;
Chúng ta có cơ hội hành trì, tu học trong các buổi lễ từ hình thức: ăn mặc, đi đứng, nói năng,sắp xếp cho đến nội dung: kinh sách, tán tụng,hầu đạt được trang nghiêm,thanh tịnh, giới luật và an lạc.
Về phần độ tha, như chúng ta đã biết ngày xưa đức Phật đã dạy ngài Mục Kiền Liên nhờ cọng lực của chư Tăng mới mong cứu độ được mẹ. Ngày nay chúng ta dù không có được thần lực mạnh như chư thánh tăng, nhưng thiết tưởng với nguyện lực phàm phu tha thiết chắc hẳn cũng phần nào ảnh hưởng tốt đối với kẻ cầu Tuy nhiên muốn có kết quả mỹ mãn chúng ta phải rõ từng sự việc, để chuẩn bị hộ niệm chính xác đứng đắng
I) Cầu an: Mục đích là sám hối tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng, hầu tránh mọi bệnh hoạn, tai họa và nghiệp báo, để được thân tâm an lạc, phước hụê trang nghiêm, đạo tâm kiên cố, Bồ đề tăng trưởng.
Các trường hợp cầu an: Khánh thành, an vị-Ðăng khoa, thi cử-Thành hôn, vu quy, nhất là trường hợp đau ốm,tai họa do nguyên nhân tội lỗi gây ra.v.v...
Lúc bấy giờ ta vận dụng hết lòng thành, tắm gội thân tâm, tập trung tất cả điện lực cầu nguyện bằng cách: Tụng kinh, niệm Phật, trì chú, bái sám hồng danh.v.v...đối trước Tam bảo. Chính nhờ sức mạnh của tinh thần cầu nguyện này, mà giao cảm đến chư Phật, Bồ tát sẽ phóng quang đến gia hộ cho chúng ta sơm đạt được như ý và hợp chánh đạo. Vì rằng Phật thương chúng sanh như mẹ thương con; chúng sanh nhớ Phật như con nhớ mẹ. Vậy mỗi lúc cầu nguyện chúng ta cần phải thành khẩn và đầy đủ đức tin, mới có sự cảm ứng gia hộ của chư Phật và Bồ tát.
II) Sắp lâm chung: Lúc một người bệnh hoặc già yếu, sau khi tụng kinh, bái sám mà bệnh nhân quá yếu,thầy thuốc tận tình cứu chữa, cho biết sắp lâm chung.
Những người hộ niệm:--
1) Thân nhân bà con nên giữ thaí độ bình tĩnh:
tụng kinh A Di Ðà và niệm Nam mô tiềp dẫn đạo sư A Di Ðà Phật.
*Không nên dùng thuốc trợ sinh kéo dài thời gian tắt thở làm cho Thân Trung Ấm bối rối không định tỉnh. Thể xác đau đớn, khó khăn trong việc siêu thoát.
*Khi nghe không còn cứu chữa được nữa, thường bỏ mặc kẻ sắp lâm chung nằm một mình, đi lo việc ma chay mai táng,đó là điều rất cấm kỵ. Vì bây giờ thần thức kẻ lâm chung tuy rất sáng suốt,nhưng bơ vơ, sợ sệt. Thân nhân phải có mặt bên cạnh để niệm Phật, khuyên răng, chỉ bảo lối đi cho thần thức. Cố tránh gây sân hận, là một điều dễ làm cho hương linh bị sa đọa.
2) Ðạo hữu, bằng hữu nên thành tâm niệm Phật, tụng kinh A Di Ðà. Lưu ý nếu kẻ lâm chung là đàn ông, người hộ niệm đứng phía dưới chân. Nếu kẻ lâm chung là đàn bà, người hộ niệm đứng phía trên đầu.
Khi kẻ lâm chung thở ra , đồng thanh niệm:
Nguyện sanh tây phương tịnh độ trung,
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu.
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh,
Bất thối Bồ tát vi bạn lữ.
Khuyên bảo gia quyến không nên bịn rịn, khóc lóc. Nên để tâm niệm Phật tiếp dẫn là tốt hơn hết. Ðể kẻ lâm chung không vì tình thương tham đắm cảnh thế gian, chướng ngại cho việc vãng sanh
Khi tắt thở đến lúc nhập liệm tối thiểu là bốn tiếng đồng hồ,mới được đụng vào thân thể,tốt hơn cả nên để hai mươi bốn tiếng. Vì nghiệp thức khi chưa hoàn toàn bỏ thân xác, cảm thọ sự đau đớn sinh ra sân hận phải đọa vào ác đạo
3) Một vị thầy:Tốt hơn hết là nên mời một vị thầy để trợ niệm tiếp dẫn và vận chưởng giúp đỡ siêu thăng
*Cách vận chưởng, Tây Tạng gọi là Phowa
Sau khi hơi thở đã tắt, nhưng thân thể chưa toàn lạnh hẳn, thì cần đến gần bên trái người chết mà gọi tên, niệm Phật vãng sanh, đánh chuông và khánh không ngơi. Ðến khi toàn thân đều lạnh chỉ còn nóng ở đầu và trán: chắc người đã được sanh về tây phương. Chỉ cần niệm Phật và đánh khánh, chuông cho đến hết hơi ấm.
