;
Theo tỉnh lộ 9, từ thành phố Hà Tĩnh xuống khoảng 5 km, ngay bên chân cầu Hộ Độ, về phía tay trái, lộ vẻ một ngôi chùa khá mới. Lướt mắt nhìn toàn cảnh, ngôi chùa có một sức hút kỳ lạ: Trang nghiêm nhưng hài hòa. Một bầu không khí ... dường như đang diễn ra sự giao hòa giữa trời đất, vạn vật.
Điện Tam Bảo
Có lẽ, từ khi có ngôi chùa, con sông Hộ Độ cũng trở nên linh thiêng và huyền bí hơn. Sông chạy vắt ngang trước mặt, làm minh đường (theo kiến trúc phong thủy) cho nhà chùa và hơn thế nữa nó còn như một chiếc bút “vẽ” cho ngôi chùa một bức tranh hữu tình; tôn lên cho chùa nét trầm mặc và tinh khiết. Thêm vào đó, kiến trúc vườn chùa cũng khiến người đến lễ chùa không thể không vãn cảnh. Vườn Phật xinh xắn; thư phòng thanh tao… tất cả đều như những bức tranh tâm linh tuyệt đẹp.
Trở lại lịch sử ngôi chùa, theo các cụ cao niên trong làng kể lại, chùa Hổ Độ được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17. Lúc bấy giờ, đạo Phật trong cả nước rất hưng thịnh. Một hôm, có một nhà buôn Trung Quốc đi qua khu vực này, nhìn thấy vùng đất có long mạch và phong thủy linh thiêng, có thể phù hộ cho việc làm ăn và che chắn thiên tai lũ lụt. Vì vậy, người lái buôn đã thuê phu đắp thành đồi cao và xây chùa, đặt tên là chùa Kẻ Bùn.
Con sông Hạ Hoàng (Hộ Độ) bấy giờ lạch chảy về phía Nam hai xóm Giá và xóm Hà (xóm Nam Hà ngày nay). Khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, có một con hổ từ núi Hồng lĩnh chạy về phía sông Hạ Hoàng rồi dừng lại gần chùa. Từ đó, người ta đổi tên ngôi chùa thành Hổ Độ Tự.
Chùa Hộ Độ tuy nhỏ nhưng thờ đủ 3 ngôi Tam bảo; có 12 bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A di đà và 18 vị Bồ tát được làm bằng gỗ mít. Ngôi chùa rất linh thiêng. Hàng năm, đạo hữu và nhân dân thường đến chùa cúng dưỡng Tam bảo. Đặc biệt, vào những ngày sóc vọng, ngày Phật Đản (15/4) và lễ Vu Lan (rằm tháng 7), trên sông được thả đèn hoa đăng như ngày hội hoa biểu kéo dài từ chùa ra đến đền Lê Khôi và lên đến miếu Miệu Rỏi (thị trấn Cày). Năm 1903, do ảnh hưởng từ thiên nhiên, dòng chảy sông Hạ Hoàng biến đổi nên đã làm cho ngôi chùa sập xuống đáy dòng sông. Tại nơi ngôi chùa bị sập xuống, nhân dân gọi là vũng chùa, sâu 9m. Theo người dân trong vùng kể lại, họ đã chứng kiến nhiều lần, có 2 con cá he vào khu vực này phun nước lên như rồng, lượn một vòng xung quanh vũng chùa và quay ra biển.
