, đặt cố định nơi công cộng”. (2) Căn cứ Điều 2, khoản 2, Thông tư số 18/2013/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch quy định: “Tượng đài, tranh hoành tráng bao gồm: tượng đài (bao gồm cả tượng tôn giáo được xây dựng ở ngoài trời, nơi công cộng)…”.
Như vậy, có thể nói, cấp quản lý địa phương cũng có sự lúng túng trong việc phân định tượng tôn giáo tại nhà ở của người dân. Và hiện nay Sở cũng cho biết lĩnh vực “tượng và tượng đài” trong đề án quy hoạch phát triển ngành văn hóa TP.HCM vẫn chưa được phê duyệt.
Như đã phản ánh, việc đưa “tượng tôn giáo” vào nhóm “tượng đài” không có gì là sai. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ “hiểu” đúng văn bản pháp quy: “đặt cố định nơi công cộng” (Nghị định 113) và “được xây dựng ở ngoài trời, nơi công cộng” (Thông tư 18/2013). Việc đánh đồng các ngôi nhà tư nhân có khoảng sân vườn, người dân dựng tượng tôn giáo tại khu vực vườn ngoài trời ấy thì bị áp đặt là “ở ngoài trời” theo quy định của Thông tư 18/2013. Mặt khác, tượng đặt ở vườn nhà hay trên tầng cao của tòa nhà tư nhân “mà có tường bao kín chung quanh, nghĩa là không có sự tác động đến không gian công cộng thì không can thiệp được”, còn ngược lại nếu không có tường bao kín, người đi đường có thể nhìn thấy được, tức là có sự tác động (người khác nhìn thấy tượng) thì đó biến thành tượng nơi công cộng.
Có ý kiến cho rằng đây là một sự áp đặt khiên cưỡng nếu không muốn nói là tùy tiện. Không thể coi không gian riêng của tư gia khi mà người dân dựng tượng vì niềm tin tôn giáo hay những tác phẩm mỹ thuật khiến người khác có thể nhìn thấy thì mặc định không gian riêng ấy trở thành không gian công cộng. Lối giải thích này của ông Vi Kiến Thành không thể là một sự giải thích thuyết phục.
Việc quy hoạch và đưa vào quản lý ở các lĩnh vực, trong đó có văn hóa là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, không nên tùy tiện đánh đồng giữa các khái niệm và hình thức. Việc bài trí các tôn tượng trong khuôn viên tư gia là biểu hiện niềm tin tôn giáo của những người có tín ngưỡng. Những bức tượng ấy không phải dựng lên với mục đích “đặt nơi công cộng”, cho mọi người chiêm ngưỡng với “tính biểu tượng cao” của hình thức tượng đài mà chúng ta vẫn thấy ở các trục lộ giao thông hay công viên tượng đài . Vì thế, dù người dân có đặt tượng trong khuôn viên vườn nhà hay trên sân thượng cao ốc, cũng không thể áp đặt đó là không gian công cộng và được coi là… “tác động đến không gian công cộng”.
Tín ngưỡng, tôn giáo và quyền bày tỏ tín ngưỡng của người dân đã được quy định trong Hiến pháp cũng như trong các văn bản pháp lệnh đã được ban hành, trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sắp có hiệu lực vào đầu năm 2018, thiết nghĩ cần có những định nghĩa rõ và thông tư hướng dẫn một cách thống nhất, tránh tình trạng nơi cho, nơi cấm một cách tùy tiện, gây nên những ngộ nhận không đáng có trong dư luận về công tác quản lý tôn giáo ở nước ta hiện nay.
Pháp Đăng - Giao Hảo
Nguồn: http://giacngo.vn/thoisu/sukienvande/2017/12/24/5366D2/