Nếu hơi ấm dồn vào chân: sa vào địa ngục.
- đầu gối: sinh vào súc sanh.
- bụng: đọa vào ngạ quỷ.
- ngực: chuyển sanh vào nhân đạo.
- chân mày: sinh lên cõi trời.
Chỗ còn hơi ấm cho biết nghiệp thức của kẻ chết còn ở chỗ đương ấm, nên mời một vị thầy,dùng phương pháp chuyển vận giúp cho nghiệp thức chuyển lên đến đỉnh môn. Trường hợp không tìm đâu ra được một vị thầy, thì bất cứ ai, thân nhân hoặc bằng hữu, thành tâm đem hết tâm lực chuyển vận theo phương pháp như sau: Dùng hai bàn tay,ngang nhau, úp trên chỗ ấm , cách da người chết độ nửa tấc tây (50 phân).
Hai tay xoay chuyển lên trán
Mắt châm chú vào tay thầm tưởng nghiệp thức kẻ chết phải theo tay mà trở lên
Miệng niệm : Nam mô đại từ đại bi A Di Ðà Phật
Xin ngài đến tiếp dẫn vong linh tên . . . . sẽ từ trên đỉnh môn mà ra, sinh về thế giới cực lạc phương tây, quyết định vãng sanh.
Như vậy đồng một lúc cả ba yếu tố: tinh thần châm chú, tay vận, miệng niệm. Nếu mỏi mệt,thay người khác luân phiên, có khi suốt cả ngày, không nên nghỉ nữa chừng. Phải làm đến lúc còn lưu lại một chút hơi ấm trên đỉnh đầu mới thôi.Như thế nghiệp thức của người chết được gặp Phật và vãng sanh. Người chú nguyện phải là một vị thầy nghiêm minh giới luật, hoặc mời được người tu niệm Phật lâu sẳn lòng từ bi thì tốt hơn cả.
III) Cầu siêu: Mục đích là sám hối tội lỗi cho người quá vãng, hầu chuyển nghiệp nhân xấu ác của người, khiến họ xa lìa quả báo đau khổ , rời khỏi cảnh giới tối tâm đọa đầy. Cầu cho thần thức người được nhẹ nhàng, thảnh thơi, siêu sanh về nơi thế giới tịnh lạc, chóng thoát luân hồi.
Vậy cầu siêu là cầu cho người sau khi lâm chung; thời gian 49 ngày là quan trọng hơn cả, theo lý thuyết Phật giáo khi chết tứ đại tan rã, thần thức (thân trung ấm) chuyển từ kiếp này sang kiếp khác theo nghiệp cảm đã tạo tác. Muốn được ra khỏi vòng luân chuyển, tâm linh của người sống phải ứng hợp với thần thức của người chết để tạo ra một năng lực gọi là” tự tha hổ tương” mới mong siêu thoát đến chốn an vui. Muốn đạt được mục đích này,điều tiên quyết là sự thành tâm và thanh tịnh của quí vị hộ niệm “cầu độ” mới có thể cảm ứng vơí linh giác của người “được độ”. Theo Việt nam các ngày về sau như : bách nhật, tiểu tường, đại tường, húy kỵ vẫn tiếp tục cầu siêu với sự ước mong giải thoát. Gia quyến cần đặt vấn đề cầu nguyện và hiếu sự lên trên, nên tránh việc sát hại sanh linh, hoặc việc làm có tánh cách gây tội lỗi. Cần nhất là người cầu nguyện phải trai giới thanh tịnh, vận hết lòng thành tập trung vào việc tụng kinh, niệm Phật, sám hối để cầu nguyện. Thân nhân của người quá vãng cần làm thêm những việc từ thiện: phóng sanh, bố thí, cúng dường, ấn tống kinh điển.v.v. . .
Trong kinh Phật dạy: Tụng niệm và làm các việc phước thiện đem công đức ấy hồi hướng cho hương linh, cũng như gởi lương hướng cho người đi xa vậy. Người đã siêu rồi mau được Phật thọ ký; Người ở các cõi trên mau lên các địa vị cao hơn, hào quang càng sáng tỏ. Người đang sa đọa vào ba đường ác thì cũng nhờ các công đức ấy mà siêu sanh tịnh độ hay thoát khổ lên cõi trời, cõi người.v.v. .
Ðó là ý nghĩa cầu siêu và việc làm của người còn đối với kẻ mất vậy.