Lối vào Tự Viện
Kể từ đó, hầu hết thuyền, bè đi qua khu vực vũng chùa đều dừng lại thắp hương, khấn bái, nhất là các thuyền đánh bắt hải sản. Và sự linh thiêng về ngôi chùa được người dân lưu giữ và truyền tụng. Tuy nhiên, mãi đến năm 1935, các đạo hữu và nhân dân trong vùng mới khôi phục lại được ngôi chùa. Chùa được lập lại ở trung tâm xóm Vĩnh Phú (xóm gần chùa) với diện tích đất 326 m2, trong đó diện tích xây chùa 35 m2. Chùa là nơi tâm linh nhưng cũng là nơi cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Đặc biệt, trước cách mạng tháng 8, các đồng chí Phạm Miên, Nguyễn Khoan, Nguyễn Liêu, Nguyễn Tính đã mượn chùa làm địa điểm bàn bạc lập kế hoạch vận động nhân dân xã Nam Vĩnh, tổng Vĩnh Luật (tức xã Hộ Độ ngày nay) biểu tình tham gia cướp chính quyền tại thị xã Hà Tĩnh.
Trong chiến tranh chống Mỹ, vì gần cảng nên chùa nằm trong vùng đánh trọng điểm của địch. Tuy vậy, chùa vẫn tồn tại và trở thành địa điểm cất dấu vũ khí và lương thực cho bộ đội qua sông để tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Năm 2007, 2008, UBND huyện Lộc Hà và UBND tỉnh cho phép tái thiết lại chùa ở vị trí xóm Vĩnh Phú. Tuy nhiên, do diện tích quá hẹp, không gian lại không yên tĩnh nên bà con đạo hữu và chính quyền địa phương đã chọn một địa điểm mới để tái thiết. Địa điểm này hội tụ đủ nhiều yếu tố: Có cảnh sông nước hữu tình, yên tĩnh; có long mạch đi qua; gần với vũng chùa…
Được sự tài trợ của các “mạnh thường quân” là con em địa phương và các đạo hữu, chùa Hổ Độ bước đầu đã được tái thiết. Chùa đã xây điện Tam Bảo để thờ cúng; đã “rước” được bức tượng cổ phật Thích ca mâu ni bằng gỗ do nhân dân xóm Nam Hà phát hiện khi làm đê 4617 về chùa. Mặc dù chưa hoàn thiện tổng thể qui hoạch nhưng ngôi chùa đã trở thành một địa chỉ tâm linh, là nơi gửi gắm niềm tin của người dân trong vùng và các vùng lân cận. Đặc biệt, với sự có mặt của sư Thích Hạnh Minh, nhà chùa đã mang đến cho người dân trong vùng một luồng văn hóa mới: Hướng thiện và bằng an! Trong ma chay, hầu hết các đám đều được thầy chùa hành lễ chu tất theo Phật giáo. Nhà chùa cũng đã tổ chức lễ cầu siêu cho tất cả các liệt sỹ trong xã và làm lễ cầu siêu cho liệt sỹ cấp tỉnh; tổ chức làm lễ cưới theo nghi thức Phật giáo cho các đôi trai gái trong vùng . Hoạt động từ thiện cũng được nhà chùa hết sức quan tâm. Chùa đã dành hàng trăm suất quà cho nhân dân bị ảnh hưởng bão lũ, các bệnh nhân nghèo ở lại ăn tết ở bệnh viện; tổ chức mời các bác sỹ về chùa KCB và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo; giúp trẻ mồ côi được đến trường học…
Trong bảng lảng chiều tà, từ bờ sông nhìn về phía ngôi chùa, lác đác vài chú tiểu đang quét lá vườn chùa… một không gian tỉnh mịch, thanh bình đến tinh khiết, tôi chợt nhớ đến câu nói của ông Trương Xuân Lan, nguyên Chủ tịch UBND xã Hộ Độ: Từ khi có ngôi chùa này, lòng dân bằng an hẳn. Người Hộ Độ thường phải đi làm ăn nay đây mai đó, nguy hiểm rình rập nên thường bất an, nhiều lúc lại sinh ra mê tín, hoang mang. Giờ thì… có việc gì người ta cũng tìm đến chùa, đến thầy (sư). Có chùa, người dân trở nên giàu niềm tin; biết tu học sống hướng thiện và đời sống ngày càng an lạc, hạnh phúc hơn.
Biện Nhung - Baohatinh